Danh tính nhà cung cấp 400kg giá đỗ ủ chất cấm mỗi ngày cho Bách Hóa Xanh

Công ty TNHH thương mại Lâm Đạo, đơn vị cung cấp 350-400kg giá đỗ ủ chất cấm mỗi ngày cho chuỗi Bách Hóa Xanh, vừa thành lập đầu năm nay. Công ty này có vốn điều lệ 200 triệu đồng.

Báo Dân trí đưa tin "Danh tính nhà cung cấp 400kg giá đỗ ủ chất cấm mỗi ngày cho Bách Hóa Xanh" với nội dung:

Liên quan vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk vừa kiểm tra 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột, phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ ngâm trong chất cấm 6-Benzylaminopurine, hóa chất kích thích "siêu tốc" giúp sản xuất giá đỗ nhanh và nhiều. Riêng một cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng bán cho cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg giá đỗ/ngày.

Theo thông tin từ Bách Hóa Xanh, cơ sở sản xuất ký hợp đồng bán sản phẩm giá đỗ nhiễm chất nguy hiểm cho chuỗi siêu thị mỗi ngày là Công ty TNHH thương mại Lâm Đạo. Đáng chú ý, công ty này vừa thành lập vào tháng một năm nay, trụ sở tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất giá đỗ, do ông Lâm Văn Đạo (sinh năm 1990) làm chủ sở hữu kiêm chức vụ Giám đốc và người đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 200 triệu đồng.

"Giá đậu xanh Lâm Đạo" là sản phẩm mà công ty này cung cấp cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh. Trên bao bì, dán nhãn mác "vì sức khỏe của mọi người", thậm chí còn có dòng chữ khẳng định "không hóa chất, không chất kích thích, không chất bảo quản".

Sản phẩm nhiễm hóa chất cấm cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày (Ảnh: Uy Nguyễn).

Phía Bách Hóa Xanh cho biết Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo chỉ cung cấp sản phẩm cho chuỗi này tại khu vực Đắk Lắk, chiếm 2% trên tổng sản lượng của toàn chuỗi. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu.

Chuỗi siêu thị nói sau vụ việc xảy ra đã ngưng nhập và thu hồi toàn bộ sản phẩm của nhà cung cấp trên, đồng thời tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm giá của các nhà cung cấp khác để rà soát.

Cơ quan chức năng cho biết ông Lâm Văn Đạo - chủ cơ sở cung ứng trên - cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam cùng 3 bị can khác để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều vụ việc bắt quả tang hàng loạt cơ sở sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất giá đỗ. Chẳng hạn, mới đây, ngày 20/12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã phát hiện cơ sở kinh doanh đóng trên địa bàn sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine mua tại TPHCM, dùng để hòa với nước tưới lên giá, kích thích thân cây phát triển, rồi bán ra thị trường.

Hay hồi tháng 3, Công an thành phố Quảng Ngãi đã phát hiện chủ 2 cơ sở sản xuất giá đỗ tại phường Nghĩa Chánh sử dụng hóa chất bị cấm để sản xuất giá, giúp tăng trưởng nhanh. Với hành vi này, 2 cơ sở sản xuất bị đình chỉ hoạt động 2 tháng, mỗi cơ sở bị xử phạt 40 triệu đồng.

Chất 6-Benzylaminopurine giúp giá đỗ phát triển nhanh, kích thước cây to, mọng nước. Cây giá đỗ được ngâm hóa chất cũng có màu trắng hơn so với sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.

Cơ quan chức năng xác định, hóa chất nói trên không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Hóa chất này tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy, các dị tật bẩm sinh, tổn thương phổi, thậm chí ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

 

Báo Tiền Phong cũng đưa tin "Bách hoá Xanh lên tiếng vụ bán giá đỗ ngậm hoá chất, ăn nhiều có thể tử vong" với nội dung:

Ngày 26/12, đại diện Bách hoá Xanh đã có phản hồi liên quan đến việc siêu thị này phân phối sản phẩm giá đỗ tại Đắk Lắk có chứa hoá chất cấm.

Liên quan đến sản phẩm giá đỗ ở Đắk Lắk của nhà cung cấp Lâm Đạo được bán tại Bách Hóa Xanh, đơn vị này cho biết, ngay khi nhận thông tin, đã lập tức thu hồi.

Đồng thời, Bách hoá Xanh cho ngưng bán toàn bộ hàng hóa của Lâm Đạo, cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.

Sản phẩm của Nhà cung cấp Lâm Đạo được bán tại Bách hoá Xanh

Theo Bách hoá Xanh, Nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp cho khu vực Đắk Lắk với tỉ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ.

Bách hóa Xanh luôn đề cao chất lượng vệ sinh, an toàn sản phẩm. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu: Giấy phép kinh doanh, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm công bố theo tiêu chí QC, các giấy phép liên quan... theo quy định cơ quan Nhà nước.

Bách hoá Xanh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.

 

Một cơ sở Bách hoá Xanh ở Đắk Lắk

Trước đó, như Tiền Phong đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột gồm: 2 cơ sở của Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú xã Ea Tu); 2 cơ sở của Vũ Duy Tư (SN 1991), 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988), cùng trú phường Tân Hoà.

Kết quả, lực lượng công an phát hiện các cơ sở trên sử dụng thêm một loại chất lỏng không màu, được gọi là “kẹo”. Đây là hoạt chất 6 - Benzylaminopurine, một loại chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm. Nếu ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Tuy nhiên, các cơ sở trên thường xuyên dùng chất cấm để làm giá đỗ. Mục đích để hãm phần rễ, tập trung dưỡng chất cho thân giá đỗ to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.

Cơ quan công an đã phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ có sử dụng chất cấm

Thời điểm kiểm tra, lực lượng công an thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã ngâm chất cấm trên. Ngoài ra còn có 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất 6-Benzylaminopurine.

Kết quả điều tra làm rõ, trong năm 2024, nhóm đối tượng trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm chất cấm. Trung bình mỗi ngày khoảng từ 8-10 tấn.

Các đối tượng thường bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, sau đó được vận chuyển về các huyện, thị xã, thành phố để tiêu thụ.

Riêng 1 cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng bán cho Bách hoá Xanh từ 350-400kg giá đỗ mỗi ngày.

Trên bao bì giá đỗ được ngâm hoạt chất độc hại trên đều in các khẩu hiệu như: “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam đối với 4 bị can trên.

Vụ án đang được công an điều tra, mở rộng để xử lý toàn diện.