NSƯT Đức Lưu: Ơn Thị Nở - một vai diễn để đời

Đã hơn ba thập niên trôi qua, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhiều diễn viên mới xuất hiện với những vai diễn đa dạng, thế nhưng có một diễn viên chỉ với một vai diễn lại khiến nhiều thế hệ khán giả nhớ mãi. Đó là nghệ sĩ Đức Lưu, người đảm nhiệm vai Thị Nở trong bộ phim nổi tiếng “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.

Báo An ninh thủ đô ngày 25/02/2019 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: "NSƯT Đức Lưu: Ơn Thị Nở - một vai diễn để đời". Với nội dung như sau: 

NSƯT Đức Lưu: Ơn Thị Nở - một vai diễn để đời ảnh 1
Nhân vật Thị Nở đã làm nên tên tuổi của NSƯT Đức Lưu

Khán giả nhớ mặt, biết tên vì… quá xấu

NSƯT Đức Lưu  sinh năm 1939, ở Tây Đằng, Quảng Oai, Ba Vì, Hà Tây. Bà từng học khoa Diễn viên Đại học Sân khấu Điện ảnh trước khi về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Cũng như nhiều mỹ nhân lớp diễn viên điện ảnh khóa I, nghệ sĩ Đức Lưu khi đó sở hữu một nhan sắc khiến nhiều người mê đắm. Trước khi đóng “Làng Vũ Đại ngày ấy”, nghệ sĩ Đức Lưu tham gia diễn kịch “Đêm tháng bảy” và phim “Cô gái công trường” song không để lại dấu ấn. Phải đến vai Thị Nở, bà mới được người xem nhớ mặt, biết tên. Một trong những yếu tố giúp Thị Nở trở thành vai diễn để đời của NSƯT Đức Lưu chính là tạo hình vô cùng xấu xí của nhân vật. 

Để có một Thị Nở giống như nguyên tác của nhà văn Nam Cao, nghệ sĩ Đức Lưu được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa đến bệnh viện Việt Đức để biến hàm răng trắng bóng thành bộ răng đen. Mũi bà cũng được đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở đầu, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt. Ngày ấy, cả Chí Phèo Bùi Cường và Thị Nở Đức Lưu sau khi được “phẫu thuật thẩm mỹ”, trở về Hãng phim truyện Việt Nam đều không ai nhận ra. 

Thậm chí, khi soi mình trong gương, nghệ sĩ Đức Lưu còn thấy buồn cười. Bà vui vì đã làm cho nhân vật Thị Nở bước ra từ những trang văn của nhà văn Nam Cao và sống mãi đến tận bây giờ. Nhiều người thắc mắc tại sao ngoài đời xinh thế mà hóa trang được thành Thị Nở xấu đến vậy. Đó, tất nhiên là nhờ tài nghệ của người hóa trang và diễn xuất như thật của các diễn viên.

Sau vai diễn, nữ diễn viên đã phải chịu không ít điều tiếng. Nghệ sĩ Đức Lưu kể: “Khi nhận vai, bạn bè bảo tôi xinh đẹp thế sao lại nhận đóng vai “ma chê quỷ hờn” nhưng đấy là họ không hiểu nghệ thuật và không hiểu tôi. Nếu sợ xấu thì đừng bao giờ đi làm diễn viên”. 

Hoàn thành tâm nguyện của chồng

 Dù thế nào, bà cũng cảm ơn cuộc đời đã cho bà một vai diễn khiến nhiều người mơ ước. “Tôi không nuối tiếc vì mình ít có mặt trên phim, bởi diễn viên nào cũng chỉ có một vai xuất sắc khiến khán giả nhớ, kể cả đóng nhiều đến mấy. Cùng lớp tôi, có diễn viên cả đời không được đóng vai nào, có người đóng nhiều mà không ai nhớ. Khi đã ở tuổi hơn 40, tôi may mắn vì nhận được vai Thị Nở khiến mọi người không thể quên. Đó là niềm vui vô bờ của người làm nghệ thuật” - nghệ sĩ Đức Lưu tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, nghệ sĩ Đức Lưu tiếp tục theo học khoa Văn học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi học thêm Triết học để làm công tác đối ngoại tại Thành ủy Hà Nội. Có 3 tấm bằng trong tay song đôi lúc bà vẫn thấy thiếu, tiếc vì mình không học ngoại ngữ. Bà từng có ý định học tiếng Anh lúc tóc đã muối tiêu nhưng chồng bà, GS.TS Trần Hạ Phương khuyên can bởi công việc quá bận rộn, tuổi cũng cao, khó tiếp thu môn học đặc biệt này. Nghệ sĩ Đức Lưu bảo, nếu biết ngoại ngữ, công việc của bà tại trường Quản trị kinh doanh sẽ tốt hơn nhiều. Bà là một trong những người sáng lập ngôi trường ấy và đã làm việc tại đó cho đến khi 70 tuổi.

Từ lúc rời xa màn ảnh, nghệ sĩ Đức Lưu vẫn ao ước được hóa thân vào các vai diễn. Trước khi đạo diễn Đặng Nhật Minh quay phim “Đừng đốt”, bà đã gặp ông, thổ lộ được ứng cử vào vai mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Bà tâm niệm, nếu được mời vào vai diễn này, sẽ cố gắng hết sức để hoàn thiện, coi như đó là vai diễn cuối cùng, nhưng khi phim sắp bấm máy thì chồng bà bị đột quỵ. Từ đó, bà tập trung chăm sóc chồng, một giáo sư, tiến sĩ say mê nghiên cứu khoa học. Một thời gian sau, ông cũng bỏ bà mà đi. Trước khi ra đi, ông có tâm nguyện được vợ thực hiện bộ phim tài liệu về vùng quê Duy Xuyên (Quảng Nam) của mình. Và nghệ sĩ Đức Lưu bằng vốn liếng điện ảnh tích lũy nhiều năm đã hoàn thành ước nguyện của chồng.

Tiếp đến, báo Vietnamnet ngày 29/09/2023 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: 'Thị Nở' Đức Lưu tuổi 84 không thấy mình già, hạnh phúc bên con cháu. Nội dung được đưa như sau:

NSƯT Đức Lưu là khách mời lễ công bố Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất. Ở tuổi 84, nữ nghệ sĩ trông khỏe mạnh, dáng đi nhanh nhẹn, được con dâu tháp tùng suốt sự kiện. 

Dịp này, bà trải lòng với VietNamNet về cuộc sống ở tuổi 84 và nỗi trăn trở với nền điện ảnh Việt trong những năm gần đây.  

Tôi tiếc cho nền điện ảnh lúc này

NSƯT Đức Lưu - nàng Thị Nở trong 'Làng Vũ Đại ngày ấy' vẫn khỏe khoắn, hồng hào. 

- Tham dự buổi công bố LHP quốc tế tại TP.HCM, bà mong đợi điều gì?

Tôi vẫn xem, cập nhật tin tức mỗi ngày qua màn ảnh và Internet. Phim ảnh hiện nay vận động theo nền kinh tế thị trường nên có nhiều điểm khác thời chúng tôi. 

Dù vậy phải thú thật mấy năm qua nền điện ảnh chúng ta sa sút. Tôi đang nói về mặt chất lượng vì với góc nhìn cá nhân, tôi không tìm thấy tác phẩm nào thực sự nổi bật. 

Cách đây không lâu, nhóm 9 nghệ sĩ gồm: tôi, Trà Giang, Nhuệ Giang, Thụy Vân… gặp nhau ở Hồ Tây. Chúng tôi cùng nhắc nhớ kỷ niệm đẹp của điện ảnh xưa. Tôi và các đồng nghiệp cũng gặp trực tiếp với Thủ tướng để đề xuất hướng đi mới cho phim ảnh. 

Sự việc xưởng phim truyện hoang tàn, tiều tụy vẫn còn đó. Tôi tiếc, chạnh lòng nhưng lực bất tòng tâm vì thế hệ chúng tôi quá già, không làm được gì nữa. Trách nhiệm này thuộc về những người trẻ, đặc biệt là các nhà lãnh đạo. Tôi mong họ quan tâm đến ngành điện ảnh một cách cụ thể hơn, chẳng hạn như tổ chức các đợt LHP định kỳ để nghệ sĩ có không gian sáng tạo, làm nghề. 

- Bà muốn gửi gắm điều gì với thế hệ diễn viên trẻ?

Nhiều người nói điện ảnh Việt đạt doanh thu mấy trăm tỷ là tín hiệu khởi sắc, riêng tôi lại thấy lo nhiều hơn vui. Họ chạy theo thị trường, đặt nặng kinh tế nên điều đó không phản ánh đúng về mặt chất lượng nghệ thuật.

Một nền điện ảnh phát triển cần số lượng lớn tác phẩm có chiều sâu, đóng góp thiết thực cho văn hóa - xã hội. Các phim Chí Phèo, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chung một dòng sông… ra đời đã rất lâu, kinh phí thấp đến nay vẫn được nhắc đến. Đó là cái hay, cái tâm huyết của cả một ê-kíp. 

Ngày xưa, tôi được học bài bản thuộc thế hệ sinh viên khóa I của Đại học Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Nếu không học và trau dồi, làm sao tôi đóng được Thị Nở? Còn diễn viên bây giờ chỉ cần xinh, trẻ và nổi tiếng là được mời vai. Tôi mong các em đặt chữ “tâm” vào vai diễn, chịu khó trải nghiệm và dấn thân để có tác phẩm chân thực làm lay động khán giả.

- Bà có dự định sẽ tái ngộ khán giả trong một tác phẩm nào thời gian tới?

Tôi nhận nhiều lời mời nhưng có lẽ chưa đủ duyên, phần vì nghĩ không nên “bán danh”. Tôi thường nói cả đời ăn lộc ở nhân vật Thị Nở. Chính vai này giúp tôi mang thương hiệu riêng. Tôi dừng đóng phim khi ở đỉnh cao sự nghiệp vì muốn gìn giữ nó như điều gì thiêng liêng nhất cho mình. Trong nghệ thuật, tôi không mong ước điều gì hơn.

NSƯT Đức Lưu dành thời gian tuổi già cho công việc thiện nguyện và các chuyến du lịch. 

- Không ít nghệ sĩ cao tuổi thường rơi vào cảnh neo đơn, nghèo khó còn NSƯT Đức Lưu ngược lại, dùng tiền lương hưu đi làm từ thiện và còn vận động mọi người quyên góp?

Tôi hay nói đùa sau nghỉ hưu có thêm nghề mới là từ thiện. Tôi may mắn không áp lực kinh tế, được các con lo đủ đầy nên muốn san sẻ đến các mảnh đời bất hạnh.

Nhiều năm nay, tôi có một nhóm quen thiện nguyện. Chúng tôi tự bỏ tiền túi, kết hợp kêu gọi người thân quen ủng hộ. Ai có gì góp nấy, tiền bạc, lương thực, quần áo, thuốc thang… tất cả được đóng gói gửi lên tặng các cháu nhỏ ở vùng cao. 

Đi nhiều nơi với một người già như tôi cũng là thử thách. Dẫu mệt nhưng tôi vui, tinh thần sảng khoái vì thấy bản thân có ích. Ở góc độ nào đó tôi muốn tích phước phần cho gia đình, con cháu bởi tin ăn ở tốt trời thương. 

Tuổi 84 không thấy già

- Bà tận hưởng cuộc sống lúc này ra sao?

Tuổi già gói ghém đơn giản thôi, quanh đi quẩn lại hết một ngày. Tôi chủ động xây dựng lịch trình để luôn được bận rộn. Tuổi nào đi nữa cái đầu vẫn phải làm việc, tránh ù lì, chậm chạp.

Một ngày của tôi bắt đầu lúc 6 giờ sáng, ngồi thiền khoảng một giờ, sau đó ăn sáng và đưa các cháu đến trường. Tôi tập thiền từ vài năm nay nhằm cải thiện trí nhớ và giúp tĩnh tâm. 

Thời gian rảnh, tôi thích đọc sách, xem phim, thời sự trên VTV1 và nghe nhạc. Chiều mát trời tôi nhờ con chở đi dạo phố vài vòng hay bắt taxi sang chơi nhà bạn. Thỉnh thoảng tôi dự sinh hoạt của các hội tham gia ở khu phố. Tôi hay nói các con: “Mẹ già nhưng đừng bắt mẹ sống vô vị”. 

Ngoài bạn già, tôi thích nói chuyện với người trẻ. Rất nhiều bạn của con tôi giờ thành bạn của tôi đấy (cười). Chúng tôi tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau, cũng thú vị lắm!

- 2 con trai của bà dành thời gian chăm sóc, chia sẻ với mẹ ra sao?

Tôi và ông nhà có 2 người con trai, cách nhau đúng 1 giáp (12 tuổi - PV). May mắn chúng đều thành danh, đã yên bề gia thất. Con dâu thảo hiền, khéo vun vén tổ ấm, con của cậu trai cả học rất giỏi, vừa kết hôn không lâu. 

Tôi và chồng quá cố - GS.TS Trần Hạ Phương luôn mong các con sau này dù làm gì vẫn giữ sự tử tế. Tôi mừng vì chúng không phụ lòng bố mẹ. 

Hiện tôi sống cùng vợ chồng cậu con trai út. Các con bận việc cả ngày vẫn cố gắng dành thời gian cho mẹ. Thỉnh thoảng tôi lại đi về giữa Hà Nội và TP.HCM vì gia đình ở 2 nơi. Cuối tuần chúng tôi cùng sum họp nấu ăn, trò chuyện. Nhìn con cháu hòa thuận, hạnh phúc là tôi yên lòng.

- Trông bà vẫn minh mẫn, hồng hào, bà ăn uống, sinh hoạt ra sao để giữ sức khỏe tốt?

Tôi vẫn khỏe, không ốm đau bệnh vặt. Tôi không có chế độ sinh hoạt đặc biệt, vẫn ăn uống cùng gia đình như bao năm nay. Tôi không ăn quá no, hạn chế tối đa tinh bột, dầu mỡ. Với người già, giấc ngủ quan trọng nên tôi cố gắng ngủ đủ giấc. Tuổi tác cũng chỉ một phần, quan trọng là ý chí, tâm mình nên tôi rất nhẹ nhõm, không thấy già. 

- Bà mong mỏi điều gì lúc này?

Ở tuổi này, gia đình sung túc, các con thành đạt, lại được đi đó đây, tôi không nuối tiếc gì. Tôi chỉ xin có sức khỏe để được nhìn các cháu khôn lớn, có điều kiện giúp đỡ thêm người nghèo. 

Đời tôi nhiều thăng trầm, đi qua khói lửa chiến tranh. Tôi mong đủ duyên viết một quyển hồi ký ghi lại chặng đường nghệ thuật và cuộc đời đã qua. 

Tôi theo đạo Phật nên triết lý tu tập tôi học theo, áp dụng vào cuộc sống. Mỗi ngày cứ trôi qua nhẹ nhàng, không phiền muộn. Tôi bằng lòng với những gì đang có để tự thấy mình còn hạnh phúc.

Tổng hợp