Dán decal xe ô tô màu trắng xanh na ná xe CSGT tạo cuộc tranh luận 'khủng'

Bức ảnh 1 xe ô tô bán tải trắng dán decal với màu trắng, xanh - vô tình trùng với màu xe CSGT đã nhận nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Vậy có quy định nào về việc dán decal giống xe CSGT?

Báo Thanh niên ngày 02/04 đưa thông tin với tiêu đề: "Dán decal xe ô tô màu trắng xanh na ná xe CSGT tạo cuộc tranh luận 'khủng'" cùng nội dung như sau:

Mới đây, một fanpage chuyên về xe đăng tải bức ảnh xe ô tô bán tải trắng dán decal na ná như decal của xe CSGT. Bức ảnh nhận hơn 30.000 lượt tương tác, 1.600 lượt bình luận cùng hàng trăm lượt chia sẻ.

Theo đó, chiếc xe bán tải màu trắng, dán decal xanh dương có dòng chữ "Phòng khám thú y..." ngang theo thân xe. Từ kiểu chữ, kích thước đến màu sắc khiến nhiều người nếu xem lướt dễ liên tưởng đến xe bán tải trên là xe của CSGT (nếu không đọc kỹ dòng chữ). 

Chiếc xe dán decal trắng, xanh nhận nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội - FBNV

Phía dưới bài đăng, một số tài khoản nêu ý kiến lẫn thắc mắc kiểu như: chỉ cần chủ xe lắp thêm chiếc đèn ưu tiên nữa là "y chang xe CSGT". "Đạo nhái à, chắc phạt nặng đấy", "Pháp luật không cấm và người dân có quyền làm những điều pháp luật không cấm", "Luật quy định sao về việc dán decal như thế này nhỉ?"... là những bình luận của cư dân mạng.

Dán decal xe ô tô màu trắng xanh na ná xe CSGT tạo cuộc tranh luận 'khủng'

Trong phần bình luận, chủ nhân chiếc xe cũng cho hay thường xuyên di chuyển Bắc - Nam nhưng không sao, chỉ cần ra đường chấp hành đúng quy định của luật, hệ thống biển báo là được.

Một chiếc xe dán decal tương tự gây tranh luận trước đó - Chụp màn hình

Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội xuất hiện xe bán tải trắng dán decal cùng màu với decal xe xe CSGT. 

Trước đó, chiếc xe của một cửa hàng nội thất dán decal tương tự khi được đăng tải cũng nhận 2 luồng ý kiến.

Quy định ra sao?

Trao đổi với PV, lãnh đạo một đội CSGT cho biết, Thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định xe ô tô CSGT sơn màu trắng, hai bên thành xe có vạch sơn phản quang màu xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ "CẢNH SÁT GIAO THÔNG" màu trắng (bằng chất liệu phản quang), kích thước chữ 10 cm x 10 cm, nét chữ 3 cm, cân đối hai bên thành xe.

Hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ "TRAFFIC POLICE" màu xanh (bằng chất liệu phản quang), kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ "CẢNH SÁT GIAO THÔNG" và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ "TRAFFIC" và "POLICE". Tùy từng loại xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ cho cân đối và phù hợp.

Chiếc xe bán tải dán decal trắng trên nền xanh khiến người nhìn có cảm giác giống xe CSGT, nhưng không có quy định xử lý - Chụp màn hình

Xe có lắp đặt đèn, cờ hiệu công an, còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật. Còi phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng theo quy định của pháp luật. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau: tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại một điểm vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.

"Do vậy, chiếc xe bán tải dán decal trắng trên nền xanh khiến người nhìn có cảm giác giống xe CSGT, nhưng không có quy định xử lý. Tuy nhiên, trường hợp chữ màu xanh được thay bằng chữ CSGT hay tự ý lắp thêm đèn, cờ hiệu công an... thì chủ xe phải chịu trách nhiệm theo quy định", vị CSGT chia sẻ.

Trước đó, báo Vietnamnet ngày 23/02/2023 cũng có bài đăng với thông tin: "Những vật dụng nhiều tài xế cố tình trưng lên xe để ra oai với CSGT". Nội dung được báo đưa như sau:

Dưới đây là những kiểu "phông bạt" của cánh tài xế nhằm mục đích qua mặt lực lượng chức năng khi tham gia giao thông, hoặc đơn giản là để đỗ xe "chùa" không bị làm phiền:

Để mũ, quần áo của công an trên xe

Việc một người làm trong ngành công an khi di chuyển bằng ô tô cá nhân để trang phục như mũ, áo quần,... trên xe của mình là điều hết sức bình thường.

Nhiều người cố tình để các vật dụng như mũ, áo công an trên xe mặc dù bản thân không liên quan gì đến ngành công an. (Ảnh minh hoạ: OFFB)

Tuy vậy, không hiếm gặp trên đường những chủ xe không phải là công an, thậm chí chẳng có quan hệ gần gũi gì với người trong ngành nhưng cũng cố trang bị cho mình một chiếc mũ kê-pi, trưng ở một nơi rất dễ thấy như kính trước, kính sau của xe.

Đây là chiêu nguỵ trang với mục đích biến mình như một người trong ngành đang "đi làm nhiệm vụ", hòng lưu thông thuận lợi hơn và qua mặt các chốt CSGT trên đường.

Một lái xe để gậy chỉ huy giao thông lên kính trước. (Ảnh: Công an TP. Hà Nội)

Tất nhiên, CSGT chẳng lạ gì chiêu trò "làm màu" này, và nhiều xe có mũ áo của ngành nhưng vẫn bị xử phạt bình đẳng như tất cả các trường hợp khác. Thậm chí nếu những người trên xe không phải là công an thì CSGT sẽ phối hợp với lực lượng Điều lệnh của Bộ Công an để lập biên bản tịch thu mũ áo và xử lý sai phạm.

Giấy ra vào cơ quan

Một vật khá phổ biến khác hay được các chủ xe cố tình cài lên kính lái là các loại giấy ra vào các cơ quan nhà nước, phù hiệu của xe ưu tiên đi làm nhiện vụ,... Dù chưa biết những loại giấy tờ trên có của chính chủ hay không nhưng vô hình trung tạo nên một tấm "bùa hộ mệnh" khi đi đường với tâm lý nghĩ rằng CSGT sẽ không dám làm khó "cán bộ".

Một chiếc xe Lexus có tấm thẻ ra vào trụ sở Bộ Công an vẫn bị lực lượng chức năng xử lý như thường. (Ảnh: Công an quận Hoàn Kiếm)

Phía công an khẳng định, những loại giấy tờ ra vào cơ quan không hề có giá trị ưu tiên khi tham gia giao thông trên đường, lại càng không được ưu ái khi vi phạm giao thông. Trên thực tế, rất nhiều xe sử dụng "bùa hộ mệnh" vi phạm giao thông vẫn bị lực lượng chức năng thẳng tay xử lý. 

Thẻ phóng viên báo chí

Tương tự như các loại giấy đi đường nói trên, một số loại giấy phù hiệu như "Thẻ hội viên Hội Nhà báo", "Báo chí/Press" hay "Xe hoạt động báo chí",... cũng được nhiều người in khổ to, ép plastic cẩn thận và để trên kính lái với mong muốn được "nể mặt" khi trót vi phạm.

Xe có gắn phù hiệu "Thẻ hội viên Hội Nhà báo" không có giá trị ưu tiên gì khi lưu thông trên đường. 

Về những tấm phù hiệu này, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đơn vị không cấp phù hiệu để trên xe ô tô, kể cả xe công vụ. Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động cơ quan báo chí cũng bình đẳng như những cơ quan nhà nước khác nên không có chuyện cấp phù hiệu để ưu tiên khi lưu thông trên đường. Đồng thời đề nghị lực lượng chức năng lý nghiêm các trường hợp gắn phù hiệu vi phạm giao thông.

Dán decal "na ná" xe tuần tra của CSGT

Gần đây, rất nhiều xe ô tô màu trắng được chủ nhân dán loại decal xanh chạy ngang thân xe giống như của xe tuần tra của CSGT, khiến nhiều người đi đường nhầm lẫn. Việc làm này ngoài mục đích thích thể hiện và "doạ" với những người tham gia giao thông yếu bóng vía thì không có tác dụng nào khác. 

Một chiếc bán tải với dải decal xanh, chữ trắng khiến nhiều người dễ nhầm tưởng là xe của CSGT. (Ảnh: Otofun) Lắp đèn nháy, còi hụ

Không ít ô tô, nhất là các xe SUV gầm cao được chủ nhân của mình lắp thêm đèn nháy ở kính lái giống như xe của công an đi làm nhiệm vụ với mục đích khi đi đường sẽ "oách" hơn và được các xe khác nhường đường. Tuy vậy, hành vi lắp thêm đèn nháy, còi hụ là không được phép và có thể "phản tác dụng" khi gặp CSGT.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên, hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận? Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Sợ phạt nồng độ cồn, dân tình đổ xô thuê xe có lái đi chơi thay vì tự 'ôm' vô lăng

Dịch vụ cho thuê xe có lái đang "được mùa" bởi nhu cầu đi lại du xuân sau Tết tăng cao. Cùng với đó, nhiều khách thuê xe còn vì sợ bị CSGT xử phạt khi trót nhấp môi vài chén rượu.