Chuyện đỗ xe thiếu ý thức của người Việt bao giờ mới kết thúc?

Hình ảnh ô tô đỗ chắn cửa nhà người khác bị xịt sơn đen, ô tô đỗ đầu ngõ chắn gần hết lối đi bị vẽ bậy... được mạng xã hội chia sẻ vừa qua lại làm dấy lên câu chuyện về ý thức đỗ xe của người Việt.

Báo Vietnamnet ngày 15/10/2019 đưa thông tin với tiêu đề: "Chuyện đỗ xe thiếu ý thức của người Việt bao giờ mới kết thúc?". Với nội dung như sau: 

Chuyện đỗ xe ô tô thiếu ý thức, không đúng chỗ đã không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam. Tình trạng dừng, đỗ xe ô tô không đúng chỗ, gây cản trở đến sinh hoạt chung của người dân từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối trong dư luận. Đã có rất nhiều trường hợp đỗ xe chặn cửa nhà người khác, đỗ xe ngay đầu ngõ hẹp, đỗ xe chắn lối đi... gây khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt của người khác. Cách đỗ xe như vậy khiến nhiều người không khỏi bức xúc và ác cảm với chủ sở hữu xe ô tô. Và đã có rất nhiều chủ xe vì đỗ xe vô duyên mà phải nhận "bài học nhớ đời" từ người dân, người xung quanh.

Chiếc ô tô đỗ chắn cửa một căn nhà bên đường.

Mới đây, chuyện một chiếc ô tô vì đỗ chắn cửa một căn nhà bên đường nên đã bị xịt sơn đen 2 chữ để trừng phạt gây xôn xao mạng xã hội. 

Vì chủ xe đỗ vô ý thức mà chiếc xe ô tô đã bị "trừng phạt" bằng hai chữ to tướng, đen thui và choán hết một bên sườn xe. Nhìn chiếc xe ô tô màu trắng tinh, sang trọng bị xịt sơn đen thui mà nhiều người không khỏi cảm thấy xót xa. Chắc chắn, chủ nhân của chiếc xe sẽ phải mất một món tiền kha khá để đi tân trang, sơn sửa lại.

Chủ xe đã phải nhận hậu quả về việc đỗ xe thiếu ý thức.

Dù sở hữu những chiếc xe sang trọng, đắt đỏ nhưng nhiều tài xế lại chọn cách đỗ xe thiếu ý thức, văn minh, thậm chí, tự cho mình quyền được đỗ ở ngõ chung hay đường đi công cộng.

Chuyện chủ một chiếc ô tô đỗ xe ở ngay đầu một con ngõ nhỏ hẹp, chắn gần hết lối đi lại của mọi người khiến cả ngõ xôn xao, tức tốc đi tìm xảy ra mới đây cũng gây bất bình trong dư luận.

Caption
Chiếc xe ô tô đỗ trước ngõ nhỏ, chiếm hết cả đường đi lại. (Ảnh: Nhịp Sống Việt)

Những bức ảnh chụp một chiếc ô tô màu đen, kèm lời nhắn nhủ tìm tài xế: "Cụ 30E **** đâu hiện hồn đánh xe ra cho bà con trong ngõ còn đi lại. Vỉa hè thì rộng cụ đỗ bít nguyên cái ngõ, không ai ra không ai vào thì cũng ạ" được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội mấy ngày nay khiến dư luận xôn xao.

Nhìn cách đỗ xe này, mọi người chỉ biết lắc đầu ngao ngán (Ảnh: Nhịp Sống Việt)

Nhìn cách đỗ xe này, mọi người chỉ biết lắc đầu ngao ngán cho ý thức của vị chủ xe này. Bởi, với cách đỗ xe trên, người từ ngoài vào hay người từ trong ngõ ra chỉ còn biết cách đi bộ, leo ra ngoài. Nhiều người không hiểu vì sao tài xế lại đỗ xe ở vị trí quá hiểm như vậy. 

Trước đó, câu chuyện về văn hóa đỗ xe được nói tới rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh những chủ xe có ý thức trong việc đỗ xe thì không ít những chủ xe thiếu ý thức, đỗ xe che mất cửa hàng, bịt lối ra vào của nhà ai đó. Cách đỗ xe này thể hiện sự vô ý thức và ích kỉ của những người sở hữu ô tô, khiến những người xung quanh thực sự 'nóng mắt'. Nhiều "nạn nhân" tỏ ra "không phải dạng vừa" khi trả đũa các tài xế đỗ xe thiếu ý thức bằng nhiều cách. Có người lựa chọn cách thức nhẹ nhàng bằng cách cài tờ giấy lên kính lái xe, nhằm nhắc nhở tài xế lần sau đỗ xe có ý thức hơn, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của người khác. Nhưng nhiều người khác lại chọn cách cực đoan hơn như tự ý đổ sơn, vẽ bẩn lên thân xe, đè gạch lên kính lái, hắt nước, dán băng vệ sinh lên xe... nhằm mục đích dằn mặt chủ xe.

Taxi bị hắt dầu luyn khi đỗ trước ngôi nhà trên đường Nam, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vào sáng 7/2/2018. (Ảnh: Zing)
Đầu tháng 3/2017, một chiếc Ford 4 đỗ trước cửa hàng bán ốp điện thoại ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã bị phun dòng chữ "Đậu ngu" bằng sơn đen trên nắp capo. (Ảnh: Thời đại)

Những hình ảnh người dân dùng những hình phạt để trừng trị các quái xế đỗ xe không đúng chỗ được đăng tải trên mạng xã hội và truyền thông gây nhiều tranh cãi.

Nhiều ý kiến cho rằng những "hình phạt" đó là thích đáng vì chủ xe đã đỗ ô tô không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với những cách trả đũa cực đoạn của những "nạn nhân" với các chủ xe. Nhiều người cho rằng người dân không nên tự ý bôi bẩn, viết bẩn lên xe ô tô, vì thực ra, người vi phạm đang dừng đỗ xe sai quy định tại đất công cộng, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu tự ý bôi bẩn, vẽ bẩn lên tài sản của họ nhẹ thì bồi thường, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chủ tài sản có đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản.

Chiều 25/5/2017, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một chiếc xe ô tô đậu trước lối vào nhà dân ở TP Huế đã bị đổ rác đầy nắp ca pô. (Ảnh: Dân trí)
Trên mạng xã hội hồi tháng 3/2017 cũng xuất hiện hình ảnh một chiếc ô tô Audi Q7 đỗ chắn cửa nhà bị rạch xước sơn xe. (Ảnh: Thời đại)

Trong những vụ việc như vậy, người nhận "quả đắng" là những chủ xe. Dù có được bồi thường thì những chiếc xe cũng đã bị phá hoại, có khi hậu quả rất nặng nề.

Mặc dù đã có rất nhiều câu chuyện, hình ảnh về việc dằn mặt ô tô đỗ vô duyên, sai chỗ... nhưng nhiều chủ xe vẫn không từ bỏ thói quen xấu xí là đỗ xe một cách thiếu văn hóa khiến mọi người phải lắc đầu ngán ngẩm. Vì thế, trên mạng xã hội và truyền thông vẫn còn xuất hiện những câu chuyện về việc đỗ xe thiếu ý thức, không đúng nơi quy định. Và 2 câu chuyện đỗ xe trên đây là ví dụ điển hình. Không biết những hành vi thiếu văn hóa như thế này đến bao giờ mới kết thúc?

Điều 18 và 19 Luật Giao thông đường bộ quy định việc đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ các quy định sau:Không được dừng, đỗ xe tại các vị trí sau: Bên trái đường một chiều, trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất, trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau, nơi dừng xe buýt. Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức. Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe. Trong phạm vi an toàn của đường sắt. Che khuất biển báo hiệu đường bộ.Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải cách xa không quá 0,25 mét. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng, đỗ xe ở vị trí cách ôtô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 m. Không được dừng, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.

Tiếp đến, báo Công an nhân dân ngày 03/08/2018 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Xịt sơn, vẽ bậy lên xe ôtô của người khác bị xử lý như thế nào? Nội dung được đưa như sau:

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc chủ xe ôtô đỗ xe chắn cửa nhà, lối đi của người dân hay đỗ xe trước các cửa hiệu bị xịt sơn, vẽ bậy, hay dùng vật sắc nhọn cào xước xe,… nhằm mục đích dằn mặt chủ xe. Vậy trách nhiệm pháp lý của các bên trong những vụ việc này như thế nào?

Vụ việc mới nhất gây tranh cãi trên mạng xã hội xuất phát từ một video clip ghi lại cảnh một người đàn ông lớn tuổi cầm 2 chai sơn đỏ liên tục vẩy và đổ vào chiếc xe ô tô màu trắng đang đỗ ở lề đường Tân Phú, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Trong video clip, người đàn ông lớn tuổi chuẩn bị sẵn 2 chai sơn đỏ, lần lượt dùng những chai sơn này bôi lên phần đầu xe, gương và kính xe. Sau khi đổ hết, người này ném cả vỏ chai lên thân xe và lầm bầm chửi mắng.

Người đàn ông lớn tuổi đang đổ sơn đỏ lên chiếc xe ôtô màu trắng (ảnh căt từ video clip).

Được biết, khi đó chiếc xe ôtô “đen đủi” kia đang đỗ dưới lòng đường, trước một cửa hàng sửa chữa ô tô xe máy có vỉa hè cũng khá rộng.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Xuân Nghĩa (thuộc VPLS Hoàng Huy – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết:

Thứ nhất, đối với bên đỗ xe nếu không vi phạm Luật Giao thông đường bộ về hành vi dừng đỗ xe thì chỉ được coi là gây sự bất tiện cho người khác, cần có ý thức hơn mỗi khi dừng đỗ để tránh gây phiền hà cho người khác. Nếu vi phạm quy định về dừng đỗ không đúng nơi quy định thì bị xử lý hành chính theo các khoản 2,3, 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo đó, người điều khiển xe có thể bị phạt tiền lên đến 1,2 triệu đồng tùy hành vi vi phạm.

Thứ hai, đối với hành vi xịt sơn, vẽ bậy, cào xước,… lên xe người khác thì tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính và phải bồi thường dân sự. Cụ thể:

Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, người này có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, có thể thấy rằng việc xịt sơn lên xe người khác – chẳng hạn như vụ việc người đàn ông lớn tuổi đổ sơn đỏ lên xe ôtô trắng ở trên - có thể phạm tội hình sự nếu mức thiệt hại được đánh giá từ 2 triệu đồng trở lên và khung hình phạt tù cao nhất có thể lên đến 20 năm và phải bồi thường thiệt hại cho bị hại.

Những vụ việc người dân tự ý đổ sơn, bôi bẩn, nhằm mục đích dằn mặt chủ xe là do vì bực tức trước những xe ô tô đỗ chắn cửa nhà mình, hoặc đỗ gây cản trở giao thông. Nguyên nhân chính là do tâm lý người dân cho rằng, vỉa hè trước cửa nhà mình, ngõ đi vào nhà mình là thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình.

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp những tuyến phố được phép dừng đỗ xe ô tô, song một số chủ những gia đình có nhà mặt đường cũng tỏ ra khó chịu khi những chiếc xe ô tô đỗ chắn ngay mặt tiền nhà mình, nhất là khi họ đang hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, người dân không nên tự ý bôi bẩn, viết bẩn lên xe ô tô, vì thực ra, người vi phạm đang dừng đỗ xe sai quy định tại đất công cộng, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu tự ý bôi bẩn, vẽ bẩn lên tài sản của họ nhẹ thì bồi thường, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chủ tài sản có đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản.

Vậy nên trong mọi trường hợp việc đầu tiên là các bên phải hết sức bình tĩnh tìm cách giải quyết, tốt nhất là nên báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tổng hợp