Bắt đầu từ 1/6, ra đường không mang giấy phép lái xe không lo bị phạt: Chỉ cần có 1 thứ

Từ 1/6, người dân có thể xuất trình Giấy phép lái xe (GPLX) tích hợp trên VneID thay cho giấy tờ vật lý, thực sự rất tiện lợi.

Báo Ngôi Sao ngày 16/4 đưa thông tin với tiêu đề: Bắt đầu từ 1/6, ra đường không mang giấy phép lái xe không lo bị phạt: Chỉ cần có 1 thứ. Với nội dung như sau: 

Để thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho người dân, hiện nay ứng dụng VNeID đã được tích hợp các thông tin cá nhân thiết yếu nhằm thay thế cho các giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Cụ thể, từ 1/6, người dân có thể xuất trình Giấy phép lái xe (GPLX) tích hợp trên VneID thay cho giấy tờ vật lý.

Từ 1/6, người dân có thể xuất trình GPLX tích hợp trên VNeID

Bộ Giao thông Vận tải ngày 31/3/2024 vừa ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái. Trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý liên quan đến quản lý và sử dụng giấy phép lái xe.

Cụ thể, Thông tư 05/2024/TT-BGTVT (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024) nêu rõ: "Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID".

Từ 1/6, người dân có thể xuất trình GPLX tích hợp trên VNeID

Như vậy, kể từ ngày 01/6/2024 khi Thông tư 05/2024/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực, nếu các thông tin giấy phép lái xe bằng vật liệu PET đã được xác thực trên VNeID thì sẽ được xem là giấy phép hợp lệ. Điều đó đồng nghĩa người lái xe có thể sử dụng thông tin Giấy phép lái xe được tích hợp trên ứng dụng VNeID về dữ liệu dân cư Quốc gia.

Trước đây, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 chỉ ghi nhận giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe.

Cách tự tích hợp bằng lái xe vào ứng dụng VNeID tại nhà

Nếu bạn có tài khoản định danh điện tử mức độ 2, bạn có thể tự tích hợp bằng lái xe vào ứng dụng VNeID tại nhà với những bước đơn giản sau:

Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID

Bước 2: Kiểm tra phiên bản của ứng dụng. Lưu ý là để tự tích hợp bằng lái xe vào ứng dụng VNeID thì ứng dụng phải là phiên bản 2.0.6 trở lên.

Để kiểm tra phiên bản ứng dụng, người dùng nhấn chọn “Cá nhân”. Phiên bản của ứng dụng sẽ nằm ở cuối trang.

Bước 3: Chọn “Ví giấy tờ”. Sau đó chọn “Tích hợp thông tin”

Bước 4: Chọn “Tạo mới yêu cầu”

Bước 5: Nhấn vào dấu mũi tên và chọn Giấy phép lái xe

Bước 6: Nhập các thông tin tích hợp theo yêu cầu, gồm:

- Số giấy phép lái xe.

- Hạng giấy phép lái xe.

Cuối cùng, nhấn vào “Gửi yêu cầu”

Bước 7: Kiểm tra lại yêu cầu

Để kiểm tra lại yêu cầu của mình có được hệ thống ghi nhận hay chưa, người dùng chọn “Ví giấy tờ”, sau đó chọn “Giấy phép lái xe”.

Chọn “Chờ xác thực”. Nếu hệ thống hiển thị thông tin như hình thì hệ thống đã ghi nhận yêu cầu.

Nếu bạn có tài khoản định danh điện tử mức độ 2, bạn có thể tự tích hợp bằng lái xe vào ứng dụng VNeID tại nhà

6 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe từ 1/6/2024

Thông tư 05/2024/TT-BGTVT đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu hồi giấy phép lái xe, theo đó, các trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe bao gồm:

- Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;

- Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;

- Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình;

- Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;

- Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;

- Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Tiếp dến, báo Thanh Niên cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Tài xế lưu ý: Lỗi không mang và không có bằng lái bị xử phạt khác nhau

Nội dung được báo đưa như sau: 

Theo quy định của pháp luật, khi điều khiển ô tô, xe máy, phương tiện giao thông nói chung tham gia giao thông, người điều khiển xe ngoài đủ độ tuổi, sức khỏe; còn phải mang theo các loại giấy tờ chứng nhận, giấy phép lái xe - GPLX (bằng lái xe) hợp pháp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người điều khiển xe tham gia giao thông phải mang theo và xuất trình được Giấy phép lái xe khi lực lượng chức năng kiểm tra

Trong trường hợp không có hoặc có nhưng quên không mang theo trên đường, khi bị lực lượng chức năng dừng và kiểm tra, tài xế sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không có và không mang theo giấy phép lái xe (bằng lái xe) là hai lỗi khác nhau. Vì vậy, mức phạt cũng hoàn toàn khác nhau.

Không có Giấy phép lái xe phạt ra sao?

- Đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

Theo Nghị định 123/2021 mới nhất, bổ sung và sửa đổi của Nghị định 100/2019 NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô nhưng không có Giấy phép lái xe, sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, sẽ bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng.

Với Nghị định 123/2021 mới nhất, mức phạt hành chính đối với lỗi không có giấy phép lái xe được điều chỉnh tăng khá cao

- Đối với xe máy và các loại xe tương tự xe gắn máy

Cũng theo Nghị định 123/2021 mới nhất, người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 175 cc sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với hành vi không có Giấy phép lái xe.

Đối với xe trên 175 cc và xe mô tô 3 bánh, mức phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng.

Không mang Giấy phép lái xe phạt ra sao?

Như đã đề cập, không mang theo Giấy phép lái xe cũng vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, lỗi này không nghiêm trọng bằng, vì vậy mức phạt cũng nhẹ hơn so với lỗi không có Giấy phép lái xe. Cụ thể như sau:

- Đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

Nghị định 123/2021 mới nhất quy định, người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, khi bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

- Đối với xe máy và các loại xe tương tự xe gắn máy

Người điều khiển xe mô tô (xe máy) và các loại xe tương tự xe máy không mang theo bằng lái xe khi bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Không có hoặc không mang Giấy phép lái xe có bị giam xe?

Bên cạnh mức xử phạt hành chính, khi kiểm tra và phát hiện người điều khiển các loại xe nói trên tham gia giao thông mà không có Giấy phép lái xe, lực lượng chức năng hoàn toàn có quyền tạm giữ xe trước khi ra quyết định xử phạt để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm. Thời gian tạm giữ phương tiện không quá 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ; nếu có tình tiết phức tạp hơn có thể giữ tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

Không chỉ bị phạt hành chính, người vi phạm lỗi không có hoặc không mang Giấy phép lái xe còn bị tạm giữ phương tiện

Đối với trường hợp không mang theo Giấy phép lái xe, khi bị CSGT kiểm tra và không xuất trình được trước tiên sẽ áp dụng xử phạt như lỗi không có Giấy phép lái xe, bị giữ phương tiện và có phiếu hẹn. Trong thời gian hẹn, nếu người vi phạm xuất trình được Giấy phép lái xe, sẽ được hạ mức phạt xuống thành lỗi "không mang theo Giấy phép lái xe".