Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông di chuyển nhanh, đường đi phức tạp hơn siêu bão Yagi

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15km/h.

Ngày 16/9/2024, Tạp chí Phụ nữ mới đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông di chuyển nhanh, đường đi phức tạp hơn siêu bão Yagi". Nội dung cụ thể như sau:

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15km/h.

Đến 19 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 118,0 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8, giật cấp 10. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây với tốc độ khoảng 25km/giờ, tiến vào Biển Đông và mạnh lên thành bão.

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Đến 19 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ vĩ bắc; 148,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15-20km/giờ.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm.

Liên quan đến áp thấp nhiệt đới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vị trí áp thấp nhiệt đới này hình thành tương đối giống với vị trí hình thành của cơn bão số 3 Yagi, tức là cùng ở phía Đông của đảo Lu Dông.

Tuy nhiên, ông Hưởng nhận định, điều kiện môi trường hiện nay không thuận lợi như bão số 3, mà áp thấp nhiệt đới này phải chia sẻ năng lượng, lượng ẩm với cơn bão Pulasan đang hoạt động ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Vì thế, khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới không mạnh ngay, mà phải mất 1-2 ngày hoàn thành cấu trúc để phát triển thành bão.

Ngoài sự tương tác với cơn bão Pulasan, khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới này còn chịu tác động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới có biến động nhiều.

Đồng thời, thêm một hình thế thời tiết không thuận lợi nữa, là khối không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến nước ta vào giai đoạn sau ngày 19/9.

“Với tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai cho thấy, đường đi của áp thấp nhiệt đới sau là cơn bão số 4 sẽ rất phức tạp so với cơn bão Yagi”, ông Hưởng lưu ý.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau khả năng mạnh lên thành bão, từ sáng 17/9, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10 (89-102km/giờ), biển động mạnh.

Vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông sóng biển cao 2-4m, từ chiều mai (17/9), tăng lên 3-5m.

Cảnh báo, tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Tiếp đó, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông". Nội dung cụ thể như sau:

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 10h, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, duy trì cấp 7 dù vừa ma sát với đảo, giật tăng hai cấp. Với tốc độ 20 km/h và theo hướng tây, đến 10h ngày mai nó sẽ mạnh lên thành bão với sức gió 74 km/h (cấp 8) khi cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320 km.

Bão sau đó chếch xuống phía nam, tốc độ nhanh hơn (25 km/h), đến 10h ngày 19/9 khi ở phía tây quần đảo Hoàng Sa thì mạnh lên cấp 9, sức gió tối đa 88 km/h, giật tăng hai cấp. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng chếch lên bắc, tốc độ chậm hơn 10 km/h.

Đài khí tượng Nhật Bản nhận định vào Biển Đông áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Bão đi ngang theo hướng tây đến giữa Biển Đông rồi chếch lên phía bắc. Cơn bão không quá mạnh, sức gió gần tâm dao động 65-72 km/h.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới lúc 10h ngày 17/9. Ảnh: NCHMF

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết vị trí hình thành cơn áp thấp nhiệt đới mới gần giống bão Yagi. Tuy nhiên, do điều kiện môi trường không thuận lợi, phải chia sẻ năng lượng với bão Pulasan đang ở Tây Bắc Thái Bình Dương nên khi vào Biển Đông áp thấp nhiệt đới không mạnh ngay thành bão mà phải mất 1-2 ngày.

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của dòng dẫn đường quy mô lớn và khả năng chịu tác động của không khí lạnh vào cuối tuần, đường đi của áp thấp nhiệt đới sẽ phức tạp hơn so với bão Yagi.

Theo ông Hưởng, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão có hai kịch bản di chuyển. Thứ nhất, nó sẽ đi thẳng vào Trung Trung Bộ. Thứ hai, bão sẽ đổi sang hướng tây tây bắc và khả năng ảnh hưởng tới Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4 m; từ ngày 17/9 sóng biển cao 3-5 m.

Hạ Long (Quảng Ninh) tan hoang sau bão Yagi. Ảnh: Giang Huy

10 ngày trước, bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh với sức gió mạnh nhất cấp 14, các nơi khác cấp 12-13, giật cấp 17. Yagi hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines, sau đó vào Biển Đông, mạnh lên thành siêu bão chỉ trong 48 giờ. Vượt qua eo biển bán đảo Lôi Châu và Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, sức gió chỉ giảm 1-2 cấp.

Hoàn lưu sau bão Yagi kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ gây mưa lớn, lũ nhiều sông vượt kỷ lục tồn tại hơn 50 năm. Hơn 70.000 hộ dân ở Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội bị ngập. Hiện nhiều vùng trũng ven sông Hồng, Thái Bình, sông Bùi, sông Tích nước vẫn ngập đến nóc nhà, dự kiến duy trì 7-9 ngày nếu thời tiết không xấu đi.

Thống kê đến chiều 17/9, bão lũ đã làm 291 người chết, 38 người mất tích, 1.922 người bị thương. Thiệt hại vật chất khoảng 40.000 tỷ đồng khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.

Từ đầu năm, Biển Đông đã có ba cơn bão. Cơ quan khí tượng dự báo mùa mưa bão năm nay có 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, tập trung vào miền Trung từ nay đến tháng 11.