4 người bị bắt trong vụ làm giả sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ
Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Herbitech, cùng 3 đồng phạm bị cáo buộc vi phạm kế toán liên quan vụ làm giả thực phẩm Baby Shark và Medi Kid Calcium K2.
Ngày 28/4/2025 Vnexpress đưa tin: "4 người bị bắt trong vụ làm giả sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ" với nội dung:
Ngày 28/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã bắt tạm giam Khiêm (Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech) và 3 cấp dưới là Vương Thị Hoa (kế toán trưởng giai đoạn năm 2021), Lê Thị Hồng Vân (kế toán trưởng từ tháng 4/2022 đến 7/2024) và Bùi Thị Thu Hà (phụ trách bộ phận kế toán từ tháng 7/2024 đến 4 năm nay) để điều tra tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Khiêm đã chỉ đạo Hoa, Vân, Hà lập 2 hệ thống sổ sách kế toán. Một hệ thống để kê khai thuế, thể hiện số lượng hàng hóa sản xuất, kinh doanh ít hơn nhiều so với thực tế. Hệ thống còn lại để theo dõi chi tiêu nội bộ, ghi đầy đủ số hàng hóa sản xuất, kinh doanh, tiền thu được không kê khai thuế.
C01 xác định, công ty đã để ngoài sổ sách kế toán hơn 121 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế phải nộp là 10,2 tỷ.
Thực phẩm bổ sung sức khỏe Baby Shark bị xác định là hàng giả. Ảnh: Linh Đan
Liên quan đến hành vi sản xuất hàng giả, công an xác định quá trình sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Công ty Herbitech đã sử dụng các phiếu kết quả thử nghiệm giả mang tên Công ty TSL. Các phiếu này dùng để sản xuất, gia công và công bố sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Thông thường, để sản phẩm được lưu hành ra thị trường, công ty phải gửi các mẫu đi trưng cầu tại đơn vị có chức năng về xét nghiệm, kiểm nghiệm lại đúng thành phần, định lượng như đã công bố hay không. Khi các mẫu kiểm nghiệm không đạt được như sản phẩm công bố, Herbitech sẽ liên kết, thống nhất với các công ty xét nghiệm để chỉnh sửa kết quả, hoặc làm khống cả phiếu kết quả kiểm nghiệm.
Khám xét tại trụ sở nhà máy Công ty Herbitech, cảnh sát thu giữ hồ sơ, tài liệu và các mẫu sản phẩm để giám định. Hiện, Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã ban hành kết luận xác định 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe là "Ăn ngon Baby Shark" và "Medi Kid Calcium K2" là hàng giả.
Baby Shark là sản phẩm bảo vệ sức khỏe được Herbitech sản xuất và quảng cáo là có công dụng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh bị gầy yếu, đề kháng kém, biếng ăn.
C01 tiếp tục thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả, đang chờ kết quả giám định với các mẫu sản phẩm này.
Ngày 25/4/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Lời khai ban đầu của Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc công ty sản xuất thực phẩm chức năng giả cho trẻ em". Nội dung như sau:
Ngày 24/4, chương trình Tiêu điểm Kinh tế phát sóng trên VTV đã công bố thông tin gây chấn động: 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho trẻ em bị phát hiện là hàng giả.
Theo kết quả điều tra từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an, hai sản phẩm được xác định làm giả là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2 – cả hai đều được sản xuất tại cơ sở của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech, địa chỉ tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Đáng chú ý, công ty này còn sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả mạo nhằm hợp thức hóa sản phẩm, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là "nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ", song theo điều tra, chất lượng và giá thành thực tế lại thấp hơn rất nhiều so với cam kết, gây hoang mang và lo lắng trong dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Cơ quan công an xác định người đứng đầu đường dây là Phạm Vũ Khiêm, giám đốc công ty Herbitech. Tại cơ quan điều tra, đối tượng này thừa nhận đã chỉnh sửa kết quả kiểm nghiệm, biến các chỉ tiêu "không đạt" thành "đạt" để đủ điều kiện đưa sản phẩm lưu hành ngoài thị trường.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thành (Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an), các đối tượng còn thực hiện liên kết với một số công ty kiểm nghiệm, tạo ra các phiếu kiểm nghiệm khống hoặc đã qua chỉnh sửa để đối phó với cơ quan chức năng. Việc này được thực hiện theo đơn đặt hàng, sản xuất hàng loạt để phục vụ mục đích kinh doanh trái phép, bất chấp hậu quả với người tiêu dùng – đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra thông báo khuyến cáo người dân không nên sử dụng hai sản phẩm nêu trên cho đến khi có kết luận điều tra chính thức. Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để cập nhật thông tin kịp thời, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Vụ việc hiện đang được mở rộng điều tra. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng giả mạo thực phẩm chức năng đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi người dân cần thận trọng khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ.