Dừng ôtô trên cao tốc không thực hiện một thao tác bị phạt 12-14 triệu đồng
Người lái ôtô trên cao tốc khi dừng, đỗ xe ở làn khẩn cấp mà không bật đèn khẩn cấp; không đúng nơi quy định... sẽ bị phạt 12-14 triệu đồng.
Theo báo VnExpress, mức phạt khi điều khiển xe đi ngược chiều hoặc lùi xe, quay đầu trên đường cao tốc cũng tăng lên 30-40 triệu đồng(cao gấp khoảng 3 lần so với trước đây).
Cùng mức phạt này là các hành vi khác như không có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp, không đặt biển cảnh báo "chú ý xe đỗ" (hoặc đèn cảnh báo) về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 m khi dừng, đỗ xe trên một phần làn đường xe chạy trên đường cao tốc.
Thông tin được nêu trong Nghị định 168/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1.
Quy định này cụ thể hơn với trước đây khi tại Nghị định 100 chỉ quy định "phải báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe" trên cao tốc. Mức phạt cũng tăng gấp đôi so với trước kia.
Mức phạt tăng lên 30-40 triệu đồng khi điều khiển xe đi ngược chiều hoặc lùi xe, quay đầu trên đường cao tốc (cao gấp khoảng 3 lần so với trước đây).
Ngoài ra, tài xế ôtô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước hoặc chuyển làn đường không đúng quy định khi chạy trên đường cao tốc bị phạt 4-6 triệu đồng. Theo hướng dẫn, mỗi lần chuyển làn đường chỉ được phép chuyển sang một làn đường liền kề.
Đỗ ôtô trên miệng cống thoát nước bị phạt 800.000-1.000.000 đồng
Theo Nghị định 168, tài xế ôtô sẽ bị phạt 800.000-1.000.000 đồng nếu vi phạm các lỗi về đỗ xe như: không sát theo lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, vỉa hè quá 0,25 mét; đỗ trên đường dành riêng cho xe buýt; đỗ trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ ở vỉa hè hoặc nơi có biển cấm đỗ xe. Mức phạt về các hành vi này bằng với quy định cũ.
Tài xế dừng, đỗ ôtô tại nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; điểm đón, trả khách; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới; che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông... cũng bị phạt 800.000-1.000.000 đồng.
Mức phạt 2-3 triệu sẽ áp dụng cho trường hợp lùi, quay đầu, đỗ xe trong hầm đường bộ; không có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp, khi dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng, đỗ xe; dừng, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt.
Mức phạt là 4-6 triệu đồng nếu tài xế ôtô dừng, đỗ, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông (quy định cũ bị phạt 2-3 triệu đồng).
Quay đầu ôtô trên cầu bị phạt 2-3 triệu đồng
Người điều khiển ôtô quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, trên đường một chiều... sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng (mức cũ là 400.000-600.000 đồng).
Cùng mức phạt 2-3 triệu đồng sẽ áp dụng cho các hành vi như quay đầu xe tại nơi có biển báo cấm quay đầu; rẽ trái tại nơi cấm rẽ trái; rẽ phải tại nơi cấm rẽ phải.
Với lỗi đè vạch, Nghị định 168 quy định, người điều khiển ôtô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, sẽ bị phạt 400.000-600.000 đồng.
Bên cạnh các quy định trên, báo Bắc Giang ngày 1/1 có đưa tin: "Mở cửa ôtô gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt gấp 50 lần, từ năm 2025", cập nhật lỗi người lái ô tô cần tránh phạm phải.
Thông tin được nêu trong Nghị định 168/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1.
Theo Nghị định 168, người mở cửa xe hoặc để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng.
Nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông, người vi phạm sẽ bị phạt 20-22 triệu đồng - tăng gấp 36-50 lần so với trước đây khi Nghị định 100/2019 (đã hết hiệu lực) phạt 400.000-600.000 đồng và không chia hai trường hợp như trên, chỉ nêu chung về hành vi mở cửa không bảo đảm an toàn giao thông.
Nghị định 168 cũng quy định về một số hành vi dẫn đến gây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt 20-22 triệu đồng, gồm: điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; dừng, đỗ, quay đầu, lùi, vượt, chuyển làn đường không đúng quy định; không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe; không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau hoặc khi trời sương mù, mưa, khói; dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi lái xe.
Hàng loạt lỗi bị xử phạt 40-50 triệu đồng
Nghị định 168 cho phép nhà chức trách phạt tiền 30-40 triệu đồng với người điều khiển ôtô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc (cũ là 16-18 triệu đồng), quay đầu xe trên đường cao tốc (cũ là 10-12 triệu đồng).
Người điều khiển ôtô lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau, dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường bộ sẽ bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng (mức cũ 10-12 triệu đồng). Nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông, tài xế sẽ bị phạt 50-70 triệu đồng.
Không chỉ phạt tiền, người tái phạm hành vi lạng lách, đánh võng sẽ bị tịch thu phương tiện.
Với các vi phạm như trên, ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt bổ sung là tước bằng 10-12 tháng, 22-24 tháng hoặc trừ điểm giấy phép lái xe từ 2 đến 10 điểm.
Dùng chân điều khiển xe máy sẽ bị tịch thu phương tiện
Với xe máy, người điều khiển sẽ bị tịch thu phương tiện nếu có một trong các hành vi như buông cả hai tay, dùng chân, ngồi về một bên, nằm trên yên xe, quay người về phía sau hoặc đổi người khi đang điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh với xe ba bánh; tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.
Các lỗi vi phạm hành chính liên quan xe máy cũng tăng mức phạt so với trước đây. Theo quy định cũ, mức phạt liên quan xe máy thấp nhất là 100.000-200.000 đồng, trong khi Nghị định 168 nâng mức phạt thấp nhất lên gấp đôi, 200.000-400.000 đồng.
Theo đó, người lái xe máy dừng, đỗ xe trên điểm đón, trả khách, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển "Cấm dừng xe và đỗ xe"; đỗ xe tại nơi có biển "Cấm đỗ xe" hoặc biển "Cấm dừng xe và đỗ xe" sẽ bị phạt 400.000-600.000 đồng (mức cũ 200.000-300.000 đồng).
Tài xế thông chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt 4-6 triệu đồng (mức cũ 800.000-1.000.000 đồng); điều khiển xe đi vào đường cao tốc, không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên cũng bị phạt 4-6 triệu đồng.
Người không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ bị phạt 400.000-600.000 đồng (bằng mức cũ).