Từ năm 2026: Cả nước tuyển sinh lớp 1, lớp 6 theo nguyên tắc 'nhà gần trường'
Bắt đầu từ năm học 2026–2027, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức áp dụng nguyên tắc “nhà gần trường” trong tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 trên phạm vi toàn quốc. Đây là một bước đi mới nhằm thay thế cho phương thức phân tuyến theo địa giới hành chính đã tồn tại nhiều năm qua.
Báo Saostar ngày 17/05/2025 đưa thông tin với tiêu đề: "Từ năm 2026: Cả nước tuyển sinh lớp 1, lớp 6 theo nguyên tắc 'nhà gần trường'" cùng nội dung như sau:
Theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chủ trương này được đưa ra trong bối cảnh cả nước đang triển khai việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến từ năm học 2026 - 2027, bỏ tuyển sinh đầu cấp theo địa giới hành chính. Ảnh minh hoạ/Nguồn: Vietnam+
Sau khi điều chỉnh, hệ thống các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở sẽ được giao cho cấp xã quản lý, trong khi các trường trung học phổ thông vẫn do cấp tỉnh phụ trách.
Theo tính toán, mỗi xã, phường trên cả nước sẽ có quy mô dân số trung bình khoảng 7.000 người, tương ứng với số lượng học sinh đông đảo trong độ tuổi đến trường.
Việc tuyển sinh theo nguyên tắc “nhà gần trường” sẽ giúp học sinh được học tập tại cơ sở giáo dục gần nơi cư trú thực tế nhất, tạo thuận lợi trong việc đi lại hằng ngày, đồng thời giảm áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị.
Đặc biệt, chính sách này còn hướng tới việc hạn chế tình trạng học trái tuyến, chạy hộ khẩu, vốn gây ra nhiều bất công và khó khăn trong công tác tổ chức, quản lý tuyển sinh trong những năm qua.
Chính sách mới được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh, phụ huynh. Ảnh minh hoạ
Để hiện thực hóa chủ trương mới, ngành giáo dục sẽ ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS) vào công tác phân bổ học sinh theo vị trí địa lý. Đây là công cụ hiện đại giúp xác định chính xác khoảng cách từ nơi ở của học sinh đến các trường học trên địa bàn.
Trên thực tế, TP.HCM đã bắt đầu ứng dụng GIS vào tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 từ năm 2023, mang lại kết quả tích cực trong việc sắp xếp học sinh hợp lý theo nơi cư trú. Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng hệ thống tương tự để triển khai đồng bộ từ năm học 2026–2027.
Chính sách mới không chỉ góp phần nâng cao tính công bằng trong giáo dục mà còn giúp các bậc phụ huynh thuận tiện hơn trong việc đưa đón con, giảm thiểu thời gian và chi phí di chuyển. Đồng thời, nhà trường cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý, chăm sóc học sinh đúng theo địa bàn phụ trách.
Đây được đánh giá là một trong những bước cải cách quan trọng của ngành giáo dục, thể hiện định hướng lấy người học làm trung tâm và xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng, hiện đại, gắn liền với thực tiễn cuộc sống.
Với việc triển khai đồng bộ trên toàn quốc từ năm 2026, nguyên tắc “nhà gần trường” hứa hẹn sẽ tạo ra một diện mạo mới trong công tác tuyển sinh đầu cấp, mang lại lợi ích thiết thực cho cả học sinh, phụ huynh lẫn ngành giáo dục.
Trước đó, báo Dân trí ngày 08/05/2025 cũng có bài đăng với thông tin: "Số thí sinh đăng ký ở kỳ thi vào đại học lớn nhất cả nước tăng hơn gấp đôi". Nội dung được báo đưa như sau:
Ngày 8/5, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, sau 21 ngày mở cổng đăng ký đợt 2, đã có hơn 97.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2025.
Năm 2025, đợt 2 của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM được tổ chức vào ngày 1/6 tại 11 tỉnh/thành gồm Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang và TPHCM
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025 (Ảnh: Hoài Nam).
Dự kiến, kết quả thi đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 16/6.
Nếu thí sinh thi cả 2 đợt, thì kết quả thi cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển.
Trong đợt 1 của kỳ thi này diễn ra vào ngày 30/3 vừa qua có gần 130.000 thí sinh dự thi.
Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM thay đổi cấu trúc đề thi với mục tiêu để tuyển được những học sinh phù hợp học đại học.
Việc điều chỉnh cấu trúc đề thi để phù hợp với bối cảnh áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đề thi giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời thêm số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM là kỳ thi trực tiếp xét tuyển vào đại học có quy mô lớn nhất trong cả nước về số lượng thí sinh dự thi và cả số lượng các trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Đến nay, 111 cơ sở giáo dục đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của đại học này tổ chức để xét tuyển sinh cho đơn vị.