Quản lý thị trường vào cuộc vụ TikToker Võ Hà Linh bị "tố" bán hàng phá giá
Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước đã có văn bản đề nghị Chi cục Quản lý thị trường TPHCM xem xét, giải quyết phản ánh TikToker Võ Hà Linh có dấu hiệu bán hàng phá giá.
Báo Dân trí ngày 17/05/2025 đưa thông tin với tiêu đề: "Quản lý thị trường vào cuộc vụ TikToker Võ Hà Linh bị "tố" bán hàng phá giá" cùng nội dung như sau:
Ngày 17/5, trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xác nhận thông tin cơ quan này đã có văn bản đề nghị Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đề nghị xem xét, giải quyết đối với phản ánh liên quan phản ánh đến bà Võ Hà Linh sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Trước đó, một người tiêu dùng đã gửi đơn phản ánh về việc TikToker Võ Hà Linh trong quá trình bán hàng livestream có dấu hiệu giảm giá sâu bất thường, bán thấp hơn đáng kể so với giá thị trường, thậm chí thấp hơn cả giá niêm yết của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính hãng.
Vào cuối tháng 3, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét các hoạt động bán hàng của KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng). Trong số đó có trường hợp của TikToker Võ Hà Linh.
Theo đó, hiệp hội này cho biết TikToker trên liên tục bị phản ánh có hành vi bán phá giá, cung cấp hàng hóa kém chất lượng và kêu gọi người dân tích trữ hàng hóa. Những phản ánh này đã gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng người tiêu dùng cũng như tác động không nhỏ đến thị trường.
Cụ thể, hiệp hội cho biết trước phiên livestream bán hàng ngày 15/3, Hà Linh đã đăng bài trên trang cá nhân mạng xã hội của mình kêu gọi mọi người tích trữ hàng hóa với lý do các sàn thương mại điện tử sẽ tăng phí vào đầu tháng 4.
Võ Hà Linh đang là một trong số KOL dẫn đầu doanh số bán hàng livestream tại Việt Nam (Ảnh: Minh Huyền).
Đồng thời, Võ Hà Linh đã liên tục bán hàng với mức giá thấp không tưởng, thấp hơn rất nhiều lần so với mức giá thị trường, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa tại các cửa hàng.
Hiệp hội cho rằng việc KOL này liên tục bán hàng với giá cả mang tính chất "triệt hạ" nhà bán lẻ truyền thống như vậy cũng sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với xã hội khi người dân không còn mặn mà với hình thức mua hàng trực tiếp mà chỉ tập trung vào mua sắm tại các phiên livestream.
Ngay sau đó, tối 30/3, trên trang cá nhân chính thức có tick xanh của Võ Hà Linh đã lên tiếng, khẳng định cam kết minh bạch trong các hoạt động livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu.
"Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu làm việc nào từ cơ quan chức năng liên quan đến các phản ánh gần đây. Tuy nhiên, chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ và đầy đủ để làm rõ mọi thông tin nếu có yêu cầu", thông báo trên trang cá nhân nêu.
Võ Hà Linh đang là một trong số KOL dẫn đầu doanh số bán hàng livestream tại Việt Nam. Theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường, trong phiên livestream ngày 10/10/2024, kênh TikTok của Võ Hà Linh dẫn đầu về lượng tiếp cận với tổng cộng 3,7 triệu lượt xem dù buổi livestream chỉ diễn ra trong chưa đầy 1,5 tiếng.
Tuy nhiên, Võ Hà Linh cũng từng vướng phải nhiều lùm xùm khi livestream bán hàng. Chẳng hạn hồi tháng 4/2023, TikToker này hợp tác với một nhãn hàng dầu gội livestream bán hàng trên nền tảng TikTok. Đáng chú ý, cô tuyên bố triển khai chương trình quảng bá sản phẩm với giá sốc là 11.000 đồng và 18.000 đồng.
Tuy nhiên, chiến dịch trên đã nhận về nhiều ý kiến phản đối dữ dội của các đại lý, nhà thuốc. Họ cho rằng hãng bán phá giá, gây khó cho các kênh bán truyền thống. Đã có những nhà thuốc kêu gọi nhau tẩy chay không chỉ nhãn hàng trên, mà còn cả những sản phẩm khác của đơn vị này.
Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm khi hiểu lầm đại lý, nhà thuốc ăn chênh lệch quá "dày". Trước làn sóng phản ứng dữ dội, cả Võ Hà Linh và phía nhãn hàng đều lập tức đăng bài cho rằng đây là "deal độc quyền" của nữ TikToker và sản phẩm được bán dưới dạng combo, số lượng có hạn.
Trước đó, báo Dân trí ngày 07/04/2023 cũng có bài đăng với thông tin: ""Chiến thần livestream" Hà Linh kiếm tiền khủng thế nào?". Nội dung được báo đưa như sau:
Bên cạnh cái tên "chiến thần", Võ Hà Linh còn gắn liền với biệt danh "thánh chê". Bởi cô thường đi ngược lại với xu hướng, dành lời chê nhiều hơn khen đối với mỹ phẩm cũng như khi review ẩm thực. Do đó, không ít người thắc mắc cách cô kiếm tiền khi liên tục đăng video không mang tính chất "nịnh".
Hà Linh thậm chí không ngại đối đầu với những tên tuổi có tiếng trong giới giải trí. Với phương châm "cây ngay không sợ chết đứng", cô nhận được sự tin tưởng từ khách hàng. Thậm chí, nhiều người cho biết, họ phải vào xem video của cô trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó.
Hà Linh từng bị tố nhận tiền quảng báo từ nhãn hàng để PR "lố". (Ảnh: FBNV).
Nước đi "khó nhằn" của Hà Linh
Khi ưu tiên lợi ích khách hàng, điều này đồng nghĩa với việc Hà Linh có khả năng trở thành "kẻ thù" của nhiều thương hiệu lẫn cá nhân. Cô cam kết những gì mình làm xuất phát từ cái tâm. Đó được xem như điểm thu hút nhất của nữ beauty blogger sinh năm 1992.
Cuối năm 2022, Hà Linh khẳng định cô không nhận tiền quảng cáo từ các nhãn hàng. Do đó, nội dung review của cô hoàn toàn không bị tác động bởi khoản chi phí này.
Theo cô, nếu hợp tác với nhãn hàng, hai phía phải ký hợp đồng nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Trước khi lên sóng, nội dung bị kiểm duyệt bởi nhãn hàng và đi theo định hướng đã đề ra. Nhãn hàng chính là đơn vị trả chi phí booking PR (đặt bài quảng cáo).
Nữ beauty blogger đã không chọn lối đi trên. Thay vào đó, cô kiếm tiền theo hướng Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết). Đây được xem như một hình thức thu nhập thụ động, theo Kevin Leyes - người sáng lập công ty tiếp thị truyền thông xã hội Leyes Media - chia sẻ trên tạp chí Entrepreneur. Người làm nội dung sẽ kiếm tiền hoa hồng bằng cách tiếp thị các sản phẩm.
Trong trường hợp của Võ Hà Linh, cô trực tiếp làm việc với các sàn thương mại điện tử. Cô đảm nhận vai trò giới thiệu khách hàng tiềm năng đến các sàn thương mại đó thông qua đường dẫn. Bởi vậy, nhãn hàng không có quyền tác động vào nội dung video. Hà Linh cũng cho biết, hầu hết sản phẩm review đều được mình tự mua để trải nghiệm.
Bên cạnh mỹ phẩm, Hà Linh còn review ẩm thực và gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: FBNV).
"Việc hoạt động trên hình thức Affiliate thay vì nhận booking là lựa chọn khó khăn đối với tôi và cả công ty. Chỉ nhận booking, tôi sẽ biết chắc chắn khoản tiền nhận về, không cần đụng chạm hay làm mất lòng bất cứ ai, êm đềm sống", cô chia sẻ.
Việc phát triển theo hướng đi này có phần mạo hiểm hơn khi thu nhập không hề ổn định. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho cả sản phẩm và ê-kíp rất lớn nhưng chưa biết khoản tiền thu về.
Cách làm của Hà Linh dễ dàng kiếm hàng nghìn USD?
Hình thức Affiliate Marketing được giới trẻ ngày nay quan tâm vì có thể kiếm tiền tại nhà. Điểm đặc biệt là bạn cần có kênh truyền thông đủ "mạnh". Đây từng được xem như cơ hội dành riêng cho những người nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên các trang mạng xã hội. Ngày nay, ai cũng có thể tự xây dựng tên tuổi cho riêng mình.
Trang Reliablesoft cho rằng, trước khi muốn kiếm tiền theo hình thức này, mọi người cần tạo một kênh giàu nội dung. Việc nỗ lực cung cấp giá trị cho người xem sẽ dần giúp xây dựng lòng tin và sự kết nối. Lâu dần, bạn có thể được định vị như chuyên gia trong ngành.
Điều này đúng với Võ Hà Linh khi cô đã bỏ nhiều thời gian, tiền bạc lẫn công sức để đầu tư ban đầu. Từ những video chỉ có vài trăm lượt xem trên YouTube vào năm 2019, cô hiện thu hút đến vài triệu lượt xem nhờ tạo được uy tín. Khi danh tiếng càng tăng lên, người xem sẽ có nhu cầu được nghe hướng dẫn và mua sản phẩm do chủ kênh đề cập đến.
Alex Chris - chuyên gia tư vấn Tiếp thị Kỹ thuật số có hơn 18 năm kinh nghiệm - tiết lộ, người mới bắt đầu có thể kiếm được 100 USD, thậm chí 1.000 USD mỗi ngày thông qua hình thức Affiliate Marketing.
"Đôi khi, Affiliate Marketing được thực hiện khéo léo đến mức chúng ta thậm chí không nhận ra mình đang nhấp vào một liên kết. Trung bình, thu nhập thụ động hàng năm của các nhà tiếp thị liên kết là 51.217 USD", Leyes chia sẻ.
Theo nghiên cứu của ông, 10% nhà tiếp thị liên kết ít nhất kiếm được 37.000 USD/năm. Trong khi đó, 10% thuộc top đầu có thể kiếm được hơn 70.000 USD/năm.
Affiliate Marketing thu hút nhiều người trẻ vì thời gian linh hoạt, dễ dàng kiếm tiền khi đã xây dựng được kênh uy tín. (Ảnh: Entrepreneur).
Vì chọn hình thức này, Hà Linh nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân mạng. Bởi những lời của cô nói ra đều dựa trên trải nghiệm bản thân, không cố tình quảng cáo "lố" để nhận tiền như nhiều KOL, KOC khác. Qua việc giúp nhiều thương hiệu "dọn sạch" kho chỉ trong hai phiên livestream cũng phần nào củng cố sức "nặng" của cô trong giới.
Chú trọng làm nội dung "sạch", review từ cái tâm đã giúp "chiến thần" thu về 1,9 triệu lượt đăng ký với 385 video trên YouTube. Tài khoản TikTok của Hà Linh hiện có 3,7 triệu lượt theo dõi. Những con số này được xem như khối tài sản lớn đối với một số người nổi tiếng.
Từ cô gái sinh ra trong gia đình khó khăn, Hà Linh hiện có cuộc sống hào nhoáng nhiều người mơ ước. Cô mua được nhà để báo hiếu mẹ, mua xe cho chị gái, đồng thời làm chủ công ty riêng. Cô cũng thường xuyên đi du lịch và sở hữu nhiều món hàng hiệu đắt đỏ.