Từ 1/1/2025: Chính thức xóa bỏ địa giới hành chính theo tỉnh trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Mới đây, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được thông qua. Luật có nhiều điểm mới, trong đó, Luật chính thức xóa bỏ địa giới hành chính theo tỉnh, và bắt đầu được áp dụng trên cả nước từ ngày 1/1/2025.
Ngày 13/12/2024 Nhịp sống Thị trường đưa tin "Từ 1/1/2025: Chính thức xóa bỏ địa giới hành chính theo tỉnh trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế" như sau:
Cụ thể, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu được quy định tại Điều 26. Theo đó, người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu hoặc cấp cơ bản; có quyền thay đổi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu trong 15 ngày đầu của mỗi quý.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định hệ thống y tế gồm có bốn tuyến là tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Khi tiến hành sửa đổi, hệ thống này đã được phân cấp lại gồm ba cấp. Đó là Cấp khám, chữa bệnh ban đầu, Cấp khám, chữa bệnh cơ bản và cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu. Như vậy, địa giới hành chính đã được xóa bỏ và người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế nay có thể đi khám bệnh, điều trị chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nào thuộc các cấp Ban đầu, cấp Cơ bản, cấp Chuyên sâu nào trên toàn quốc mà không bị coi là khám chữa bệnh trái tuyến.
Thay đổi theo hướng này giúp mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh cho nhân dân. Giờ đây, người dân có bảo hiểm y tế sẽ được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cấp Ban đầu trong toàn quốc. Thứ hai, người bệnh được hưởng chi trả mức 100% khi họ đi khám bệnh hoặc chữa bệnh nội trú ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cấp cơ bản. Bệnh nhân cũng được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh của mình tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc cấp cơ bản, cấp chuyên sâu… từng được xác định là thuộc tuyến huyện trước ngày 1/1/2025.
Đáng chú ý, theo Luật sửa đổi, nếu người dân mắc một số bệnh hiếm hoặc bệnh hiểm nghèo có thể lên thẳng các cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu. Người đi cấp cứu ở tất cả cơ sở y tế, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo ở vùng kinh tế khó khăn, xã đảo, huyện đảo… được hưởng mức chi trả bảo hiểm y tế 100% khi đi khám bệnh hoặc chữa bệnh nội trú cấp chuyên sâu.
Luật sửa đổi bổ sung mở rộng phạm vi quyền lợi điều trị một số bệnh như bệnh lác, tật khúc xạ mắt với người dưới 18 tuổi có thẻ BHYT. Luật cũng chi trả cho người khám chữa bệnh theo hình thức khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh y học gia đình hoặc khám chữa bệnh ngay tại nhà.
Các điểm sửa đổi, bổ sung cho thấy Luật đã nâng cao, mở rộng quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, giúp nhân dân có điều kiện để gia tăng tiếp cận, sử dụng những dịch vụ y tế trên mọi miền của tổ quốc. Qua đó, Luật góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải thời gian, chi phí đi lại, làm thủ tục, chi phí chi tiêu khi đi khám chữa bệnh và chi phí y tế thực tế của người dân.
Các quy định mới cũng có thể mang lại những lợi ích lâu dài và bền vững cho quỹ bảo hiểm y tế. Tuy ban đầu, các dịch vụ được gia tăng chi trả nhưng lâu dài thì có thể giúp tăng hiệu quả điều trị, để người bệnh có thể phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị bệnh sớm hơn do đó giảm tải tổng chi phí mà Quỹ bảo hiểm có thể phải chi, nhất là cho các trường hợp người bệnh nặng, chi phí điều trị cao.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế sau 15 năm luật được ban hành và thực thi góp phần đảm bảo được tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật nhà nước, đảm bảo được mục tiêu an sinh xã hội và những quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ngày 28/11/2024 Dân trí đưa tin "Xóa bỏ địa giới hành chính khi đi khám BHYT cấp ban đầu, cơ bản" như sau:
Đây là một số điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
So với luật hiện hành, Luật BHYT mới có 8 nhóm điểm mới cơ bản như sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở, bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý, bổ sung quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu (Ảnh minh họa: Hồng Hải).
Cụ thể, luật quy định về khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Theo đó, việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế, chuyển về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
Ngoài ra, một điểm mới nữa là quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi
- Khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc.
- Khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc.
- Khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta gồm 4 tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương. Tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1/1), hệ thống y tế phân làm 3 cấp: Cấp khám, chữa bệnh ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Đồng thời, luật đã mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.
Luật BHYT mới cũng điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT.
Cụ thể, tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%, trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng...
Bộ Y tế đánh giá những điểm mới nêu trên sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT…
Đồng thời, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Riêng quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT của luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.