Từ câu chuyện nạn nhân bị "bỏ bùa" chơi Forex: "Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam"

Mặc dù Mr Pips Phó Đức Nam đã bị bắt nhưng các chuyên gia tài chính và công nghệ cho rằng, chắc chắn vẫn còn nhiều cá nhân và tổ chức lừa đảo khác chưa bị phát hiện hoặc xử lý bởi cơ quan pháp luật.

Ngày 13/12/2024, báo Dân Việt đưa tin "Từ câu chuyện nạn nhân bị "bỏ bùa" chơi Forex: "Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam"" với nội dung như sau: 

Như Dân Việt đã đưa tin, Mr Pips Phó Đức Nam cùng các đối tượng đã bị bắt vì lập sàn giao dịch giả, lừa hơn 2.600 nạn nhân nạp hàng chục triệu USD (31 người bị khởi tố, thu giữ khối tài sản 5.200 tỷ đồng

Chiêu thức của nhóm lừa đảo bị vạch trần, đó là thành lập hàng chục văn phòng tại Việt Nam, tạo dựng các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo. Các sàn này, với giao diện tương tự như những sàn giao dịch quốc tế GTMX, ALPHA, TRDING, IQX..., được lập trình với đòn bẩy tài chính lớn (từ 20 đến 1.000 lần số tiền nạp), khiến các nhà đầu tư luôn thua lỗ và tài khoản "cháy" sau mỗi lần đặt lệnh.

Từ câu chuyện nạn nhân bị "bỏ bùa" chơi Forex: "Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam" - Ảnh 1.

TikToker Mr Pips Phó Đức Nam khoe tiền bạc, sự giàu có thời điểm trước khi bị bắt. Ảnh: FB

Khi nạn nhân bị "bỏ bùa" vì sàn giao dịch ngoại hối Forex giả mạo

PV Dân Việt gặp gỡ anh Vũ Chương (Hà Nội), người từng là một nạn nhân khi tham gia sàn Forex, và biết được đầy đủ chiêu thức "lùa gà" hết sức bài bản và tinh vi của các đối tượng lừa đảo.

Anh Chương kể: "Vào khoảng năm 2014, thời điểm công nghệ bùng nổ, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi mời chào về chơi chứng khoán và tham gia sàn Forex. Được giới thiệu "chỉ cần 1-2 triệu đồng cũng có thể tham gia" rồi "có broker hỗ trợ 24/24" hay "rút tiền lúc nào cũng được", "có thể tham gia đầu tư vào tất cả mặt hàng quốc tế từ dầu mỏ đến nông sản, vàng, USD"... nên tôi đã chọn thử tham gia sàn Forex.

Ban đầu, tôi đã quyết định thử nạp 5 triệu đồng với tâm lý xác định là mất cũng có thêm kiến thức về thị trường này. Thao tác nạp vào tài khoản tương đối thuận lợi và dễ dàng. Ngay sau khi nạp tiền, có ngay người gọi điện thoại hỗ trợ. Họ gọi tầm 18h tối và thông báo đang ở một sàn bên Mỹ và sẽ là người hỗ trợ trực tiếp cho tôi. 23h đêm, họ lại tiếp tục gọi và hướng dẫn đặt lệnh, nói rằng tôi cần tự tìm hiểu thêm mô hình nến tăng và mô hình nến đảo chiều".

Anh Chương nhớ lại, khi ấy anh đọc rất nhiều các thông tin về dầu mỏ và dự định đặt lệch mua dầu, nhưng người hướng dẫn đã ngăn cản với 2 lý do: Tài khoản mới chưa được tham gia đặt lệnh mua bán dầu mỏ vì khối lượng giao dịch không đủ. Và người hướng dẫn chịu trách nhiệm giúp người chơi có lãi nên cần chú ý làm theo hướng dẫn.

"Đến giờ tôi nghĩ đó là cách "lùa gà" của họ. Người hướng dẫn chẳng qua đang làm theo kịch bản có sẵn. Những lần đặt tiền đầu tiên, tôi có lãi nhanh chóng. Trong ít ngày tiếp theo, tôi có lỗ, có lãi và chỉ chơi "cò con". Vì tưởng sàn bên Mỹ bên tôi thức đêm nhiều ngày nên có phần mệt mỏi, ý định dừng chơi nhưng phát hiện hóa ra sàn Forex mở cửa cả ngày", anh Chương nói.

Trong một vài ngày tiếp theo, anh Chương kể rằng anh tự chơi mà không cần người hướng dẫn, đặt các lệnh đều có lãi, có lệch lãi gần 4 triệu đồng. Đột nhiên 1 tuần sau, người hướng dẫn gọi điện động viên rằng anh bắt lệnh rất chuẩn, hãy tiếp tục mua thêm. Nhưng khi mua thêm, giá liên tục giảm, tài khoản bốc hơi chỉ còn 1 triệu đồng.

"Máu ăn thua" bắt đầu xuất hiện, anh Chương sau khi lĩnh lương ở một cơ quan làm việc, liền nạp thêm 10 triệu đồng. Đến lúc này anh được thông báo đủ điều kiện tham gia mua bán mã dầu mỏ mà anh mong muốn từ đầu. Và câu chuyện lặp lại khá giống ban đầu: Có lỗ. Có lãi. Có hưng phấn. Có tiếc nuối... Cuối cùng, anh lỗ 20 triệu đồng tất cả và "cháy" tài khoản.

Sau đây, người hướng dẫn bắt đầu khuyên anh Chương chơi "đòn bẩy" (một dạng đặt cược trước để nâng số tiền lên 10 lần, 100 lần thậm chí 1000 lần tùy theo mức đảm bảo của tài khoản. Thắng thì thắng như bình thường nhưng thua sẽ trừ đi vào các khoản khác của tài khoản). Sau khi dùng "đòn bẩy", anh Chương tiếp tục bị cháy tài khoản, âm thêm 3 triệu đồng. Anh nạp 5 triệu đồng để phục hồi và có thêm 2 triệu đồng để tham gia tiếp. Lần này anh tiếp tục "cháy" tài khoản và quyết định dừng lại.

"Cho đến vừa qua khi đối tượng Mr Pips Phó Đức Nam bị bắt thì tôi đã hiểu rõ hơn quy trình lừa đảo, "lùa gà" của những tên tội phạm mạng tinh vi và đánh trúng tâm lý như thế nào. Tôi không biết sàn Forex khi đó có phải trong đường dây của Phó Đức Nam hay không và cũng không biết rằng đó là sàn thật sự hay lừa đảo", anh Chương chia sẻ.

"Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam"

Trả lời PV Dân Việt, ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, mô hình lừa đảo của Mr Pips không mới, nhưng chúng đã trở nên tinh vi và bài bản hơn rất nhiều.

Mr Pips Phó Đức Nam quảng cáo về sự giàu sang và xa hoa của bản thân. Lập các đội nhóm kín để lôi kéo cộng đồng trên Telegram, Zalo, Facebook...

Ở góc độ về công nghệ, Mr Pips Phó Đức Nam có thể coi là một người giỏi thông qua thành tích học tập khủng. Đối tượng từng tốt nghiệp Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, đạt thành tích cao trong kỳ thi SAT, thuộc top đầu quốc tế, và đạt chứng chỉ IELTS 8.5. Mr Pips cũng giành được học bổng toàn phần để theo học ngành Công nghệ Thông tin tại một trường đại học danh tiếng ở Singapore.

"Những kẻ lừa đảo có trình độ cao, hoạt động xuyên biên giới, và sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi của mình. Theo báo cáo tội phạm mạng của FBI năm 2023, các vụ lừa đảo trên toàn cầu đã gây thiệt hại hơn 12,5 tỷ USD, trong đó hơn 40% liên quan đến lừa đảo đầu tư. Đáng chú ý, mức độ thiệt hại đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm qua. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và nguy hiểm của các mô hình này, ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu", ông Phan Đức Trung phân tích.

Từ câu chuyện nạn nhân bị "bỏ bùa" chơi Forex: "Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam" - Ảnh 2.

Ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Ông Trung nhấn mạnh rằng, Mr Pips Phó Đức Nam không phải là đối tượng duy nhất tại Việt Nam. Dù Mr Pips đã bị bắt, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều cá nhân và tổ chức khác chưa bị phát hiện hoặc xử lý bởi cơ quan pháp luật.

Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam thông tin thêm, hiện Hiệp hội đang triển khai chương trình ChainTracer, một sáng kiến nhằm truy vết và nhận diện các dự án hoặc token có dấu hiệu lừa đảo. Trong suốt 2 năm hoạt động, Chaintracer đã ghi nhận rất nhiều trường hợp lừa đảo với số tiền thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc thị trường ngoại hối và chứng khoán đang lên cộng với chiêu trò dẫn dụ hết sức bài bản của Mr Pips đã đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư.

"Các đối tượng lừa đảo tài chính, đặc biệt là thông qua các sàn giao dịch ngoại hối, không chỉ được đào tạo kỹ về thao túng tâm lý, về công nghệ mà còn nắm bắt sâu kiến thức cả về lĩnh vực này. Từ đó, chúng đánh vào lòng tham của nhà đầu tư và dẫn dụ", TS Trí Hiếu nói.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, chính hình ảnh của bản thân ông cũng từng bị các đối tượng lợi dụng trong các hội nhóm để xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư tài chính. Ông Hiếu đưa ra lời khuyên rằng sự tỉnh táo, cảnh giác là điều rất quan trọng bởi các đối tượng lừa đảo bên ngoài vẫn rất nhiều, và ngày càng tinh vi.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP Tinh thông Luật):

Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 07 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối. Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.Theo đó, chỉ có các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới được phép kinh doanh ngoại hối.

Cá nhân, tổ chức khác chỉ được phép tham gia thị trường ngoại tệ khi thuộc đối tượng người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam theo khoản 2, khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013).

Về xử phạt hành chính

Giả sử, chủ thể có hành vi thành lập văn phòng tại Việt Nam tạo dựng các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính.

Mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, mức phạt tiền thấp nhất là 10.000.000 đồng và cao nhất là 250.000.000 đồng, ngoài ra còn phải chịu thêm các hình thức xử phạt bổ sung khác như: tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đại lý đối ngoại tệ; tước quyền sử dụng giấy phép thu, chi ngoại tệ và hoạt động ngoại hối khác; tước quyền sử dụng giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân; đình chỉ hoạt động ngoại hối. Căn cứ theo điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Về xử lý hình sự

Giả sử, trong trường hợp nếu chủ thể có hành vi thành lập văn phòng tại Việt Nam tạo dựng các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thì căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì mức phạt thấp nhất có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; mức phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân tùy mức độ, hành vi vi phạm của chủ thể.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngày 1/4/2023, báo VnExpress đã đưa tin "Tiến sĩ 'dạy làm giàu' dụ tiền 2.500 người bằng cách nào?" với nội dung như sau: 

Hà NộiĐang làm ăn ì ạch, Phạm Thanh Hải bỗng thu 2.700 tỷ đồng một năm nhờ quảng bá là tiến sĩ, mở lớp dạy làm giàu dụ 2.574 người góp vốn, trả lãi 50%/năm, VKS cáo buộc.

Ngày 29/3, TAND Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải, 57 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT), về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do hàng trăm bị hại vắng mặt, HĐXX phải hoãn phiên toà tới 19/4.

Tám năm từ khi bị bắt, tháng 10/2015, vụ án "tiến sĩ dạy làm giàu" vẫn chưa đến hồi kết.

Tháng 5/2018 tại phiên sơ thẩm, ông Hải bị tuyên tù chung thân. Toà phúc thẩm một năm sau đó tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng cấp sơ thẩm xác định có 508 bị hại và người liên quan với thiệt hại gần 600 tỷ đồng (cả gốc và lãi) là chưa chính xác. Một số người biết và giúp bị cáo Hải chiếm đoạt số tiền lớn cần bị điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm.

Sau 3 năm 6 tháng, cáo trạng mới nhất của VKSND Hà Nội ra tháng 11/2022, vẫn xác định tiến sĩ Hải là bị can duy nhất. Số bị hại được nhà chức trách xác định tăng 66 người, lên 574 người, tổng số tiền chiếm đoạt 576 tỷ đồng.

Vụ án được phát giác ngày 19/10/2015 khi tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng An ninh tài chính tiền tệ, Công an Hà Nội, đến kiểm tra trụ sở IDT đã phát hiện nhiều hợp đồng góp vốn với số tiền rất lớn, trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh không có nội dung huy động vốn, hoạt động tín dụng.

Tổ điều tra lập biên bản tạm giữ tang vật và mời người liên quan về trụ sở làm việc. Người đứng sau vụ lừa đảo dần hé lộ.

Ông Phạm Thanh hải

Ông Phạm Thanh Hải trong một hội thảo của Câu lạc bộ Học làm giàu. Ảnh: ANTĐ

Cáo trạng xác định, ông Hải thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty IDT từ năm 2007, hoạt động trong dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý; sản xuất bán buôn bán lẻ thực phẩm, hoá chất công nghiệp và tổ chức hội nghị, hội thảo. Việc kinh doanh không hiệu quả, một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy làm giàu.

Trong các buổi học này, ông Hải tự giới thiệu là tiến sĩ, nhiều kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại Liên Xô, có tài đầu tư, kinh doanh. Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây công nghiệp "tỷ đô" macca, có siêu dự án...

Nhà chức trách cáo buộc, để tạo tin tưởng, thu hút nhiều người góp vốn, ông Hải đưa ra các hợp đồng góp vốn với lãi suất 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Ông Hải mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi 2-10% tiền "thưởng kết nối" dành cho những người môi giới hợp đồng mới; tổ chức cho các "nhà đầu tư" này đi liên hoan, du lịch...

Ông Hải huy động vốn phục vụ cá nhân song chỉ đạo kế toán IDT soạn thảo, ký hợp đồng, kiểm đếm tiền giúp. Toàn bộ việc này được tổ chức tại trụ sở IDT. Ông đưa ra các hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư... tự ý sử dụng con dấu IDT trong các hợp đồng này để họ tin tưởng công ty huy động vốn, VKS cáo buộc.

Chỉ một năm, tháng 10/2014-10/2015, ông Hải đã huy động được hơn 2.725 tỷ đồng từ 2.574 nhà đầu tư. Đây là con số "chỉ tính các khoản có phiếu thu", do ông Hải chỉ đạo không nhập tiền vào hệ thống sổ sách kế toán của công ty và bản thân ông cũng không quản lý, kết luận điều tra nêu.

Theo lời khai tại cơ quan điều tra, việc sử dụng số tiền này ra sao, ông không cho các nhà đầu tư biết. Song nhà chức trách xác định, ông Hải chỉ dùng 99 tỷ đồng (tức 3,6% tổng số tiền) để góp vào 9 dự án, song cũng không phải với danh nghĩa IDT như cam kết.

9 dự án này đều chưa có lợi nhuận, hoặc lợi nhuận chỉ 2-200 triệu đồng/năm, bị VKS đánh giá "hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao" như ông Hải hứa hẹn.

2.725 tỷ đồng được "tiến sĩ dạy làm giàu" sử dụng ra sao?Nguồn: Cáo trạngChi thưởng kết nốiHội thảo du lịch...Cho vay cá nhânĐầu tư dự ánGửi ngân hàngLấy tiền người trước trả người sauVnExpressLấy tiền người trước trả người sau● Tỷ đồng: 2 376

Ông ta khai "nhận thức được các dự án chưa thể sinh lãi suất cao như hứa hẹn", trong khi phải trả tiền gốc, tiền lãi đến hạn với số tiền rất lớn nên buộc phải tiếp tục huy động của nhiều nhà đầu tư hơn để lấy tiền của người sau, trả cho người trước và "đảm bảo uy tín cá nhân". Ông Hải nhận thức có sai sót trong việc huy động vốn nhưng "không lường trước được rủi ro" và hậu quả.

Hiện, ông Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các "nhà đầu tư" này.

Bị hại nói 'không bị lừa'

Trong gần 2.600 người nộp tiền cho ông Hải, VKS xác định 2.000 trường hợp không đến cơ quan điều tra làm việc, lấy lời khai. Cơ quan công an tách phần tài liệu liên quan 2.000 người này để điều tra, xử lý sau.

Với hơn 570 người đã xác định được nhân thân, nhà chức trách kết luận số tiền bị chiếm đoạt là 576 tỷ đồng. Song quan điểm của những "nhà đầu tư" này về vụ án, chia hai luồng ý kiến trái ngược.

294 người khai qua bạn bè, người quen và mạng Internet đã tới dự các hội thảo do IDT tổ chức. Họ nghĩ công ty đang triển khai các dự án tiềm năng, có hợp đồng góp vốn đầu tư với lãi suất cao. Họ được giới thiệu Phạm Thanh Hải là tiến sĩ, chủ tịch, Tổng giám đốc IDT, có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh tại Nga, có uy tín... nên tin tưởng đầu tư vào các dự án ông này quảng cáo.

"Nếu biết việc nộp tiền là để Hải đầu tư cá nhân thì không nộp", nhiều người khai và yêu cầu IDT cùng bị cáo bồi thường, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong khi đó, 92 người rút đơn khiếu kiện, khẳng định không bị ông Hải lừa đảo và yêu cầu trả tự do cho bị can.

Những người còn lại đã chuyển địa chỉ, không đến làm việc, từ chối cung cấp thông tin hoặc đã chết.

Hơn 100 bị hại có mặt tại toà hôm 29/3, trong đó nhiều người cao tuổi, khẳng định không bị lừa đảo, yêu cầu trả tự do cho bị cáo. Ảnh: Danh Lam

Hơn 100 bị hại có mặt tại toà hôm 29/3. Nhiều người tuổi đã cao, khẳng định không bị lừa đảo, đề nghị trả tự do cho bị cáo. Ảnh: Danh Lam

Nêu quan điểm tại phiên toà hôm 29/3, một bị hại 95 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội khẳng định ông Hải "có trí tuệ, tài năng, tầm nhìn kinh doanh", không lừa đảo. Bà đề nghị toà tuyên bị cáo vô tội, trả tự do để ông Hải tiếp tục giảng dạy, truyền kinh nghiệm và thực hiện nốt các dự án đang sinh lời. Trước quan điểm này, HĐXX cho biết sẽ làm rõ vụ án và hành vi trong phiên xét xử ngày 19/4 tới.

Trả lời VnExpress, một bị hại 48 tuổi cho rằng, ông Hải thực tế đã chi trả cho các nhà đầu tư nhiều hơn số tiền huy động. Hơn 2.700 tỷ đồng là tính cả gốc và lãi, không phải tổng số tiền đã huy động được của các nhà đầu tư. "Điều đó chứng minh tiến sĩ Hải kinh doanh có lãi", ông này nói.

Ông phủ nhận tư cách bị hại, nêu nguyện vọng trả tự do cho ông Hải. Ông nói mình và những người đồng quan điểm sẽ "tự giải quyết" với ông Hải theo nội dung hợp đồng, do đây là tiền của họ, "không liên quan tài sản nhà nước".

Sau quá trình vụ án điều tra lại, vợ Hải cùng 4 kế toán, nhân viên công ty IDT vẫn được VKS xác định "không biết, không tham gia việc kinh doanh của ông Hải, không được hưởng lợi" và không được ông ta giải thích gì. Cơ quan công tố do đó kết luận "chưa đủ cơ sở" để khẳng định họ là đồng phạm nên không đề cập xử lý.

21 tài khoản ngân hàng của bị cáo Hải và một số cựu nhân viên IDT, tổng số dư nợ 17 tỷ đồng đã bị phong toả, chờ phán quyết của toà.