Thưởng Tết cao nhất ở Long An 519 triệu đồng
Mức thưởng Tết Ất Tỵ cao nhất ở Long An là 519 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, thấp nhất một triệu đồng.
Ngày 15/12/2024 báo VnExpress đưa tin "Thưởng Tết cao nhất ở Long An 519 triệu đồng" với nội dung như sau:
Thông tin được ông Nguyễn Đại Tánh, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An, cho biết sáng 15/12. Hiện tỉnh có 968 doanh nghiệp với gần 128.000 lao động báo cáo tiền thưởng Tết Ất Tỵ. Mức thưởng cao nhất năm nay thấp hơn nhiều so với gần 5,7 tỷ đồng dịp Tết năm trước ở địa bàn.
Ở Bình Dương, mức thưởng Tết cao nhất là 375 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi thấp nhất là 4,96 triệu đồng. Mức này đều tăng so với năm ngoái, lần lượt cao nhất là 366 triệu đồng và thấp nhất 4,68 triệu đồng. Đến nay tỉnh 1.676 doanh nghiệp đã có báo cáo thưởng Tết, 95 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng.
Ngoài hai tỉnh nói trên, hiện có một vài địa phương công bố thưởng Tết của doanh nghiệp như Hà Giang với mức cao nhất gần 110 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng mỗi người. Đăk Lăk mức thưởng cao nhất là 94 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng. Cần Thơ thưởng cao nhất 300 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng.
Ngày 15/12 là hạn cuối các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết Dương lịch và Nguyên đán theo đề nghị của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp cùng công đoàn cơ sở xây dựng phương án thưởng Tết, nắm tình hình tiền lương thực trả, nợ lương, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp lao động.
Cùng ngày, báo Báo Mới đưa tin "Long An thưởng Tết cao nhất hơn nửa tỷ, Bình Dương 375 triệu đồng" với nội dung như sau:
Mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 cao nhất đều đến từ các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong khu công nghiệp.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, đến nay đã có 968 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo mức tiền thưởng Tết Ất Tỵ 2025 dự kiến, quy mô tổng cộng 127.232 lao động.
Đáng chú ý, mức thưởng cao nhất theo kế hoạch lên đến 519 triệu đồng/người, tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, tiền thưởng bình quân là 8,5 triệu đồng/người, và thấp nhất là 1 triệu đồng/người đối với người lao động mới vào làm việc dưới 12 tháng.
Đối với Tết Dương lịch, 225 doanh nghiệp với 18.465 lao động ở Long An đã gửi báo cáo dự kiến tiền thưởng. Mức thưởng bình quân là 2,2 triệu đồng/người, cao nhất đạt 30 triệu đồng/người và thấp nhất là 200.000 đồng/người dành cho lao động mới làm việc dưới 6 tháng.
Còn tại Bình Dương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh này cũng thống kê từ báo cáo của 1.771 doanh nghiệp, cho thấy có 1.676 đơn vị đã lên kế hoạch thưởng Tết, trong khi 95 doanh nghiệp chưa xác định mức cụ thể.
Mức thưởng cao nhất được ghi nhận đạt 375 triệu đồng, đến từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại khu công nghiệp. Mức thưởng lớn phản ánh sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp tại địa phương.
Trung bình, người lao động tại Bình Dương dự kiến nhận mức thưởng Tết Nguyên đán khoảng 8,77 triệu đồng/người. Trong đó, mức thấp nhất là 4,96 triệu đồng/người, áp dụng cho lao động có thâm niên đủ 12 tháng.
Đối với Tết Dương lịch, mức thưởng cao nhất cũng đến từ một doanh nghiệp FDI, đạt 368 triệu đồng.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, việc duy trì mức thưởng Tết hấp dẫn không chỉ giúp cải thiện đời sống người lao động mà còn tạo động lực để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong năm mới.
Hiện, cơ quan này đã ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp công khai kế hoạch trả lương, thưởng, cùng các hỗ trợ khác như quà Tết, vé tàu xe.
Đồng thời, các ban ngành được chỉ đạo tăng cường giám sát đời sống công nhân, đặc biệt là những lao động ở lại Bình Dương dịp Tết, cũng như thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết.
Long An và Bình Dương là hai trong số các địa phương dẫn đầu trong phát triển kinh tế tại khu vực phía Nam, nổi bật với sự thu hút đầu tư mạnh mẽ và hệ thống khu công nghiệp hiện đại.
Đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp tại Long An đã thu hút 1.950 dự án, bao gồm 997 dự án FDI và 953 dự án trong nước. Riêng năm nay, đã có 96 dự án mới đổ bộ vào các khu công nghiệp trên địa bàn, trong đó 75 dự án FDI có tổng vốn hơn 540 triệu USD và 21 dự án trong nước hơn 1.227 tỷ đồng.
Bên cạnh công nghiệp, Long An còn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào lúa gạo, trái cây và thủy sản xuất khẩu. Đây là lợi thế giúp Long An duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
Trong khi đó, Bình Dương được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp", luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI.
Lũy kế đến hết tháng 11 năm nay, Bình Dương đã vượt Hà Nội để vươn lên vị trí thứ hai cả nước với tổng vốn FDI đạt gần 42,4 tỷ USD từ 4.378 dự án còn hiệu lực. Qua đó, tỉnh chiếm 8,5% số vốn ngoại tại Việt Nam.
Tính riêng 11 tháng đầu năm, "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, vượt mục tiêu cả năm và nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI, chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% vốn đầu tư cả nước.