Không đồng ý quà Tết cho người đi cai nghiện bằng với công nhân quét rác

Trước khi thông qua tờ trình, các đại biểu ở Đà Nẵng cho rằng quà Tết cho người đi cai nghiện, người bị tạm giam không thể bằng với công nhân quét rác.

Báo Tuổi trẻ đưa tin "Không đồng ý quà Tết cho người đi cai nghiện bằng với công nhân quét rác" với nội dung:

Các đại biểu cho rằng quà Tết cho đối tượng đi cai nghiện không thể bằng với công nhân quét rác - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Không thể cào bằng người vi phạm với người lao động

Chiều 13-12, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thảo luận thông qua tờ trình về việc hỗ trợ quà tặng cho các đơn vị, địa phương và đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Nhiều đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng phần quà Tết cho người đi cai nghiện, người bị tạm giam không thể bằng với công nhân quét rác.

Đại biểu Huỳnh Bá Cử cho biết việc hỗ trợ thăm, tặng quà là truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc nhân dịp Tết.

Tuy nhiên ông Cử lại không đồng ý đối với đề xuất hỗ trợ thêm quà Tết cho hai nhóm người cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng và đối tượng tạm giam ở Trại giam Hòa Sơn.

Theo ông Cử, hiện nay thành phố đã ban hành nghị quyết 275 và nghị quyết 238 đều quy định về việc hỗ trợ Tết cho các đơn vị và đối tượng trên địa bàn.

Trong nghị quyết 275, nhóm người cai nghiện tập trung/đang tạm giam đã được hỗ trợ thăm Tết 350.000 đồng.

Nếu bây giờ tăng thêm 500.000 đồng thì những người này được nhận tới 850.000 đồng.

Trong khi đó theo nghị quyết 238 thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở chỉ được 300.000 đồng. Hay chi hội trưởng chi hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân, những người làm công tác phong trào thì Tết cũng chỉ được 750.000 đồng.

"Công nhân môi trường đô thị làm vệ sinh Tết trong 4 ngày, thành phố hỗ trợ họ mỗi ngày 200.000 đồng thì cũng chỉ được 800.000 đồng. Tôi đề nghị rà soát lại việc hỗ trợ thêm này để có chính sách cho tương đồng, không bị "vênh".

Tôi đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng phải có giải trình vì sao có hỗ trợ tăng thêm cho người thuộc diện trong nghị quyết 275 mà không tăng hỗ trợ Tết cho nhóm trong nghị quyết 238" - ông Cử nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Bá Thành đồng ý hỗ trợ thêm 500.000 đồng cho hộ và gia đình theo nghị quyết 275. Tuy nhiên ông không đồng ý tăng thêm phần quà Tết cho người đi cai nghiện, người bị tạm giam trong nghị quyết này.

Ông Thành cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng phải rà soát các nhóm trong cả nghị quyết 275 và nghị quyết 238 để không bỏ sót và bảo đảm được sự công bằng chung trong việc triển khai chính sách.

Hỗ trợ tăng thêm không cao hơn mức hỗ trợ "cứng"

Theo đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung, nghị quyết 238 liên quan đến việc hỗ trợ Tết cho cán bộ công chức thì hằng năm đều tăng 15% so với năm trước.

"Nghị quyết 238 cứ tăng đều 15% năm nên không phải xin. Nghị quyết 275 thì ban hành từ năm 2019. Hằng năm dựa trên nguồn thu ngân sách thì UBND thành phố sẽ xin thêm cho các nhóm đặc thù. Quan điểm cá nhân của tôi thì thống nhất với tờ trình của UBND thành phố.

Chỉ lăn tăn ở mức hỗ trợ tăng thêm năm nay thì không nên vượt qua mức đã ban hành "cứng" trong nghị quyết trước đây (tức nghị quyết 275 thăm người cai nghiện, tạm giam 350.000 đồng thì hỗ trợ tăng thêm năm nay không quá mức này - NV)" - bà Nhung nói.

 

Liên quan đến tờ trình này, Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã đề nghị rà soát các nhóm và mức hỗ trợ tăng thêm năm 2025 phù hợp, không cào bằng, theo hướng đảm bảo mức hỗ trợ tăng thêm không cao hơn mức hỗ trợ theo các nghị quyết đã ban hành.

Đồng thời rà soát hai nghị quyết trên, đề xuất sửa đổi phù hợp nhằm đảm bảo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, hạn chế việc xin chủ trương hỗ trợ thêm hằng năm ngoài quy định.

Công nhân môi trường ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ông Ngô Xuân Thắng, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, có nhiều ý kiến khác nhau về việc hỗ trợ tăng thêm cho nhóm đi cai nghiện, người bị tạm giam.

Tuy việc thăm Tết với nhóm này thể hiện yếu tố nhân văn nhằm quan tâm, động viên hướng thiện nhưng phần hỗ trợ thêm này không thể cào bằng với nhóm khác được.

"Vì tính chất khác nhau, nhóm khác nhau và thăm Tết cũng là để động viên nhiều người lao động khác nữa. Cơ bản thống nhất tờ trình nhưng sẽ xem xét áp dụng với thăm Tết của hai nhóm này thấp hơn so với nhóm người dân, người lao động khác" - ông Thắng nói.

Báo Dân trí đưa tin "Công ty xăng dầu thưởng Tết cao nhất 94 triệu đồng" với nội dung:

Ngày 13/12, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đắk Lắk, đơn vị vừa hoàn thành báo cáo về tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn trong năm.

Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đã khảo sát 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và thu được kết quả từ 118 doanh nghiệp gửi báo cáo.

Tại Đắk Lắk, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 94 triệu đồng/người và thấp nhất mức 200.000 đồng/người (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tổng hợp từ danh sách báo cáo, Sở LĐ-TB&XH thông tin, mức tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp ở Đắk Lắk là 8,95 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, mức lương tháng cao nhất là 104,95 triệu đồng, thấp nhất là 3,5 triệu đồng.

Có 70/118 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cho trên 10.200 người lao động. Mức thưởng bình quân là 1,65 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất là 80 triệu đồng. Khoản thưởng Tết Dương lịch "khủng" thuộc về một ngân hàng có trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Cũng theo kết quả khảo sát, có 93/118 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cho trên 13.200 người lao động. Trong đó, mức thưởng bình quân là 6,13 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, cao nhất là 94 triệu đồng. Mức thưởng Tết nổi trội này thuộc về một công ty xăng dầu có trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, tính đến 31/10, trên địa bàn phát sinh 20 vụ tranh chấp lao động cá nhân. Trong đó, có 2 vụ được giải quyết thông qua cơ chế hòa giải viên lao động nhưng không thành, 18 vụ được tòa án thụ lý (đã giải quyết 12 vụ, còn 6 vụ đang tiếp tục giải quyết).