Phẫu thuật thẩm mỹ xong không giống hình trên căn cước công dân nên ngân hàng không cho rút tiền

Tôi ra nước ngoài phẫu thuật thẩm mỹ, tuy nhiên khi về Việt Nam đi rút tiền ở ngân hàng không được vì nhân viên nói không giống hình trên căn cước công dân. Vậy tôi phải làm sao?

Báo Tuổi trẻ ngày 22/3 đưa thông tin với tiêu đề: Phẫu thuật thẩm mỹ xong không giống hình trên căn cước công dân nên ngân hàng không cho rút tiền. Với nội dung như sau: 

Tôi sang nước ngoài phẫu thuật thẩm mỹ, có giấy tờ chứng minh đầy đủ nên khi về qua hải quan bình thường. Tuy vậy khi tôi ra ngân hàng làm thủ tục rút tiền thì nhân viên lấy lý do tôi không giống hình trên căn cước công dân nên không cho rút. Việc này có hợp lý không? Tôi phải làm sao để rút tiền?

Bạn đọc Nguyệt Minh - TP Thủ Đức - gửi câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:

Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán giữa ngân hàng và khách hàng do các bên thỏa thuận.

Trong đó có quy định phạm vi sử dụng, hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán và các trường hợp tạm dừng, từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản.

Căn cước công dân là 1 trong các yếu tố đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán với ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật

Ngân hàng có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản trong trường hợp: không khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán hoặc không phù hợp với các thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (điểm b khoản 1 điều 6 văn bản hợp nhất số 15/VBHN-NHNN ngày 28-12-2020).

Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật căn cước công dân năm 2014 (áp dụng đến 1-7-2024).

Một số thông tin lưu ý có trên thẻ căn cước công dân như: Mặt trước thẻ có: ảnh… Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ…

Trong trường hợp của chị, nếu việc phẫu thuật thẩm mỹ làm hình ảnh chị thay đổi so với ảnh trên căn cước công dân thì việc nhân viên ngân hàng không cho chị rút tiền là có căn cứ như phân tích nêu trên.

Như vậy, chị có thể xem lại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán giữa ngân hàng và chị quy định như thế nào.

Để rút được tiền thì chị có thể chuẩn bị thêm các tài liệu như: hộ chiếu, hồ sơ phẫu thuật thẩm mỹ, giấy tờ có chữ ký, giấy tờ có ảnh, dấu vân tay, đặc điểm nhân dạng của chị… để thỏa thuận với ngân hàng giải quyết.

Đồng thời, chị có thể làm thủ tục đổi thẻ căn cước công dân (quy định tại khoản 1 điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014), để hình ảnh trên thẻ căn cước công dân đúng với hình ảnh của chị sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Tiếp dến, báo Vnexpress cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Phẫu thuật thẩm mỹ đến mức nào sẽ phải làm lại thẻ căn cước, hộ chiếu?

Nội dung được báo đưa như sau: 

Cán bộ xuất nhập cảnh yêu cầu phải đi làm lại hộ chiếu. Em xin hỏi, pháp luật quy định, hướng dẫn thế nào về việc này?

Phẫu thuật thẩm mỹ mặt ở mức độ nào thì phải làm lại các giấy tờ thiết yếu như căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe?

Em xin cảm ơn.

Độc giả Lan Anh

Luật sư tư vấn

Đối với việc làm lại căn cước công dân:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2016, thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp sau:

- Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

- Xác định lại giới tính, quê quán;

- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

- Khi công dân có yêu cầu.

Tại quy định nêu trên thì thay đổi "đặc điểm nhân dạng" là một trong những trường hợp phải thực hiện đổi lại CCCD. Trong khi đó, "nhân dạng" được hiểu là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.

Như vậy, nếu phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhân dạng, khiến những người xung quanh không thể dễ dàng nhận ra gương mặt trước và sau phẫu thuật đều là cùng một người thì trong trường hợp này, phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân.

Đối với việc làm lại hộ chiếu:

Tại Điều 7 Luật xuất nhập cảnh 2019 có quy định thời hạn của hộ chiếu phổ thông như sau:

a) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;

b) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 5 năm và không được gia hạn;

c) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

Hiện nay, luật không có quy định cụ thể về các trường hợp thay đổi đặc điểm nhân dạng đến mức độ nào thì phải làm lại hộ chiếu, tuy nhiên đối chiếu với quy định nêu trên, hộ chiếu phổ thông nếu còn hạn thì vẫn được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Do hộ chiếu liên quan đến việc xuất nhập cảnh nên để đảm bảo rằng bạn có thể di chuyển giữa các quốc gia sau khi phẫu thuật thẩm thẩm mỹ thì bạn nên làm lại hộ chiếu.

Đối với việc làm lại giấy phép lái xe:

Tại Điều 36 Luật giao thông đường bộ 2017 quy định các trường hợp cấp lại giấy phép lái xe gồm:

- Người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng

- Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

- Người có giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.

Như vậy không có quy định trường hợp thay đổi đặc điểm nhân dạng thì phải cấp lại giấy phép lái xe. Tuy nhiên, nếu việc phẫu thuật thẩm mỹ đã làm thay đổi đặc điểm nhân dạng thì khi đổi lại thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu thì cũng nên đổi giấy phép lái xe. Để tránh tình trạng ảnh trên 3 mẫu giấy tờ tuỳ thân này lại khác nhau quá.