Người lương hưu thấp được bù lớn để đạt mức tối thiểu năm 2025

Với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức lương hưu thấp nhất bằng lương cơ sở. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng hiện áp dụng, nhiều người được bù tiền để đạt lương hưu tối thiểu.

Theo báo Dân Trí ngày 18/12/2024 có bài viết với tiêu đề: "Người lương hưu thấp được bù lớn để đạt mức tối thiểu năm 2025". Nội dung như sau:

Lương hưu thấp nhất hiện hành

Trước ngày 1/7/2025, cách tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được áp dụng theo quy định tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất là bằng mức lương cơ sở.

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng. Đối chiếu với quy định lương hưu tối thiểu bằng mức lương cơ sở thì từ thời điểm này, lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc cũng xác lập mốc 2.340.000 đồng.

Hiện nay, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất là bằng mức lương cơ sở (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Quy định này không áp dụng cho trường hợp quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 (người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) và Khoản 3 Điều 54 (lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi).

Ngoài ra, quy định này được áp dụng khi tính lương hưu cho người lao động tại thời điểm nghỉ hưu. Do đó, thực tế hiện tại vẫn có nhiều người đang nhận mức lương hưu thấp hơn lương cơ sở.

Trường hợp bà Lê Thị Tú sinh năm 1961, về hưu từ ngày 1/1/2018 với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là một ví dụ.

Thời điểm nghỉ hưu, bà Tú được hưởng mức lương hưu là 1.300.000 triệu đồng. Đến tháng 7/2024, sau nhiều lần điều chỉnh tăng thêm, lương hưu của bà Tú là 2.070.000 đồng/tháng, thấp hơn lương cơ sở tại thời điểm này (2.340.000 đồng/tháng).

Theo BHXH Việt Nam, trường hợp của bà Tú đã được giải quyết chế độ hưu trí vào ngày 25/1/2018 với tổng lương hưu hằng tháng là 1.300.000 đồng.

Trong đó, lương hưu thực tính theo quá trình đóng BHXH của bà Tú là 748.266 đồng. Sau đó, bà được điều chỉnh tăng thêm 7,27% lương hưu theo chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Lương hưu sau khi điều chỉnh là 802.665 đồng/tháng.

Do mức lương trên thấp hơn lương cơ sở tại thời điểm này nên bà Tú được bù thêm 497.335 đồng/tháng để đảm bảo lương thực nhận bằng lương cơ sở theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014.

Như vậy, quy định lương hưu thấp nhất đã được thực hiện khi bà Tú làm chế độ nghỉ hưu. Sau đó, lương hưu của bà chỉ được điều chỉnh tăng thêm theo quyết định của Chính phủ.

Cụ thể, lần điều chỉnh gần nhất là theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP, lương hưu của bà từ tháng 7/2024 được tăng thêm 15%.

Lương hưu tháng 6/2024 của bà Tú là 1.800.000 đồng/tháng. Đến tháng 7/2024, lương hưu của bà tăng thêm 15% so với tháng 6/2024, tức là 2.070.000 đồng/tháng.

Lương hưu thấp nhất từ ngày 1/7/2025

Từ ngày 1/7/2025, Luật BHXH năm 2024 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật BHXH năm 2014. Do đó, mức lương hưu hằng tháng của người nghỉ hưu từ ngày này trở đi được tính theo quy định tại Điều 66 Luật BHXH năm 2024.

Điểm thay đổi quan trọng trong cách tính lương hưu theo Điều 66 Luật BHXH năm 2024 là không còn quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất.

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 141 Luật BHXH năm 2024, quyền lợi được hưởng mức lương hưu hằng tháng thấp nhất chỉ còn được áp dụng cho 7 nhóm người lao động đã tham gia BHXH trước ngày 1/7/2025.

Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất cũng không còn tính bằng lương cơ sở mà thay bằng mức tham chiếu.

Điều kiện để 7 nhóm lao động trên được cấp bù tiền để đạt mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng lương tham chiếu (trong trường hợp tại thời điểm nghỉ hưu, lương hưu thực tính thấp hơn mức tham chiếu) là họ có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên.

Mức tham chiếu được quy định tại Điều 7 Luật BHXH năm 2024. Theo đó, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH.

Theo Khoản 13 Điều 141 Luật BHXH năm 2024, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.

Trước đó, theo báo Thanh Niên ngày 13/06/2024 có bài viết: "Người có lương hưu thấp được điều chỉnh mức tăng cao hơn". Nội dung cụ thể:

Đây là điểm mới liên quan đến lương hưu vừa được bổ sung vào dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi chỉnh lý.

Người có lương hưu thấp được điều chỉnh mức tăng cao hơn- Ảnh 1.

Dự thảo luật BHXH sau khi chỉnh lý đã bổ sung thêm các quy định liên quan đến lương hưu. T.H

So với dự thảo trình Quốc hội tại đợt 1 kỳ họp thứ 7, điều 73 của dự thảo luật sau khi chỉnh lý đã quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định điều chỉnh mức tăng cao hơn đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 và đối tượng có mức lương hưu thấp.

Quy định này nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ. Chính phủ sẽ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.

Tại điều khoản chuyển tiếp, dự thảo luật cũng bổ sung quy định người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1.1.1995 được tính để hưởng BHXH theo quy định của Chính phủ.

Hằng năm, nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ BHXH để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp BHXH đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày 1.1.1995.

Liên quan đến lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm đó, phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn, mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước, nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung.

Bổ sung quy định mức lương hưu đối với một số đối tượng đặc thù

Theo quy định của luật BHXH hiện hành, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/tháng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, lương cơ sở sẽ được bãi bỏ.

Tại dự thảo luật mới nhất, Chính phủ cũng thống nhất trong khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, thì mức tham chiếu quy định tại luật này được áp dụng bằng mức lương cơ sở.

Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở. 

Mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong luật này.

Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH. Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này.

Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến đề nghị của Bộ Quốc phòng và cuộc họp ngày 10.6 giữa các cơ quan Chính phủ và Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có thể bổ sung một khoản tại điều 72 của dự thảo luật về quy định mức lương hưu đối với một số đối tượng đặc thù. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.

Dự án luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận, dự kiến thông qua ngày 25.6 và có hiệu lực từ 1.7.2025.