Mua chỉ vàng rẻ hơn cửa hàng 70 nghìn đồng, nhận cái kết đắng khi mang bán

Chiếc nhẫn tròn trơn in logo Bảo Tín Minh Châu ép vỉ cẩn thận, được người mua sang tay trên mạng với giá rẻ hơn giá niêm yết của cửa hàng 70 nghìn đồng/chỉ. Tuy nhiên, khi mang bán, cửa hàng xác định là vàng giả.

Báo Người đưa tin ngày 21/02 đưa thông tin với tiêu đề: "Mua chỉ vàng rẻ hơn cửa hàng 70 nghìn đồng, nhận cái kết đắng khi mang bán" cùng nội dung như sau: 

Mua chỉ vàng qua mạng, mất ngay gần chục triệu đồng

Thời gian gần đây, giá vàng trên thị trường trong nước luôn biến động mạnh và liên tục lập đỉnh mới. Cùng với đó, giá chênh lệch giữa mua và bán được các cửa hàng nới rộng, từ vài trăm nghìn đồng lên vài triệu đồng/lượng.

Không những thế, nhiều người gặp không ít khó khăn khi phải xếp hàng dài, chờ cả tiếng mới được vào giao dịch do quá đông. Thậm chí, một số cửa hàng còn giới hạn số lượng mua cho từng khách vì không đủ hàng.

Cảnh mua bán đông đúc, nhộn nhịp tại một số cửa hàng kinh doanh vàng lớn trong những ngày giá vàng biến động mạnh.

Trên các hội nhóm và diễn đàn mạng xã hội, nhiều bài viết về việc mua bán vàng với giá chênh lệch so với cửa hàng đã xuất hiện, nhằm thu lợi từ sự chênh lệch này. Người tiêu dùng thường tìm kiếm cơ hội mua vàng với giá rẻ hơn, trong khi người bán lại muốn bán với giá cao hơn so với giá niêm yết tại cửa hàng. Tuy nhiên, việc giao dịch vàng qua mạng xã hội với những người lạ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khó khăn trong việc kiểm định chất lượng vàng.

Gần đây, một video phát trực tiếp từ một cửa hàng vàng tại Bắc Ninh đã gây chú ý khi chủ cửa hàng cho biết khách mang vàng đến bán đã mua phải vàng giả. Video này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận từ cộng đồng mạng. Đáng chú ý, sản phẩm giả mạo này còn có in logo của một trong những thương hiệu vàng lớn nhất Việt Nam. Sự việc này không chỉ cảnh báo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua vàng qua mạng xã hội mà còn đặt ra câu hỏi về chất lượng và độ tin cậy của các sản phẩm vàng trên thị trường.

Cửa hàng đã quay video phát trực tiếp lên mạng xã hội khi khách đến bán vàng giả đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. (Ảnh chụp màn hình).

“Khách nhà em đến bán vàng vỉ gần giống vàng Bảo Tín Minh Châu mua lại trên hội nhóm, em cắt ra phát hiện vàng giả đây mọi người ơi”, chị Hoàng Yến nói trong video phát trực tiếp của mình trên mạng xã hội.

Theo chị Yến, kinh doanh vàng nhiều năm nay, theo thói quen thì khi nhìn thấy thương hiệu này chị sẽ không cắt ra. Tuy nhiên, lần này, cầm vỉ vàng thấy in logo Bảo Tín Minh Châu mà viền vỉ lại không có nên chị cắt ra.

“Cầm lên cái tôi biết ngay vàng giả vì nhẹ hều, tem giả nên mờ mờ, dấu giả. Họ làm giả rất tinh vi, in lại tem, dập lại vỉ, dấu cũng giả luôn. Em gái này bảo mua lại trên hội nhóm, rẻ hơn được 70 nghìn mà dính vàng giả mất gần chục triệu đấy. Thế là mất không 1 chỉ, may mà có 1 chỉ chứ 1 cây thì biết làm thế nào được”, chị Yến nói.

Cuối video, chị Yến không quên nhắc nhở mọi người hết sức cẩn thận khi mua bán vàng qua tay mà không qua cửa hàng vì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tương tự như tình huống mua phải vàng giả thương hiệu lớn như trong video.

Mặc dù mới được đăng tải nhưng video của chị Yến đã thu hút gần 500 nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt quan tâm, bình luận và chia sẻ.

Cảnh báo rủi ro về “sàn vàng” tự phát

Mặc dù đã được nhiều người cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn khi giao dịch, mua bán vàng qua mạng xã hội nhưng trên các hội nhóm, chợ mạng, mỗi ngày có hàng trăm bài viết mua bán vàng thương hiệu.

“Nhà mình chuyên thu mua vàng 9999 thương hiệu Doji, Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Phú Quý, Bảo Tín Mạnh Hải… Ai cần bán chốt lời nhắn tin riêng cho em nhé, giá cả thu mua cao hơn cửa hàng”, tài khoản Duy Ngọc viết.

Đồng thời, ngày 20/2/2025, khi giá vàng nhẫn ở chiều mua vào được các thương hiệu lớn niêm yết ở mức 90,45 triệu đồng/lượng thì nhiều người lại đăng bán trên chợ mạng với giá cao hơn, từ 91-92 triệu đồng/lượng nhằm hưởng chênh lệch.

Trao đổi với PV, bà Hoàng Hạnh - Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Vàng Trao đổi của Bảo Tín Minh Châu cho biết, trên vỉ vàng và sản phẩm của Bảo Tín Minh Châu đều có thông tin, kí hiệu, mỹ hiệu, tem chống hàng giả in 7 màu đặc biệt, có mã vạch chứa thông tin để kiểm soát nguồn gốc, chất liệu của sản phẩm.

“Để tránh bị lợi dụng, lừa đảo, người dân nên đến giao dịch trực tiếp tại cửa hàng để được mua đúng, bán đủ, được kiểm tra tiền, vàng, trước và sau giao dịch. Đặc biệt là được cấp giấy tờ có chữ kí và đóng dấu khi mua bán vàng”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, hiện nay, vàng giả và giấy tờ chứng nhận giả có thể dễ dàng được các đối tượng xấu làm rất tinh vi. Vì thế, khi mua vàng trên mạng xã hội có thể tiềm ẩn những rủi ro rất lớn mà chúng ta không lường trước được.

“Người dân không nên tự giao dịch vàng trên các hội nhóm mạng xã hội để tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro đáng tiếc. Dù có thể mua được vàng thật nhưng chất lượng và trọng lượng cũng có thể không được chuẩn, được đủ như các cửa hàng chính hãng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trước đó, báo Dân trí ngày 05/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Khó mua vàng, khách tìm lên chợ mạng, đồng ý giá 94-95 triệu đồng/lượng". Nội dung được báo đưa như sau:

Không ít người dân phản ánh gặp khó khăn khi mua vàng tại các kênh chính thống thời gian qua. Sau Tết, việc mua vàng, đặc biệt vàng nhẫn càng trở nên khó khăn khi ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) đến gần. Không ít người đã lên chợ mạng rao mua, bán với giá cao hơn thị trường 3-4 triệu đồng/lượng. 

Mua vàng trên chợ mạng: Người sẵn sàng, người e ngại nguồn gốc

Ngày 4/2, tức 3 ngày trước dịp vía Thần Tài, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đồng loạt vượt mốc 90 triệu đồng/lượng, kéo theo tình trạng khan hàng tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội và TPHCM.

Nhiều người phải đi 4-5 tiệm mới mua được một chỉ vàng nhẫn. Khi các cửa hàng vàng liên tục báo hết vàng nhẫn, thị trường "chợ đen" trở thành nơi giao dịch nhộn nhịp với mức giá cao hơn đáng kể so với giá niêm yết.

Trên các hội nhóm mua bán vàng ở mạng xã hội, không ít người rao bán vàng nhẫn, vàng miếng với giá chênh lệch từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/chỉ, tương đương 2-4 triệu đồng/lượng. Một tài khoản rao bán 10 chỉ vàng miếng với giá 9,3 triệu đồng/chỉ, cao hơn giá niêm yết 300.000 đồng/chỉ, tương đương mức chênh lệch 3 triệu đồng/lượng so với giá các doanh nghiệp vàng lớn niêm yết.

Anh Hữu Thạnh (quận 3, TPHCM), chia sẻ, anh đã đi 5 tiệm vàng trên đường Nguyễn Duy Dương (quận 10) nhưng đều nhận được câu trả lời "hết vàng nhẫn". Cuối cùng, vì không muốn lỡ cơ hội mua vàng, anh chấp nhận mua 2 chỉ vàng nhẫn từ một người bán trên "chợ đen" với giá 9,35 triệu đồng/chỉ, cao hơn giá niêm yết 350.000 đồng/chỉ.

"Giá hơi cao nhưng tôi cần mua để tích trữ, dù sao cũng sát ngày vía Thần Tài, có khi giá còn tăng nữa", anh Thạnh nói.

Trái ngược với anh Thạnh, chị Thu Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) lại quyết định không mua vàng kiểu này trên chợ mạng dù rất cần. Chị cho biết đã đi 3 tiệm nhưng không mua được vì hết hàng.

"Tôi thấy nhiều người rao bán vàng nhẫn trên mạng với giá cao hơn vài trăm nghìn đồng mỗi chỉ nhưng không rõ nguồn gốc nên tôi không dám mua. Vàng là tài sản giá trị, nếu không chắc chắn về chất lượng, tôi thà chờ dịp khác còn hơn mua nhầm hàng kém chất lượng", chị Hà chia sẻ.

Chị Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) quyết định rao bán 4 chỉ vàng nhẫn trên mạng xã hội, thay vì mang ra tiệm như trước đây. "Nếu ra tiệm, giá các tiệm thu mua chỉ 8 triệu đồng/chỉ và bán lại cho khách hàng 9,1 triệu đồng/chỉ. Tôi rao bán 9,5 triệu đồng/chỉ vẫn có người hỏi mua", chị nói.

Chị Thanh nói sắp đến dịp vía Thần Tài, giá vàng có thể sẽ tăng. Nếu chị bán sớm thì sẽ không được mức lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, chị đang cần tiền, ngoài ra số lượng chị bán ra ít nên không cần tính toán nhiều. "Nếu bán ở thời điểm hiện tại, tôi cũng đã lời 2 triệu đồng/chỉ", chị nói.

Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy tình trạng khách hàng mua bán trên các hội nhóm mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tháng nay. Thậm chí, có nhóm đã lên đến gần 500.000 thành viên. Các bài đăng mua, bán vàng miếng và vàng nhẫn trơn diễn ra sôi nổi hàng ngày, với giá rao bán cao hơn thị trường 1-3 triệu đồng/lượng.

Một số tài khoản mạng xã hội cũng thường xuyên đăng bài chuyên thu mua vàng nhẫn của Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ... giá cao theo thỏa thuận, miễn là có hóa đơn. 

Với mặt hàng vàng miếng, việc mua trên thị trường chính thống cũng không dễ dàng. Không ít người phản ánh thủ tục mua vàng miếng tại 5 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước ủy thác gồm Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank khó hơn trước đây. Số lượng mua cũng được hạn chế chỉ 1-2 lượng và áp dụng với khách đã đăng ký thành công trực tuyến. Lượt đặt mua của 4 ngân hàng thường nhanh chóng hết lượt từ sớm.

Giá vàng trong nước đi lên chục ngày qua, bất chấp thị trường xảy ra tình trạng khan hàng. Vàng nhẫn trơn tăng từng ngày và thiết lập các mốc kỷ lục mới, có thời điểm vượt 90 triệu đồng/lượng. Vàng miếng cũng đã vượt 90 triệu đồng/lượng và đến sáng nay chạm mốc 91 triệu đồng/lượng chiều bán ra. 

Bất chấp mức giá cao kỷ lục, không ít người vẫn sẵn sàng mua gom vàng miếng, vàng nhẫn với kỳ vọng bán lại kiếm lời khi giá còn có thể tăng mạnh hơn vào ngày vía Thần Tài sắp tới.

Chuyên gia khuyên khách hàng nên cẩn trọng

Khuyến cáo đến người mua vàng, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, khuyên nhà đầu tư và người dân cần thận trọng vì giá vàng thế giới hay trong nước đều đang ở vùng đỉnh kỷ lục trong nhiều năm qua. Người dân cần phân tích, tìm hiểu, đánh giá rủi ro, tránh các quyết định cảm tính.

Chuyên gia đánh giá, giá vàng hiện nay vẫn trong vùng nhạy cảm. Nhà đầu tư cần cân đối danh mục sang một số kênh khác như tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản..., tránh phụ thuộc vào kênh vàng.

Khi giao dịch trên thị trường tự do, đặc biệt là với vàng nhẫn, người mua cần lưu ý về chất lượng vàng và tính thanh khoản. Trong một số trường hợp, vàng được mua tại cửa hàng nào thì chỉ nên bán ở cửa hàng đó. 

Chuyên gia này cũng lưu ý về tình trạng vàng bị hao hụt, vàng giả, pha trộn, không đảm bảo tỷ lệ chất lượng. Người dân thực sự có nhu cầu mua vàng thì nên cân nhắc kỹ khi giao dịch tại thị trường này. Còn trường hợp mua để đầu tư, đầu cơ thì nên hạn chế vì có nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Theo vị này, vàng vẫn là kênh đầu tư quan trọng, nhưng không phải là lựa chọn duy nhất.

"Nhìn chung, ngày vía Thần Tài năm nay, giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh giảm khi thị trường bước vào giai đoạn chốt lời. Đối với nhà đầu tư, cần thận trọng khi tham gia vào thời điểm này, tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) mà mua vào ở vùng giá quá cao", vị này nhấn mạnh.

Ông cũng đưa ra lời khuyên cho người dân cần cẩn trọng mua vàng trong thời điểm này.

Người mua vàng để cầu tài lộc, may mắn đầu năm có thể mua số lượng nhỏ, vì sự tăng giảm của giá vàng không ảnh hưởng đáng kể đến tổng tài sản. Còn đối với nhà đầu tư vàng lướt sóng, đây là giai đoạn đỉnh ngắn hạn và cũng là đỉnh cao mọi thời đại của giá vàng thế giới, do đó rủi ro điều chỉnh giảm mạnh là rất cao.

Cả nước hiện có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng. 

Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân, hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định. Các giao dịch này sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu rõ sẽ xử phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần.