3 mức tăng lương hưu chính thức từ năm 2025, người dân biết mà hưởng chế độ
Lương hưu sẽ được điều chỉnh mức tăng thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và đã nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa những người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Báo Thời báo VHNT ngày 22/02 đưa thông tin với tiêu đề: "3 mức tăng lương hưu chính thức từ năm 2025, người dân biết mà hưởng chế độ" cùng nội dung như sau:
3 mức tăng lương hưu chính thức từ năm 2025
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 159/2024/QH15 của về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội tại Điều 3 Nghị quyết 159/2024/QH15 như sau: Chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Theo đó, Quốc hội đã quyết chưa tăng lương hưu năm 2025 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Chính vì vậy, lương hưu 2025 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu sẽ tiếp tục được hưởng mức lương hưu hiện hưởng. Tuy nhiên, đối với người nghỉ hưu được chính thức tăng lương hưu đợt mới nhất (đợt tháng 7/2024 tại Nghị định 75/2024/NĐ-CP) thì sẽ tiếp tục hưởng mức tăng lương hưu trong năm 2025.
Tại Nghị định 75/2024/NĐ-CP, từ 1/7/2024 thống nhất tăng lương hưu cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu với 3 mức.
* Mức 1: Tăng 15% áp dụng cho toàn bộ đối tượng đã nghỉ hưu quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
* Mức 2: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng sau khi đã tăng 15%;
* Mức 3: Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng sau khi đã tăng 15%.
Lưu ý: Mức 2, mức 3 chỉ áp dụng cho một số người nghỉ hưu trước năm 1995 tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP nếu sau khi tăng lương hưu 15% mà đối tượng đó vẫn hưởng lương hưu dưới 3.500.000 đồng/tháng.
Theo quy định mới tại Nghị quyết 159 thì chính thức lương hưu 2025 chưa được điều chỉnh tăng. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu được tiếp tục hưởng lương lương hưu 2025 theo mức 1, mức 2, mức 3 như trên (mức tăng trong đợt tăng mới nhất vào thời điểm tháng 7/2024).
Đóng BHXH tối thiểu bao nhiêu tháng để xác định được hưởng lương hưu? Theo Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu:
"Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng. Trường hợp tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm".
Theo quy định nêu trên, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng.
Trường hợp tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Như vậy, người lao động phải đóng BHXH tối thiểu 12 tháng để được hưởng lương hưu.
Trước đó, báo Tuổi trẻ ngày 04/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Năm 2025, điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu thay đổi thế nào?". Nội dung được báo đưa như sau:
Gửi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc T.V.T. thắc mắc không biết về hưu sớm có bị trừ phần trăm tỉ lệ nhận lương hưu khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ 1-7-2025.
Còn độc giả tên S.G. cho rằng cần tính toán lại tuổi nghỉ hưu, ví dụ nam tăng từ 60 lên 62 tuổi là hợp lý, còn nữ chỉ nên từ 55 lên 58 tuổi.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay theo luật mới, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường hưởng lương hưu nếu đáp ứng 2 điều kiện là đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên và đến tuổi về hưu, tức giảm 5 năm tối thiểu so với quy định hiện hành.
Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam, và từ 55 lên 60 tuổi với nữ. Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Như vậy đến năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng, còn với nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Một lưu ý là thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
Đối với lao động nữ, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng.
Còn với lao động nam, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng (nếu đóng 15 năm tính 40%, mỗi năm đóng thêm cộng 1%).
Sau đó, người lao động đóng thêm bảo hiểm xã hội được cộng tỉ lệ là 2%/năm song tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam đóng từ 15 - 20 năm, lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (tương ứng 15 năm đóng), sau đó mỗi năm đóng thêm được cộng 1% cho tới khi đủ tỉ lệ 45% (tương ứng 20 năm đóng).
Đối với người làm theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định, người đóng từ 1-1-2007 đến ngày 31-12-2025 sẽ tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Dự kiến cách tính lương hưu mới?
Theo dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đang lấy ý kiến, cách tính lương hưu hằng tháng sẽ thay đổi. Cơ quan soạn thảo nêu một số ví dụ.
Chẳng hạn, bà H đã 55 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 32 năm 4 tháng và nghỉ hưu từ 1-10-2025.
Dữ liệu được phân tích như sau:
- 15 năm đầu tính bằng 45%.
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, mỗi năm cộng thêm 2%, vậy là 17 x 2% = 34%.
- 4 tháng dư làm tròn thành nửa năm, tức 0,5 x 2% = 1%.
- Tổng các tỉ lệ bằng 45% + 34% + 1% = 80% (tính tối đa bằng 75%).
- Nghỉ hưu trước tuổi 1 năm 8 tháng nên tỉ lệ hưởng lương hưu giảm là 2% + 1% = 3%.
Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà H là 75% - 3% = 72%. Song bà đóng bảo hiểm xã hội hơn 30 năm nên ngoài lương hưu, bà nhận thêm trợ cấp một lần cho 2 năm 4 tháng dư bằng 2,5 năm x 0,5 mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Một ví dụ khác, ông K đã 61 tuổi 3 tháng, làm việc trong điều kiện bình thường, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 18 năm 4 tháng và nghỉ hưu từ 1-9-2025.
Dữ liệu được phân tích như sau:
- 15 năm đầu tính bằng 40%.
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 18 là 3 năm, mỗi năm cộng thêm 2%, vậy là 3 x 1% = 3%.
- 4 tháng dư làm tròn thành nửa năm, tính thêm: 0,5 x 1% = 0,5%
- Tổng các tỉ lệ bằng 40% + 3% + 0,5% = 43,5%.
Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông K là 43,5%.
Trường hợp khác là ông T, nghỉ hưu tháng 4-2027 khi đủ 55 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội 30 năm. Trong đó, 15 năm làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động 81%.
Dữ liệu được phân tích như sau:
- 20 năm đầu tính bằng 45%.
- Từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 là 10 năm, mỗi năm cộng thêm 2%, vậy là 10 x 2% = 20%.
- Tổng các tỉ lệ bằng 45% + 20% = 65%.
Do ông nghỉ hưu trước tuổi 56 tuổi 9 tháng (tuổi nghỉ hưu năm 2027 của người lao động đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) là 1 năm 9 tháng, tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 2% + 1% = 3%.
Như vậy tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông T là 65% - 3% = 62%.