Mr Pips và Mr Hunter có thể đối mặt với mức án nào?
Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) được xác định là các đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 5.200 tỉ đồng.
Theo báo Lao Động ngày 14/12/2024 có đăng tải bài viết: "Mr Pips và Mr Hunter có thể đối mặt với mức án nào?". Nội dung cụ thể như sau:
Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter). Ảnh chụp màn hình
Mức án các đối tượng phải đối mặt?
Như Báo Lao Động đã thông tin, Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao do Phó Đức Nam (Mr Pips), Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) cầm đầu. Thu giữ, phong tỏa khối tài sản hơn 5.200 tỉ đồng.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật sư X đánh giá, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng khi số lượng tài sản bị thu giữ, phong tỏa rất lớn, cùng với đó là hơn 2.600 bị hại.
Theo Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, trong vụ án trên, cơ quan chức năng bước đầu đã khởi tố vụ án, khởi tố 31 bị can với các tội danh, gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Không tố giác tội phạm; Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu rõ, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, người sử dụng thủ đoạn gian dối để lừa dối và chiếm đoạt tài sản của người khác với con số trên 2.000.000 đồng là đủ để truy tố theo điều luật trên.
"Với mức độ nghiêm trọng của vụ việc và vai trò trong vụ án, tôi cho rằng Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ có thể bị truy tố tại khung hình phạt cao nhất theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 - phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân", Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa phân tích.
Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: NVCC
Trong trường hợp Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ bị truy tố thêm tội danh rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, với mức độ vi phạm và giá trị tài sản, tiền trên 500 triệu đồng thì sẽ bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Nếu hai đối tượng trên bị truy tố ở 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền thì tổng mức phạt tù có thể lên tới 20 năm hoặc chung thân.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, ngoài đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì các đối tượng khác trong đường dây này mà biết đây là các phương thức thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn thực hiện hành vi, cùng ý chí đối với đối tượng cầm đầu cũng được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức hoặc người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên sẽ bị xử lý cùng tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị hại có lấy lại được tài sản?
Liên quan đến vụ án trên, đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê dựa trên khai thác từ một phần các máy tính mà nhóm đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cơ quan chức năng xác định, hiện còn rất nhiều bị hại khác chưa trình báo, cơ quan điều tra chưa xác định được thông tin, số tiền bị hại bị chiếm đoạt. Nhiều bị hại vẫn nghĩ đây là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên không trình báo.
Phó Đức Nam (Mr Pips) và loạt xe sang bị thu giữ. Đồ họa: Thế Kỷ
"Trong các vụ án lừa đảo thường có các trường hợp bị hại bị lừa số tiền ít nên không khai báo, hoặc ngại tiết lộ thông tin nên cũng không trình báo, điều này có thể gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.
Tất cả bị hại nên đến các cơ quan điều tra để trình báo hoặc liên hệ các đơn vị tư vấn pháp lý để được trợ giúp", Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.
Sau khi tiếp nhận trình báo, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh. Nếu kết quả chứng minh đó là tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt thì tài sản sẽ được trả lại cho bị hại theo quy định.
Trước đó, theo báo Tuổi Trẻ ngày 10/12/2024 có bài viết với tiêu đề: "Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền?". Nội dung như sau:
Ngày 10-12, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền", "không tố giác tội phạm", "chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" liên quan TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ.
Có cơ hội lấy lại tiền?
Đến nay Công an Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 31 người. Trong đó 26 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can về tội rửa tiền, 1 bị can tội không tố giác tội phạm, 1 bị can tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Đáng chú ý, theo Công an TP Hà Nội, trong vụ án này có 2.661 người trên toàn quốc bị Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đảo. Những người này được xác định là bị hại trong vụ án.
Quá trình phá án, công an đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỉ đồng.
Cụ thể: 316 tỉ đồng tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỉ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỉ đồng, 69 tỉ đồng tiền mặt, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC, 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, đắt tiền; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỉ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương...
Bên cạnh đó, công an đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.
Vậy các bị hại trong vụ án có cơ hội lấy lại tiền không? Bị hại liên hệ cung cấp bằng chứng, tài liệu qua đâu?
Thông tin về vấn đề trên, thượng tá Cao Văn Thái, đội trưởng đội trọng án Công an TP Hà Nội, đề nghị những người là bị hại của các vụ lừa đảo trên các trang web, các sàn giao dịch của Phó Đức Nam... trình báo với phòng cảnh sát hình sự công an các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Bị hại cũng có thể đến trực tiếp Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội (địa chỉ: 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội; đường dây nóng: 0886.882.338)
"Nếu chúng tôi chứng minh được đây là tài sản lừa đảo thì đương nhiên sẽ trả lại cho bị hại", thượng tá Cao Văn Thái nói thêm.
TikToker Mr Pips và Mr. Hunter là ai?
Lê Khắc Ngọ được biết tới với biệt danh Mr. Hunter, vốn là cái tên quen thuộc trong giới đầu tư tài chính.
Ngọ xây dựng mình với hình ảnh một nhà đầu tư tự do thành công với hơn 13 năm kinh nghiệm "chinh chiến trên thị trường".
Để tạo dựng hình ảnh "truyền cảm hứng" nhưng mục đích thực chất là lôi kéo các nhà đầu tư tham gia hội nhóm, Mr. Hunter còn kể mình là một người từng vấp ngã, từ việc khởi nghiệp với số nợ hơn 2 tỉ khi chỉ mới ở độ tuổi 20, đến lúc trở thành nhà cố vấn tài chính nổi tiếng.
Bán các khóa học dạy đầu tư, thu hút nhiều người tham gia các đội nhóm, Mr. Hunter cũng được giới thiệu là nhà cố vấn phát triển cho các công ty môi giới và quỹ đầu tư quốc tế tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam.
Một hội thảo tài chính của Ngọ diễn ra hồi tháng 9 đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà đầu tư.
Ngọ cũng thường xuyên đăng ảnh và clip khoe tài sản khủng cùng những chia sẻ về những khoản đầu tư lớn. Các kênh mạng xã hội của Mr. Hunter thu hút một lượng lớn người theo dõi.
Để xóa bớt nghi ngờ của nhiều người về việc mình "phông bạt" để "lùa gà", Ngọ cùng các đối tượng liên tục đưa ra các bài viết khẳng định "Mr. Hunter còn là chủ doanh nghiệp về đầu tư tài chính".
Trong khi đó, Phó Đức Nam với nickname "Mr Pips" nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội qua nhiều video dạy làm giàu bằng đầu tư hay hướng tới xây dựng cộng đồng đầu tư tài chính.
Đáng chú ý, với việc liên tục khoe cả đống tiền, siêu xe, rất nhiều clip dạy làm giàu, dạy đầu tư của Phó Đức Nam thu hút cả trăm nghìn hoặc triệu view. Không chỉ khoe lãi, khoe giàu, Phó Đức Nam cũng thường xuyên đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo của mình về giá vàng, tiền ảo...