Mỗi tháng chỉ dùng 20.000 tiền điện, người phụ nữ bị điện lực phạt 140 triệu: Lý do đưa ra gây tranh cãi

Khi biết gia đình bị phạt 140 triệu đồng, cô Lý vô cùng bàng hoàng, không tin đây là sự thật.

Báo Người đưa tin ngày 31/12/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Mỗi tháng chỉ dùng 20.000 tiền điện, người phụ nữ bị điện lực phạt 140 triệu: Lý do đưa ra gây tranh cãi" cùng nội dung như sau:

"Tôi tự mình tiết kiệm điện, sử dụng ít, tại sao lại phạt tiền chúng tôi vì tiết kiệm điện chứ?", cô Lý sống tại Trịnh Châu, Trung Quốc phẫn nộ chia sẻ với phóng viên.

Khoản tiền điện gây tranh cãi

Sự việc xảy ra tại Trịnh Châu (Trung Quốc), khi nhân viên điện lực đi kiểm tra công tơ điện trên địa bàn theo kế hoạch. Trong quá trình thu thập thông tin, nhân viên phát hiện công tơ nhà cô Lý có điểm bất thường: Chỉ số tiêu thụ điện hàng tháng luôn ở mức dưới 10 kWh. Tính theo giá hiện tại, một tháng cô Lý dùng hết khoảng 6 tệ (khoảng 20.000 đồng) tiền điện.

Khi trở về cơ quan, nhân viên điện lực đã tra cứu lại dữ liệu điện năng tiêu thụ của gia đình cô Lý từ tháng 10/2013. Họ phát hiện công tơ điện luôn ổn định ở mức dưới 10 kWh. Điều này khiến nhiều người cảm thấy thật khó tin. Dựa trên các ghi chép trước đó vào các năm 2012 đổ về trước, mức tiêu thụ điện của gia đình cô Lý đều cao hơn rất nhiều. Chính những điểm đáng ngờ này đã khiến công ty điện lực chú ý.

Để làm rõ sự việc, nhân viên điện lực đã đến nhà cô Lý lần nữa để kiểm tra công tơ. Họ phát hiện công tơ có dấu hiệu bị "động chạm" đóng - mở quy định. Thời điểm mở nắp công tơ cũng rất kỳ lạ, diễn ra trong khoảng thời gian rất hẹp, từ 19h46 đến 19h54. Sau khi nắp công tơ được mở, mức tiêu thụ điện nhà cô Lý luôn ổn định ở mức dưới 10 kWh. Sự trùng hợp này khiến ngành điện lực nghi ngờ gia đình cô Lý có hành vi trộm cắp điện.

Ảnh minh họa

Do đó, phía điện lực quyết định phạt cô Lý. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, cô Lý bị phạt gấp 5 lần số tiền điện truy thu. Sau khi tính toán số tiền điện cô Lý phải nộp là 40.000 NDT (gần 140 triệu đồng). Có con số rõ ràng, công ty điện lực đã gửi cho cô một giấy phạt và yêu cầu cô Lý nhanh chóng trả số tiền phạt kể trên.

Công tơ điện biến mất

Ngay khi nhận được giấy yêu cầu nộp phạt, cô Lý cho rằng đây là trò lừa đảo. Tuy nhiên, đến một buổi tối cách đây hai tháng, cô Lý tan làm trở về nhà như thường lệ thì phát hiện chuyện động trời.

Khi cô vừa bật đèn lên định ngồi nghỉ một lát thì phát hiện điện trong nhà bật không lên. Điều này khiến cô Lý vô cùng bối rối. Lúc cô về, đèn đường đã sáng, nhà nào trong khu phố cũng đèn đuốc sáng trưng.

Cô Lý ra ban công nhìn xung quanh, thấy các tòa nhà đối diện và nhà ở tầng trên vẫn sáng đèn. Điều này có nghĩa là khu phố không bị cúp điện, có thể sự cố nằm ở nhà cô. Cô Lý dùng đèn pin điện thoại soi vào vị trí đặt công tơ điện để kiểm tra xem có bị chập điện hay không. Kết quả là cô phát hiện công tơ điện nhà mình đã "không cánh mà bay"! Điều này khiến cô Lý vô cùng hoảng sợ. Không hiểu vì sao lại có người dám trộm công tơ điện ngay trong khu dân cư luôn có an ninh tốt này?

Công tơ điện nhà cô Lý biến mất một cách bất ngờ. Ảnh: Sohu

Qua camera an ninh, cô Lý phát hiện người tháo dỡ công tơ điện lại chính là nhân viên của ngành điện lực. Điều này khiến cô vô cùng khó hiểu. Cô gọi điện đến ngành điện lực để tìm hiểu sự việc thì được trả lời rằng họ nghi ngờ gia đình cô có hành vi trộm điện nên đã tháo công tơ để kiểm tra. Đây là lần đầu tiên cô nghe nói, người ta bị nghi ngờ vì… dùng quá ít điện.

Cô Lý bức xúc nói: "Cho dù anh thấy công tơ điện nhà tôi có vấn đề, thì cũng không thể tự ý tháo dỡ mà không hỏi ý kiến tôi, đúng không? Anh nghĩ gia đình tôi sống như thế nào nếu không có điện?".

Điều khiến cô Lý càng thêm bất lực là phía ngành điện lực còn cho rằng gia đình cô trộm điện để… giảm tiền điện.

Cô Lý bức xúc chia sẻ với truyền thông về việc bản thân bị phạt khoản tiền lớn. Ảnh: Sohu

"Tôi dùng điện tiết kiệm thì có tội sao?" cô Lý phẫn nộ chia sẻ. Cô Lý cho biết, gia đình cô vốn không có nhiều thiết bị điện. Ngoài một chiếc tủ lạnh nhỏ và một chiếc tivi, họ hầu như không mua sắm bất kỳ thiết bị điện nào có công suất lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng. Từ khi con cái đi học, mức tiêu thụ điện của gia đình cô càng giảm xuống.

"Tôi không có máy giặt, tủ lạnh tôi cũng ngắt không dùng nữa. Cả ngày đi làm cũng không bật đèn. Thỉnh thoảng bật quạt chứ cũng không dùng nhiều điện, như thế điện ít cũng là điều bình thường có gì lạ đâu", cô Lý phân trần.

Vụ việc gây tranh cãi

Trước lời giải thích của cô Lý, công ty điện lực vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Quá bức xúc, cô Lý đành cầu cứu truyền thông. Cô không tin mình nợ số tiền điện lớn như vậy. Cô chỉ mong ngành điện lực có thể đưa ra một lời giải thích hợp lý.

Tuy nhiên, điều khiến truyền thông bất ngờ là cả hai bên đều lên tiếng nhưng vẫn rơi vào bế tắc, không ai chịu nhượng bộ. Để làm rõ trắng đen, cô Lý thậm chí đã yêu cầu gửi công tơ điện đến trung tâm kiểm định và đang chờ kết quả.

Hiện tại cả hai bên đều có lập luận riêng. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm tra công tơ điện.

Trước đó, báo Phụ nữ Việt Nam ngày 12/05/2023 cũng có bài đăng với thông tin: "Tranh cãi chuyện tủ lạnh dùng riêng nhưng tiền điện trả chung ở ký túc xá". Nội dung được báo đưa như sau:

Tủ lạnh dùng riêng nhưng tiền điện trả chung

Cùng với những chuyến vi vu khắp nơi hay các loại hoa quả nhiệt đới ngon lành, mùa hè còn đem đến một nỗi ám ảnh mang tên tiền điện. Nhìn dãy số dài dằng dặc trên hóa đơn mà nhiều người "ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa".

Cũng chính vì vậy mà mới đây cư dân mạng Trung Quốc đã để lại nhiều bình luận bàn tán xôn xao về một bài đăng liên quan đến chuyện tiền điện. Theo đó người đăng bài là một sinh viên năm 2, đang ở chung phòng KTX với 3 người nữa. Một trong số đó (tạm gọi là bạn A) phải tiêm insulin hàng ngày vì lý do sức khỏe nên đã mua một chiếc tủ lạnh mini để sử dụng. Nguồn cơn của rắc rối cũng bắt nguồn từ đây.

Nguyên văn chia sẻ của người đăng bài:

"Từ năm nhất, chúng tôi đã hỏi A xem chiếc tủ lạnh có tiêu thụ nhiều điện không và cô ấy khẳng định là không, tốn rất ít điện. Vì nghĩ con số không nhiều nên chúng tôi quyết định chia đều hóa đơn cho 4 người.

Vào đợt học quân sự của sinh viên năm nhất, mặt tôi đỏ ửng vì nắng nóng đến muốn gửi chiếc mặt nạ vào tủ lạnh của A. Tuy nhiên cô ấy từ chối vì không có chỗ để và từ đó trở đi, tôi không bao giờ đề cập đến việc đặt bất cứ món đồ nào vào tủ lạnh của A. Nhưng với hai người bạn cùng phòng còn lại, thấy họ vừa mua trái cây về, A liền chủ động hỏi có muốn cho vào tủ lạnh không rất vui vẻ, thoải mái.

Sang năm thứ 2, khi nói chuyện với một vài người bạn trong CLB, tôi phát hiện ra phòng KTX của chúng tôi sử dụng điện gần gấp đôi so với các phòng khác. Tôi nghĩ một phần lý do dẫn đến sự chênh lệch này đến từ chiếc tủ lạnh của A đã tiêu thụ nhiều điện. Những người bạn cùng CLB cho rằng phòng chúng tôi nên thảo luận về chuyện tiền điện.

Sau khi tôi nói chuyện với hai người còn lại, họ không mấy quan tâm và bảo nếu muốn chia lại tiền điện thì tôi tự đi nói với A. Bây giờ tôi đang rất bối rối vì không biết phải làm gì. Tôi hơi hướng nội, không giỏi giao tiếp hay trò chuyện và mối quan hệ của tôi với các thành viên trong phòng cũng chỉ ở mức xã giao".

(Ảnh minh hoạ)

Ngay sau khi bài đăng xuất hiện, cư dân mạng đã nổ ra một cuộc tranh cãi khá dữ dội. Một nửa cho rằng người đăng bài nên nói chuyện thẳng thắn với các thành viên trong phòng KTX và đề nghị chia lại tiền điện. Trong khi đó không ít ý kiến lại khẳng định người đăng bài đang tính toán nhỏ nhặt, không biết thông cảm cho bạn cùng phòng.

Tại sao phải chia đều tiền điện tủ lạnh nếu bạn chưa một lần sử dụng?

Những người đồng tình với việc chia lại tiền điện đưa ra loạt lý do cho thấy chủ nhân bài đăng không phải trả tiền điện. Chẳng hạn như người này chưa từng sử dụng chiếc tủ lạnh, dù ít hay nhiều thì đó cũng là tiền và hơn hết, mối quan hệ của họ cũng không tốt đẹp gì. Vì vậy tốt nhất là chia tiền cho sòng phẳng:

- Tại sao phải chia đều tiền điện tủ lạnh nếu bạn chưa một lần sử dụng? Nhất là như bạn nói, mối quan hệ của hai bạn khá lạnh lùng. Tôi nghĩ bạn nên tìm thời gian phù hợp, tập trung mọi người lại để tính toán và nói rằng bạn chưa bao giờ sử dụng tủ lạnh nên không muốn chia đều. Đến cuối cùng, nếu vấn đề quá phức tạp bạn có thể xin chuyển phòng KTX.

- Tôi nghĩ việc chia đều tiền điện là vô lý. Dù bạn vẫn còn là sinh viên thì cũng nên học cách đối phó với các mối quan hệ cá nhân và xã hội. Bạn có thể xem đây là một cơ hội rèn luyện. Đầu tiên hãy đi tìm sự thật và đi kèm bằng chứng về chuyện tiêu thụ điện của chiếc tủ lạnh. Sau đó là nói chuyện trên tinh thần thiện chí, chỉ cần số tiền điện được chia một cách hợp lý là được, không cần phải quá chi li. Nếu không thể giải quyết được thì nhờ đến ban quản lý KTX hoặc ai đó có thể hỗ trợ. Hãy học cách làm điều đúng đắn và cách từ chối, nó sẽ hữu ích cho bạn trong tương lai.

- Nếu A là một người tinh tế, khi muốn sử dụng một thiết bị điện đặc biệt trong KTX hay không gian sinh hoạt chung thì cô ấy nên đề nghị thanh toán tiền điện cho thiết bị này. Bên cạnh đó cô ấy cũng nên chia sẻ để mọi người thông cảm cho những bất tiện do thiết bị của mình gây ra nếu có. Còn việc mọi người trả lời thế nào, có thể chia tiền điện cùng nhau hay không là tuỳ cảm tình của mỗi người, không phải nghĩa vụ hay trách nhiệm.

Không cần biết tiền điện là bao nhiêu nhưng nếu đúng như bạn nói thì A đang cho cô ấy là trung tâm, người khác có nghĩa vụ phải hỗ trợ cô ấy. Tất nhiên cô ấy cũng giúp các bạn cùng phòng khác cất trái cây nhưng đó không phải là báo đáp tình cảm mà dùng tài sản của mình để kết thân với người khác, muốn thì buông - không muốn thì giữ lại.

- Tính điện năng tiêu thụ của tủ lạnh và yêu cầu A tự trả số tiền đó, còn lại chia đều.

- Số tiền điện có thể nhỏ nhưng chắc chắn giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là với sinh viên. Bạn có thể thông cảm cho bệnh tật của A nhưng không có nghĩa vụ phải trả tiền điện giúp cô ấy, trong khi cô ấy không biết trân trọng những gì bạn đã bỏ ra. Ngay cả khi A bị bệnh thì cũng không ai nợ nần gì cô ấy cả. Cô ấy không xót cho gương mặt bị cháy nắng của bạn thì tại sao bạn phải thông cảm cho cô ấy?

(Ảnh minh hoạ)

Không thể hiểu nổi có người vì chuyện vặt vãnh này mà đem lên mạng

Ngược lại cũng có không ít bình luận cho rằng chia đều tiền điện là bình thường, chủ nhân bài đăng đang làm quá một chuyện vặt vãnh. Những người này lập luận rằng tiền điện không đáng là bao, đừng để số tiền nhỏ đó mà đánh mất tình bạn. Một số bình luận từ cư dân mạng:

- Bạn chỉ thấy tiền điện mà không thấy người bạn đang gặp vấn đề sức khỏe. Tôi nghĩ đó là một chuyện khá buồn. Hãy quan tâm đến bạn bè nhiều hơn, có thể bạn sẽ có được một người bạn tốt, một tình bạn đáng nhớ thời đi học.

- Tôi không thể hiểu nổi tại sao lại có người đem một chuyện vặt vãnh như vậy lên mạng làm ầm lên. Nếu thấy không trả được tiền điện thì bạn có thể xin chuyển phòng KTX đúng không?

- Nhiều năm sau, khi nhớ lại những kỷ niệm thời đi học, bạn sẽ thấy nó quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc.

- Bạn không nghèo vì số tiền này mà cũng chẳng giàu lên nhờ nó. Năng lượng của bạn nên tập trung vào những thứ có giá trị. Suy nghĩ về một vấn đề đáng giá có thể mang lại cho bạn rất nhiều tiền, suy nghĩ về một vấn đề vô giá trị chỉ có thể giúp bạn tiết kiệm một vài đồng bạc lẻ. Sau này khi nhìn lại vấn đề này bạn sẽ tự hào rằng hồi đó mình đã không quan tâm đến nó.

- Không nên gây chuyện trong phòng KTX làm gì, nhất là khi tình hình của bạn có vẻ như 1 đấu 3. Số tiền điện có lẽ không nhiều, sau này đi làm bạn sẽ thấy nó không đáng kể chút nào. Tất nhiên nếu hiện tại kinh tế khó khăn bạn có thể bớt một vài khoản chi nhỏ, rồi sẽ vượt qua thôi. Đó là cách ít rắc rối nhất. Cư dân mạng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này nhưng không thể lúc nào cũng có mặt để giúp bạn điều chỉnh mối quan hệ cá nhân hàng ngày. Nếu bạn không thể thay đổi tình huống 1 đấu 3 thì đừng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Bởi hành động mà bạn làm lúc này có thể là cái cớ để những người còn lại nhắm vào và cô lập bạn về sau.