Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Đây là nhóm giáo viên đang lo lắng nhiều nhất

Lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 sau cải cách có sự thay đổi đáng kể, sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Điều này khiến không ít nhà giáo băn khoăn, lo lắng.

Ngày 17/4/2024, báo Dân Việt có đăng tải thông tin với tiêu đề: "Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Đây là nhóm giáo viên đang lo lắng nhiều nhất". Nội dung cụ thể như sau:

Lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 sau cải cách: Băn khoăn phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ

Nghị quyết 27 khẳng định mức lương mới của cán bộ, công chức sẽ không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 sau cải cách, theo tinh thần của Nghị quyết sẽ bao gồm: 70% là lương cơ bản và 30% là phụ cấp. Ngoài ra còn có thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm.

Từ ngày 1/7/2024, chế độ phụ cấp cho giáo viên sẽ được sắp lại theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Giờ dạy của giáo viên Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: N.T

Theo đó, 8 khoản phụ cấp giáo viên được nhận từ 1/7/2024 bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.

4 khoản phụ cấp giáo viên bị bãi bỏ từ 1/7/2024 bao gồm phụ cấp thâm niên; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ; phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Việc từ ngày 1/7/2024 sau cải cách tiền lương, giáo viên bị cắt phụ cấp thâm niên khiến nhiều người lo lắng.

Chia sẻ với Dân Việt, cô Trần Thị Thu Hà – giáo viên tiểu học tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, hiện tại cô đã dạy học được hơn 10 năm. Nếu phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ sau khi cải cách tiền lương, thu nhập mỗi tháng của cô sẽ mất đi một khoản hơn 700.000 đồng. Cô Hà cho rằng số tiền này tuy không nhiều nhưng cũng giúp cô trả được tiền điện, nước cho gia đình hàng tháng. Tuy nhiên, cô Hà vẫn cảm thấy vui mừng vì sau khi cải cách tiền lương, cô có thêm tiền thưởng, số tiền thưởng được tính theo quỹ tiền thưởng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm. Tính nhẩm, cô Hà cho hay, lương của cô sẽ cao hơn mức cũ một chút.

Cũng chia sẻ với Dân Việt, một giáo viên THCS tại Phú Thọ bày tỏ, thầy đã dạy học 40 năm, tổng cộng giáo viên này hưởng tổng thu nhập là hơn 17 triệu đồng, trong đó, riêng phụ cấp thâm niên là hơn 3,5 triệu. Vị thầy giáo này tỏ ra hụt hẫng, kèm lo lắng khi nghe thông tin cải cách tiền lương sẽ không còn được nhận 30% phụ cấp thâm niên.

"Tôi đã có 40 năm cống hiến cho ngành giáo dục, phụ cấp thâm niên chính là đền đáp xứng đáng với công lao 40 năm trong sự nghiệp trồng người, giúp đời sống chúng tôi bớt khó khăn hơn. Liệu khi cải cách tiền lương, có tạo ra sự công bằng giữa chúng tôi với giáo viên trẻ, lương có thấp hơn lương giáo viên trẻ không", thầy giáo này cho hay.

Hơn nữa, điều khiến vị thầy giáo này băn khoăn là khoản phụ cấp mang ý nghĩa động viên, khích lệ và ghi nhận thời gian cống hiến của giáo viên trong ngành giáo dục bị bãi bỏ sẽ khiến những giáo viên lâu năm có cảm giác ít được quan tâm hơn.

Bộ Nội vụ: Lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 sau cải cách không thấp hơn tiền lương hiện hưởng

Mới đây, cử tri tỉnh Phú Thọ phản ánh: "Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30 % gồm các khoản phụ cấp. Nhiều giáo viên băn khoăn khi đó sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo, đặc biệt đối với các giáo viên đã công tác lâu năm. Cử tri mong muốn Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề". Bộ Nội vụ cho biết, Khoản 3 Mục III Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã nêu: "thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".

Bộ Nội vụ cho hay, đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên như ý kiến của cử tri nêu) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.

Nói về lương giáo viên từ ngày 1/7/2024, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, đặc biệt quán triệt Nghị quyết 29 của T.Ư. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

Đánh giá về chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định: Tuy tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo đã được Nhà nước ưu đãi (mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất 70% và hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo) nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Tiền lương chưa tạo được động lực để giáo viên tâm huyết gắn bó với nghề nghiệp; chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng gắn với chất lượng, hiệu quả công tác của nhà giáo...

Trước đó, ngày 16/4/2024 báo Hà Nội mới có đăng tải thông tin với tiêu đề: "Từ ngày 1-7-2024, giáo viên có khung lương được ưu đãi hơn". Nội dung cụ thể như sau:

Từ ngày 1-7-2024, giáo viên có khung lương được ưu đãi hơn, có mức phụ cấp nhất định, nhưng cụ thể là bao nhiêu, thì phải chờ văn bản chính thức.

Thông tin này được các chuyên gia về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho biết tại cuộc đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề: “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”, diễn ra ngày 16-4.

Sự kiện do Báo Lao động Thủ đô phối hợp Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tổ chức, có sự tham dự của Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đặng Thị Phương Thảo; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu, cùng đại diện nhiều cơ quan, đơn vị chức năng và gần 300 cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quận Hoàn Kiếm.

Một giáo viên mầm non đề nghị giải đáp rõ hơn về chính sách tiền lương mới. Ảnh: Thu Hiền.

Tại cuộc đối thoại, người lao động đề nghị các chuyên gia giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến việc sử dụng lao động, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhất là với chính sách tiền lương mới, áp dụng từ ngày 1-7-2024 với đối tượng lao động là giáo viên.

Trả lời người lao động, các chuyên gia cho biết, theo chính sách tiền lương mới, từ ngày 1-7-2024, người lao động đang hưởng bằng hệ số tiền lương nhân với mức lương cơ bản, sẽ không quy đổi theo hệ số mà quy định bằng một mức tiền nhất định. Đối với giáo viên, nhóm này có khung lương được ưu đãi hơn, có mức phụ cấp nhất định, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì phải chờ văn bản chính thức.

Vị trí viên chức lãnh đạo như Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường, thời gian tới sẽ có bảng lương của vị trí viên chức lãnh đạo quản lý riêng và có tính theo thâm niên công tác. Còn giáo viên sẽ hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, vẫn để ở hạng 1, 2, 3. Như vậy, khi đủ điều kiện, giáo viên vẫn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng 3 lên hạng 2, hạng 2 lên hạng 1.

Với giáo viên mầm non, nếu giáo viên mầm non vừa mới được tuyển dụng được xếp lương bậc 1 nhân với hệ số lương cơ bản và cộng với phụ cấp. Các bậc tiếp theo sẽ bằng bậc lương nhân với hệ số lương cơ bản cộng phụ cấp kèm theo. Như vậy, giáo viên có thâm niên lâu năm hơn có hệ số lương cao hơn thì sẽ có mức lương cao hơn…