Dịch bệnh lạ bùng phát tại Congo khiến hàng chục người tử vong, một "điểm tử" khiến trẻ nhỏ thành mục tiêu

Từ tuần cuối của của tháng 10, một căn bệnh bí ẩn bắt đầu hành hạ người dân ở tỉnh Kwango, miền Nam Cộng hòa Dân chủ Congo.

Báo Người đưa tin ngày 12/12 đưa thông tin với tiêu đề: "Dịch bệnh lạ bùng phát tại Congo khiến hàng chục người tử vong, một "điểm tử" khiến trẻ nhỏ thành mục tiêu" cùng nội dung như sau: 

Từ cuối tháng 10, tại một vùng đất xa xôi của Cộng hòa Dân chủ Congo, hàng trăm người đã bắt đầu mắc một loại bệnh lạ với hàng loạt các triệu chứng như sốt, đau nhức, ho và sổ mũi. Các quan chức y tế vẫn chưa thể xác định nguyên nhân của đợt dịch bệnh bùng phát này và liệu đó có phải là “bệnh X” - cái tên được Tổ chức Y tế thế giới WHO đặt cho một đại dịch giả định ở tương lai, có mức độ nghiêm trọng ngang với đại dịch COVID-19 từng hoành hành và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.

Theo báo cáo của WHO, căn bệnh bí ẩn bắt đầu hành hạ người dân ở tỉnh Kwango, miền Nam Cộng hòa Dân chủ Congo vào tuần cuối cùng của tháng 10. Đến ngày 5 tháng 12, WHO đã ghi nhận hơn 400 ca nhiễm và 31 ca tử vong - tương đương với việc tỷ lệ tử vong của những người mắc bệnh là 7,6 %. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong được ước tính của dịch COVID-19 chỉ ở mức khoảng 1%.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh cũng như tử vong ở Congo là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới năm tuổi. Tất cả các trường hợp nghiêm trọng ở trẻ đều mắc chứng suy dinh dưỡng, WHO cho biết. Mặc dù dịch bệnh có vẻ đạt đỉnh vào đầu tháng 11, nhưng đợt bùng phát khác vẫn đang tiếp diễn.

Đây có phải là "Bệnh X" không?

WHO đã đặt ra thuật ngữ "Bệnh X" vào năm 2018 để nâng cao nhận thức về mối đe dọa do các tác nhân gây bệnh không lường trước gây ra. Và vào năm sau đó, một loại vi-rút corona mới bắt đầu lưu hành ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, hầu hết các đợt bùng phát đều do tác nhân gây bệnh quen thuộc gây ra. WHO cho biết, mười mẫu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sốt rét.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin, có thể có nhiều tác nhân gây bệnh liên quan đến đợt bùng phát và các nhà chức trách đang tiếp tục xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tiếp theo.

Tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC) Jean Kaseya cho rằng thời điểm chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo đưa ra cảnh báo về dịch bệnh với WHO vào cuối tháng 11 là quá chậm trễ:

"Chắc chắn chúng ta không muốn chứng kiến bất cứ dịch bệnh nào mà phải mất đến 5 - 6 tuần bùng phát mới được thông báo.”

Theo báo cáo của WHO, dịch bệnh bùng phát cách thủ đô Kinshasa khoảng 48 giờ đi đường. Khu vực này không có phòng thí nghiệm nào có khả năng xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm - nghĩa là chúng phải được vận chuyển đến thủ đô để kiểm tra.

Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, không bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, phát hiện ra rằng nhiều quốc gia tại đây thiếu cơ sở hạ tầng, phòng xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh dịch. 

Vào năm 2023, có 180 trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, chủ yếu bắt nguồn từ bệnh truyền nhiễm như Marburg, mpox, bại liệt và các bệnh khác. Hầu hết trong số 15 quốc gia được khảo sát cho biết họ không có khả năng tiếp cận liên tục với các nguồn cung cấp, vật tư y tế, hóa chất để thực hiện các xét nghiệm.

Tại sao có nhiều người tử vong như vậy?

Mặc dù vẫn chưa rõ tác nhân gây ra đợt bùng phát dịch bệnh này là gì, nhưng có những yếu tố có thể góp phần khiến tỷ lệ tử vong ở quốc gia này cao đến vậy.

Cộng hòa Dân chủ Congo đang chìm trong các cuộc xung đột và kể từ năm 1996, khoảng sáu triệu người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo lực có vũ trang chỉ riêng ở khu vực phía đông nước này. Ở phía tây, bao gồm cả Kwango, bạo lực giữa các cộng đồng đã bùng phát, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thốn lương thực. 

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc coi đây là một trong những cuộc khủng hoảng nạn đói tồi tệ nhất trên thế giới. Hàng triệu người đã rời bỏ sinh kế của mình khi họ chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, khoảng 25,6 triệu người đang phải chịu đựng tình trạng mất an ninh lương thực ở mức khẩn cấp, gần 4,5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. 

Đặc biệt, báo cáo của WHO cho biết tình trạng mất an ninh lương thực ở Kwango đã tăng từ mức trung bình được lên mức khủng hoảng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Trẻ em suy dinh dưỡng có nhiều khả năng phải chịu hậu quả nghiêm trọng do bệnh sởi và các dịch bệnh khác. Cùng với đó, tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng khiến người dân ở Kwango dễ bị hậu quả nặng nề hơn từ các đợt dịch bệnh.

Mức độ xung đột và nghèo đói cao kéo dài đã khiến nhiều vùng đất này không còn cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán cần thiết để chăm sóc người bệnh hay báo động về các đợt bùng phát dịch bệnh bất ngờ. 

Tiếp đến, báo Pháp luật ngày 12/12 cũng có bài đăng với thông tin: "Bộ Y tế thông tin về căn bệnh bí ẩn ở Congo khiến nhiều người tử vong". Nội dung được báo đưa như sau:

Liên quan đến căn bệnh bí ẩn ở Congo khiến nhiều người tử vong, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có thông tin chính thức về vấn đề này.

Cụ thể, theo WHO, tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo, từ ngày 24-10 đến 5-12-2024 đã ghi nhận 406 trường hợp mắc một căn bệnh chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 31 trường hợp tử vong (tỉ lệ 7,6%).

Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em (53% số mắc và 54,8% số tử vong là dưới 5 tuổi). Tất cả trường hợp mắc bệnh nặng đều có biểu hiện bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Cũng theo WHO, khu vực ghi nhận căn bệnh bí ẩn này là khu vực nông thôn, thuộc tỉnh vùng sâu, cách xa Thủ đô Kinshasa. Khu vực này cũng vừa xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong những tháng gần đây, cùng với đó là điều kiện y tế thiếu thốn, tỉ lệ tiêm chủng thấp, khả năng tiếp cận chẩn đoán, quản lý ca bệnh rất hạn chế.

Sốt rét là bệnh phổ biến ở khu vực này và đang được nhận định có thể liên quan đến các trường hợp mắc căn bệnh bí ẩn. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát sốt rét ở đây cũng rất hạn chế.

Hiện nơi đây đang là mùa mưa lớn nên việc tiếp cận dịch vụ y tế rất khó khăn.

căn bệnh bí ẩn ở Congo khiến nhiều người tử vong
Một căn bệnh bí ẩn ở Congo khiến nhiều người tử vong. Ảnh: REUTERS

Tổ chức WHO đánh giá mức độ nguy cơ đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng tại khu vực xảy ra dịch là cao, do việc hạn chế trong cung cấp, tiếp cận dịch vụ y tế; tỉ lệ tiêm chủng thấp; điều kiện đời sống, lương thực, giao thông tại địa bàn rất khó khăn.

Đồng thời, việc ghi nhận thông tin ban đầu về chùm ca bệnh trong các gia đình cho thấy căn bệnh có khả năng lây lan giữa các hộ gia đình.

Ở cấp độ khu vực và toàn cầu, WHO đánh giá mức độ nguy cơ thấp và chỉ lưu ý việc giám sát tại biên giới với quốc gia láng giềng là Angola.

Vì vậy, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết Cục sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động thực hiện giám sát dựa vào các thông tin về dịch bệnh tại Congo và phối hợp với WHO cùng các quốc gia để cập nhật, chia sẻ thông tin về dịch bệnh.

Trong trường hợp cần thiết, Cục Y tế dự phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các giải pháp phù hợp, bao gồm việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế.