Đề xuất không cố định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 1%

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất mức đóng bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt, lao động và doanh nghiệp tối đa 1% thay vì cố định mỗi bên 1% như hiện nay.

Báo Vnexpress đăng tải bài viết "Đề xuất không cố định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 1%" có nội dung như sau:

Dự thảo tờ trình Luật Việc làm sửa đổi được lấy ý kiến trong hai tháng, bắt đầu từ 15/3. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn thảo, đề xuất sửa đổi theo hướng lao động đóng tối đa 1% lương tháng, chủ sử dụng đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng trên tổng số lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% từ ngân sách.

Luật hiện hành quy định lao động và chủ doanh nghiệp đóng cố định vào Quỹ mỗi tháng 1% tiền lương và tổng quỹ lương. Đây là chế độ bù đắp một phần thu nhập của lao động khi m.ất việc, hỗ trợ học nghề, duy trì hoặc tìm việc làm mới.

Cơ quan soạn thảo cho rằng quy định trên chưa được điều chỉnh linh hoạt lúc thiên tai, dịch bệnh, khủ.ng ho.ảng kinh tế, trong khi nguồn kết dư lớn. Đơn cử gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ban hành năm 2021 trên thực tế chi trả cho gần 13 triệu lao động và hơn 346.000 doanh nghiệp.

Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP HCM, tháng 7/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đề xuất bỏ lương cơ sở làm căn cứ tính tối đa số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chỉ giữ lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng.

Thời điểm lao động nhận trợ cấp thất nghiệp cũng được đề xuất sớm hơn, vào ngày thứ 11 kể từ khi nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thay vì ngày 16 như hiện hành.

Với tiền lương bình quân đóng BHTN đạt khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được khoảng 3,3 triệu đồng mỗi tháng.

Kiến nghị giảm mức đóng, tăng tiền hưởng BHTN được doanh nghiệp liên tục đề xuất trong thời gian qua. Khi góp ý cho dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, 13 hiệp hội doanh nghiệp đã xuất giảm mức đóng BHTN của chủ sử dụng lao động xuống 0,5% và lao động 0,5% thay vì cố định như hiện hành. Các cấp đồng thời nghiên cứu lộ trình giảm tiếp cho phù hợp thực tế.

Phía người lao động kiến nghị tăng tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp vì cho rằng mức hưởng trên 60% bình quân tiền lương đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc như hiện nay là quá thấp. Song Ban soạn thảo chưa tính tới điều chỉnh mức hưởng trợ cấp khi sửa luật lần này.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Đây được coi là công cụ "chống số.c" cho nền kinh tế do tình trạng thất nghiệp gây ra.

Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".

Tiếp đến, báo Tuổi Trẻ Online thông tin thêm trong bài đăng "Đề xuất đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1%". Cụ thể như sau:

"Đề xuất phù hợp"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn, do vậy các nước thường quy định từ 3-5 năm cần xem xét kết dư để thay đổi mức đóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Người lao động làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang - Ảnh: HÀ QUÂN

Ngược lại, Việt Nam ít khi thay đổi mức đóng dẫn tới kết dư quá nhiều, nên việc điều chỉnh theo đề xuất của cơ quan soạn thảo là phù hợp.

Ông Huân nói thêm bản chất của bảo hiểm thất nghiệp là nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động, nên cơ quan chức năng cần nghiên cứu tận dụng tối đa nguồn lực từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Trước đó, khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), 13 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm tỉ lệ đóng của cả người lao động và doanh nghiệp xuống tổng 1% và có lộ trình giảm tiếp, thay vì mỗi bên 1% như hiện nay.