Châu Phi chia tách: Một đại dương mới đang hình thành nhanh hơn dự báo
Hệ thống đới tách giãn Đông Phi đang hoạt động mạnh mẽ, khiến các mảng kiến tạo tách rời nhau. Quá trình này sẽ tạo ra một đại dương mới trong tương lai.
Theo báo Công Luận ngày 1/1/2025 có đưa tin: "Châu Phi chia tách: Một đại dương mới đang hình thành nhanh hơn dự báo". Nội dung như sau:
Hệ thống Đứt gãy Đông Phi, một mạng lưới các đứt gãy rộng lớn trải dài từ Mozambique đến Biển Đỏ, là trung tâm của sự biến động địa chất này. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các mảng kiến tạo của khu vực đang tách xa nhau với tốc độ nhanh hơn, có khả năng định hình lại cảnh quan và hệ sinh thái của châu Phi trong hàng nghìn năm tới.
Quá trình này, trước đây được cho là kéo dài hàng chục triệu năm và hiện nay ước tính sẽ xảy ra trong vòng một triệu năm tới - hoặc thậm chí sớm hơn.
Sự dịch chuyển của mảng châu Phi và mảng Somali với tốc độ 0,8cm/năm đã tạo ra một hệ thống đứt gãy quy mô lớn, điển hình là vết nứt dài 60 km và đạt độ sâu 10 mét ở sa mạc Ethiopia. Quá trình đánh dấu giai đoạn đầu của sự hình thành một đại dương mới.
Cynthia Ebinger, một nhà địa chất học hàng đầu, nhấn mạnh sự tăng tốc của quá trình này: "Chúng tôi đã rút ngắn khung thời gian xuống còn khoảng 1 triệu năm, thậm chí có thể giảm một nửa", Ebinger giải thích. Bà lưu ý rằng những sự kiện địa chấn lớn, như động đất, có thể đẩy nhanh quá trình.
Video về quá trình chia tách (nguồn YouTube/Africa Observers)
Quá trình này khiến ta liên tưởng tới sự hình thành của Đại Tây Dương hàng triệu năm trước, nơi duy nhất mà vỏ lục địa chuyển đổi thành vỏ đại dương.
Cơ hội hiếm có này cho phép các nhà khoa học nghiên cứu chi tiết quá trình điều chỉnh chuyển động của các mảng kiến tạo và sự hình thành của các đặc điểm địa chất mới.
Năm 2005, hơn 420 trận động đất chỉ trong vài ngày đã tạo ra một vết nứt khổng lồ ở khu vực Afar của Ethiopia, một khu vực với nhiệt độ khắc nghiệt và điều kiện khô hạn.
Sự hình thành một đại dương mới có thể thay đổi đáng kể địa lý của châu Phi. Các quốc gia không giáp biển như Zambia và Uganda có thể có được đường bờ biển, định hình lại nền kinh tế và hệ sinh thái.
Sự thay đổi này nhấn mạnh bản chất động lực học của bề mặt Trái đất và sự tương tác của các lực tự nhiên liên tục lại hành tinh của chúng ta.
Để ứng phó với tốc độ thay đổi địa chất nhanh chóng, các nhà khoa học như Ebinger đang phát triển các mô hình mới, phức tạp hơn. Nghiên cứu của họ sẽ giúp chúng ta dự đoán và ứng phó tốt hơn với những thay đổi lớn sắp xảy ra trên lục địa.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ ngày 11/11/2024 cũng có bài viết với tiêu đề: "Châu Phi bắt đầu tách đôi, sẽ có đại dương thứ sáu". Nội dung cụ thể:
Theo National Geographic, khoảng 50 triệu năm sau, châu Phi sẽ tách ra thành hai phần. Nước biển sẽ len lỏi vào và hình thành đại dương thứ sáu của Trái đất.
Khoảng 230 triệu năm trước, từng có một siêu lục địa gọi là Pangea. Siêu lục địa này đã dần dần tách rời và trôi dạt ra thành các lục địa cùng đại dương mà chúng ta quen thuộc ngày nay.
Đại dương thứ 6 trên Trái đất sẽ xuất hiện
Mặc dù khó có thể tưởng tượng một thế giới nơi chỉ có một siêu lục địa, nhưng đã có bằng chứng hóa thạch của các loài sinh vật cổ đại cho thấy môi trường sống của chúng cuối cùng đã bị tách ra.
Ví dụ, hóa thạch của Cynognathus - một loài bò sát giống thú đã tuyệt chủng, có kích thước như một con sói hiện đại - chỉ được tìm thấy ở châu Phi và Nam Mỹ. Điều này cho thấy hai lục địa này từng được nối liền với nhau, theo Hiệp hội Địa chất Anh.
Nhưng do lõi mềm của Trái đất và các mảng kiến tạo, ngày nay các lục địa vẫn tiếp tục di chuyển. Người ta cho rằng châu Phi sẽ tách ra thành hai phần trong tương lai. Tuy nhiên đó sẽ là một khoảng thời gian rất dài, vì vết tách kiến tạo này dự kiến mất khoảng 50 triệu năm để hoàn thành.
Châu Phi là nơi có một trong những hệ thống đứt gãy lớn nhất thế giới - Hệ thống đứt gãy Đông Phi (EARS) - trải dài qua nhiều quốc gia như Ethiopia, Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda, Rwanda, Burundi, Zambia, Tanzania, Malawi và Mozambique.
Có một vết nứt đã xuất hiện ở khu vực này và cuối cùng sẽ tách ra, khiến mảng Somalia tách khỏi mảng Nubia. Đây không phải là một quá trình diễn ra nhanh chóng, vì phải mất tới 25 triệu năm để vết nứt này phát triển.
Khi hai mảng lục địa cuối cùng cũng tách ra trong tương lai rất xa, một đại dương thứ sáu mới sẽ hình thành. Kết quả là những quốc gia không giáp biển trước đó như Rwanda, Uganda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Malawi và Zambia sẽ có đường bờ biển.
Các lục địa đã kết hợp và tách ra ít nhất ba lần
Chủ đề về việc lục địa tách ra đã nhận được nhiều sự chú ý hơn khi vào năm 2018, một vết nứt lớn sâu 15 mét và rộng gần 20 mét ở một số điểm đã xuất hiện tại Kenya và gây chú ý trên mạng. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là kết quả của sự di chuyển kiến tạo hay chỉ là hiện tượng xói mòn đất do mưa lớn?
"Nơi này có lịch sử hoạt động kiến tạo và núi lửa", nhà địa chất David Adede nói với tờ Daily Nation lúc đó. "Mặc dù rãnh này gần đây không hoạt động mạnh về mặt kiến tạo nhưng có thể có các chuyển động sâu trong lớp vỏ Trái đất đã tạo ra các khu vực yếu, sau đó mở rộng đến bề mặt".
"Dựa vào bằng chứng hiện tại, giải thích đơn giản và tốt nhất là vết nứt này thực sự được hình thành do hiện tượng xói mòn đất bên dưới bề mặt do mưa lớn gần đây ở Kenya", nhà nghiên cứu địa chấn Stephen Hicks tại Đại học Southampton viết trên tờ The Guardian.
Viết trên The Conversation, Lucía Pérez Díaz - khi đó là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ trong Nhóm nghiên cứu động lực đứt gãy tại Đại học Royal Holloway, London - đã lưu ý: "Câu hỏi vẫn còn tồn tại về lý do tại sao vết nứt hình thành ở vị trí này và liệu sự xuất hiện của nó có liên quan đến hệ thống đứt gãy Đông Phi đang diễn ra hay không".
Nếu câu chuyện về việc các lục địa của Trái đất từng kết nối với nhau và tách ra trong hàng triệu năm khiến bạn ngạc nhiên thì bạn sẽ càng kinh ngạc hơn khi biết rằng các lục địa đã kết hợp và tách ra, dù rất chậm, ít nhất ba lần trong suốt chiều dài lịch sử của Trái đất.