Cảnh báo chiêu lừa giúp lấy lại tiền trong vụ lừa đảo của Mr. Pips

Sau vụ lừa đảo tài chính của Mr. Pips, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản mời gọi "hỗ trợ lấy lại tiền bị Mr. Pips lừa".

Báo Tiền Phong đưa tin "Cảnh báo chiêu lừa giúp lấy lại tiền trong vụ lừa đảo của Mr. Pips" như sau:

Lợi dụng vụ án Mr. Pips để lừa đảo

Vụ án lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng do Phó Đức Nam - Mr. Pips và Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter cầm đầu đã gây chấn động dư luận. Tổng số tiền bị phong tỏa lên đến 5.200 đồng, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định có 2.661 bị hại.

Lợi dụng vào tâm lý mong muốn lấy lại được tiền bị lừa đảo, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho bị hại trong vụ án của Mr. Pips.

Đây không phải là chiêu trò mới song người dân cần tỉnh táo, cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân lần 2.

Đơn cử, tài khoản có tên “Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả” đăng tải video về vụ việc của Mr. Pips kèm nội dung cam kết: “Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo của Mr. Pips Phó Đức Nam! Bạn bị lừa mà không biết cách để lấy lại, chúng tôi chuyên tư vấn và hỗ trợ giải quyết nhanh. Nhận xử lý hồ sơ, lấy lại trên 70% số tiền bị lừa của quý khách. Lưu ý, chi phí hợp lý, thanh toán sau”. Cùng với đó là đường link dẫn tới tài khoản của người được cho là “nhân viên pháp lý” sẽ hỗ trợ.

Bài viết được chúng chạy quảng cáo thu hút hơn 70 nghìn lượt xem. Trong đó 3,1 nghìn lượt like, 513 bình luận. Đáng chú ý, trong đó có nhiều bình luận giả mạo rằng đã “nhận được tiền treo sau khi liên hệ công ty”. Những bình luận này kéo về nhiều cảm xúc phẫn nộ của người dùng. Bên cạnh đó, cũng có bình luận “tố cáo” công ty này lừa đảo.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới nhắm vào nạn nhân vụ Mr. Pips.

Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo

Thời gian qua, tình trạng tội phạm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã có những diễn biến phức tạp. Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là chiêu trò "lấy lại tiền bị lừa", đang ngày càng lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội.

Các đối tượng lừa đảo tiếp tục tạo lập các tài khoản, fanpage, website giả mạo các cơ quan chức năng như Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư để quảng bá các dịch vụ như: "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa", "thu hồi tiền bị chiếm đoạt", "thu hồi tiền trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền không cần đặt cọc"... và cam kết chỉ thu phí sau khi người dân đã nhận lại số tiền bị lừa.

Mục đích của các đối tượng này là tiếp cận những người đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo, lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tài sản đã mất của họ, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo lần hai. Chúng thường sử dụng hình ảnh, thông tin của các cơ quan công an, công ty luật và văn phòng luật sư để tạo dựng lòng tin, kèm theo các video, bài viết cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, cắt ghép các phát biểu của luật sư và cán bộ công an, thậm chí sử dụng hình ảnh hoạt động của các công ty luật và nội dung giả mạo rằng Bộ Công an và Viện Kiểm sát đã ủy quyền "thu hồi vốn" và "đòi lại tiền bị lừa đảo".

Để gia tăng độ tin cậy, chúng còn sử dụng quảng cáo để các video và bài viết này xuất hiện liên tục trên mạng xã hội, thu hút người dân quan tâm. Những kẻ lừa đảo cũng tạo ra hàng loạt tài khoản giả mạo để bình luận, tương tác vào các bài viết, đặc biệt là trên các trang thông tin uy tín, nhằm tạo sự chú ý và thu hút nạn nhân.

Trước tình trạng này, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là những ai đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng, cần lưu ý tuyệt đối không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa", "thu hồi tiền bị chiếm đoạt"... Không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị thiệt hại thêm.

Liên quan đến vụ án lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng do Phó Đức Nam - Mr. Pips và Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter cầm đầu, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội yêu cầu những người liên quan đến hành vi phạm tội của các sàn giao dịch, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Công an TP Hà Nội cũng đề nghị những người là bị hại trong vụ lừa đảo trên các trang web, sàn giao dịch... trình báo với Phòng CSHS Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc để được hướng dẫn giải quyết.

Hoặc các bị hại có thể liên hệ Phòng CSHS Công an TP Hà Nội theo địa chỉ số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đường dây nóng 0886.882.338, hoặc đồng chí Bùi Quang Tùng - điều tra viên, điện thoại 0989.651.412.

 

Bên cạnh đó báo Tiền Phong cũng đăng tải thông tin "Luật sư ‘mách nước’ để nạn nhân trong vụ Mr Pips lừa đảo lấy lại tiền" với nội dung:

Liên quan đến vụ án Mr Pips, mới đây Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (hay còn được biết là TikToker Mr Pips, SN 1990, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu); Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại Hà Nội) và 24 người khác về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "không tố giác tội phạm" và "rửa tiền".

Ngoài ra, Công an TP. Hà Nội cũng yêu cầu các nạn nhân đã đầu tư vào các web, sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trong đường dây của Phó Đức Nam và các đồng phạm cần liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an các địa phương) để trình báo; hoặc đến trực tiếp Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) để trình báo.

Được biết, số lượng bị hại trong vụ lừa đảo này cùng với số tiền bị chiếm đoạt là rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra xác định định 2.661 bị hại trên toàn quốc nạp tiền vào lần đầu với tổng số tiền gần 50 triệu USD. Hiện, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng. Do đó, dư luận đặt câu hỏi, liệu các bị hại có thể lấy lại được tiền hay không.

Bị can Phó Đức Nam - Mr Pips tại Cơ quan Cảnh sát điều tra

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, khả năng các bị hại được hoàn trả lại tiền trong vụ này là có căn cứ, cơ sở. Bởi hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ giá trị tài sản, tiền tổng cộng hơn 5.200 tỷ đồng.

Theo luật sư Hùng, để có thể lấy lại tiền đã bị lừa đảo, nạn nhân cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Bị hại cần làm đơn trình báo gửi cơ quan điều tra kèm theo chứng cứ chứng minh số tiền thiệt hại. Trong đơn nêu rõ số tiền, hành vi, thời điểm, các thông tin liên quan, tham gia sàn nào. Các chứng cứ có thể là tin nhắn, phiếu chuyển tiền (bản phô tô hoặc vi bằng) để gửi cho phía cơ quan tố tụng.

Bước 2: Các bị hại sẽ được xác định tư cách bị hại, được tham gia tố tụng (lấy lời khai, tham gia phiên tòa).

Luật sư Hùng cho biết, vụ án sẽ qua các giai đoạn gồm: Điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm.

Bước 3: Sau khi có bản án phúc thẩm có hiệu lực, bị hại làm đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án gửi đến Cục thi hành án TP. Hà Nội để được hoàn trả lại tiền.

Trong vụ án này, đến nay cơ quan điều tra đã thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 59 đồng hồ phiên bản giới hạn trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong toả 125 bất động sản.