Cách nhận biết xe taxi 'hoàn lương'

Để nhận biết một chiếc xe từng chạy taxi, chạy dịch vụ rồi sửa chữa, nâng cấp để bán, cách đơn giản nhất là kiểm tra giấy đăng kiểm.

Báo Vietnamnet mới đây đã có bài viết nhan đề: 'Cách nhận biết xe taxi 'hoàn lương'. Nội dung cụ thể như sau:

Với những chiếc xe chạy dịch vụ chuyên nghiệp như taxi thì trên giấy đăng kiểm có dấu tích tại mục “Kinh doanh vận tải”. Mặt khác, theo quy định thì các xe kinh doanh vận tải có chu kỳ đăng kiểm là 6 tháng. Trong khi đó, xe không kinh doanh vận tải có chu kỳ đăng kiểm là 24 tháng đối với xe mới sản xuất dưới 7 năm, 12 tháng đối với các xe sản xuất từ 7-12 năm và 6 tháng đối với xe sản xuất hơn 12 năm.

Trong sổ đăng kiểm ô tô sẽ ghi rõ xe có kinh doanh vận tải hay không. (Ảnh minh hoạ: danchoioto.vn).

Trong sổ đăng kiểm ô tô sẽ ghi rõ xe có kinh doanh vận tải hay không. (Ảnh minh hoạ: danchoioto).

Nếu muốn biết có phải là xe taxi, xe chạy dịch vụ sửa chữa rồi bán hay không, cần trực tiếp kiểm tra giấy đăng kiểm. Trong các trường hợp chủ xe không cho kiểm tra giấy tờ hoặc báo m;ất hay trên giấy đăng kiểm có dấu hiệu bị tẩy xóa và thay đổi nội dung thì có thể là lý lịch xe này không rõ ràng, không đáng tin cậy.

Nhưng cách kiểm tra xe chạy dịch vụ này chỉ có thể áp dụng đối với những xe kinh doanh vận tải chuyên nghiệp. Còn đối với xe dịch vụ bán chuyên ví dụ như chủ xe lấy xe nhà để chạy thêm dạng xe hợp đồng, Grab, Uber…hay cho thuê xe tự lái thì trên giấy đăng kiểm sẽ không tích vào mục Kinh doanh vận tải. Do đó, người mua khó thể kiểm tra bằng cách này.

Nhìn chung, đây chỉ là một bước kiểm tra mang tính tham khảo. Bởi nhiều nơi có thể làm giả cả sổ đăng kiểm, làm giả số khung - số máy xe. Vì vậy, để đánh giá chính xác cần kết hợp với kiểm tra tình trạng thực tế của xe.

Kiểm tra các dấu hiệu nhận biết xe có chạy dịch vụ

Để nhận biết xe ô tô cũ đã từng chạy taxi, chạy dịch vụ, có thể phải kiểm tra qua những chi tiết sau đây:

Sơn xe

Thông qua màu sơn xe, bạn có thể nhận ra các dấu hiệu xe chạy dịch vụ đã sửa chữa.

Trước tiên, phải quan sát trên nóc xe, ngay vị trí mà hay đặt mào taxi. Nếu là xe taxi thì chỗ này sẽ mới hơn những chỗ khác.

Tiếp đến mới xem tình trạng sơn xe và so sánh với thời gian sử dụng xe. Nếu xe đã sử dụng thời gian lâu mà màu sơn vẫn còn mới thì khả năng cao xe này đã được sơn lại.

Sau đó chúng ta mới kiểm tra tới màu sơn của khung gầm. Đây là bộ phận thường bị bỏ qua khi “mông má” taxi thành xe nhà.

Bởi vì người bán xe cho rằng người mua xe không kiểm tra tới chi tiết này. Nếu như kiểm tra thấy khung gầm trầy xước nhiều, thậm chí xuất hiện vết móp, rỉ sét…xuống cấp nhiều so với phần trên thì có khả năng cao là xe đã từng chạy dịch vụ.

Cuối cùng, không nên bỏ qua phần sơn bậc cửa xe. Ở các xe taxi, lượng người ra vào và lên xuống xe rất nhiều cho nên phần sơn ở bậc cửa sẽ bị trầy, xuống cấp rất nhanh. Cho nên nếu thấy sơn ở vị trí này quá mới hay quá cũ thì phải đặt ra nghi vấn.

Quan sát kính

Xe taxi thường dán số tài lên kính lái và kính sau, dán quảng cáo lên kính sau. Do đó, một cách nhận biết xe đã từng chạy taxi là quan sát kính lái và kính sau xe. Nếu còn dấu vết dán số tài hay thấy phần kính có sự khác màu thì có thể nghi ngờ việc này.

Trừ trường hợp xe đã thay kính mới thì mới khó phát hiện. Nhằm “che mắt” người mua, nhiều chủ xe cũng chấp nhận bỏ tiền thay kính mới cho xe. Nếu thấy kính xe rất mới so với thời gian sử dụng xe, bạn cũng nên đặt nghi vấn.

Taplo

Một cách nhận biết xe đã từng chạy taxi mà nhiều người hay sử dụng đó là kiểm tra phần nội thất, nhất là ở vị trí taplo xe. Xe taxi thường gắn đồng hồ đo quãng đường và tính tiền trên bảng taplo xe. Vì vậy, khi mua xe ô tô cũ bạn nên kiểm tra kỹ bảng taplo.

Nếu như thấy có vết đục ở phía gần chỗ để cốc, có các lỗ nhỏ, bề mặt không phẳng, có dấu hiệu “chắp vá” thì khả năng cao đây là xe chạy taxi thanh lý. Trong trường hợp taplo quá mới so với tuổi đời sử dụng, bạn cũng nên đặt nghi vấn.

Chân/ga/chân côn

Do tần suất sử dụng cao nên chân ga/phanh (với xe hộp số tự động) và chân ga/phanh/côn (với xe hộp số sàn) trên xe taxi, xe chạy dịch vụ…thường sẽ nhanh mòn hơn so với bình thường.

Ngoài ra có thể kiểm tra xe từng chạy dịch vụ hay không qua mức độ xuống cấp của các chi tiết khác như vô lăng, hệ thống phím chức năng trên bảng điều khiển…

Xe taxi sau khi sử dụng một thời gian thường có chất lượng thấp. (Ảnh minh họa: anycar.vn).

Xe taxi sau khi sử dụng một thời gian thường có chất lượng thấp. (Ảnh minh họa: anycar).

Đồng hồ công tơ mét

Thông số trên công tơ mét chỉ mang tính tham khảo bời vì hoàn toàn có thể tua công tơ mét trên xe ô tô, kể cả đồng hồ điện tử. Nhưng khi kiểm tra xe cũng phải xem qua, để đối chiếu coi số km có tương ứng với tình trạng thực tế của xe hay không.

Ghế ngồi

Để biết có phải là xe chạy dịch vụ, xe taxi thanh lý hay không thì nên quan sát kỹ hệ thống ghế ngồi, nhất là ghế lái. Bời vì, xe dịch vụ thường được sử dụng nhiều và bảo dưỡng ít nên hệ thống ghế ngồi sẽ bị xuống cấp rất nhanh.

Lái xe thử

Với xe dịch vụ, xe đã chạy taxi thanh lý, dù có chỉnh sửa cỡ nào cũng khó thể thay đổi được hệ thống máy móc xuống cấp hơn bình thường. Khi lái thử xe sẽ có thể kiểm tra điều này.

Khi lái thử xe nên bật điều hòa ở công suất tối đa. Hãy lái xe ở nhiều địa hình khác nhau như: đường xóc, đường dốc…Chạy ở những địa hình xấu thì điểm yếu về động cơ, hệ thống khung gầm…mới dễ lộ rõ.

Báo Tiền Phong cũng có bài viết nhan đề: 'Cách chọn mua ô tô cũ để tránh gặp rủi ro'. Nội dung cụ thể như sau:

Kiểm tra lịch sử và hồ sơ bảo dưỡng ô tô

Lịch sử bảo dưỡng cũng sẽ phản ánh rất nhiều về tình trạng của xe ô tô hiện tại. Các chi tiết bên trong xe được thay đổi, sửa chữa như thế nào đều được thể hiện thông qua dữ liệu này.

Nên xem xét sổ bảo dưỡng và hỏi chủ xe về việc đã giữ biên lai cho các lần bảo dưỡng trước đó. Có thể liên hệ với đại lý đã thực hiện bảo trì phương tiện để kiểm tra một cách thận trọng. Đặc biệt, người mua xe có thể sử dụng thông tin này để thương lượng giảm giá khi sắp tới lần bảo trì tiếp theo.

Kiểm tra thân xe và khung gầm

Phần thân vỏ là phần quan trọng và cần phải kiểm định thật kỹ càng trước khi mua xe. Nguyên nhân là bởi phần khung hoàn toàn chế tạo từ kim loại đúc với một kích thước cố định và sản xuất theo dây chuyền. Nếu phát hiện sự không đồng đều hoặc xô lệch, có thể cho thấy chiếc xe đã từng bị tai nạn.

Đối với gầm xe, người mua cần phải lái thử để đánh giá trực tiếp chất lượng. Nếu bộ phận này còn chắc chắn thì xe chạy sẽ rất êm dịu và máy khỏe. Sàn xe cũng cần phải còn mới, không bị mối mọt hoặc có dấu hiệu ngập nước.

Đánh giá tình trạng bánh xe và lốp

Hãy kiểm tra vành bánh xe (la-zăng) để đảm bảo không bị n;ứt hoặc cong. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên lốp xe cần có độ sâu rãnh tối thiểu 1,6 mm để đảm bảo an toàn lưu thông trên đường. Người tiêu dùng cũng cần kiểm tra đến việc lốp xe có vết cắt, chỗ phồng hay việc lốp có mòn đều hay không. Nếu lốp bị mòn không đều, có thể gây ra hiệu suất kém, tiêu hao nhiên liệu tăng và mài mòn nhanh hơn.

Kiểm tra mức dầu

Mở nắp ca-pô và sử dụng que thăm để kiểm tra mức dầu. Mức dầu thấp có thể là dấu hiệu bảo dưỡng kém, dẫn đến giảm hiệu suất vận hành của xe. Dầu động cơ sạch có màu vàng nhạt, trong khi màu đen có thể cho thấy dầu không được thay trong thời gian dài. Đồng thời, nếu nắp dầu động cơ bị đục hoặc chứa chất làm mát trộn lẫn với dầu, hãy tránh những chiếc xe đó.

Kiểm tra màu sắc của khí thải

Trong quá trình kiểm tra xe, khách hàng nên chú ý đến màu sắc của khói thải từ ống xả. Khói trắng mịn xuất hiện khi khởi động xe là hơi nước bình thường và không cần lo lắng. Khi động cơ ấm lên, khí thải thường phải rất mịn. Do đó, nếu thấy khói đen, đây là dấu hiệu động cơ đang đốt nhiên liệu không hiệu quả.

Lỗi này có thể xuất phát từ các bộ phận như kim phun nhiên liệu, bộ lọc, cảm biến hoặc van tuần hoàn khí xả, đặc biệt khi xe chạy bằng động cơ diesel. Còn khói màu xanh là dấu hiệu động cơ đang cháy dầu, có thể do phớt chặn hoặc vòng đệm bị hỏng, làm cho dầu tràn vào buồng đốt của động cơ.

Cân nhắc từ số ki-lô-mét hiển thị trên đồng hồ

Số ki-lô-mét mà xe đã di chuyển ảnh hưởng trực tiếp tới giá của phương tiện. Do đó, người mua xe cần so sánh giữa số ki-lô-mét hiển thị trên đồng hồ và lịch sử bảo dưỡng để đảm bảo rằng những thông số hiện thị trên bảng táp-lô và quãng đường thực sự chiếc xe đã di chuyển trùng khớp. Điều này giúp người mua phân biệt được chiếc xe nào đã bị tua công tơ mét.

Hiện tại, việc tua công tơ mét tại thị trường xe đã qua sử dụng Việt Nam đang trở nên khó kiểm soát. Tốt nhất, khách hàng mua xe từ những cá nhân thực sự tin tưởng, biết rõ nguồn gốc của chiếc xe.

Kiểm tra nội thất và hệ thống điện

Hãy bắt đầu với những yếu tố cơ bản như đèn, còi, và hệ thống điều hòa không khí. Nếu bật máy lạnh mà chiếc xe kêu to, có thể hệ thống đang gặp vấn đề với nấm mốc và vi khuẩn. Tiếp theo, hãy kiểm tra màn hình, ghế ngồi, cánh cửa và cửa sổ trời (nếu có). Xem xét kỹ vết bẩn hoặc vết rách trên vải bọc ghế.

Lái thử kỹ càng

Nếu đã kiểm tra bên ngoài và bên trong xe ô tô, người mua vẫn nên dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng lái thử xe ô tô đi qua các địa hình mà thường xuyên phải di chuyển như trong đô thị, ngoài đô thị, đường cao tốc, đường gồ ghề.

Trong quá trình lái thử xe người mua cần chú ý đến chuyển động của phương tiện khi di chuyển qua các cung đường, khả năng bứt tốc, leo đèo, cách xe chuyển làn.