8 tuổi vẫn được bố mẹ bế vì sợ ngã, 23 tuổi không biết nấu cơm, chàng trai kết thúc cuộc đời trong nghèo đói ở chính căn nhà của mình

Đây là câu chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật. Hậu quả mà chàng trai phải gánh chịu là điển hình của việc được bố mẹ nuông chiều con cái quá mức.

Ngày 27/10/2022 thể thao & văn hóa đưa tin "8 tuổi vẫn được bố mẹ bế vì sợ ngã, 23 tuổi không biết nấu cơm, chàng trai kết thúc cuộc đời trong nghèo đói ở chính căn nhà của mình". Nội dung chính như sau: 

Tính độc lập là phẩm chất cần có mà cha mẹ nào cũng phải rèn luyện cho con ngay từ khi còn nhỏ. Ngay cả khi không muốn, cha mẹ cũng nên để trẻ làm những công việc phù hợp với độ tuổi. Thay vì cho con cá, hãy đưa cho trẻ chiếc cần câu. Ở thời điểm hiện tại, với sự bao bọc của cha mẹ, cô bé, cậu bé đó có thể sống tốt. Tuy nhiên khi bố mẹ mất đi, liệu ai sẽ là người bao bọc chúng?

Thật đáng tiếc, ngày nay nhiều bậc phụ huynh đã bỏ qua chi tiết này, làm trẻ mất đi tính độc lập. Sự che chở bao bọc không đúng cách có thể là chất độc mãn tính đẩy trẻ vào bi kịch. Để nói về câu chuyện bao bọc sai cách nhất thì phải kể đến trường hợp của Dương Toả.

Dương Toả sinh năm 1986 tại Tín Dương, Hà Nam (Trung Quốc). Không phải là gia đình có thế mạnh về kinh tế nhưng là con một, cậu luôn được bố mẹ yêu chiều.

Theo QQ, người dân trong làng nói rằng khi lên 8 tuổi, anh vẫn được cha mẹ cho vào giỏ tre và khiêng đi vì lo bị ngã. Chỉ cần cậu bé thích gì, bố mẹ sẽ gắng hết sức để mua. Họ cũng không để đứa con trai của mình làm bất kì việc gì. Đôi lúc Dương Toả cũng muốn làm việc này việc kia nhưng chỉ cần chạm tay vào một chút, bố mẹ đã nhắc cậu ra ngoài chơi, không cần giúp.

Cậu bé Dương Toả. Ảnh: QQ.

Sau khi tan học, dẫu nhà gần trường, nhưng vợ chồng Dương Khiết Trì vẫn nhất định phải có 1 người đưa đón cậu. Với sự cưng chiều này, Dương Toả cho rằng việc học là khó khăn và không muốn học. Cậu chỉ học đến hết cấp 2 và bỏ.

Năm 13 tuổi, cha của Dương Toả qua đời vì bệnh gan, gánh nặng gia đình dồn lên vài người mẹ. Mặc dù vậy, mẹ cậu vẫn quyết không để cậu làm bất kì công việc gì. Tuy nhiên chính vì làm việc quá sức nên sức khoẻ của bà ngày càng giảm sút, tài chính gia đình cũng trở nên khó khăn.

Lúc này Dương Toả cũng đến tuổi trưởng thành, người mẹ đặt nhiều niềm hy vọng vào cậu con trai duy nhất. Vì được bao bọc từ nhỏ nên cậu bé họ Dương không thể làm được gì. Cậu vẫn dựa vào mẹ trong mọi việc từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đến kiếm tiền.

Vài năm sau, mẹ của Dương Toả qua đời vì bạo bệnh và cậu không còn ai để dựa dẫm. Anh họ vì thấy đáng thương nên đã giới thiệu cho cậu một công việc và rủ đi theo để làm việc trên công trường. Nhưng công trường là nơi làm việc vất vả nên Dương không thể chịu đựng nổi. Cậu bỏ về nhà sau hai ngày làm việc. Sau đó người trong làng cũng giới thiệu cho cậu công việc bồi bàn. Nhưng vì quen được bố mẹ chăm sóc nên cậu cũng không hoàn thành công việc này.

Lần trở về nhà này, Dương Toả ở nhà và không đi đâu nữa. Những người hàng xóm tốt bụng không nỡ nhìn thấy cậu khổ cực nên thỉnh thoảng mang cho chút thức ăn. Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi khi đó hoàn toàn không biết nấu, cũng không thèm tự học. Những đồ dân làng cho nếu có thể ăn trực tiếp thì cậu sẽ ăn còn không sẽ bỏ cho hỏng.

Khi không còn ai cho đồ ăn, cậu sẽ bán dần đồ nội thất trong nhà. Thậm chí mùa đông, khi trời rét buốt, cậu cũng đốt đồ đạc để sưởi ấm.

Cuối năm 2009, anh họ của Dương Toả thương tình mang cho cậu một chiếc chăn bông. Nhưng đến nơi, người anh đã thấy chàng trai đã qua đời vì đói và rét trong chính căn nhà của mình.

Theo QQ, sau này người đã sản xuất bộ phim về Dương Toả để nhắc nhở các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con.

Vậy bố mẹ cần làm gì để rèn luyện tính độc lập ở trẻ?

Bà Karen VanAusdal, Giám đốc cao cấp của Tổ chức hợp tác về học tập, xã hội và cảm xúc có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết quan trọng của sự trưởng thành là trẻ học được cách đưa ra quyết định độc lập và điều hướng các tình huống thách thức khi cần thiết.

Mặc dù việc dạy trẻ mầm non tự cất quần áo hoặc lấy đồ ăn trong một bữa tiệc có thể khác với việc tự làm chủ khi chúng ở tuổi thiếu niên và trưởng thành. Song những việc này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Với những việc làm dù nhỏ nhất cũng là tiền để chúng học cách tự chăm sóc bản thân và quan tâm người khác.

Sau đó ngày 24/5/2023 Vnexpress có bài đăng "Nuông chiều con nhưng nghĩ là tôn trọng". Nội dung cụ thẻ như sau: 

Khảo sát của VnExpress với hơn 200 độc giả, 72% cho biết thường xuyên bị con bắt nạt, thao túng tâm lý. Gần một nửa trong số đó thừa nhận, trong một số tình huống, họ buộc phải chiều theo ý con. Tình trạng này ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, nhất là với những gia đình trẻ.

Tôi nghĩ sự việc dẫn đến như vậy phần lớn là xuất phát từ cách nuôi dạy con của nhiều bố mẹ ngày nay. Họ thường có xu hướng chiều theo ý của các con ngay từ nhỏ, không chú trọng đến việc chỉnh sửa cách ăn nói, cư xử của con ngay từ ngày bé. Thậm chí, nhiều gia đình dắt con cái mới 6-7 tuổi đi mua quần áo, đồ dùng cá nhân, cũng đều phải hỏi ý kiến của con xem chúng thích cái nào thì mới chọn để mua. Họ gọi đó là tôn trọng ý kiến của con trẻ.

Để rồi, khi các con lớn lên, chúng đi chơi với bạn bè bất kể giờ giấc, ăn uống sinh hoạt không theo nếp sinh hoạt chung của gia đình, giao lưu với bạn bè thuộc đối tượng nào bố mẹ cũng chẳng tìm hiểu, quan tâm. Hậu quả là các con càng ngày càng hình thành tính cách, lối sống tự do, theo lối suy nghĩ của một đứa trẻ mới lớn, và gia đình mất dần khả năng kiểm soát các con.

Cách đây tám năm, tôi đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là nghỉ việc ở một công ty FDI, để về nhà chia sẻ bớt công việc gia đình, để vợ có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc các con được tốt nhất. Thời điểm đó, hai con trai tôi đang chuẩn bị bước vào các cấp học mới (một đứa chuẩn bị vào lớp 6 và một đứa sắp vào lớp 10).

Về cơ bản, cả hai con của tôi đều có cách sống khá giản dị, không đua đòi, biết chọn lọc bạn mà chơi. Ngày con lớn vào lớp 10, tôi nói với con rằng: "Con thích cái điện thoại nào thì sang tiệm kế bên nhà mà chọn lấy một cái". Con xem xong và nói với tôi rằng "chỉ mua cái điện thoại giá 2,5 triệu đồng mà thôi". Quần áo của con, mẹ mua gì con mặc cái đó chứ không hề đòi hỏi phải như người này, người kia. Các con thích ăn món gì đều bảo mẹ nấu cho, chứ không thích ra ngoài ăn hàng, ăn quán.

>> 'Tự hào con 18 tuổi học giỏi dù không biết nấu cơm'

Nay con lớn của tôi đã tốt nghiệp Đại học. Tôi bảo con "mua chiếc xe khác để sử dụng", nhưng con một mực từ chối, nói rằng "chiếc xe Dream cũ của bố mẹ mua cách đây 30 năm vẫn còn dùng tốt". Tôi bảo con đi học bằng lái B2 rồi tôi mua cho chiếc ôtô để đi làm cho đỡ vất vả nhưng con cũng bảo không thích xe bốn bánh và chưa cần phải mua. Con lớn mới có bạn gái, mỗi tuần chỉ dành một buổi chiều chủ nhật để đi chơi với bạn. Thời gian còn lại, con tập trung lo cho sự nghiệp của mình.

Nói sơ qua như vậy để các bạn hiểu rằng, con cái phát triển thế nào, tính nết ra sao phụ thuộc rất nhiều vào cách dạy dỗ của cha mẹ ngay từ khi chúng còn nhỏ, chưa hiểu biết gì. Dạy con tự lập là điều tốt, tôn trọng ý kiến riêng của con cũng là điều hay, nhưng phải có chừng mực, giới hạn nhất định. Không thể cứ mặc cho con tự do một cách vô tổ chức, muốn gì cũng được đáp ứng, làm gì cũng được chấp nhận. Dù cha mẹ không nên ép buộc con cái nhưng nếu con sai thì phải được uốn nắn, điều chỉnh ngay từ đầu.

Con trai thứ hai của tôi nay vào Đại học quốc tế, được học ở ngôi trường mới vừa được xây dựng xong. Ký túc xá có năm tầng được trang bị thang máy nằm trong khuôn viên nhà trường. Mỗi tầng được bố trí hai nhà bếp tập thể để cho sinh viên tự nấu và ăn uống khi có nhu cầu. Con tôi kể chỉ mới tuần thứ hai của năm học đầu mà rất nhiều sinh viên vi phạm nội quy sử dụng thiết bị nhà bếp, giữ gìn vệ sinh chung, đồ ăn thừa không đổ vào thùng rác mà nhét vào bồn rửa làm tắc nghẽn. Thậm chí có những sinh viên đi thang máy không dùng tay bấm nút mà dùng chân tác động vào nút điều khiển làm hư thiết bị...

Tất cả những hành động thiếu ý thức đó đều bắt nguyền từ chính cách dạy dỗ con trẻ trong mỗi gia đình. Và quá chiều con, làm ngơ khi con mắc lỗi, để con mặc sức làm theo ý mình ngay từ khi còn nhỏ, trong khi cha mẹ lại chỉ biết phục tùng vô điều kiện... Tất cả những thứ đó đều sẽ tác động tiêu cực lên việc hình thành nhân cách của đứa trẻ sau này.