Ẩn số sau hàng trăm bộ hài cốt tìm thấy ở Hà Nội cần được giải đáp

PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho biết, Hà Nội chưa từng có khu phố nào phát hiện nhiều bộ hài cốt vô danh được chôn cất dạng như tại ngõ 167 Tây Sơn. Ẩn số sau hàng trăm bộ hài cốt cần được giải đáp.

Ngày 26/11/2204, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ẩn số sau hàng trăm bộ hài cốt tìm thấy ở Hà Nội cần được giải đáp". Nội dung cụ thể như sau:

Cách xác định niên đại của một bộ hài cốt

Số hài cốt được phát hiện tại ngõ 167 Tây Sơn (phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) trong những ngày qua đã tăng từ 150 bộ lên 408 bộ.

Các bộ hài cốt được tìm thấy ở độ sâu khoảng 1m, đựng trong tiểu sành kích thước khoảng 20x80cm, xếp san sát nhau.

Đây không phải lần đầu tiên phường Quang Trung phát hiện nhiều hài cốt. Năm 2015, trong lúc đào cống thoát nước trên vỉa hè phố Tây Sơn, công nhân cũng phát hiện gần 200 bộ hài cốt không xác định được danh tính.

Trong nhiều năm qua, khi thi công nhà cửa, các hộ dân sống tại đây cũng phát hiện các bộ hài cốt dưới đất của gia đình với số lượng nhiều ít khác nhau.

Nếu tính tổng số hài cốt được phát hiện tại đây từ trước đến nay con số không dưới 600 bộ.

Các bộ hài cốt được chôn trong tiểu sành xếp san sát nhau (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Liên quan đến các tiểu sành, hài cốt được tìm thấy tại ngõ 167 Tây Sơn vừa qua, đại diện phường Quang Trung cho hay, qua tìm hiểu thông tin người dân xung quanh xác định tiểu cốt là của người dân bình thường có từ khoảng 50 đến 70 năm trước.

Người dân sinh sống tại con phố này cũng chia sẻ, các bậc cao niên trong ngõ kể rằng, trước đây khu này là nghĩa trang song không ai biết các tiểu quách có từ bao giờ, nguồn gốc ra sao, chỉ đến lúc xây nhà, làm đường, cải tạo vườn hoa mới phát hiện ra.

Sau khi thông tin vụ việc được lan truyền rộng rãi, nhiều giả thuyết được đặt ra liên quan đến nguồn gốc, niên đại của các bộ hài cốt này.

Phóng viên báo Dân trí đã liên hệ với PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam. Ông Cường cũng là nhà khoa học xác lập kỷ lục Việt Nam "Người nghiên cứu các di cốt người cổ của Việt Nam nhiều nhất (1.093 cá thể)".

Cận cảnh một số tiểu quách tìm thấy tại ngõ 167 Tây Sơn (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, có thể đặt ra một số giả thuyết liên quan đến các bộ hài cốt này.

"Đây không phải là các di chỉ khảo cổ bởi nếu là di chỉ khảo cổ, các thi thể phải được chôn trong đất chứ không phải trong tiểu. Chẳng hạn thời kỳ Đông Sơn chôn người trong mộ đất hoặc các quan tài bằng thuyền, bên trong còn có các đồ tùy táng.

Đây cũng không phải hài cốt của những người chết đói bởi sách báo và nhiều tư liệu lịch sử cho thấy, xác những người chết đói năm 1945 thường được chất thành đống, sau đó được đào hố chôn tập thể hoặc vùi xuống", Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam nêu ý kiến.

Chuyên gia này cũng loại bỏ khả năng đây là hài cốt của những người chết do dịch bệnh bởi các nạn nhân thiệt mạng do dịch bệnh thường chết rải rác, chôn theo từng khu. Hơn nữa, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một gia đình vẫn có thể có những người khác sống sót để thờ tự.

 PGS. TS Nguyễn Lân Cường cũng không mấy tán thành với ý kiến cho rằng số hài cốt này là thuộc nghĩa trang của người dân.

Lý do là bởi, nếu là nghĩa trang của người dân thì những người đã khuất sẽ đến từ các dòng học, dòng tộc khác nhau. Hoa văn trên mỗi tiểu sẽ khác nhau, mỗi dòng tộc sẽ có hoa văn riêng. Tuy nhiên, dường như các tiểu quách tìm thấy ở ngõ 167 Tây Sơn khá giống nhau về hình thức, kích thước.

Khả năng số hài cốt tìm thấy tại ngõ 167 Tây Sơn là của quân giặc cũng bị PGS. TS Nguyễn Lân Cường gạt bỏ.

Gò Đống Đa, Đống Thây - nơi ghi dấu chiến công của quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh năm 1789 - cũng chỉ tìm thấy thi thể vùi dưới đất chứ không được chôn cất trang trọng trong tiểu.

"Khi đã cho vào tiểu và xếp ngay ngắn như thế, tôi nghĩ những người chôn cất đã thực hiện một nghi thức trang trọng. Tôi nghiêng về khả năng đây là di hài những chiến binh của ta.

Sau khi họ hi sinh, người dân đã cải táng đưa vào tiểu rồi sắp xếp, chôn tại khu vực này. Còn cụ thể là chiến binh nào, trận đánh nào thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn", PGS Nguyễn Lân Cường nói.

Cũng theo ông Cường, nhiều bộ di cốt nằm trong đất hàng nghìn năm vẫn còn khá đầy đủ các bộ phận vì trong đất có muối khoáng giúp giữ lại các phần xương.

Tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, các nhà khoa học phát hiện hơn 300 mộ táng tiền Đông Sơn và mộ táng Đông Sơn. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau (đều từ trên 2.000 năm trước) vẫn còn được bảo tồn khá tốt.

Tuy nhiên, những bộ hài cốt ở ngõ 167 Tây Sơn đã bị tiêu khá nhiều. Lý do là bởi các bộ xương được cải táng đưa vào tiểu. Khoảng không tồn tại vi khuẩn đã phá hủy các di cốt.

Để xác định niên đại của một bộ hài cốt theo ông Cường có thể thông qua ADN hoặc đo số lượng carbon-14. Việc nghiên cứu giúp đem đến các thông tin về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng…

"Tuy nhiên, những hài cốt này đã bị tiêu khá nhiều nên việc xác định niên đại có thể cũng sẽ gặp khó", ông nói.

Ngõ phố tìm thấy hàng trăm bộ hài cốt gây xôn xao dư luận (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Cần nghiên cứu sâu hơn về con phố

Bàn về các bộ hài cốt tìm thấy tại ngõ 167 Tây Sơn, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ ông nghĩ tới giả định số hài cốt có liên quan đến nghĩa sĩ Tây Sơn, khoảng cuối thế kỷ thứ 18.

Nghĩa sĩ Tây Sơn được thờ chung tại chùa Kim Sơn (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) nhưng chưa ai tìm hiểu được về nơi chôn cất.

"Việc chôn cất sau khi cải táng có phần kín đáo, san bằng, không để lại dấu tích gì thì có thể có lý do liên quan đến vấn đề lịch sử", ông Quốc băn khoăn.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường chia sẻ, từ trước đến nay, mộ phần của các nghĩa sĩ Tây Sơn vẫn còn là một ẩn số.

"Chưa từng có khu phố nào ở Hà Nội phát hiện ra nhiều hài cốt vô danh được chôn cất dạng này. Tôi nghĩ, Hà Nội cần nghiên cứu làm rõ tính lịch sử của khu phố, tìm hiểu xem trước đây có trận đánh nào diễn ra ở đây không. Đây huống chi còn là khu vực gần gò Đống Đa", Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam nói.

Trước đó, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Hàng trăm bộ hài cốt phát hiện khi thi công đường thoát nước ở Hà Nội sẽ được đưa đi đâu?". Nội dung cụ thể như sau:

Như tin đã đưa, mới đây các công nhân thi công cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) phát hiện gần 150 bộ hài cốt nằm sâu hơn 1m so với mặt đường.

Khi đào đường làm hệ thống thoát nước công nhân phát hiện nhiều bộ hài cốt
Rất nhiều bộ hài cốt vẫn đang bên dưới tấm bạt này

Theo ghi nhận, hiện tại những bộ hài cốt này đã được chuyển vào các bộ tiểu và xếp ngay ngắn vào khu vực, chờ đưa đi chôn cất. Cạnh đó là các chiếc bát hương, bàn thờ để người dân xung quanh đến thực hiện thủ tục tâm linh một cách chu đáo.

Trong khi đó, phía dưới cống đã được phủ tấm bạt, người dân cho hay, ngoài những bộ hài cốt được khai quật lên, phía dưới này vẫn còn khá nhiều vì trong lúc đang thu gom thì thiếu tiểu mới để chuyển sang nên tạm thời dừng lại.

"Đào đến đâu phát hiện đến đấy"

Người dân xung quanh ngõ 167 Tây Sơn, cho biết thêm, không chỉ ở chỗ đào cống, mà khu vực này nhiều nhà dân khi thi công từng phát hiện có hài cốt và đã đưa đi chôn cất.

Nhiều người cho biết thêm, khi đào cống, các công nhân phát hiện rất nhiều bộ hài cốt, cho thấy không phải chỉ ở một địa điểm này mà “đào đến đâu thấy đến đấy”. Cũng tại khu vực này về phía mặt đường Tây Sơn (trước khu vực cổng trường Đại học Công Đoàn) cách đây ít năm, khi công nhân đào đường cũng phát hiện hàng trăm bộ hài cốt tương tự.

Các bộ hài cốt được an táng tại Nghĩa trang Yên Kỳ

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND phường Quang Trung Hứa Thị Xuân Liên cho biết, UBND phường đã báo cáo UBND quận và đang phối hợp đơn vị liên quan làm thủ tục an táng theo quy định.

Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết thêm, bước đầu đã xác định được gần 150 bộ hài cốt ở ngõ 167 phố Tây Sơn có từ khoảng 50-70 năm về trước.

Theo bà Xuân, ngõ 167 Tây Sơn thường xuyên xảy ra úng ngập. Đặc biệt, sau mỗi trận mưa lớn nước ngập sâu quá đầu gối, tràn cả vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. 

Con ngõ này có 3 dãy nhà tập thể, nhiều nhà ở nhỏ lẻ, nhiều trụ sở cơ quan và khu ký túc xá Trường Đại học Công đoàn nên rất đông người dân sinh sống, làm việc. Do là khu vực đông dân cư nên việc xử lý úng ngập là rất cần thiết, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền để giải quyết vấn đề này.

Các bộ hài cốt được tập kết
Người dân lập bàn thờ để làm thủ tục tâm linh

Năm 2024, thực hiện dự án cải tạo hạ tầng toàn phường, UBND phường Quang Trung được quận Đống Đa đồng ý cho bổ sung hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường tại ngõ 167 phố Tây Sơn nhằm giải quyết tình trạng úng ngập.

"Quá trình đơn vị thi công thực hiện dự án, phát hiện một số tiểu sành, có ngôi còn hài cốt, có ngôi do lâu năm đã tiêu huỷ. Ngay sau đó, đơn vị thi công cùng UBND phường đã báo cáo quận và phối hợp xử lý theo quy định. Hiện chúng tôi đang tiến hành làm thủ tục với nhà tang lễ cũng như quy trình vận chuyển. Trong thời gian tới, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ di chuyển các tiểu sành về an táng tại nghĩa trang Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì", bà Liên thông tin.

Trước một số ý kiến lan truyền trên mạng cho rằng, số hài cốt trên có từ thời vua Quang Trung – Nguyễn Huệ lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh xâm lược vào xuân Kỷ Dậu năm 1789, bà Liên khẳng định, thông tin trên là thất thiệt.

Chính quyền địa phương cho biết thêm, qua tìm hiểu từ các bậc bô lão thì trước đây khu vực này là nghĩa trang của ấp Thái Hà cũ, người đã khuất được quy tập tại đây và có từ khoảng 50-70 năm về trước. Các bộ hài cốt này không liên quan quân nhà Thanh bởi thời trước đó không có tiểu sành.