Hình ảnh nhóm người lén lút đào hầm tìm vàng ở Bình Phước
Sau khi sàng lọc quặng vàng, nhóm người bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đến bãi tập kết để đãi ra vàng.
Ngày 25/11/2024, báo Người lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Hình ảnh nhóm người lén lút đào hầm tìm vàng ở Bình Phước". Nội dung cụ thể như sau:
Thời gian qua, người dân phản ánh đến Báo Người Lao Động về hoạt động khai thác vàng trái phép ở xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước nhưng chính quyền địa phương không xử lý.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đến hiện trường ghi nhận thì nghe tiếng máy nổ, tiếng đào đất... phát ra tại khu vườn của một người dân ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng. Lại gần, hiện ra trước mắt là một đường hầm được đào khoét có diện tích hơn 2m, cao khoảng 2m để thợ đào đi sâu vào bên trong đào vàng.
Hoạt động đào vàng cứ liên tục diễn ra. Đất được đào từ trong hầm đưa ra ngoài rồi đổ lên máng gỗ có sẵn, sau đó thợ sẽ dùng máy móc, vòi nước đãi đất lấy quặng vàng.
Số quặng vàng thu được nhanh chóng cho vào bao tải rồi chất lên xe tải chở đến nơi được cho là bãi tập kết để đãi ra vàng thành phẩm.
Cách khu vực này không xa còn có thêm vài hầm đã được đào bới, trong đó có 1 hầm đã bị đất vùi lấp.
Theo người dân địa phương, nhóm người hoạt động khai thác vàng diễn ra từ 6 giờ sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau.
Ông Nguyễn Quý Hà, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Phú Trung, huyện Phú Riềng khẳng định sau khi tiếp nhận thông tin đã chỉ đạo lực lượng đến hiện trường xử lý. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến nơi thì các đối tượng đã rút hết nên không thu giữ được máy móc... Tại hiện trường, UBND xã Phú Trung đã mời 5 người (không phải là người dân địa phương) về xã làm việc, đồng thời thu giữ 1 số thiết bị như: Cuốc, xẻng, xe rùa...
"Do không có thiết bị oxy nên đoàn kiểm tra chỉ khảo sát được bên ngoài miệng hầm, không dám đi sâu vào bên trong vì sợ bị ngạt" - ông Hà nói.
Theo UBND xã Phú Trung, khu vực diễn ra hoạt động khai thác này là vườn điều của ông L. (ngụ xã Bù Nho, huyện Phú Riềng). Trước đó, xã nhiều lần liên hệ và yêu cầu ông L. lên làm việc nhưng người này lấy lý do bận không chấp hành.
Ông Hà khẳng định xã chỉ lập biên bản xử lý việc thay đổi hiện trạng đất, còn việc trong đó có vàng hay không thì địa phương không đủ thẩm quyền để xác định.
Năm 2015, báo chí từng phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau đó, chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý quyết liệt nhưng không hiểu sao thời gian gần đây lại xuất tình trạng khai thác vàng làm ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên khoáng sản và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng con người.
Trước đó, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Nhiều người lén lút đào vàng trái phép". Nội dung cụ thể như sau:
Đồi Hố Du ở thôn Trà Tân, xã Trà Bình, huyện miền núi Trà Bồng quanh năm yên tĩnh với rừng cây tạp và keo lá tràm, đầu tháng 6 bỗng xôn xao vì nhóm người từ Hải Phòng, Thái Nguyên và người địa phương đến tìm vàng.
Họ dựng lán trại để ở, mang máy nghiền đất đá, máng sàng lọc, motor, cuốc, xẻng, xà beng, mâm đãi; đồng thời lắp đặt ống dẫn nước, bể chứa nước bằng bạt để phục vụ đào đãi vàng. Các phu tìm vàng đã khoét 4 hầm sâu 2-3 m, rộng gần một mét và đang tiếp tục khoét 2 hầm mới khiến rừng keo loang lổ.
Trà Bồng nằm ở phía Tây Bắc thành phố Quảng Ngãi, cách đồng bằng khoảng 50 km. Theo các tài liệu thăm dò địa chất và khoáng sản, huyện miền núi này và Sơn Hà là khu vực có trữ lượng vàng sa khoáng và vàng gốc ở dạng các điểm quặng nhỏ. Hiện chưa có tổ chức nào được cấp phép khai thác vàng ở đây.
Hôm 12/6, nhận được tin báo của người dân, Công an huyện Trà Bồng đã cử 15 cảnh sát phối hợp Công an xã Trà Bình điều tra, xử lý. Các chiến sĩ cải trang thành dân lao động (khu vực này người dân thường vào để trồng và thu hoạch cây keo), lội bộ qua đường rừng rậm rạp, dốc đá, chốt chặn toàn bộ các hướng xung quanh hiện trường.
Khi cảnh sát vào điểm đào vàng ở Đồi Hố Du phát hiện 3 người đang cuốc đất đào hố chứa nước để đãi vàng. Họ khai có 5 người, do Phạm Văn Tâm (36 tuổi, ngụ Hải Phòng) cầm đầu, những người còn lại quê Thái Nguyên và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, lúc này Tâm và một người khác đang lái ôtô 7 chỗ xuống thành phố Quảng Ngãi bán số vàng vừa thu được sau 3 ngày khai thác.
Một tổ công tác khác mai phục, bắt giữ hai người này khi họ quay lại điểm đãi vàng. Làm việc với cảnh sát, Tâm khai đọc được thông tin "Trà Bồng có trữ lượng vàng sa khoáng" nên rủ nhiều người đi khai thác. Những người còn lại khai cuộc sống khó khăn, không có việc làm nên đi theo Tâm tìm cơ hội "đổi đời" như tin đồn về những trường hợp trước đây.
Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 5 Công an huyện Trà Bồng phát hiện, ngăn chặn nhóm người khai thác vàng trái phép. Cụ thể, trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán, ngày 8 và 10/1, cảnh sát đã phát hiện hai vụ ở xã Trà Thanh và Trà Xinh. Đến đầu tháng 3, Công an xã Trà Thanh phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự kiểm tra khu vực đào vàng trái phép ở đồi Cà Nhút, phát hiện hai hố đào mới cùng nhiều dụng cụ đào vàng. Hồi tháng 4, Tổ tuần tra nhân dân xã Trà Thủy phát hiện nhóm 10 người từ Quảng Nam dựng lán trại và mang nhiều hóa chất vào đào vàng.
Trong đó, khu vực đồi Cà Nhút ở xã Trà Thanh là điểm "nhức nhối", tái diễn tình trạng đào vàng trái phép hàng chục năm qua.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các điểm khai thác mang tính nhỏ lẻ, thủ công, chưa có máy móc, phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, việc đào hầm khai thác đã làm địa chất bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ sạt lở, nhiều dòng suối bị ngăn dòng lấy nước đãi vàng. Ở một số điểm, nhóm phu vàng sử dụng rất nhiều hóa chất, nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước của người dân.
Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch huyện Trà Bồng, cho biết trong các vụ bị phát hiện chỉ xử phạt thành chính được 2 người. Còn lại sự việc xảy ra ở địa bàn rừng núi hiểm trở, khi lực lượng chức năng đến thì phu vàng đã bỏ chạy vào rừng sâu không thể truy bắt; hoặc đã dừng khai thác, chỉ để lại vật dụng tại hiện trường.
Lãnh đạo địa phương nhìn nhận, nguyên nhân chính diễn ra nạn khai thác vàng trái phép là do người dân không có việc làm ổn định, thu nhập thấp. Họ chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc khai thác khoáng sản trái phép đối với môi trường và tính mạng của mình. Các phu vàng lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, khó tiếp cận để thực hiện lén lút việc khai thác vàng. Nguyên nhân khác là chính quyền ở cơ sở chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp đào đãi vàng trái phép, đặc biệt là những người từ địa phương khác đến.
Để ngăn chặn, ông Thịnh cho biết huyện đã chỉ đạo lực lượng quân sự, công an cùng các xã tổ chức nhiều cuộc truy quét hơn, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại và hình thức xử lý khi khai thác vàng trái phép.
Theo quy định pháp luật, hành vi khai thác vàng trái phép sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến một tỷ đồng, tùy khối lượng khoáng sản khai thác lên. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức khai thác vàng trái phép còn có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất 7 năm tù.