Từ 1/1/2025, vượt đèn đỏ bị phạt 20 triệu, tăng mức phạt nồng độ cồn
Từ 2025, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, trong đó ô tô vượt đèn đỏ bị phạt tới 20 triệu.
Ngày 28/12/2024, báo VTC News đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Từ 1/1/2025, vượt đèn đỏ bị phạt 20 triệu, tăng mức phạt nồng độ cồn". Nội dung cụ thể như sau:
Ngày 28/12, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao, gấp hàng chục lần so với quy định hiện hành.
Trong đó, cơ quan soạn thảo tăng mức phạt rất cao đối với các hành vi, nhóm hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn, đặc biệt nếu xảy ra trên đường cao tốc.
Cụ thể, tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 2 (0,25 - 0,4mg/l khí thở) sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với mức phạt cũ.
Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt gấp 3 - 30 lần so với hiện hành.
Đồng thời, các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... cũng được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2-3 lần so với hiện hành.
Mức phạt hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt tới 20 triệu đồng đối với ô tô và tới 6 triệu đồng với xe máy.
Chi tiết các mức xử phạt vi phạm giao thông từ ngày 1/1/2025:
Tiếp đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Từ ngày 1/1/2025, vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng". Nội dung cụ thể như sau:
Tối 28/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo vị lãnh đạo, tại Nghị định này, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao.
"Có 3 nhóm hành vi tăng mức tiền xử phạt, đó là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số. Nhóm thứ 2 là cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Nhóm thứ 3 là nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông", lãnh đạo Cục CSGT nói.
Cụ thể: Đối với ô tô, một số hành vi bị tăng mức xử phạt như: Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt 400.000-600.000 (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới từ 1/1/2025 tăng lên 20-22 triệu đồng.
Với hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, người vi phạm bị phạt 4-6 triệu theo mức phạt hiện hành, và tăng lên 18-20 triệu đồng, theo mức phạt mới.
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt hiện hành 4-6 triệu đồng, còn mức phạt mới 18-20 triệu đồng.
Hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ bị phạt 4-6 triệu đồng (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới tăng lên 35-37 triệu đồng.
Hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều", mức phạt hiện hành là 4-6 triệu đồng, còn mức phạt mới là 18-20 triệu đồng...
Đối với xe máy, một số hành vi bị tăng mức xử phạt như: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt 800.000-1 triệu đồng (mức phạt hiện hành), mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng.
Hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng (mức phạt hiện hành), mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng. Hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, mức phạt hiện hành là 1-2 triệu đồng, mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng.
Hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng bị phạt từ 6-8 triệu đồng (mức phạt hiện hành), sẽ tăng lên 8-10 triệu đồng (mức phạt mới); Hành vi gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất bị phạt 6-8 triệu đồng (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới là 8-10 triệu đồng...
Theo lãnh đạo Cục CSGT, nghị định mới được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế.
Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra như hạ tầng giao thông phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy…
Đáng chú ý, ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến.
"Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông", lãnh đạo Cục CSGT thông tin.