Học vấn của Mr Pips: IELTS 8.5, học bổng toàn phần tại Singapore

Theo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp THPT, Phó Đức Nam là một trong 3 người được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, chuyên ngành công nghệ thông tin.

Báo Dân trí ngày 11/12 đưa thông tin với tiêu đề: "Học vấn của Mr Pips: IELTS 8.5, học bổng toàn phần tại Singapore" cùng nội dung như sau: 

Ngày 11/12, Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, thông tin về chuyên án triệt phá ổ nhóm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do Phó Đức Nam (30 tuổi, tức Mr Pips) cầm đầu.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, thành viên ban chuyên án cho hay Mr Pips có kiến thức rất tốt về tài chính, kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Phó Đức Nam là một trong ba người trên thế giới được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, chuyên ngành học về công nghệ thông tin.

Nam cũng có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, có chứng chỉ IELTS 8.5. Khi thương thảo với người nước ngoài, Nam có thể giao tiếp trực tiếp, không cần phiên dịch viên.

Theo Công an Cầu Giấy, Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) đã câu kết với một nhóm đối tượng người nước ngoài để tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp, như GTMX, ALPHA TRDING, IQX, LONDONEX, IBMEX, ISWISS, TRUST, JASFX...

Trong 44 văn phòng được Nam và Ngọ thành lập tại Việt Nam, các đối tượng đặt 24 văn phòng tại Hà Nội, do 1.918 đối tượng quản lý. Những văn phòng còn lại đặt tại TPHCM, TP Đà Nẵng và Campuchia.

Ngày 25/10, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội bắt giữ các đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây tội phạm.

Đến nay, nhà chức trách đã khởi tố 26 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can về tội Rửa tiền, một đối tượng về tội Không tố giác tội phạm, một đối tượng về tội Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đối tượng Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter, một trong 3 đối tượng cầm đầu) đang ở nước ngoài. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Khắc Ngọ về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tiếp đến, báo Tiền Phong ngày 11/12 cũng có bài đăng với thông tin: "Cảnh sát gặp nhiều khó khăn để bắt giữ Phó Đức Nam - Mr Pips". Nội dung được báo đưa như sau:

Liên quan đến vụ bắt giữ TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam), cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định 2.661 bị hại trên toàn quốc. Đến nay, Cơ quan điều tra thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 mô tô hạng sang; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong toả 125 bất động sản.

"Chúng tôi sử dụng rất nhiều biện pháp như phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm, biện pháp trinh sát đặc biệt, cũng như các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ... và đã khám phá vụ án, xác định đối tượng Phó Đức Nam" - Đại tá Thành Kiên Trung.

Kể về những khó khăn trong quá trình điều tra, Đại tá Thành Kiên Trung - Trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), Trưởng Ban chuyên án cho biết, đây là vụ án đặc thù, tội phạm công nghệ cao và luôn sử dụng không gian ảo, tài khoản ảo, định danh "ma" để hoạt động, do vậy công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

"Các đối tượng sử dụng phương thức ẩn danh nên không thể biết được danh tính thực. Tuy nhiên, bằng kỹ thuật nghiệp vụ, biện pháp đặc biệt, chuyên môn và quyết tâm cao của lực lượng Công an, Ban chuyên án đã trinh sát làm rõ được danh tính cụ thể của từng đối tượng" - Đại tá Trung nói.

Về quá trình thu hồi số tài sản hơn 5.200 tỷ đồng, theo Đại tá Thành Kiên Trung, Công an quận Cầu Giấy và Ban chuyên án đã sử dụng một lực lượng trinh sát, cán bộ điều tra, và sự phối hợp nhịp nhàng của VKS nhân dân thành phố Hà Nội, VKS nhân dân quận Cầu Giấy, các đơn vị nghiệp vụ như Phòng CSHS Công an TP Hà Nội cũng như sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố trực tiếp là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội. Qua đó, lực lượng phá án đã đồng loạt áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhiều mũi tấn công tập kích vào các điểm cất chứa, nơi cất giấu, xác định các tài sản của đối tượng do phạm tội mà có.

"Do đã chủ động và có lực lượng "đủ dày, đủ cần thiết và đủ mạnh" nên việc thu hồi toàn bộ tài sản rất thuận lợi và triệt để" - Trưởng Ban chuyên án, Đại tá Thành Kiên Trung nói.

Nói thêm về số lượng bị hại vụ án, Thượng tá Cao Văn Thái - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, trong quá trình điều tra rất ngắn số lượng 2.661 bị hại được khai thác từ một phần máy tính (trong số 280 máy tính thu giữ) của các đối tượng sale, learder đã trích xuất ra được thông tin, tên bị hại đã nạp tiền ban đầu là khoảng 50 triệu USD.

"Đây là thông tin bị hại trong một phần máy tính thu giữ. Do đó, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh, ghi lời khai các bị hại bị lừa đến lúc hết tiền là bao nhiêu... thì mới xác định được tổng số tiền" - Thượng tá Thái nói.

Theo Thượng tá Cao Văn Thái, Phó Đức Nam là đối tượng cầm đầu và có thể nói là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối chứng khoán. Đối tượng Phó Đức Nam thường xuyên ở bên Campuchia và thỉnh thoảng về Việt Nam.

"Sau khi đã xác định đối tượng lực lượng phá án đã tiến hành bắt giữ Phó Đức Nam tại P1, Q.4, TP HCM" - Thượng tá Thái chia sẻ.

Cẩn trọng khi đầu tư các sàn giao dịch nước ngoài

Theo Đại tá Thành Kiên Trung, hiện Nhà nước chưa cấp phép cho tất cả các sàn giao dịch quốc tế về chứng khoán tại Việt Nam. Do vậy, các giao dịch này là bất hợp pháp.

"Người dân trong nước muốn đầu tư chứng khoán thì duy nhất thông qua các kênh của các công ty được Ủy Ban chứng khoán Nhà nước Việt Nam quản lý. Nếu có nhu cầu đầu tư vào các công ty nước ngoài ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì hiện chưa có quy định cụ thể nên phải tuân theo các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn về tài sản của bản thân" - Đại tá Trung cho biết.

Lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy khuyến cáo các nhà đầu tư hiện nay các tiền ảo, tiền điện tử hiện giờ chưa được công nhận, do vậy các giao dịch là bất hợp pháp và không được pháp luật bảo vệ.

Thượng tá Cao Văn Thái - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều về thủ đoạn lừa đảo trên, tuy nhiên, có người dân, nhà đầu tư sập bẫy.

Trong vụ án trên, các giao dịch diễn ra trên các phần mềm do công ty trung gian cung cấp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng liên kết với nhau để tạo lập, quản lý điều hành các trang web có tiếng anh giống với các sàn giao dịch quốc tế.

Đồng thời các trang mạng này về bản chất đều đã được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch đều được kết nối với ứng dụng là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay. Do đó người dân cần cảnh giác khi đầu tư vào các sàn này.

"Chúng ta có thế hệ sinh viên, kỹ sư rất giỏi về công nghệ rất mong đem những kiến thức này để sử dụng vào mục đích lành mạnh, sản xuất, kinh doanh mang lại sự phát triển cho xã hội, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác" - Đại tá Thành Kiên Trung - Trưởng Công an quận Cầu Giấy khuyến cáo.

Chiều 10/12, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị thông tin báo chí về kết quả đấu tranh, khám phá 3 chuyên án lớn, có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, Nhà nước, trong thời gian gần đây.

Đồng thời công bố Thư khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các quyết định khen thưởng của Bộ Công an, UBND thành phố dành cho các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong các vụ án vừa qua.

Công an TP Hà Nội cũng khen thưởng, ghi nhận đóng góp tích cực của các cơ quan tư pháp, lực lượng hải quan tham gia chuyên án.

Có 6 tập thể nhận thư khen của Bí thư Thành uỷ và Bộ Công an; 8 tập thể nhận thư khen của Bộ trưởng Bộ Y tế và thưởng của Bộ Công an; 10 cá nhân nhận khen thưởng của UBND thành phố Hà Nội.