Giận mẹ, cha bỏ nhà đi: 34 năm sau các con mới biết sự thật

Hơn 30 năm trôi qua, vợ con ông Thân vẫn chưa nguôi nỗi hờn trách. Họ mơ hồ giữa việc ông còn sống mà không về hay đã mất vì cơn bão Linda.

Báo Vietnamnet ngày 27/12/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Giận mẹ, cha bỏ nhà đi: 34 năm sau các con mới biết sự thật" cùng nội dung như sau:

Ông Võ Thân và bà Phan Thị Ba lấy nhau, sinh được 4 người con. Ba mẹ ông Thân có 10 người con – 7 trai, 3 gái. Tất cả các anh em trai đều sống bằng nghề đi biển ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Năm ông 34 tuổi - khi đứa con út mới được 8 tháng, ông bỏ nhà đi không rõ lý do. Các anh em của ông bận mưu sinh, chỉ mơ hồ biết rằng hình như vợ chồng ông có mâu thuẫn.

Từ năm 1990 đến nay, đã 34 năm trôi qua, ông không về nhà.

Theo thông lệ, từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 âm lịch, để tránh gió bấc, người dân làng chài ở Phan Thiết không đi biển gần nhà. Xuôi theo lạch sông, qua Mỹ Tho, Cần Thơ, họ xuống vùng biển miền Tây, xuống tận sông Đốc (Cà Mau) để kiếm ăn trên vùng biển sóng êm hơn.

Có lần người em họ đã gặp ông Thân ở khu vực sông Đốc. Hai anh em ngồi nói chuyện với nhau mấy tiếng đồng hồ. Người em khuyên anh về nhà.

“Anh nói để mai anh về. Nhưng hôm sau tôi qua tìm thì không thấy. Ổng trốn luôn”.

Từ đó, không ai gặp được ông nữa.

Cả gia đình ông Thân kiếm sống bằng nghề đi biển

Đầu tháng 11/1997, cơn bão số 5 mang tên Linda đổ bộ, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành. Hơn 3000 người chết và mất tích, chủ yếu là các ngư dân.

Năm đó, thật may mắn, các anh em ông Thân đều đang ở Phan Thiết, không ai vào Cà Mau – nơi tâm bão đi qua. Nhưng cả nhà đinh ninh rằng, ông Thân đang ở khu vực đó và có lẽ ông đã chết vì cơn bão như nhiều ngư dân khác.

Bao nhiêu năm trời không thấy ông về, niềm tin ấy càng có cơ sở hơn. Chị Võ Thị Hiệp, con gái ông đã lập bàn thờ và làm giỗ cho cha hằng năm.

Đến bây giờ, khi nhắc đến ông, bà Phan Thị Ba và 4 người con vẫn còn mang trong lòng những hờn trách, oán hận.

“Một mình tôi nuôi 4 đứa con, khổ lắm… Nếu tôi không đủ can đảm, không đủ bản lĩnh thì con tôi bữa nay…” – bà Ba bỏ lửng câu nói.

“Bây giờ khi nói ra, tôi vẫn còn ấm ức, nước mắt tôi vẫn chảy dài… Đừng bao giờ nhắc tới tên ông Thân với tôi nữa…”.

Các con trai của ông giãi bày: “Ba bỏ má thì được, chứ sao lại bỏ đám con… Thấy tội cho má, má hận cũng đúng thôi…”.

Chị Hiệp mới 14 tuổi khi cha bỏ đi. Đến giờ, chị vẫn chưa tha thứ được cho ông. Nhưng suốt ba mấy năm nay, chị vẫn thờ cúng. Cứ đến ngày định sẵn, dù không có đồng nào trong người, chị cũng đi vay mượn để sắp sửa lễ cúng cha.

Cả nhà không ai chắc ông Thân còn sống hay đã chết, nhưng "chẳng lẽ còn sống mà ba mươi mấy năm không về". Họ đã nghĩ như vậy.

Chị Hiệp thờ cha hơn 30 năm nay

Trở lại năm 1990, sau khi bỏ nhà đi, ông Thân qua vùng biển Cà Mau nơi anh em ông vẫn thường kiếm ăn những tháng ngày Phan Thiết biển động.

Một ngày, ông nhảy qua ghe của một gia đình người bản địa. Ông bảo họ là từ nay cho ông đi cùng.

Cụ Phan Thị Hưng còn nhớ, ngày đó ông Thân rất quý mến các con trai cụ. Ông nhận vợ chồng cụ là cha mẹ nuôi, gọi họ là “tía, má”, coi các con cụ là anh em ruột thịt trong nhà.

Thấy ông hiền lành, lại không có họ hàng thân thích, cụ Hưng mủi lòng cho ở lại, nuôi như con, khi nào đi biển thì cùng đi.

Cũng từ đó, gia đình cụ Hưng coi ông Thân như con cái trong nhà.

Tới Cà Mau, ông Thân xin làm con nuôi vợ chồng cụ Phan Thị Hưng, cùng đi biển với các con trai của cụ

Suốt thời gian ở cùng gia đình cụ Hưng, ông Thân không giấu giếm chuyện ông đã có gia đình ở Phan Thiết. Ông thường xuyên nhắc đến 4 đứa con và 9 người anh chị em còn lại của mình.

Mọi người giục ông về với vợ con nhưng ông nhất quyết không.

Một thời gian sau, ông muốn lấy vợ - là một người phụ nữ lỡ thì ở gần đó. 

Thoáng chút băn khoăn nhưng vợ chồng cụ Hưng vẫn đồng ý tác hợp. 

Bởi cụ chỉ nghĩ đơn giản là vợ chồng ông như vậy tức là đã bỏ nhau rồi.

Trong mắt bà Phạm Thị Lam và con gái, ông là một người chồng, người cha mẫu mực, hiền lành, chưa từng nói nặng với vợ con một tiếng.

Trước cơn bão Linda, ông Thân đã ốm nặng nên không ra biển như gia đình ở Phan Thiết vẫn nghĩ.

Ông Thân chụp cùng người vợ thứ hai và con gái Võ Lệ Thủy

Chị Võ Lệ Thủy – con gái ông với bà Lam tâm sự: “Hồi đó, nhà em nghèo lắm, cơm gạo không đủ ăn nên ba mẹ không sinh thêm nữa. Ba bệnh chỉ ra trạm xá khám, không có tiền đi viện lớn”.

Những ngày cuối đời, ông Thân nằm ở nhà cùng vợ. Bệnh của ông có khả năng lây nên chị Thủy được gửi cho nhà ngoại. Lúc cha yếu, chị được ông ngoại chở về thăm nhưng cũng chỉ được đứng ở ngoài nhòm vào.

Ký ức của chị về những ngày cha bệnh chỉ có vậy.

Đến khi cha mất, chị lại được nhà ngoại chở về một lần nữa. Chị còn nhớ khoảnh khắc mình ngồi trên xuồng khóc hu hu. Năm ấy, chị mới 4-5 tuổi. Ông Thân cũng mới bỏ gia đình ở Phan Thiết được 8 năm.

Mồ côi cha, chị và mẹ cũng sống một đời chật vật và thiếu thốn tình thương không kém gì các anh chị em của mình ở Phan Thiết. Suốt những năm tháng tuổi thơ, chị được gửi đến nhà dì ở TP Cà Mau để đi học. Tốt nghiệp phổ thông, chị lại về gần mẹ rồi đi lấy chồng.

Hiện tại, 2 vợ chồng chị nuôi mấy vuông tôm. Chị kiếm thêm bằng nghề nấu cỗ thuê. Nhưng việc ngày càng ít, 2 vợ chồng chật vật lo cho 3 đứa con thơ và 1 mẹ già.

Cha mất đã lâu nhưng chị luôn khao khát được tìm về với cội nguồn, với họ hàng bên nội. Chị còn nhớ, khi sống, cha đã hứa: “Khi nào khá hơn, ba cho 2 mẹ con về nội chơi”.

Không bao lâu sau lời hứa đó, ông mất, để lại 2 mẹ con chị không biết chút tăm tích nào về gia đình nhà nội.

Chị Thủy mong mỏi được gặp nhà nội để biết cội nguồn của mình

Gần đây, khi được một người em giới thiệu, chị mới mạnh dạn tìm đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) nhờ giúp đỡ.

Khi tìm về gia đình bà Ba và các con ở Phan Thiết, để không khiến cả nhà hụt hẫng, chương trình đã phải thông báo là ông Thân không còn nữa, nhưng không phải vì cơn bão Linda.

Tuy nhiên, các con của bà Ba còn có một người em cùng cha khác mẹ. Các anh chị em ông Thân còn có một người cháu ruột đang mong được gặp họ một lần.

Ông Võ Long, em trai ông Thân, tâm sự rằng: “Nếu còn cháu thì càng phải gặp. Cháu muốn gặp nhà nội thì mình phải nhận chứ…”.

Gặp nhau trên sân khấu của NCHCCCL, chị Thủy đã rơi nhiều nước mắt. Ông Long cũng xúc động khi lần đầu biết đến người cháu ruột – người thay cho ông Thân tìm về với gia đình.

Tuy nhiên, những người con trai của ông dường như còn đang bối rối. Trong lòng họ trước đó vẫn còn oán trách, sau đó lại biết tin cha qua đời vì bệnh nặng. Chắc hẳn lẫn lộn trong họ là cảm xúc vừa giận vừa thương.

Và rồi họ lại biết mình có một người em gái. Sự chất phác, thật thà của những người ngư dân khiến họ không thể ngay lập tức ôm chầm lấy chị Thủy. Họ vẫn còn đang bối rối trước nhiều dòng cảm xúc ập đến.

Nhưng như chị Thủy có nói “chuyện của người lớn, em nào có biết…”, chị không có lỗi trong câu chuyện này. Bốn người con của ông Thân cũng vậy. Họ chỉ có chung một nỗi đau mồ côi cha. Chắc họ sẽ cần thêm thời gian để có thể chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn.

Chị Thủy cùng các anh và các chú trên sân khấu NCHCCCL

Trước đó, báo Người Đưa Tin ngày 14/2/2024 cũng có bài đăng với thông tin: "2 anh em trai bị bỏ rơi được cưu mang, 48 năm sau bà mẹ từ Pháp trở về Việt Nam tìm gặp, nhờ cái tên lạ mà đoàn tụ". Nội dung được báo đưa như sau:

Hai anh em được đặt tên lần lượt là Trung Hải - Bắc Hải, bị cha dượng dắt đi đem cho cách đây 48 năm. Trải qua nhiều thăng trầm, vất vả, cả hai đoàn tụ với mẹ khi đã ngoài tuổi ngũ tuần.

Một ngày đầu tháng 3/2023, bà Phùng Thị Phong (SN 1954) từ Pháp trở về Long An, đăng tải thông tin tìm kiếm hai đứa con trai bị thất lạc tên Bắc Hải (SN 1970, anh trai) - Trung Hải (SN 1972, em trai). Hai anh em là kết quả của cuộc hôn nhân giữa bà Phong với người chồng cũ. Sau này bà đi thêm bước nữa, kết hôn với ông Phạm Kim Tiến. Ông Tiến có hai đứa con riêng.

Năm 1975, ông Tiến cùng người chú là Phạm Văn Hải đã dắt Bắc Hải, Trung Hải lên Sài Gòn đi cho. Vì điều kiện khó khăn giữa thời chiến, hơn nữa lại chịu sự áp chế từ người chồng nên bà Phong đành bất lực, cắn răng nhìn hai đứa con bị đưa đi với hy vọng chúng sẽ có một cuộc sống tốt hơn.

Bà Phong từ Pháp về Việt Nam tìm 2 con trai

Bà Phong kể, mấy đứa con sau này của bà đều đặt tên Hải, chỉ khác chữ đệm (Đông Hải, Nam Hải).

“Nếu nghe đến, con sẽ nhớ ra ngay cái tên đặc biệt của nó và của các anh em ruột. Ngày bị đem cho, Bắc Hải được 5 tuổi, có lẽ con sẽ nhớ ra cha Tiến, má Phong.

Ngày trước gia đình tôi ở trong nhà nội trú của mấy bà sơ, sau lưng nhà thờ Long Khánh (Xuân Lộc, Đồng Nai), Bắc Hải hay chạy ra cổng xin kẹo ở quán tạp hóa. Ông Tiến đi về thấy, con sợ quá bỏ chạy nhưng vẫn bị ông lôi ra đánh đòn", bà Phong đau lòng nhắc lại kỷ niệm.

Hoà bình lập lại, bà Phong chuyển sang Pháp sinh sống nhưng trái tim vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ các con. Năm 1990, bà quay lại Việt Nam gặp người chú Phạm Văn Hải hỏi dò tin tức. Ông Hải lúc này mới kể, năm 1975 có cùng ông Tiến dắt hai anh em lên cô nhi viện nhưng người ta không nhận. Ông Hải bèn đưa cho người cảnh sát trước cửa cô nhi viện rồi đi luôn, không rõ sự tình sau đó ra sao nữa.

Bà Phong thời trẻ

Những năm trước, bà Phong đã gửi hồ sơ đến chương trình tìm kiếm người thân thất lạc “Như chưa hề có cuộc chia ly” nhưng không có thêm bất kỳ tin tức gì. Bà dằn vặt và tự trách bản thân vì sao năm ấy không đủ mạnh mẽ hơn để bảo vệ các con.

“Tôi đã lớn tuổi rồi, không biết sống chết lúc nào. Chỉ hy vọng những ngày tháng còn lại ước mong được gặp con. Tôi hy vọng người nuôi biết tên khai sinh của nó, vì cái tên rất đặc biệt, tôi xin hậu tạ 1000 Euro (25 triệu) một đứa nếu có bất cứ thông tin nào”, bà Phong nói.

Hai anh em kể về tuổi thơ tủi hờn, tưởng cha mẹ đã mất nên lập bàn thờ

Đoạn clip của bà Phong được chia sẻ lên kênh Youtube có hơn 1 triệu lượt theo dõi. Chỉ sau 2 ngày, một người dân ở Long Khánh (Đồng Nai) đã báo tin về 2 đứa trẻ. Người này khẳng định các chi tiết trùng hợp tới 90%.

Hai đứa trẻ hiện đã được một gia đình cưu mang, chúng nay đã có cái tên mới là Tuấn (tức Bắc Hải) và Bình (tức Trung Hải). Người nhận nuôi là bà Hai (đã mất), chồng bà Hai năm nay 86 tuổi.

Chị Oanh (con gái bà Hai, đang ở Cái Bè, Tiền Giang) kết nối với bà Phong thông qua cuộc gọi video vào cuối tháng 3/2023. Chị Oanh đã kể lại toàn bộ câu chuyện năm xưa, ngày mà mẹ chị đón hai anh em từ cô nhi viện về.

“Má tui sinh được 3 người con gái, không có con trai. Năm 1975, bà lên thành phố xin hai đứa bé về. Bà sơ chỉ nói, nếu xin cả hai anh em thì cho, còn nếu tách các bé ra thì thôi, sau này nếu mẹ chúng tìm về, sợ hai em lại thất lạc lần nữa", chị Oanh nói.

Chị Oanh (bên trái) và bà Phong trong cuộc gọi video

Bà Hai đồng ý đón cả hai đứa trẻ về và đổi tên cho chúng. Thời gian đầu, Bắc Hải khóc rất nhiều, cự cãi lại bà và không chấp nhận gọi bằng cái tên mới. Lớn lên trong sự đùm bọc, dạy dỗ của gia đình bà Hai, hai anh em nay đã khôn lớn, trưởng thành. Hiện Bắc Hải đang ở Mỹ An (Đồng Tháp), đã xây dựng gia đình, có 2 đứa con gái, 3 cháu ngoại. Còn Trung Hải ở TP.HCM, cũng có tổ ấm riêng.

Trong cuộc gọi xác nhận với Bắc Hải, bà Phong hỏi, có phải con có vết sẹo ở đầu trong một lần đi xe té với bà ngoại ngày nhỏ đúng không? Bắc Hải rơm rớm nước mắt, gật đầu. Anh kể về những ngày tháng tuổi thơ thiếu thốn tình thương cha mẹ, tủi thân trăm bề.

“Hồi ấy cha chở tôi đi, tôi vẫn chưa biết là bị cho đâu. Cha gởi lại rồi đi mất tiêu, lúc ấy hai đứa mới biết bị bỏ rồi khóc dữ lắm. Mấy bữa sau người ta đưa chúng tôi vào cô nhi viện. Trong này lạnh, tối ngủ giường tầng, đứa trên đứa dưới, đứa trên đi vệ sinh ướt nhẹp rỏ giọt xuống vẫn phải cắn răng chịu”, Bắc Hải kể.

Anh Bắc Hải (tên mới là Tuấn) kể về kỷ niệm thuở nhỏ
Tưởng cha mẹ đã mất, hai anh em lập bàn thờ

Mấy năm ở cùng mẹ nuôi bị đánh đòn, Bắc Hải bỏ nhà vào tận TP.HCM đi tìm cha mẹ ruột. “Không tiền bạc trong người, tôi cứ đi miết. Mỗi lần đi rồi về, bị đòn rất nhiều”, người đàn ông nói. Sau này, Bắc Hải dần chấp nhận sự thật, nghĩ rằng cha mẹ có thể đã mất, anh lập bàn thờ mong được làm tròn đạo hiếu.

Ngày 2/4/2023, bà Phong bắt xe từ Long An về Đồng Nai đoàn tụ với 2 con trai. Nhìn đứa con nhỏ ngày nào nay tóc đã ngả màu phai sương, bà đau lòng ôm 2 anh em vào lòng.

“Má nhìn khuôn mặt, má đã biết con là con má rồi. Xin lỗi vì đã để các con chịu cực khổ bao năm qua”, bà Phong nói trong nước mắt.

Bà Phong đoàn tụ 2 con trong niềm vui vỡ oà