Đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan thì có người gọi Facetime vay tiền, thanh niên tá hỏa phát hiện điều không tưởng
Nhận được cuộc gọi Facetime để hỏi vay tiền, nam thanh niên đang đi xuất khẩu lao động bỗng ngơ ngác khi nhận ra người đang gọi điện thoại cho mình lại chính là đứa bạn đang đứng cười tươi rói ngay bên cạnh.
Ngày 27/11/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan thì có người gọi Facetime vay tiền, thanh niên tá hỏa phát hiện điều không tưởng". Nội dung cụ thể như sau:
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại tình huống dở khóc dở cười của một nam thanh niên đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Theo đó, khi đang đi làm việc ở nước ngoài thì nam thanh niên nhận được cuộc gọi Facetime để hỏi vay tiên. Tuy nhiên, ngay khi nhân vật chính xuất hiện trên màn hình điện thoại khi cuộc gọi được kết nối lại khiến nam thanh niên tá hỏa.
Bởi "người đang gọi Facetime" lại chính là đứa bạn đang đứng chém gió trực tiếp với mình ở trong cùng một chiếc thang máy.
Đây chắc hẳn là một phá lừa đảo lỗi bởi đối tượng đã gọi không đúng người đúng thời điểm nên bị bắt bài ngay lập tức.
Nam thanh niên cũng lên tiếng nhắc nhở mọi người nên chú ý khi gặp phải tình huống vay tiền qua các nền tảng mạng xã hội. Cũng như thiết lập bảo mật tài khoản cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm quyền kiểm soát rồi đi lừa những người thân thiết hoặc bạn bè quen biết của mình.
Đoạn clip trên sau khi được chia sẻ đã khiến nhiều người bật cười, đồng thời nhiều người cũng lên tiếng nhắc nhở mọi người nên chú ý, không nên lơ là chủ quan để kẻ lừa đảo lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt tài sản.
Thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng công nghệ deepfake, tạo ra một hình ảnh giống với bạn bè, người thân trong gia đình ... để lừa đảo vay mượn tiền. Vì nhẹ dạ cả tin, nhiều người đã sập bẫy…
Deepfake là một công nghệ trí tuệ nhân tạo cho phép tạo ra những video, hình ảnh và âm thanh giả mạo với độ chân thực khá cao. Vậy nên, bạn cần nắm bắt thông tin để nhận biết video Deepfake để tránh bị lừa đảo và nhận diện thông tin sai lệch. Vì vậy người dân cần chú ý cẩn thận. Một số cách nhận biết và phòng tránh lừa đảo thông qua video Deepfake:
Kiểm tra chuyển động trên khuôn mặt
Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết video giả danh nhất chính chính là chuyển động mắt không tự nhiên và thiếu chớp mắt. Deepfake vẫn đang còn nhiều hạn chế, công nghệ này không thể hoàn toàn mô phỏng được cách chớp mắt tự nhiên của con người hoặc tái tạo chính xác những chuyển động của mắt.
Ngoài ra, bạn còn có thể nhận biết video Deepfake giả mạo thông qua cảm xúc của khuôn mặt không trùng với nội dung, màu da, tóc và răng không giống với thực tế, hoặc xuất hiện những ánh sáng kỳ lạ do việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tái tạo.
Chất lượng âm thanh
Bạn có thể nhận biết video giả danh được tạo bởi Deepfake thông qua âm thanh, bởi công nghệ này thường tập trung vào tái tạo hình ảnh và video hơn. Cần chú ý đến chuyển động của miệng khi người trong video nói, để kiểm tra xem âm thanh có phù hợp so với hình ảnh hay không.
Trước đó, báo Tổ Quốc đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vạch mặt 4 chiêu lừa đảo qua mạng mới nhất khiến nhiều người sập bẫy". Nội dung cụ thể như sau:
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) lưu ý người dùng Việt về nhiều hình thức lừa đảo mới, phổ biến trên không gian mạng Việt Nam tuần qua. Trong đó, có nhiều hình thức lừa đảo đã khiến người dùng bị lừa hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.
Chiến dịch lừa đảo trực tuyến mới qua email
Theo Cục An toàn thông tin, một chiến dịch lừa đảo quy mô quốc tế với kỹ thuật tấn công thông qua email giả mạo đang diễn ra. Theo đó, cuộc tấn công bắt đầu từ email lừa đảo chủ đề "tiền lương" để lừa người nhận mở tài liệu Microsoft Word đính kèm.
Nạn nhân được dụ dỗ mở tệp Word kèm theo, từ đó, đối tượng tấn công và chiếm đoạt tài sản trên thiết bị.
Trước thông tin về chiến dịch lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cẩn trọng trước các tệp được gửi từ nguồn không tin cậy hoặc nội dung email đáng ngờ. Bên cạnh đó, người dân cần hết sức thận trọng với tệp tin và liên kết từ nguồn không đáng tin cậy, đồng thời kiểm tra cẩn thận địa chỉ người gửi và nội dung của email. Không click vào link hay mở file đính kèm nếu cảm thấy không an tâm, và sử dụng phần mềm antivirus để quét tệp đính kèm. Người dùng cũng nên đổi mật khẩu email thường xuyên và kích hoạt tính năng xác thực hai yếu tố cho tài khoản email của mình.
Chiếm đoạt tiền tỉ của phụ huynh đăng ký khóa tu mùa hè
Mới đây, các đối tượng lập trang "tu sinh mùa hè" đã lừa của một phụ huynh tại Hà Nội tới 2,8 tỉ đồng. Trước chiêu trò lừa đảo bằng các khóa tu mùa hè đang rộ lên trên mạng, Cục An toàn thông tin khuyên người dân cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về các khóa học trên mạng xã hội. Người dân không tham gia các hội, nhóm không có thông tin rõ ràng, minh bạch. Người dân cũng cần lưu ý không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, nhất là những việc liên quan đến giao dịch chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân.
Cảnh báo ứng dụng lừa đảo tiền điện tử trên App Store
Những ngày gần đây, mức giá đồng Bitcoin liên tục tăng mạnh và lập đỉnh mới. Việc giá Bitcoin liên tục tăng khiến thị trường tài sản kỹ thuật số trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà các chiêu trò lừa đảo liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số này cũng gia tăng. Nếu không cẩn thận, người dùng có thể trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo chuyên đánh cắp tiền điện tử (Crypto Drainer).
Mới đây, Leather đã đưa ra cảnh báo về một ứng dụng giả mạo ví tiền điện tử của họ trên App Store. Theo công ty, họ chưa cung cấp dịch vụ tương tự trên nền tảng iOS. Không chỉ hỗ trợ thanh toán không tiền mặt nhanh chóng, ví tiền điện tử còn là công cụ cho phép người dùng có thể lưu trữ các loại tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử và NFT. Một số người dùng đã báo cáo về việc bị đánh cắp tiền điện tử sau khi sử dụng ví điện tử giả mạo. Bleeping Computer cảnh báo, người dùng cần cảnh giác với ứng dụng giả mạo ví quản lý tiền điện tử của Leather trên kho ứng dụng App Store của Apple.
Theo Cục An toàn thông tin, trường hợp đã lỡ đăng nhập thông tin vào ứng dụng giả mạo, người dùng cần nhanh chóng chuyển tiền điện tử sang một ví điện tử khác an toàn. Người dân không nên truy cập vào các đường link nhận được qua tin nhắn, cảnh giác với các yêu cầu cài đặt phần mềm.
Lừa đảo cài phần mềm dịch vụ công giả mạo
Dù không phải là hình thức lừa đảo mới, song gần đây, nhiều người dân bị dính bẫy lừa cài phần mềm dịch vụ công giả mạo, tạo cơ hội để đối tượng chiếm điều khiển điện thoại và từ đó lấy cắp tài sản.
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, anh D (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội), nạn nhân của vụ án cho biết, vào đầu tháng 3/2024, anh nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ Công an quận Long Biên (Hà Nội) hỗ trợ xử lý căn cước công dân bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục. Do đang ở xa nên anh D hẹn ngày hôm sau sẽ lên phường giải quyết. Lúc này, đối tượng nói rằng cần hoàn thiện gấp hồ sơ nên yêu cầu anh tải phần mềm theo đường dẫn của đối tượng cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa. Vì thấy phần mềm có giao diện gần giống với giao diện Dịch vụ công trực tuyến, nên anh D hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau khi thực hiện các thao tác, các tài khoản ngân hàng của anh bị đối tượng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.
Để phòng tránh chiêu lừa trên, người dân được khuyến nghị cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn lạ, nhất là cuộc gọi, tin nhắn xưng là cán bộ cơ quan nhà nước; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu qua điện thoại.