Bi kịch vì chia thừa kế sớm

Sau lần đột quỵ hai năm trước, ông Hữu Tới quyết định phân chia tài sản, tránh con cái rơi vào cảnh "huynh đệ tương tàn" khi bố nhắm mắt xuôi tay.

Báo VnExpress ngày 10/12 đưa thông tin với tiêu đề: "Bi kịch vì chia thừa kế sớm" cùng nội dung như sau: 

Mảnh đất 500 m2 được người đàn ông Nam Định chia đôi cho hai cậu con trai. Không muốn con nào phải chịu gánh nặng chăm sóc mình khi tuổi già, ông Tới chọn sống luân phiên ở nhà hai con.

Nhưng đó là khởi đầu của chuỗi những ngày bi kịch của người cha 75 tuổi.

Trước kia ông ăn riêng nhưng khi về ở chung với các con, ông được yêu cầu góp tiền ăn, tiền điện. "Nhà chúng có 5 người nhưng mình tôi phải đóng một nửa", ông Tới nói.

Tiền bạc thì ông có thể cố được nhưng cảnh mỗi khi có chuyện buồn bực, con trai và con dâu "chửi chó, mắng mèo" khiến ông sống trong thấp thỏm, luôn có cảm giác chúng mắng mỏ mình.

Dịp hè, gia đình con cả đi du lịch một tuần, ông Tới phải sang nhà con thứ. Cậu em đòi anh phải trả thêm tiền chăm sóc bố vì "chưa tới lượt". Người anh không chịu, mắng em là "bất hiếu". Vụ xô xát khiến ông bố cả tháng không dám bước chân ra đường vì sợ dân làng chê cười.

"Tôi đã sai khi chia tài sản cho chúng sớm quá. Giờ không còn gì trong tay, con cái coi là gánh nặng mà cũng chưa đến ngày tàn hơi ra đi theo ông bà", ông Tới nói.

Từng tham gia nhiều vụ liên quan đến tài sản thừa kế, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho rằng, việc chia tài sản sớm có thể là giải pháp đúng đắn với gia đình này nhưng cũng có thể là ngòi nổ rắc rối với gia đình khác.

Thực tế đã chứng minh, tài sản thừa kế được chia sớm khi các con bắt đầu xây dựng sự nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp phát triển tốt hơn, sớm ổn định kinh tế gia đình trẻ. Ngược lại, một số cha mẹ khi không còn tài sản trong tay bị con coi là kẻ ăn bám tại chính ngôi nhà họ gây dựng cả đời.

"Thậm chí có người còn bị đuổi ra ngoài đường, con cái có lời nói không đúng mực khi tài sản đã chia hết. Chỉ khi pháp luật can thiệp mới đòi lại được tài sản do lỗi con cái gây ra", ông Bình nói.

Bổ sung ý kiến của luật sư, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhiều gia đình coi chia thừa kế sớm là giải pháp hạn chế tránh tranh chấp và nếu có khúc mắc cũng dễ giải quyết hơn để lại di chúc.

Ông Cương cho rằng giải pháp chia thừa kế sớm chỉ phù hợp với những gia đình có con cái có đạo hiếu và biết cách phát triển tài sản. Tâm lý "của trời cho" khi nhận thừa kế dễ khiến nhiều người sinh tâm lý lãng phí, không trân trọng những gì bản thân nhận được.

Ba năm trước, vợ chồng bà Ngọc Lan ở Thanh Hóa quyết định sang tên sổ đỏ cho con trai duy nhất khi người này làm ăn thua lỗ, cần vốn khởi nghiệp lại. Họ hàng, bạn bè ngăn cản nhưng người phụ nữ 64 tuổi khẳng định phải tin tưởng con cái, tặng tài sản cũng nên chọn đúng thời điểm.

"Lúc mình lú lẫn hoặc nằm liệt giường thì ai chăm sóc ngoài con trai", bà nói với chồng. "Lúc nó cần nhất, mình không giúp thì lúc đau yếu nó làm sao chăm hết lòng được".

Có tiền thế chấp đất đai, thay vì chú tâm công việc, con trai bà Lan lại lao vào cờ bạc mong gỡ gạc tiền làm ăn thua lỗ trước đó. Sau một năm, người này thông báo với bố mẹ "đã phá sản, nhà cửa mất sạch không còn gì", sau đó trốn biệt tích. Bị xiết nhà, hai vợ chồng già rơi vào cảnh trắng tay, không chốn dung thân, phải sống nhờ nhà họ hàng, làng xóm.

Từ trường hợp của gia đình bà Lan, luật sư Diệp Năng Bình khuyên, khi bố mẹ có ý định chuyển giao một phần hay toàn bộ tài sản cũng nên có sự ràng buộc nhất định với quyền và nghĩa vụ của con cái. Ít nhất phải nhờ cá nhân, cơ quan chức năng làm chứng, giám sát thậm chí là xử lý nếu có vi phạm về việc quản lý, sử dụng tài sản thừa kế nhằm tránh những biến cố có thể xảy ra như con cái lật lọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích của cha mẹ.

"Như vậy, thay vì nghĩ đến việc chia tài sản thừa kế, cha mẹ nên nghĩ đến phương án lập di chúc", luật sư nói. Trong Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm cha mẹ qua đời). Lúc này, người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản theo nội dung được nêu trong di chúc. Nếu không có, sau khi cha mẹ mất, tài sản thừa kế sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật.

Khi làm di chúc, luật sư Bình lưu ý, cha mẹ không cần phải công khai cho con cái biết để tránh những tranh chấp không đáng có. Hơn nữa, pháp luật cũng cho phép cha mẹ có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế di chúc trước thời điểm mở thừa kế.

Bổ sung thêm, chuyên gia kinh tế Đỗ Minh Cương cho rằng, dù thương con đến đâu khi bước vào tuổi xế chiều, cha mẹ vẫn nên giữ tài sản nhất định để chủ động cuộc sống cá nhân, phòng biến cố có thể xảy ra. Chỉ nên cho con cái tiền, tài sản trong trường hợp cha mẹ đã trích lập được quỹ dự phòng đủ an toàn.

"Không để con cái phải lo về mặt tài chính cho cha mẹ khi về già cũng là một loại trách nhiệm", ông Cương nói.

Trước đó, báo Đời sống Pháp luật ngày 21/08 cũng có bài đăng với thông tin: "Cha già lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho con trai, bị con gái "tay trắng" kiện ra toà đòi thừa kế: "Con mới là người đứng tên trên sổ đỏ"". Nội dung được báo đưa như sau:

Theo Toutiao, năm 2022, ông Trần Thụ Sâm, 65 tuổi, ở Hồ Nam, Trung Quốc, bất ngờ đến đài truyền hình địa phương để nhờ tìm con gái ruột là Trần Lê. Theo chia sẻ, người con này đã cắt đứt liên lạc với gia đình từ 4 năm trước sau khi biết tin ông viết di chúc để lại ngôi nhà 200m2 đang ở cho em trai. 

Lúc này, sức khỏe của ông Trần đã suy yếu do bị ung thư. Biết thời gian của mình không còn nhiều nên ông cụ này muốn gọi con gái về để bàn bạc và sắp xếp ổn thoả chuyên phân chia gia sản trước khi qua đời. Tuy nhiên vì Trần Lê không chịu nghe điện thoại của cha mẹ nên ông Trần chỉ còn cách "cầu cứu" đài truyền hình.

Bi kịch gia đình từ chia thừa kế

Chia sẻ về lý do không để lại gia sản cho con gái, ông Trần cho biết Trần Lê có cuộc sống khá sung túc. Vợ chồng cô không chỉ điều hành một đại lý ô tô cũ mà sống trong một biệt thự lớn. Cũng vì thế nên ông cụ này cho rằng con gái không thiếu tiền và quyết định để cậu con trai khuyết tật Trần Minh thừa kế ngôi nhà đang ở.

Lần theo những thông tin mà ông Trần cung cấp, phóng viên đã dẫn ông Trần tìm đến nơi chị Trần Lê sinh sống. Vừa thấy con gái, ông Trần đã lấy di chúc ra và yêu cầu cô ký vào giấy nhường lại căn nhà 200m2 ở quê cho em trai. 

Sau nhiều năm gặp lại, khi nhìn thấy toàn bộ tài sản viết trong di chúc vẫn được để lại cho em trai mình, Trần Lê không giấu được sự tức giận mà hét lớn: "Sao cha lại làm thế. Căn nhà đó là của con. Con mới là người đứng tên trên sổ đỏ."

Trước sự chứng kiến của phóng viên, người phụ nữ này bắt đầu kể lại đầu đuôi sự việc. 

Từ nhỏ, cô đã không được cha quan tâm chăm sóc vì ông đã dành trọn tình thương cho cậu em trai kém may mắn. Năm 17 tuổi, Trần Lê phải một mình ra ngoài làm việc kiếm tiền để phụ cha mẹ trang trải cuộc sống. Đến tuổi trưởng thành, cô lập gia đình và không còn sống cùng họ. Tuy nhiên cũng từ đó, cha cô hiếm khi quan tâm và hỏi han đến con gái. Chỉ đến khi cha cô thiếu tiền mua nhà vào 4 năm trước, ông mới tìm đến con gái để hỏi vay 20.000 NDT (hơn 69 triệu đồng).

Lúc đó, ông Trần nói rằng sẽ để Trần Lê đứng tên trên sổ đỏ nên về pháp lý, ngôi nhà trên thuộc sở hữu của cô. Tuy nhiên, vì không có nhu cầu ở nên Trần Lê đã để cha mẹ mình tuỳ ý sử dụng căn nhà. Không ngờ vì lý do này mà cha cô đã tự ý đổi tên chủ sở hữu căn nhà này thành tên của em trai. 

Sau khi biết được chuyện này, Trần Lê rất tức giận. Nhận thấy cha mẹ lúc nào cũng thiên vị em trai, cô đã quyết định cắt đứt liên lạc với họ. Chia sẻ với phóng viên, người phụ nữ này cho biết bản thân cô không ham tiền mà chỉ muốn cha đối xử công bằng hơn với mình.

Nghe con gái nói vậy, ông Trần vội lấy ra một tờ giấy và đưa cho phóng viên. Trong đó ghi rõ thỏa thuận về khoản vay năm xưa của 2 cha con họ. Thoả thuận nói rằng nếu ông Trần trả lại tiền cho con gái mình trước năm 60 tuổi, ngôi nhà mới mua sẽ thuộc về con trai Trần Minh. Nếu không, nó vẫn sẽ là của con gái Trần Lê.

Theo ông Trần, hiện tại, vợ chồng ông đã trả hết 20.000 NDT cho con gái. Không những thế, cả hai còn chi thêm tiền để sửa sang căn nhà đó trong suốt nhiều năm qua. Điều đó cũng có nghĩa là ngôi nhà này giờ đã thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông nên việc truyền lại tài sản này cho con trai là hợp lý. Tuy nhiên, Trần Lê lại cho biết cha cô thực sự đã trả tiền nhưng chậm hơn so với thời gian ghi trong thỏa thuận. Người phụ nữ này cũng khẳng định giấy chuyển nhượng nhà của cha cô là không có giá trị pháp lý khi chưa có sự đồng ý của cô.

Khi mâu thuẫn giữa 2 cha con họ Trần lên đến đỉnh điểm, phóng viên và những người có mặt lúc đó đã cố gắng hoà giải. Tuy nhiên, ngay cả khi con gái Trần Lê đã xuống nước, đồng ý chỉ lấy 1 nửa giá trị của căn nhà thì cha cô là ông Trần vẫn không chấp nhận. Cuối cùng, cả hai chỉ có thể nhờ tòa án phân xử.

Tòa án vào cuộc phân xử

Sau khi xem xét kỹ tình tiết của vụ việc, tòa án địa phương cho rằng hợp đồng mua bán nhà của cô Trần Lê là hợp pháp và có hiệu lực. Do đó, chủ sở hữu của căn nhà tranh chấp chính xác là của cô Trần Lê.

Căn cứ theo Điều 220 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, việc chuyển nhượng, thay đổi quyền sở hữu bất động sản phải được sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản đó. Trong trường hợp này, việc cha cô là ông Trần làm giấy chuyển nhượng quyền sở hữu cho con trai Trần Minh nhưng không có sự đồng ý của chủ sở hữu là con gái nên giấy tờ chuyển nhượng không được xem là hợp lệ. Do đó, tài sản là ngôi nhà 200m2 nói trên vẫn chưa được đổi chủ và thuộc về Trần Lê.

Dưới phán quyết của tòa án, tranh chấp trong gia đình họ Trần cuối cùng cũng được giải quyết, thế nhưng, mối quan hệ của họ không thể quay về như trước bởi những mâu thuẫn giữa họ vẫn còn đó. Bề ngoài, mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về tranh chấp tài sản. Thế nhưng sâu xa hơn, đó là hệ quả của việc cha mẹ thương con không đồng đều, để rồi tình cảm gia đình theo đó cũng ra đi.