Ấn Độ phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus HMPV

Giới chức Ấn Độ thông báo phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm virus HMPV kể từ khi Trung Quốc đối mặt với làn sóng gia tăng trường hợp có triệu chứng tương tự Covid-19 gần đây.

Báo Dân Trí đưa tin "Ấn Độ phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus HMPV" với nội dung:

Người Ấn Độ đeo khẩu trang hồi năm 2021 (Ảnh: Reuters).

Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) đã xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus Human Metapneumovirus (HMPV) tại bang Karnataka thông qua chương trình giám sát định kỳ.

Cả 2 trường hợp, được phát hiện tại Bệnh viện Baptist Bengaluru, nằm trong khuôn khổ hoạt động giám sát các bệnh đường hô hấp trên toàn quốc của ICMR.

Theo Times of India, đây là những trường hợp đầu tiên bị xác nhận nhiễm virus HMPV kể từ khi Trung Quốc ghi nhận số ca bệnh gia tăng trong thời gian qua. 

Ca đầu tiên liên quan đến một bé gái 3 tháng tuổi được chẩn đoán nhiễm HMPV sau khi nhập viện vì viêm phổi phế quản. Bệnh nhân đã được xuất viện. Trường hợp thứ hai là một bé trai 8 tháng tuổi, được xác nhận dương tính vào ngày 3/1, cũng có tiền sử viêm phổi phế quản. Bệnh nhân đang hồi phục. Cả hai bệnh nhân không có lịch sử du lịch ra nước ngoài. 

ICMR và Chương trình Giám sát Bệnh Tật Tích Hợp (IDSP) cho rằng HMPV đã lưu hành trên toàn cầu, bao gồm cả Ấn Độ, và không có dấu hiệu tăng đột biến bất thường các trường hợp bệnh giống cúm hoặc bệnh hô hấp cấp tính nặng.

Ông Suralkar Vikas Kishore, Ủy viên y tế của cơ quan hành chính BBMP, cho biết: "Bệnh viện ban đầu đã báo cáo các trường hợp này, và các xét nghiệm sau đó đã xác nhận nhiễm virus. Việc giám sát thêm sẽ giúp đánh giá tải lượng virus và mức độ lây lan".

Báo cáo y khoa xác nhận chẩn đoán thông qua xét nghiệm PCR, phương pháp phát hiện RNA/DNA của vi sinh vật với nồng độ đáng kể.

Một quan chức cấp cao từ Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ cho biết: "Các cuộc điều tra chi tiết đang được tiến hành để đánh giá tác động của virus. Nếu cần thiết, các biện pháp kiểm tra và kiểm soát sẽ được thực hiện".

Bộ Y tế Ấn Độ, phối hợp với ICMR, tiếp tục theo dõi các xu hướng HMPV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang cung cấp các bản cập nhật về tình hình toàn cầu, bao gồm cả đợt bùng phát tại Trung Quốc.

HMPV là một loại virus đường hô hấp gây ra các triệu chứng tương tự cảm lạnh, cúm, Covid-19. Mặc dù bệnh thường nhẹ, nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Đây không phải loại virus mới nhưng đã thu hút sự chú ý do số ca nhiễm gia tăng, đặc biệt ở trẻ em dưới 14 tuổi ở miền bắc Trung Quốc.

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001, HMPV là một loại virus RNA sợi đơn lây lan qua các giọt hô hấp hoặc tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm. Các ca nhiễm trước đây đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia, bao gồm Anh.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm ho, sốt, nghẹt mũi và mệt mỏi, với thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày. Khác với Covid-19, hiện chưa có vắc xin hay phương pháp điều trị kháng virus cụ thể cho HMPV, điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng.

Trung Quốc cho biết bệnh hô hấp do nhiễm HMPV ở nước này chỉ là sự gia tăng bình thường theo mùa của các bệnh đường hô hấp và không gây báo động. Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp đề phòng khẩn cấp, trong đó có giám sát chặt chẽ các ca bệnh, áp dụng đeo khẩu trang...

 

Báo Lao động cũng đưa tin "Dịch bệnh HMPV ở Trung Quốc: Không quá lo lắng, nhưng cũng không chủ quan" với nội dung:

TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: Hà Quyên

TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngày 2.1.2025, một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về một đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người và nhận định dịch bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự như cúm, COVID-19, đồng thời lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.

Ngay sau khi ghi nhận các thông tin nêu trên, Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc).

Đến thời điểm hiện tại, WHO chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, đồng thời chưa được xác minh độ tin cậy và tính chính thống của thông tin trên các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội nêu trên.

Cũng theo TS Hoàng Minh Đức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông tin bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở nước này là bệnh thường quy, không phải sự kiện y tế bất thường, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm tại quốc gia này.

Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Y tế dự phòng đã chủ động việc theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc.

Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với WHO, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng đồng thời không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: VGP

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, đến nay, WHO chưa đưa ra thông tin cảnh báo về dịch bệnh này. Theo thông tin từ Trung Quốc, bệnh hô hấp này được gây ra bởi virus cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) thông thường.

Lý giải về số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc, ông Phu cho rằng, trong thời gian đại dịch COVID-19, các biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm số người mắc bệnh do virus HMPV, từ đó dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm. Trong khi đó, virus HMPV vẫn là nguyên nhân gây bệnh xảy ra hằng năm, đặc biệt trong giai đoạn đông - xuân. Khi vào mùa virus phát triển, cùng với việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch và sự suy giảm miễn dịch cộng đồng, số ca mắc gần đây đã gia tăng.

“Đây là những loại virus thông thường, không phải loại nguy hiểm, vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cần chú ý phòng bệnh như các bệnh đường hô hấp khác. Khi có các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… cần hạn chế đến nơi đông người hoặc nơi công cộng để tránh lây nhiễm cho người khác. Đồng thời, nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, cần đeo khẩu trang. Nói chung, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tương tự như COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác” - ông Phu nhấn mạnh.

Ông cũng khuyến cáo: “Chúng ta cần tiếp tục theo dõi các tin tức từ WHO để có những cảnh báo và đáp ứng phù hợp. Người dân không nên quá lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan trong việc phòng, chống dịch”.