Chậm nộp tiền phạt vi phạm giao thông sẽ bị tính lãi 0,05%/ngày

Mỗi ngày chậm nộp phạt vi phạm giao thông, cá nhân, tổ chức phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Báo VTC News đưa tin "Chậm nộp tiền phạt vi phạm giao thông sẽ bị tính lãi 0,05%/ngày" với nội dung:

Độc giả đặt câu hỏi trường hợp chậm nộp phạt vi phạm giao thông có bị phạt hay tính lãi không? Nếu có thì mức phạt hay tính lãi thế nào?

Trả lời thắc mắc trên tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168" do Tuổi trẻ Online tổ chức, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cá nhân vi phạm phải nộp phạt một lần. Với cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh được nộp phạt nhiều lần nhưng tối đa không quá 3 lần.

Đối với việc không chấp hành quyết định xử phạt, trong quy định Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chủ phương tiện không được làm thủ tục đăng ký xe, người vi phạm sẽ không được đổi/cấp lại giấy phép lái xe.

Hiện nay, lực lượng CSGT thực hiện số hóa và có dữ liệu giấy phép lái xe, nếu người đó đã/chưa đưa lên hệ thống thì lực lượng CSGT vẫn sẽ quản lý, biết được giấy phép lái xe đang bị tước/tạm giữ hay không, đó là căn cứ để xử lý.

Trong thời hạn quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Từ 1/1/2025, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mạnh mức xử phạt.

Từ 1/1/2025, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mạnh mức xử phạt.

Nêu lý do Nghị định 168 tăng mức xử phạt mạnh với nhiều lỗi vi phạm giao thông, đại diện Cục CSGT cho biết, thời gian qua nhiều người ngang nhiên vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tại các nút giao xuất hiện hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai phần đường, làn đường, thậm chí đi ngược chiều trên cao tốc - nơi các xe chạy tốc độ cao, nguy hiểm, vi phạm nồng độ cồn...

"Chúng tôi đánh giá tai nạn giao thông xuất phát từ các hành vi này có tính nguy hiểm cao. Chính vì vậy, vấn đề cần phải thiết lập lại kỷ cương trật tự an toàn giao thông. Để xây dựng văn hóa giao thông thì phải giảm thiểu vi phạm, từ đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa giao thông", đại diện Cục CSGT nói.

Đại diện Cục CSGT khẳng định việc tăng mức tiền phạt chỉ là một phần, trong nghị định còn có những quy định mới, bao gồm phạt tiền, tước giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện, trừ điểm giấy phép lái xe.

Mục tiêu của các quy định này nhằm giảm thiểu vi phạm để mọi người đi đến nơi về đến chốn. Mục đích của việc ban hành nghị định không phải là để phạt mà nhằm thiết lập lại kỷ cương, trật tự an toàn giao thông.

 

Báo Lao động cũng đưa tin "Thêm lãi 0,05% mỗi ngày nếu chậm nộp phạt vi phạm giao thông" với nội dung:

Chậm nộp phạt vi phạm hành chính về giao thông sẽ bị tính lãi. Ảnh: Tô Thế

Thông tin chậm nộp phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông bị tính thêm lãi đang được dư luận quan tâm. Thực tế, quy định này đã được ban hành từ lâu.

Theo đó, tại Thông tư số 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 5.5.2023) đã nêu rõ mức lãi chậm nộp vi phạm hành chính (trong đó có vi phạm hành chính về giao thông).

Về mức lãi chậm nộp phạt, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định, quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Thêm lãi 0,05% mỗi ngày nếu chậm nộp phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Tô Thế

Thông tư 18/2023/TT-BTC cũng nêu rõ, không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp sau: Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

Cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt

Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.

Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) đối với trường hợp quyết định xử phạt ghi thời hạn là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt...

Đối với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt số tiền chậm nộp tính đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền...