Vi rút gây bệnh nguy hiểm ở Trung Quốc đã lưu hành tại TPHCM

Ngày 7/1, Sở Y tế TPHCM thông tin về bệnh do vi rút Human metapneumovirus (HMPV) đang bùng phát tại Trung Quốc và thực tế bệnh tại thành phố. Theo Sở Y tế, đây không phải vi rút mới, tác nhân gây bệnh này đang lưu hành tại TPHCM.

Bài đăng trên báo Tiền phong ngày 7/1 cho biết, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TPHCM kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân vi rút thường gặp, trong đó tác nhân HMPV cũng được phát hiện

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TPHCM năm 2024 ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 - 18.000 ca mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm và tăng trong 3 tháng cuối năm. Các bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, tuy nhiên hiện tại chưa ghi nhận những biến động bất thường về số ca mắc cũng như tình trạng bệnh nặng tại các bệnh viện.

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi luôn là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Về tác nhân gây bệnh, kết quả báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân viêm phổi cộng đồng hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, Viện Pasteur Nha Trang, và Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (thuộc dự án PREPARE) cho thấy tác nhân gây bệnh vẫn là các vi rút và vi khuẩn phổ biến.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho thấy HMPV chiếm tỷ lệ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác gồm rhino vi rút (44,6%), vi rút hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).

Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TPHCM kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân vi rút thường gặp, trong đó tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%. Sở Y tế TPHCM khẳng định HMPV không phải là vi rút mới, đây là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em đang lưu hành tại TPHCM.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh đang bùng phát tại Trung Quốc, Sở Y tế khuyến cáo cộng đồng không chủ quan trước những diễn biến có thể xảy ra. Hiện nay, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và các đơn vị y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, sẵn sàng triển khai hoạt động kiểm dịch y tế tại sân bay và cảng biển nhằm phát hiện sớm và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Sau dịch COVID-19 thông tin về bệnh do vi rút HMPV đang lây lan tại Trung Quốc khiến cộng đồng lo ngại.

Bên cạnh đó, ngành y tế TPHCM đang tiếp tục các hoạt động giám sát dịch tễ nội địa, bao gồm giám sát số ca viêm hô hấp, số ca viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây viêm hô hấp và giám sát các sự kiện như phát hiện chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy, cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sở Y tế TPHCM cho biết, HMPV được phát hiện lần đầu vào năm 2001, là một trong các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm. Bệnh lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bề mặt nhiễm vi rút, với nguy cơ gia tăng cao trong mùa đông và đầu mùa xuân.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, sốt. Trường hợp nghiêm trọng, có thể gây viêm phổi nặng. Hiện nay, HMPV chưa có vắc xin phòng ngừa hoặc thuốc điều trị đặc hiệu.

Sau khi thông tin được đăng tải rộng rãi, báo Dân trí cũng có bài viết: "Virus gây viêm phổi HMPV gia tăng ở Trung Quốc có giống Covid-19?", cập nhật về triệu chứng do virus này gây ra.

Cụ thể, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vừa qua một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về đợt dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc, với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV).

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Trung Quốc, trong tuần 52 của năm 2024, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như virus cúm, HMPV và RSV đang có xu hướng gia tăng do điều kiện thời tiết mùa đông.

Tuy nhiên, số ca bệnh lây qua đường hô hấp có triệu chứng giống cúm hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, HMPV được nhận định lây lan nhanh, với triệu chứng tương tự như cúm và Covid-19, khiến một số ý kiến bày tỏ sự lo lắng về khả năng thế giới có thể xuất hiện đại dịch mới. Gần đây nhất, Ấn Độ cũng công bố phát hiện 3 ca nhiễm HMPV, đều là các trẻ nhỏ.

HMPV gây viêm phổi trên người (Ảnh minh họa: cbsnews).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, HMPV và SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) đều là virus RNA chuỗi đơn. Nhưng HMPV là chuỗi đơn âm còn SARS-CoV-2 là chuỗi đơn dương, nên thuộc 2 ngành sinh vật khác nhau.

Virus chuỗi dương do có khả năng sử dụng RNA của bản thân để tổng hợp cấu trúc virus ngay sau khi xâm nhập vào tế bào, nên có khả năng nhân bản nhanh chóng. Còn các virus chuỗi âm cần phải được chuyển mã thành chuỗi dương thì mới tổng hợp được protein.

Về đặc điểm dịch tễ học, tỷ suất tái tạo căn bản của HMPV là 2, trong khi đó ở SARS-CoV-2 có thể lên đến 5 hay cao hơn đối với biến chủng Delta.

Vì vậy HMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn, thường gặp vào cuối mùa đông, còn SARS-CoV-2 có thể xảy ra vào bất cứ mùa nào với mức độ lây lan nhanh tạo thành đại dịch.

HMPV thường gây nên sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở ran rít. Trong khi đó, bệnh Covid-19 gây triệu chứng nặng hơn, như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, các triệu chứng hô hấp như ho có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp gây tử vong.

Từ các lý do kể trên, ông Dũng khẳng định, HMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể Covid 19. HMPV chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền.

HMPV thường gây nên sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như ho, thở ran rít (Ảnh minh họa: Trung tâm tiêm chủng).

Cũng theo chuyên gia y tế công cộng, virus HMPV không phải là virus mới, đã được phát hiện lưu hành ở nhiều khu vực, ngoài Trung Quốc còn có ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, Ấn Độ, Pakistan.

Dù vậy, như đã nói, HMPV không có nhiều khả năng gây bệnh nặng, đồng thời việc phòng ngừa virus này cũng tương tự như với các bệnh lý hô hấp khác như cảm lạnh, cúm.

Đó là rửa tay thường xuyên, đặc biệt là rửa tay với xà phòng hay chất sát khuẩn, hạn chế sờ tay lên mặt, giữ cho không khí ở các phòng ốc và nhà cửa thông thoáng, tránh chỗ đông người, đeo khẩu trang và không nên đứng quá gần với người khác.

Nếu có triệu chứng hô hấp, người bệnh (nhất là người lớn tuổi, người có bệnh nền hay trẻ em) nên ở nhà và đi khám chữa bệnh nếu có nguy cơ bị bệnh nặng

Do đó, người dân không cần quá lo lắng nếu bệnh xuất hiện hay lưu hành ở Việt Nam.