Vietcombank cảnh báo khách hàng sử dụng hệ điều hành Android
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện thoại hệ điều hành Android thận trọng khi cài đặt các ứng dụng nhằm tránh bị lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và tiền trong tài khoản.
Báo Thanh Niên cho biết, khách hàng sử dụng hệ điều hành android hãy lưu ý chỉ tải ứng dụng từ kho ứng dụng chính thức của Google (Google Play/CH Play) và kiểm tra thông tin khi tải các ứng dụng chính thức của Chính phủ
Theo Vietcombank, thời gian vừa qua, thủ đoạn lừa đảo khách hàng cài đặt app giả mạo ứng dụng của các cơ quan công quyền (ví dụ như app giả mạo Dịch vụ công, Cơ quan thuế, VNeID...), từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng có diễn biến phức tạp.
Nhằm tăng cường bảo vệ người dân, Cục An toàn thông tin đã phối hợp cùng Google ra mắt tính năng "Ứng dụng chính thức của Chính phủ", giúp người dân dễ dàng phân biệt và xác minh các ứng dụng chính thống. Cụ thể, khi truy cập chợ ứng dụng Google (Google Play/CH Play), các ứng dụng chính thức của Chính phủ sẽ hiển thị biểu tượng "Chính phủ" trên phần thông tin ứng dụng, giúp người dùng yên tâm về tính xác thực và độ tin cậy của ứng dụng.
Hiện tại, rất nhiều ứng dụng tại Việt Nam đã được cấp nhận diện ứng dụng chính thức của Chính phủ như VNeID, VssID, i-SPEED byVNNIC, hóa đơn điện tử Tổng cục Thuế, dịch vụ công Bộ Y tế... (danh sách được công bố tại Hệ thống Tín nhiệm mạng).
Khách hàng sử dụng hệ điều hành android hãy lưu ý chỉ tải ứng dụng từ kho ứng dụng chính thức của Google (Google Play/CH Play) và kiểm tra thông tin khi tải các ứng dụng chính thức của Chính phủ theo dấu hiệu nhận biết nêu trên. Ngoài ra, khách đừng quên thực hiện theo các thông tin hướng dẫn giao dịch an toàn tại mục giao dịch an toàn trên website của Vietcombank.
Trước đó, báo An ninh Tiền tệ có đăng tải bài viết: "Ngân hàng cảnh báo: Xuất hiện hình thức lừa đảo mới khiến thẻ tín dụng bị lộ thông tin, nhiều rủi ro xảy ra", thông tin tới người đọc những điều cần chú ý.
Đó là một trong những nguy cơ có thể xảy ra với chủ thẻ tín dụng mà ngân hàng Eximbank mới đây thông báo đến các khách hàng.
Nhằm giúp khách hàng nâng cao cảnh giác khi giao dịch với ngân hàng, đặc biệt là các giao dịch liên quan tới thẻ tín dụng và bảo vệ thông tin, tài sản cá nhân, nhà băng này đã cập nhật các hình thức lừa đảo/giả mạo mới diễn ra trong thời gian gần đây và khuyến cáo các biện pháp giao dịch an toàn.
Theo Eximbank, hiện nay, các hình thức lừa đảo mới xuất hiện như: giả nhân viên ngân hàng gọi điện/nhắn tin mời chào khách hàng mở thẻ tín dụng để sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ hoặc rút tiền mặt dưới dạng trả góp với mức phí thấp.
Hoặc kẻ gian giả mạo cơ quan chức năng (Công an, Viện Kiểm Soát, Tòa án) thông báo khách hàng đang nợ thẻ tín dụng ngân hàng và yêu cầu chuyển tiền gấp nếu chậm trễ sẽ bị khởi tố điều tra.
Một hình thức khác, đó là kẻ gian giả mạo App VNeID, Bộ Công An, Tổng Cục Thuế…có chứa mã độc, nếu khách hàng cài vào điện thoại sẽ bị kiểm soát thiết bị và mất thông tin cá nhân.
Kẻ gian còn giả mạo mã QR bằng cán đè mã giả mạo lên mã thật hoặc gửi mã QR để dẫn Khách hàng đến link web lạ để lừa đảo.
Ngoài ra, kẻ gian còn có thể giả mạo khuôn mặt, giọng nói bằng phần mềm Deepfake AI giống hệt người quen khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin thẻ để chuyển tiền thanh toán gấp.
Theo Eximbank, khi khách hàng đồng ý sử dụng dịch vụ hoặc bấm vào link, khách hàng phải cung cấp cho đối tượng thông tin thẻ, mã OTP, mã CVV để thực hiện giao dịch. Có trường hợp, khách hàng được yêu cầu đưa thẻ vật lý để đối tượng chủ động thực hiện giao dịch.
Với hình thức lừa đảo mới, khách hàng có thể bị lộ thông tin thẻ. Điều này khiến kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các giao dịch không cần mã xác thực OTP (Google, Facebook…), tệ hơn là để rửa tiền hoặc làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo trên mạng.
Khách hàng có nguy cơ bị phát sinh nợ xấu do tài khoản được dùng để vay tiền ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Từ đó, khách hàng sẽ phải chịu trách nhiệm với các khoản vay trên hợp đồng. Chủ thẻ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi tài khoản bị sử dụng vào các mục đích phi pháp.
Eximbank khuyến cáo, khách hàng không sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng và rút tiền mặt từ thẻ tín dụng trái phép. Khách hàng không truy cập các đường dẫn (link), địa chỉ website, SMS tên miền lạ.
Khách hàng không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP, số thẻ, mã CVV, mật khẩu tài khoản, mã mở khóa Etoken qua các tin nhắn, đường link, cuộc gọi chưa được xác thực trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả cho người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng.
Trong trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin theo hình thức lừa đảo trên/ hoặc có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, khách hàng thông báo đến phòng giao dịch ngân hàng gần nhất hoặc liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, Eximbank cũng khuyến nghị khách hàng trình báo vụ việc với Cơ quan Công an địa phương gần nhất hoặc theo hướng dẫn tại Chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.