Tài xế xe cứu thương bất lực vì không được nhường đường, bệnh nhân gặp nguy

"Nhiều người cố tình hiểu sai quy định về tình huống vượt đèn đỏ để không nhường đường cho xe cứu thương. Cứ tình trạng này thì nhiều bệnh nhân không được cứu kịp thời", tài xế xe cứu thương bức xúc.

Báo Dân trí ngày 16/01 đưa thông tin với tiêu đề: "Tài xế xe cứu thương bất lực vì không được nhường đường, bệnh nhân gặp nguy" cùng nội dung như sau: 

Những ngày qua, tài xế xe cứu thương Trần Tuấn Tài (24 tuổi, ngụ tại Bến Tre) cho hay mỗi buổi sáng các đồng nghiệp của anh đều than vãn không ngớt về tình trạng giao thông gần đây.

Hơn 3 năm làm nghề này, anh Tài chia sẻ đây là lần đầu tiên anh chứng kiến cảnh xe cứu thương liên tục chết dí vì không được nhường đường ở những ngã tư có tín hiệu đèn giao thông trong nội thành. 

Đọc thông tin sai lệch đang lan truyền trên mạng xã hội rằng "né đèn đỏ nhường đường cho xe cứu thương vẫn bị phạt hàng chục triệu đồng", anh Tài lắc đầu ngán ngẩm.

"Nhiều người cố tình hiểu sai luật rồi không nhường đường cho xe cứu thương, khiến việc lưu thoát sau đó rất khó khăn, tính mạng bệnh nhân bị đe dọa.

Tôi và anh em tài xế nhiều lần quay video đăng lên mạng xã hội, giải thích cho mọi người rằng việc vượt đèn đỏ, tấp sát vào lề để nhường đường cho xe ưu tiên nằm trong những tình huống không bị xử phạt. Thế nhưng, có nhiều người vẫn cố tình lơ, gây khó cho công việc chạy xe cấp cứu của chúng tôi", anh Tài ngao ngán.

Nam tài xế cho hay anh thường bị gây khó khi di chuyển trong nội thành. Dù đã sử dụng đèn tín hiệu ưu tiên, bấm còi inh ỏi để xin nhường đường, nhiều lần anh Tài vẫn bất lực đứng "chết" giữa dòng người xe dường như vô cảm. Không chỉ sợ vượt đèn đỏ bị bắt, không ít người còn sợ leo lề cũng bị phạt nên không chủ động nhường đường cho xe cấp cứu.

"Thời gian đưa bệnh nhân chuyển tuyến từ Bến Tre đến TPHCM và ngược lại thường chỉ mất hơn 1 giờ, nhưng thời điểm này luôn phải mất hơn 2 giờ tôi mới đến được nơi cần tới.

Với tình trạng đường sá những ngày qua, giờ đây tổ tài xế ở bệnh viện mỗi người chỉ còn tiếp nhận được 2 ca bệnh/ngày, thay vì 3 ca như trước đây. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc chữa trị, thậm chí là tước mất cơ hội cứu sống bệnh nhân nguy kịch", anh Tài bức xúc.

Để đối phó với tình trạng này, anh thú nhận đội ngũ y tế và tài xế tại bệnh viện không còn cách nào khác ngoài việc khuyên người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, rồi đến bệnh viện ngay khi phát hiện triệu chứng ban đầu, phòng khi đường tắc, không kịp cứu chữa trong khoảng "thời gian vàng".

"Tôi chỉ mong mọi người hiểu và thực hiện đúng luật, nhất quyết nhường đường cho xe cứu thương để tránh những hậu quả đau lòng. Chúng tôi cũng cố gắng vận động, lan tỏa thông tin đúng, chuẩn luật đến người tham gia giao thông", anh Tài bộc bạch.

Chị K.C. (ngụ tại TPHCM) là người điều phối hoạt động của một nhóm thiện nguyện chuyên cung cấp xe cứu thương 0 đồng. Chị cũng phản ánh hiện tượng những ngày cuối năm, hoạt động đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế bị ảnh hưởng không ít do tình trạng kẹt xe, tắc đường.

"Tại các nút giao trong nội thành, lượng phương tiện tăng cao khiến xe cứu thương chật vật, mất rất nhiều thời gian di chuyển. Lưu lượng giao thông lớn nên nhiều thời điểm thực tế toàn trục đường không còn "lối thoát" để các phương tiện khác nhường đường cho xe cứu thương.

Cả bộ phận điều phối và tài xế xe cứu thương cùng phải căng mình ứng phó, chủ động tìm phương án, tìm những tuyến đường ít kẹt để chạy xe nhưng đó chỉ là phương án tạm thời", chị C. nói.

Theo luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định xe ưu tiên gồm:

- Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;

- Xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

- Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường;

- Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu;

- Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ;

- Xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

- Đoàn xe tang.

Luật sư Linh nhấn mạnh, xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự ưu tiên.

Xe được ưu tiên số 1 là xe chữa cháy của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;

Tiếp đó là xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường;

Những thứ tự ưu tiên tiếp sau lần lượt là xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ, xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật. Cuối cùng là đoàn xe tang.

Theo luật sư, trừ đoàn xe tang, những xe ưu tiên còn lại không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được.

Đặc biệt, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường.

Với tình huống vượt đèn đỏ để nhường xe ưu tiên, luật sư Linh cho biết khoản 1 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định: "Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết" là một trong 5 trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, khoản 11 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Như vậy, theo luật sư Linh, hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên được xác định là hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết, nên sẽ không bị xử phạt.

Trước đó, báo Tuổi trẻ ngày 12/01 cũng có bài đăng với thông tin: "Vượt đèn đỏ nhường đường xe cấp cứu sợ mất 20 triệu, không nhường có thể mất 8 triệu, xử lý thế nào?". Nội dung được báo đưa như sau:

Nghị định 168 có hiệu lực từ 1-1-2025, với mức phạt nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông tăng nhiều lần so với trước đó. Trong đó người vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng với xe máy, và 18-20 triệu đồng với ô tô.

Đây là một trong những lý do khiến một số ý kiến cho rằng thà không nhường đường cho xe cấp cứu còn hơn mất 20 triệu vì lỗi không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cũng cho thấy ở TP.HCM nhiều xe ngần ngại, không dám rẽ phải khi đèn đỏ dù gặp xe cứu thương.

Ô tô không dám đè "vạch xương cá" để nhường đường cho xe cứu thương

"Hôm trước trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), xe cứu thương hú còi liên tục nhưng các xe ô tô chỉ dám nhích sang mỗi bên một chút, chứ không dám đè vạch xương cá, vạch dừng đèn đỏ khiến xe cứu thương không di chuyển được", bạn đọc Vinh kể.

Trong khi đó, bạn đọc Ana cũng từng bắt gặp hai xe cứu thương kẹt cứng nhưng không ai dám vượt đèn đỏ để nhường tại góc Điện Biên Phủ - Cao Thắng (quận 3, TP.HCM).

"Quy định pháp luật có lường trước được những trường hợp như thế này chưa?", bạn đọc này đặt vấn đề.

Phản hồi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp viết: "Không nhường đường cho xe ưu tiên vì sợ bị phạt là lối nói cho qua chuyện thôi, hay nói cách khác là thiếu ý thức. Khi các xe bật đèn và còi ưu tiên lên thì con người có ý thức sẽ tự dừng lại và áp sát vào lề.

Thực tế khi tham gia giao thông trên đường, một vài người vô ý thức cứ thản nhiên chạy giữa đường hoặc dừng chờ đèn xanh mà không nhường đường cho xe có tín hiệu khẩn cấp. Tuy nhiên các xe được ưu tiên dù trong hoàn cảnh khẩn cấp cũng phải quan sát và điều chỉnh tốc độ thích hợp khi đi vào giao lộ". 

Vậy cần xử lý thế nào trong tình huống thực tế này?

Không nhường đường cho xe ưu tiên có thể bị phạt

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định quy tắc chung đối với người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác.

Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự sau: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ...

Tín hiệu đèn giao thông có ba màu: xanh - vàng - đỏ. Theo quy định tại điểm c khoản 4 điều 11 của luật thì tín hiệu màu đỏ là cấm đi.

Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ là một trong những xe ưu tiên được quy định tại điều 27 của luật. Các xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác. 

Các xe ưu tiên (trừ xe tang) không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông; đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được.

Khoản 5 điều 27 cũng quy định khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường… 

Nếu người điều khiển ô tô không nhường đường có thể bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng (theo quy định tại điểm b khoản 6 điều 6 nghị định 168/2024).

Như vậy, theo quy định của luật, xe cứu thương là xe ưu tiên, được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông. Để nhường đường cho xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại.

Luật không quy định các phương tiện tham gia giao thông khác phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên. Vì vậy, việc người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ có thể bị xử phạt 8 - 20 triệu đồng (theo quy định tại điểm b khoản 9 điều 6 nghị định 168/2024).

Trên thực tế, đường phố tại TP.HCM đông đúc, tại một số địa điểm, thời điểm thường xuyên ùn tắc, không còn không gian trống để các phương tiện đang ở phía trước xe cứu thương có thể xử lý như quy định. 

Trong một số trường hợp, để nhường đường, các loại xe cộ khi tham gia giao thông có thể phải vượt đèn đỏ để tạo không gian cho xe cứu thương di chuyển. Nhưng vượt đèn đỏ là vi phạm, có thể bị xử phạt nên các xe phía trước xe cứu thương "án binh bất động" khi gặp tín hiệu đèn đỏ. Xe cứu thương không thể chạy được.

Theo ý kiến cá nhân tôi, tại những địa điểm ùn tắc, để xe cứu thương và các loại xe ưu tiên khác có thể di chuyển được, cần thường xuyên có người điều khiển giao thông hướng dẫn, ra hiệu lệnh để các phương tiện di chuyển trật tự, tạo không gian, nhường đường cho xe cứu thương nói riêng, xe ưu tiên nói chung. 

Theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, dù có vượt đèn đỏ thì người điều khiển phương tiện giao thông vẫn không vi phạm, không bị xử phạt.

Cục Cảnh sát giao thông: Người dân an tâm, không có chuyện tùy tiện xử phạt

Nếu đang dừng đèn đỏ, các làn đường đều kín đặc xe, xe ưu tiên ở ngay sau xe của ta thì ta được phép vượt qua vạch dừng của ngã tư, đi lên và tạt vào bên phải để nhường đường.

Với trường hợp cá nhân bị chụp ảnh mà chỉ có bạn vượt đèn đỏ nhưng không có xe ưu tiên đằng sau trong bức hình, từ hình ảnh thu lượm qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và hình ảnh do cá nhân cung cấp sẽ được lực lượng chức năng xem xét rất kỹ.

Lực lượng chức năng sẽ xem xét, xác định vị trí. Khi mời chủ xe lên xử lý hợp tác cũng cần nghe giải trình của người vi phạm. Tiếp đó cũng cần xác minh giải trình đó để xem có hay không có hành vi này.

Người dân có thể an tâm là người có thẩm quyền ra quyết định phải có trách nhiệm, nên không thể tùy tiện xử phạt. Nếu anh ra quyết định xử phạt sai thì phải bác quyết định đó, thậm chí cần bồi hoàn.