Sẽ sử dụng phà quân đội đưa người dân Phú Thọ qua sông Hồng
Trước mắt, khi chưa thể tái lắp cầu phao Phong Châu do nước chảy xiết, Binh chủng Công binh sẽ tổ chức phà thay thế, chỉ chở người dân đi xe máy, đi bộ qua sông Hồng ở Phú Thọ.
Báo Dân Việt ngày 3/10 đưa thông tin với tiêu đề: Sẽ sử dụng phà quân đội đưa người dân Phú Thọ qua sông Hồng. Với nội dung như sau:
Ngày 3/10, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị giao ban công tác tháng 9. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu phao tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tình hình tại cầu Phong Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho biết, địa phương đã rất nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tìm kiếm người bị nạn và trục vớt phương tiện. Địa phương đã được Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng của Binh chủng Công binh và Lữ đoàn 126 - Quân chủng Hải Quân tiến hành bắc cầu phao phục vụ người dân đi lại và tìm kiếm người mất tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục quan tâm, giúp đỡ địa phương về lực lượng, phương tiện để hoàn thành sớm nhất công tác tìm kiếm người mất tích và tiếp tục vận hành cầu phao thay thế cầu Phong Châu hiệu quả.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Hồng Giang - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Binh chủng Công binh đã báo cáo về tình hình hoạt động của lực lượng công binh trong việc duy trì hoạt động của cầu phao; những thuận lợi, khó khăn khi duy trì hoạt động của cầu phao.
Chỉ huy Lữ đoàn 126 - Quân chủng Hải quân cũng báo cáo với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác tìm kiếm người bị nạn và xác định các vị trí. Tuy nhiên những ngày qua, do nước sông Hồng lên cao, đục và chảy xiết nên đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Sau khi nghe đại diện các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phan Văn Giang ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, hiệp đồng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng.
Nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Binh chủng Công binh căn cứ vào tình hình thực tế lưu tốc dòng chảy, tiến hành lắp đặt cầu phao trong điều kiện cho phép để phục vụ người dân đi lại.
Trước mắt, khi chưa thể tái lắp cầu phao do nước sông Hồng vẫn chảy xiết, Binh chủng Công binh nghiên cứu tổ chức phà thay thế, chỉ chở người dân và phương tiện xe máy qua sông. Chú ý về công tác an toàn, gia cố hai thành phà quân đội, cho ca nô đẩy để chuyên chở. Ra thông báo quy định thời gian, số lượng người và phương tiện được phép đi phà.
Lực lượng quân đội phối hợp các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn tuyệt đối cho người dân. Xây dựng phương án có ca nô trực 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Về công tác tìm kiếm người mất tích, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải quân phải nghiên cứu kỹ thực tế, đặc biệt là áp dụng kinh nghiệm tìm kiếm người gặp nạn ở các địa phương khác, nỗ lực quyết tâm cao nhất để tìm kiếm người mất tích nhằm an ủi, động viên thân nhân có người gặp nạn.
Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ tối đa cho tỉnh Phú Thọ nhằm sớm tìm kiếm số nạn nhân mất tích còn lại và trục vớt cầu.
Tiếp đến, báo Thanh Niên cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Vụ cầu Phong Châu bị sập: Quân đội sẽ dùng phà đưa người dân qua sông
Nội dung được báo đưa như sau:
Chiều 3.10, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Tam Nông (Phú Thọ), cho biết lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ và H.Tam Nông sẽ phối hợp chặt chẽ với Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) để triển khai phương án sử dụng phà đưa người dân trên địa bàn qua sông Hồng.
Phương án này được đưa ra sau khi cầu Phong Châu bị sập hôm 9.9, lực lượng quân đội đã lắp đặt xong cầu phao để thay thế, nhưng đang phải tạm thời cắt do mực nước sông Hồng dâng cao.
Vẫn theo ông Hùng, việc sử dụng phà là phương án tạm thời khi cầu phao chưa thể lắp lại. Khi nào điều kiện thủy lưu đảm bảo, cầu phao sẽ tiếp tục được sử dụng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Lũ sông Hồng dâng cao, tạm thời cắt cầu phao Phong Châu
Trước đó, tại hội nghị giao ban vào sáng cùng ngày, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu Binh chủng Công binh căn cứ tình hình thực tế lưu tốc dòng chảy, tiến hành lắp đặt cầu phao trong điều kiện cho phép để phục vụ người dân đi lại.
Trước mắt, khi chưa thể tái lắp cầu phao do dòng nước chảy xiết, Binh chủng Công binh nghiên cứu tổ chức phà thay thế, chỉ chở người dân đi xe máy, đi bộ qua sông, chú ý về công tác an toàn, gia cố 2 thành phà quân đội, cho ca nô đẩy để chuyên chở. Đồng thời, ra thông báo, quy định thời gian, số lượng người và phương tiện được phép đi phà.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lực lượng quân đội phối hợp với các lực lượng công an, thanh tra giao thông đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, an toàn tuyệt đối cho người dân; xây dựng phương án có ca nô trực 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Lữ đoàn 126 (Quân chủng Hải quân) cần nghiên cứu kỹ thực tế, đặc biệt là áp dụng kinh nghiệm tìm kiếm người gặp nạn ở các địa phương khác, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để tìm kiếm người mất tích nhằm an ủi, động viên người dân có người thân gặp nạn.
Sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra gần 1 tháng trước, khiến nhiều người và phương tiện rơi xuống sông Hồng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đến nay lực lượng chức năng mới tìm được 4 thi thể, 4 nạn nhân còn lại vẫn đang mất tích.
Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh đã triển khai phương án bắc cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập.
Cầu phao hoàn thiện và chính thức cho lưu thông từ 6 giờ sáng 30.9, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân sau thời gian khó khăn vì phải đi vòng.
Tuy nhiên, lúc 18 giờ ngày 1.10, nước lũ ở thượng nguồn đổ về khiến lũ sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn. Lữ đoàn 249 đã phải tạm thời cắt cầu phao, tới nay chưa nối lại được.
Trong một diễn biến khác, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa đề nghị Sở GTVT tỉnh Phú Thọ phối hợp phân luồng giao thông thủy qua khu vực cầu Phong Châu và thực hiện rào chắn xung quanh khu vực các nhịp còn lại của cầu, trước nguy cơ các phần này có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo phân cấp quản lý, Sở GTVT Phú Thọ phải bố trí tổ chức trực chốt, hướng dẫn và ngăn ngừa người dân đi vào khu vực đã được rào chắn để bảo đảm an toàn tính mạng người dân; khẩn trương nghiên cứu phương án và sớm có giải pháp tháo dỡ nhịp giàn thép số 5 và các nhịp còn lại, khái toán kinh phí tháo dỡ...
Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cũng cần xin ý kiến Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương về phương án, giải pháp tháo dỡ nhịp giàn thép số 5 và các nhịp còn lại của cầu Phong Châu; khẩn trương báo cáo Bộ GTVT về khả năng công bố bổ sung tình huống khẩn cấp.