Người dân ồ ạt bán vàng, cửa hàng hết sạch tiền trả

Sau khi giá vàng nhẫn tiếp tục lên đỉnh, người dân kéo nhau đi bán vàng chốt lời sát ngày vía Thần tài khiến nhiều tiệm vàng cạn tiền trả khách.

Báo Tiền Phong ngày 05/02 đưa thông tin với tiêu đề: "Người dân ồ ạt bán vàng, cửa hàng hết sạch tiền trả" cùng nội dung như sau: 

Bán vàng nhưng 1 tuần sau mới nhận được tiền

Trong phiên giao dịch vàng sáng nay (5/2), giá vàng nhẫn lên đỉnh 90,95 triệu đồng/lượng còn vàng miếng SJC lên mốc 91 triệu đồng/lượng, dòng người vẫn tiếp tục kéo đến các tiệm vàng lớn để giao dịch mua - bán.

Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mở cửa lúc 9h nhưng 9h30 mới bắt đầu giao dịch cho khách đầu tiên, người dân phải xếp hàng chờ đến lượt. Nhân viên ở đây phải túc trực phân luồng khách hàng đến mua - bán, đảm bảo không gian mua sắm cũng như tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Theo quan sát, lượng khách đến mua vàng nhiều nhưng số lượng chỉ vài chỉ còn khách bán ra số lượng lớn để chốt lời.

Mang 30 chỉ vàng đi bán, anh Đức Tiến (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Tôi mua vàng rải rác trong năm và hiện giá vàng đang ở mức giá rất cao, tiếp tục găm giữ có thể gặp rủi ro bởi giá có thể giảm mạnh bất kỳ lúc nào. Tôi không kỳ vọng lời hơn nữa nên quyết định bán chốt lời”.

Theo anh Tiến giá vàng quốc tế vẫn tiếp tục tăng, giá trong nước từ đó cũng tăng theo. Song anh chia sẻ, nhiều lần anh điêu đứng vì giá vàng quốc tế tăng nhưng giá vàng trong nước lại giảm mạnh.

“Vàng đang trong thời điểm sốt, giá có thể giảm mạnh sau khi cơn sốt qua đi”, anh Tiến nói.

Tương tự, chị Đào Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng mang 50 chỉ vàng nhẫn đi bán. Qua quan sát, chị thấy, do lo sợ giá vàng giảm nên hôm nay nhiều người quyết định mang vàng đi bán để chốt lời.

“Đây là vàng tôi gom góp nhiều năm từ của hồi môn và tích luỹ mỗi khi có tiền dư thừa. Có chỉ vàng tôi mua giá hơn 6 triệu đồng, có chỉ tôi mua cao nhất 8,3 triệu đồng. Cầm gần 500 triệu đồng tiền bán vàng nhưng lãi phải hơn 100 triệu tôi cũng vui, chị Đào Anh nói.

Tuy nhiên, sang đến phiên giao dịch buổi chiều, số lượng người bán ra lớn khiến nhiều cửa hàng không còn tiền trả khách.

Tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, anh Minh Khoa (Long Biên, Hà Nội) bán 10 chỉ vàng nhẫn nhưng cửa hàng làm giấy biên nhận lấy vàng và hẹn trả tiền sau 1 tuần.

“Tôi không biết 1 tuần nữa vàng tăng hay giảm nhưng do gia đình có việc cần tiền nên tôi bán vàng. Vì mua ở đâu bán vàng ở đó mới được giá tốt nên tôi cũng không có lựa chọn nào khác đành chờ một tuần sau lấy tiền”.

Tương tự, chị Nguyễn Hoàn (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đem 4 lượng vàng nhẫn đi bán tại cửa hàng của Tập đoàn Doji nhưng cửa hàng thông báo ngày hôm sau mới có tiền trả khách. Và bắt đầu từ ngày mai cửa hàng chỉ nhận bán ra và không mua vào cho đến hết ngày vía Thần tài.

“Bất chấp giá vàng tăng hay giảm, nhà vàng kinh doanh kiểu gì cũng thắng bởi nắm đằng chuôi. Lúc người dân mua vàng khi không có vàng cửa hàng vẫn thu tiền và hẹn trả vàng sau giờ đến lúc cần tiền bán vàng thì thu vàng cũng hẹn trả tiền sau”, chị Hoàn nói.

Chênh lệch mua - bán liên tục nới rộng

Vào lúc 16h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vàng miếng ở mức 88 - 91 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá niêm yết tại các thương hiệu khác như PNJ và Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Minh Châu. So với ngày hôm qua , giá mua/bán vàng miếng tại các doanh nghiệp này đã điều chỉnh tăng thêm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

Như vậy, biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng miếng SJC trên thị trường tiếp tục nới rộng lên 3 triệu đồng/lượng.

Nhóm ngân hàng quốc doanh Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV niêm giá bán vàng miếng ở mức 91 triệu đồng/lượng. Các đơn vị này chỉ bán ra mà không mua vào.

Đối với thị trường vàng nhẫn, giá mua - bán vàng nhẫn Công ty SJC được giao dịch ở mức 88 - 90,5 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày hôm qua. Chênh lệch mua - bán 2,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với giá niêm yết tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn được các thương hiệu lớn như Doji, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải… niêm yết giá mua vào cao hơn 400.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng đối với chiều bán ra. Chênh lệch mua - bán của vàng nhẫn so với ngày hôm qua đã tăng lên khoảng 2,5 - 2,75 triệu đồng/lượng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay, vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới. Thời gian gần đây, giá vàng thế giới liên tục biến động, chủ yếu theo xu hướng tăng, do căng thẳng địa chính trị, thương mại tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh…

Tiếp đến, báo Lao Động ngày 05/02 cũng có bài đăng với thông tin: "Dữ liệu kinh tế Mỹ thúc đẩy giá vàng tăng cao". Nội dung được báo đưa như sau:

Dữ liệu kinh tế Mỹ hỗ trợ giá vàng

Theo dữ liệu mới nhất từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM), khu vực dịch vụ của Mỹ suy yếu trong tháng trước trong khi áp lực giá giảm. ISM thông báo sáng thứ Tư rằng Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống 52,8 trong tháng 1, thấp hơn so với mức đã điều chỉnh của tháng 12 là 54. Dữ liệu yếu hơn dự báo, khi các nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số đạt 54,2.

Nếu chỉ số cao hơn 50, nền kinh tế đang tăng trưởng; nếu thấp hơn 50, nền kinh tế suy giảm. Chỉ số càng xa mốc 50, tốc độ tăng trưởng hoặc suy giảm càng mạnh.

PMI dịch vụ là một chỉ số quan trọng đo lường sức khỏe của lĩnh vực dịch vụ – lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế Mỹ. Khi chỉ số này giảm mạnh hơn dự kiến, nó phản ánh sự chậm lại của hoạt động kinh tế, có thể làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu rộng hơn của nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng tăng.

Dữ liệu kinh tế yếu đi thường làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc ít nhất là không tăng lãi suất. Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu, FED có thể cân nhắc cắt giảm lãi suất sớm hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, khiến kim loại quý này trở nên hấp dẫn hơn, từ đó hỗ trợ giá vàng đi lên.

Giá vàng tăng sau khi dữ liệu được công bố vào 10 giờ sáng EDT. Giá vàng giao ngay ghi nhận lúc 8h00 ngày 6.2.2025 (giờ Việt Nam) niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.870,5 USD/ounce.

Các thành phần trong báo cáo có sự biến động. Chỉ số đơn hàng mới giảm xuống 51,3, thấp hơn mức 54,2 của tháng 12. Đồng thời, chỉ số hoạt động kinh doanh cũng giảm xuống 54,5 so với mức 58,2 của tháng trước.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong lĩnh vực này đã giảm bớt, khi chỉ số giá cả giảm xuống 60,4 trong tháng 1, thấp hơn mức 64,4 của tháng 12.

Thị trường lao động trong khu vực dịch vụ cũng có sự cải thiện trong tháng 1 và vẫn duy trì trong vùng mở rộng, với chỉ số việc làm tăng lên 52,3, cao hơn mức đã điều chỉnh của tháng trước là 51,3.

Nguy cơ bất ổn tài chính

Giữa lúc giá vàng đạt kỷ lục, Robert D. Kaplan (một nhà phân tích địa chính trị, nhà báo và tác giả người Mỹ, nổi tiếng với các tác phẩm về quan hệ quốc tế, chiến lược toàn cầu và lịch sử chính trị) cảnh báo về nguy cơ bất ổn tài chính.

Robert D. Kaplan cho rằng, làn sóng tích trữ vàng có thể là dấu hiệu cho thấy các thế lực lớn đang chuẩn bị đối phó với bất ổn tài chính sâu rộng hơn.

“Kaplan cho rằng việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng có thể là dấu hiệu cho thấy dòng vốn tháo chạy hoặc một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị đang trở nên nghiêm trọng hơn”. Theo ông, tích trữ vàng thường phản ánh tâm lý bi quan về tương lai gần và trung hạn.

Báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục thống trị thị trường vàng vào năm ngoái, khi mua hơn 1.000 tấn vàng trong năm thứ ba liên tiếp.