Đột ngột ngã quỵ và ngừng tim ở bến tàu điện, câu nói đầu tiên của người đàn ông khi hồi tỉnh khiến mọi người bàng hoàng và đau xót

Người đàn ông ngoài 40 tuổi bị tim ngừng đập, mạch cảnh không còn, hơi thở yếu ớt, đồng tử giãn to và sùi bọt mép.

Báo Người đưa tin ngày 06/02 đưa thông tin với tiêu đề: "Đột ngột ngã quỵ và ngừng tim ở bến tàu điện, câu nói đầu tiên của người đàn ông khi hồi tỉnh khiến mọi người bàng hoàng và đau xót" cùng nội dung như sau: 

Vào ngày 4/2 - cũng là ngày nghỉ cuối cùng của kỳ lễ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, một tai nạn đã xảy ra ở một ga tàu điện ở tỉnh Hồ Nam. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi đang xếp hàng lên tàu thì bất ngờ ngã quỵ. 

May mắn thay, có một bác sĩ tình cờ cũng đang có mặt tại hiện trường. Nghe thấy tiếng kêu cứu, vị bác sĩ này lập tức mang theo thiết bị y tế chạy đến. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân tim ngừng đập, mạch cảnh không còn, hơi thở yếu ớt, đồng tử giãn to và sùi bọt mép.

Ngay lập tức, người bác sĩ này cùng các nhân viên nhà ga đã phối hợp thực hiện các biện pháp cấp cứu như hồi sức tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Sau hơn 20 phút nỗ lực, người đàn ông đã dần hồi phục nhịp thở. 

Tuy nhiên, điều khiến mọi người bất ngờ là câu nói đầu tiên của ông sau khi tỉnh lại: "Tôi phải bắt kịp chuyến tàu cao tốc để đi làm". Ông thậm chí còn từ chối đến bệnh viện. Cuối cùng, nhờ sự thuyết phục của bác sĩ, người đàn ông mới đồng ý đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe kỹ hơn.

Câu chuyện này đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút sự chú ý và bình luận của đông đảo cư dân mạng. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với tình cảnh của người đàn ông, cho rằng áp lực công việc quá lớn khiến ông phải đánh đổi cả sức khỏe. 

Một số bình luận tiêu biểu như: "40 tuổi rồi, tôi hiểu rõ cảm giác này", "Người lao động thật đáng thương", "Mất việc còn khổ hơn chết", "Đây chẳng phải là lao động kiểu mẫu sao?", "Môi trường sống thật khắc nghiệt" hay "Áp lực lớn đến mức có thể bỏ mạng để đi làm". 

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng đây là một minh chứng cho thấy sự tận tụy với công việc của người lao động, tuy nhiên cũng phản ánh mặt trái của xã hội hiện đại khi con người bị cuốn vào guồng quay cơm áo gạo tiền. Nhiều người dùng những từ ngữ như "thiên sinh làm trâu làm ngựa" để nói về tình cảnh này, bày tỏ sự cảm thán xen lẫn xót xa.

Trước đó, báo VnExpress ngày 22/11 cũng có bài đăng với thông tin: "Trở về từ cõi chết nhờ được kíp y tế công ty ép tim kịp thời". Nội dung được báo đưa như sau:

"Tỉnh dậy trong bệnh viện, nghe mọi người kể lại tôi mới biết mình trở về từ cõi chết, không nhớ đã xảy ra chuyện gì", bệnh nhân nói khi nằm trên giường bệnh, chiều 21/11. Ông hồi phục tốt, ăn uống bình thường sau 3 ngày đối diện với tử thần. Trước đó, ông không xuất hiện triệu chứng bất thường, bị tăng huyết áp vài năm nay vẫn duy trì uống thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Đạo Hiển, trưởng trạm y tế công ty tại huyện Bình Chánh - nơi bệnh nhân làm việc, cho biết hai nhân viên y tế vừa thay phiên hồi sinh tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực bệnh nhân vừa gọi điện đến BS.CK1 Nguyễn Đức Tới, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, nhờ hỗ trợ. Sau khi bệnh nhân có nhịp tim trở lại, êkíp truyền thuốc vận mạch nâng huyết áp rồi đưa lên xe cấp cứu của công ty di chuyển đến bệnh viện.

"Trên xe cấp cứu, chúng tôi vẫn liên tục ép tim, tổng cộng thời gian khoảng 20 phút ở công ty và 20 phút trên xe", bác sĩ Hiển nói. Công ty này có 1.600 nhân viên, trạm y tế cơ quan gồm 11 người từng tham gia đào tạo về sơ cấp cứu nhiều lần tại Bệnh viện Thống Nhất.

Khi vào khoa cấp cứu, người bệnh ngưng tim lần hai, được sốc điện liên tục giúp hồi phục tuần hoàn. Siêu âm tim ghi nhận tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân được chuyển lên phòng can thiệp, trong vòng khoảng 20 phút sau khi nhập viện.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết êkíp nhanh chóng chụp mạch vành cho bệnh nhân, kết quả ghi nhận nhánh mạch vành chính tắc hoàn toàn. Đây là thủ phạm gây ngưng tim. Ngoài ra, hai mạch vành còn lại cũng hẹp rất nặng. Các bác sĩ đặt hai stent giúp tái thông dòng chảy mạch máu, "hồi phục ngoạn mục".

"Đây là trường hợp rất hy hữu, được cứu sống kịp thời nhờ sự kết hợp của y tế cơ quan và điều trị chuyên sâu, không để lại di chứng, bởi bệnh nhân ngừng tim 4 phút sẽ chết não", phó giáo sư Tân nói.

Theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nơi này tiếp nhận nhiều ca ngưng tim ngoại viện, hầu hết bệnh nhân không được sơ cứu ban đầu kịp thời, vào viện trễ dẫn đến tử vong. Nếu may mắn giữ được tính mạng, bệnh nhân cũng phải sống chung với nhiều di chứng nặng nề.

Lãnh đạo bệnh viện cho rằng thành công của ca này đặt ra nhiều vấn đề trong việc đào tạo sơ cấp cứu ban đầu, việc tổ chức hệ thống liên hoàn và phối hợp giữa tuyến cơ sở với tuyến điều trị chuyên sâu trong những tình huống nguy cấp. Nhờ sự chủ động báo trước, bác sĩ tại bệnh viện cũng chủ động sẵn sàng khi tiếp nhận, giúp rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân. Thời gian qua, bệnh viện đào tạo huấn luyện, hỗ trợ về y tế cho một số doanh nghiệp.

Ở các nước phát triển, việc dạy sơ cấp cứu rất phổ biến ở trường học, ở cộng đồng. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đào tạo sơ cấp cứu cho người lao động. Những nơi tập trung đông người như siêu thị, bến tàu xe... đều có trang bị máy sốc điện để sơ cứu ngưng tim kịp thời.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm, xảy ra do tắc nghẽn nhánh mạch vành, dễ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Bệnh thường gặp ở người có yếu tố nguy cơ tim mạch cao như lớn tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì...

Biểu hiện thường gặp của nhồi máu cơ tim là đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp... Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên được xem là biện pháp điều trị hàng đầu.

Người có nhiều yếu tố nguy cơ nên đi tầm soát bệnh lý mạch vành thường xuyên. Với người lớn tuổi, các triệu chứng bệnh đôi khi không rõ ràng. Ở người trẻ, trên 90% bệnh nhân nhồi máu cơ tim có biểu hiện đau tức ngực trái kéo dài trên 30 phút.

Cách ép tim cứu người ngưng thở, ngưng thở. Video: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM