Chó nghiệp vụ tìm kiếm người bị n.ạn sau trận lũ càn quét Làng Nủ ở Lào Cai
Sáng 12/9, 5 chó nghiệp vụ của quân đội đã vào hiện trường vụ sạt lở thôn Làng Nủ để tìm kiếm người mất tích. Lực lượng tìm kiếm cũng đã phát hiện thêm 3 thi thể nạn nhân cách ngôi làng 1km.
Ngày 13/09/2024, Dân trí đưa tin "Chó nghiệp vụ tìm kiếm người bị nạn sau trận lũ càn quét Làng Nủ ở Lào Cai". Nội dung chính như sau:
Sáng 12/9, hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng làm hơn 40 người chết và gần 100 người mất tích ở thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vẫn ngổn ngang bùn đất (Ảnh: Ngọc Tân).
Lực lượng chức năng ra quân tìm kiếm nạn nhân mất tích tại một cách đồng lúa phía dưới hạ lưu, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 1km, hy vọng tìm thấy các nạn nhân bị trôi dạt theo nước lũ về đây (Ảnh: Hữu Khoa).
Nhiều người thân của các nạn nhân thắp hương đứng trước đống đổ nát, cầu khẩn người thân linh thiêng giúp sớm tìm được thi thể (Ảnh: Ngọc Tân).
Các lực lượng chức năng địa phương, quân đội và người dân đang tích cực tìm kiếm những người còn mất tích (Ảnh: Hữu Khoa).
Sáng nay, chó nghiệp vụ của quân đội đã được đưa vào hiện trường vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ để phục vụ tìm kiếm các nạn nhân (Ảnh: Hữu Khoa)
Các chiến sĩ biên phòng cùng 5 chó nghiệp vụ đang rà từ phía dưới hạ lưu hiện trường vụ lũ quét lên phía trên (Ảnh: Hoài Thu).
Cũng tại khu vực này, khoảng 7h15, lực lượng tìm kiếm phát hiện thêm 3 thi thể, được nhận định có thể là người trong cùng một gia đình (Ảnh: Hữu Khoa).
Thi thể người bị nạn được đưa lên bờ (Ảnh: Hữu Khoa).
Một chiếc xe máy bị lũ bùn vùi lấp, khi được đưa lên đã không còn nguyên vẹn. Rất nhiều đồ đạc, vật dụng của các hộ dân trong thôn Làng Nủ bị vùi lấp, cuốn trôi theo dòng lũ cũng tìm thấy (Ảnh: Hoài Thu).
"Các anh, các chú cố gắng tìm chồng giúp tôi với. Tôi và con đi làm thuê, hay tin lũ quét về tìm chồng, không thấy chồng đâu mà ngôi nhà giờ là bãi cát", bà Hoàng Thị Bóng (vợ một người bị mất tích trong lũ quét ở thôn Làng Nủ) gào khóc trên bờ (Ảnh: Hữu Khoa).
Các chiến sĩ Bộ tư lệnh thông tin có mặt tại hiện trường, được trang bị thêm ống nhòm và kẻng để cảnh giới, báo động khi có nguy cơ lũ quét, sạt lở (Ảnh: Ngọc Tân).
Trước đó ngày 12/09/2024, Tuổi trẻ đưa tin "Sau bão lũ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, người dân phòng tránh như thế nào?". Nội dung cụ thể như sau:
Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thông tin sau bão lũ sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Dịch bệnh ở đây không chỉ là bệnh truyền nhiễm mà là cả những bệnh liên quan tới lũ lụt.
Sau bão lũ thường ô nhiễm về môi trường do phân, chất thải của người, súc vật, súc vật chết, cây cối thối rữa... Môi trường bị ô nhiễm làm vi rút, vi khuẩn phát sinh và phát triển khiến bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Bão lũ đến còn gây ra tình trạng thiếu nước sạch. Người dân không có nước sạch sử dụng sẽ dẫn đến các bệnh đường tiêu hóa, bệnh da liễu, đau mắt.
Ngoài ra, người dân cũng dễ mắc các bệnh hô hấp như cúm, cảm lạnh. Trong bão lũ, người dân còn dễ bị chấn thương, đuối nước...
Trong, sau bão lũ, người dân dễ có nguy cơ mắc bệnh, chấn thương nhưng khi mắc bệnh lại không tiếp cận kịp với dịch vụ y tế. Có thể dịch vụ y tế không đến được với người dân do bão lũ hoặc người dân ngại đi khám bệnh, chữa bệnh.
Ông Phu lưu ý một số tình huống cần phải được cấp cứu kịp thời như bệnh đột quỵ, đẻ rơi, tai biến sản khoa.... nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
"Nhiều người mắc bệnh mãn tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể mắc một bệnh cấp tính khác. Người lao động mệt mỏi cũng dễ mắc bệnh do lâu ngày thiếu dinh dưỡng, ăn uống không đủ chất", ông Phu cho hay.
Từ những phân tích trên ông Phu cho rằng sau bão lũ sẽ có nhiều người mắc các bệnh như tiêu chảy, lỵ, thương hàn, ngộ độc thức ăn, viêm phổi, cúm, đau mắt... Ngoài ra còn có thể có những bệnh do véc tơ gây ra như sốt xuất huyết.
Phòng bệnh thế nào?
Theo ông Trần Đắc Phu, người dân cần phòng bệnh theo những nguyên nhân gây bệnh, chấn thương như đã kể trên.
Cụ thể, người dân cần đi lại cẩn thận để phòng chấn thương, đuối nước, ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch (nước sát khuẩn bằng Cloramin) ngừa tiêu chảy và các bệnh lây qua đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó cần mặc ấm, giữ ấm cơ thể để tránh bị cảm lạnh, mặc đồ bảo hộ lao động khi xuống nước, sau đó tắm nước sạch (nước mưa).
Ông Phu khuyên người dân không nên e ngại đến bệnh viện, trạm y tế khi có vấn đề về sức khỏe, nhất là khi mắc các bệnh cần được cấp cứu kịp thời như bị chảy máu dạ dày, đột quỵ...
Trong trường hợp không thể đến cơ sở y tế thì cần tìm mọi cách để được tư vấn online bác sĩ, qua đó bác sĩ đưa ra chẩn đoán, lời khuyên, không nên tự chữa hoặc để qua giai đoạn có thể điều trị hiệu quả nhất.
Sau bão lũ, nước rút đến đâu cần vệ sinh môi trường, quét dọn đến đó
Theo ông Phu, sau bão lũ cần thau rửa sạch giếng, bể chứa nước, sát khuẩn nước bằng Cloramin để có nước sạch dùng.
Ngoài ra, người dân tiếp tục phòng bệnh bằng ăn chín, uống chín, diệt bọ gậy, các côn trùng. Trong trường hợp bị mắc bệnh do lũ lụt gây ra, người dân cần tiếp cận ngay với dịch vụ y tế.
Ông Phu nhấn mạnh để phòng chống các dịch bệnh cần tiêm chủng vắc xin đầy đủ và kịp thời.
Đã có 201 người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ
Tính đến 6h ngày 11-9, số người chết và mất tích do bão số 3, mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc tăng lên 201 người (143 người chết, 58 người mất tích).