Chạy xe máy chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước bị CSGT phạt 10 triệu: Vì sao?

Theo Nghị định 168/2024, chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi phía trước xe máy sẽ bị CSGT phạt tới 10 triệu đồng. Vì sao như vậy?

Theo thông tin đăng tải trên báo Thanh niên, mức phạt dành cho lỗi vi phạm tăng 30 lần so với quy định cũ

Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX vừa có hiệu lực thi hành nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Trong đó, thông tin đi xe máy chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước bị CSGT phạt 10 triệu đang được bàn luận sôi nổi.

Mức phạt tăng 30 lần so với quy định cũ

Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho hay, điểm h khoản 9 Điều 7 Nghị định 168 quy định: "Phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với người điều khiển xe ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước".

Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt tước quyền sử dụng GPLX từ 10 - 12 tháng.

Chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước sẽ bị CSGT phạt tới 10 triệu theo Nghị định 168 (ẢNH: NHẬT THỊNH)

Theo CSGT, trẻ em ngày nay phát triển nhanh, 6 tuổi đã cao từ 1,15 - 1,3 m nên cho các em ngồi phía trước xe máy dễ che tầm nhìn của người lái xe, có thể gây tai nạn giao thông.

"Tôi đánh giá quy định này phù hợp để giảm thiểu tai nạn giao thông. Trước đây, Nghị định 100 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123 quy định phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng với hành vi ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi phía trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước; nhưng thời điểm đó Nghị định không quy định số tuổi của trẻ em ngồi trước là bao nhiêu. Nghị định 168 thì quy định cụ thể tuổi", CSGT chia sẻ.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một đội CSGT khác cũng phân tích, trẻ em 6 tuổi trở lên có chiều cao trung bình khoảng 1,2 m nên ngồi phía trước có thể che tầm nhìn của người lớn khi lái xe. "Trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước người điều khiển xe máy sẽ không bị xử phạt nhưng người chở cần bảo đảm an toàn cho trẻ bằng đai cột. Trường hợp chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi phía trước che tầm nhìn, vướng tay lái mà xảy ra tai nạn thì trẻ em ngồi trước sẽ gánh chịu hậu quả rất nặng nề, do đó, quy định này hoàn toàn phù hợp", CSGT nói.

Không được chở cùng lúc 2 người trên 12 tuổi

Như vậy, theo Nghị định 168, mức phạt trung bình của lỗi điều khiển xe máy ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe là 9 triệu đồng. Khi có tình tiết tăng nặng thì tiền phạt có thể lên đến 10 triệu đồng, trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, mức phạt được giảm xuống 8 triệu đồng.

Ý thức giao thông ở TP.HCM thay đổi rõ rệt từ khi Nghị định 168 có hiệu lực (ẢNH: NHẬT THỊNH)

CSGT thông tin thêm, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, người chạy mô tô trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa 2 người: trẻ em dưới 12 tuổi; chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; người già yếu hoặc người khuyết tật.

"Như vậy, người chạy xe máy không được chở cùng lúc 2 người trên 12 tuổi trên xe", CSGT nhấn mạnh.

Cập nhật về quy định mới, báo Tri thức ngày 14/1 có bài: "Phạt cả triệu đồng nếu để trẻ ngồi ghế trước ôtô". Nội dung như sau: 

Từ 1/1, người điều khiển ôtô để trẻ ngồi ghế trước hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em sẽ bị xử phạt từ 800.000 tới 1.000.000 đồng.

Nghị định 168 có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ôtô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại ôtô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.

Để trẻ em ngồi ghế trước ô tô bị phạt 800 nghìn - 1 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Nội dung này trước đó đã được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1. Theo đó, Khoản 3, Điều 10 quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại ô tô chỉ có một hàng ghế. Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.

Đồng tình với quy định xử phạt này, anh Nguyễn Văn Hùng (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết đây là quy định mới mà có thể chưa nhiều người chú ý. Bởi trên thực tế, trẻ em vẫn không được chú ý nhiều khi ngồi trên ô tô.

“Tôi quan sát, trên đường vẫn không khó phát hiện ra trẻ em được người lớn cho ngồi cạnh ghế lái. Nhiều người có lẽ vẫn nghĩ đi ô tô là an toàn mà chưa hiểu rõ vì sao lại bị cấm”, anh Hùng nói.

PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Đại học Y tế Công cộng) là một trong những chuyên gia từng đề xuất đưa quy định này vào dự thảo Luật Trật tự, giao thông đường bộ.

Do đó, ông hoàn toàn ủng hộ mức xử phạt mà nghị định đưa ra. Lý do bởi, những năm gần đây tỷ lệ người dân sở hữu ô tô gia tăng nhanh chóng, trong đó Hà Nội có tỷ lệ sở hữu xe con tăng 113.7%/năm.

Tuy nhiên, đáng lo ngại chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó ở Hà Nội có 2,5% xe trang bị, tại TP.HCM có 1,1% xe sử dụng còn Đà Nẵng hoàn toàn “trắng”.

“Tình trạng trẻ em ngồi ghế trước khá phổ biến, trong đó 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn. Đây là thực trạng rất đáng báo động”, PGS.TS. Phạm Việt Cường thông tin.

Ông Cường cũng dẫn số liệu khảo sát được tiến hành từ tháng 1- 2/2022 tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng trên 14.924 xe con cá nhân cho thấy 7,4% số xe này có chở theo trẻ em dưới 10 tuổi.

Các vị trí ngồi của trẻ trên xe cũng rất khác nhau, trong đó 0,7% số xe có trẻ em để trẻ ngồi ghế trước cùng ghế với người lái xe; 19,2% ngồi ghế phụ trước cùng người lớn; 22,8% ngồi ghế phụ trước một mình; 37,0% ngồi ghế sau cùng người lớn; 19,0% ngồi ghế sau một mình và chỉ 1,3% trẻ em ngồi trong ghế ngồi chuyên dụng.

Trong gần 15.000 xe đã khảo sát, chỉ ghi nhận được 19 trường hợp trẻ em ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng, số xe này đều ở Hà Nội và TP.HCM. Đây đều là những người từng công tác, học tập và làm việc tại nước ngoài.

Trong khi đó, theo báo cáo từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, năm 2023, có khoảng 2.100 trẻ em bị thương vong do tai nạn giao thông, chiếm 7,8% tổng số ca tai nạn trên cả nước.

Lý giải vì sao trẻ em không nên ngồi ghế trước, PGS.TS. Phạm Việt Cường cho rằng, đây là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm. Cụ thể, trẻ dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn.

Ô tô hiện đại trang bị túi khí được thiết kế để bảo vệ người lớn trong trường hợp va chạm. Tuy nhiên, túi khí bung ra với tốc độ và lực cực mạnh (có thể lên đến gần 300km/h) để bảo vệ người lớn trong trường hợp va chạm, lực tác động mạnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ em, những người có thân hình nhỏ bé và yếu hơn.

Ngoài ra, túi khí bung ra ở ghế trước có thể va vào đầu hoặc cổ của trẻ, gây ra những thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.

Thứ hai, dây an toàn ở ghế trước không phù hợp cho trẻ nhỏ. Bởi, trẻ em thường có kích thước cơ thể không phù hợp với dây an toàn dành cho người lớn. Ở ghế trước, trẻ em được thắt dây an toàn dành cho người lớn có thể bị đẩy quá gần bảng điều khiển nơi túi khí bung ra. Điều này làm tăng nguy cơ túi khí va trực tiếp vào trẻ.

Do đó, các chuyên gia đánh giá cao việc bắt buộc phải trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em.

PGS.TS Phạm Việt Cường, cũng nhấn mạnh, ghế sau là vị trí ngồi an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe (vị trí nguy hiểm nhất trên ô tô).

Đặc biệt, nếu trẻ được sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô, ông Cường cho biết có thể kéo giảm 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương nghiêm trọng hoặc thiệt mạng do tai nạn giao thông mỗi năm tại Việt Nam.