Thị trường có đang thiếu vàng?

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Nhiều cửa hàng vàng ở cả Hà Nội và TP.HCM đều thông báo hết vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn các loại, vậy có phải thị trường đang khan hiếm vàng?

Ngày 22/4/2025, báo VTC News đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Thị trường có đang thiếu vàng?". Nội dung như sau:

Sáng 21/4, chỉ sau ít giờ mở cửa giao dịch, nhiều cửa hàng ở Hà Nội đã đồng loạt thông báo hết vàng miếng và vàng nhẫn, chỉ còn vàng trang sức. Nhiều khách đến xếp hàng chờ nhưng vẫn không thể mua. Cửa hàng cho biết hiện chỉ bán vàng trang sức và mua lại vàng của khách.

Liên tiếp những ngày gần đây, các cửa hàng cũng chỉ bán nhỏ giọt cho khách với lý do hết vàng. Mỗi khách thường chỉ được mua 1 chỉ vàng nhẫn mỗi ngày, trong khi vàng miếng đã hết.

Một cửa hàng ở Hà Nội thông báo hết vàng ngay từ sáng 21/4. (Ảnh: Minh Đức)

Tình trạng này khiến nhiều người đặt nghi vấn: Có thật sự thị trường đang khan hiếm vàng hay do cửa hàng "găm" lại để tạo "sốt ảo"?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thiếu vàng hiện nay là có thật.

“Nguồn cung vàng đang rất giới hạn, cả vàng miếng cũng như vàng nhẫn. Ngân hàng Nhà nước thời gian qua chỉ tập trung bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC, chứ không bán ra cho nhiều đơn vị khác. Do đó, các cửa hàng vàng có thể không có vàng để bán.

Chủ yếu hiện giờ họ chỉ thu mua để tăng lượng vàng tích trữ, từ đó mới có thể bán trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh vàng liên tục tăng giá và tâm lý người dân là càng tăng thì càng mua nên lượng vàng bán ra từ người dân không nhiều. Lượng cung của các cửa hàng vì thế không được cải thiện rõ rệt" , ông Hiếu nói.

Một nguyên nhân nữa là trước đây, khi chưa siết chặt các quy định, doanh nghiệp có thể mua vàng trôi nổi trên thị trường, nguồn cung tương đối dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay lượng vàng trôi nổi bị kiểm soát nên các doanh nghiệp thường mua vàng của chính họ hoặc các loại vàng thương hiệu khác mà người dân đem bán có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng.

Trong khi đó thời gian qua, người dân cũng chủ yếu mua vào chứ không bán ra. Các yếu tố này làm cho vàng nguyên liệu ngày càng khan hiếm.

Tuy vậy ông Hiếu nhận định, cũng không hoàn toàn loại trừ một nguyên nhân khác khiến vàng khan hiếm là do nhiều tiệm vàng có thể găm vàng chờ giá tăng thêm để bán ra với việc nới rộng khoảng cách mua - bán vàng, nhằm hưởng lợi nhiều hơn. Hoặc việc găm giữ sẽ càng tạo thêm sức nóng cho vàng, kích thích người dân tăng mua.

" Hiện tượng này hoàn toàn có thể xảy ra trên thị trường vàng hay bất cứ thị trường nào khác mỗi khi mặt hàng giao dịch nóng sốt như hiện nay ", ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi, cũng nhận định việc khan hiếm vàng tại các cửa hàng là điều có thể hiểu được. Nguồn cung vàng bị hạn chế, đặc biệt là vàng miếng, do việc nhập khẩu và phân phối chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Các đơn vị kinh doanh vàng phụ thuộc vào nguồn vàng hiện có và khả năng nhập mới, do đó khi nhu cầu tăng đột biến, có thể xảy ra tình trạng cung không đáp ứng kịp cầu.

Ngoài ra, khi giá vàng tăng nhanh, tâm lý của nhà đầu tư có thể bị tác động, dẫn đến nhu cầu mua tăng đột biến trong thời gian ngắn. Hiệu ứng “sợ bỏ lỡ cơ hội” (FOMO) có thể làm gia tăng áp lực cầu, khiến thị trường có dấu hiệu mất cân đối tạm thời.

Vàng càng tăng giá, người dân càng kéo đi mua đông hơn. (Ảnh: Minh Đức)

Làm gì để cải thiện nguồn cung vàng?

Theo các chuyên gia kinh tế, trước tiên người dân tránh đổ xô đi mua vàng, để làm vàng bớt nóng thêm và giảm sự khan hiếm.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng và bền lâu nhất theo TS. Nguyễn Trí Hiếu là cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng trong nước có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng và lại đang xa dần thế giới.

Ngoài ra, cần xem xét việc thiết lập sàn giao dịch vàng chính thức. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp liên thông giá vàng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để vàng có thể giao dịch một cách minh bạch, hợp pháp.

Việc thành lập sàn giao dịch vàng cũng được cho là sẽ hỗ trợ quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu các giao dịch vàng qua "chợ đen" và tăng cường minh bạch cho thị trường.

Ông Nguyễn Quang Huy nêu quan điểm, Việt Nam cần có chiến lược quản lý vàng mang tính linh hoạt, minh bạch và đồng bộ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế đầu cơ và tránh nguy cơ “vàng hoá” nền kinh tế trong một thế giới ngày càng khó lường.

Ông Huy phân tích, chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế ở mức cao khiến người dân cảm thấy vàng là kênh “lưu trữ tài sản an toàn”, dẫn đến xu hướng “găm vàng”, hạn chế dòng vốn luân chuyển.

“Tuy nhiên, việc “vàng hoá” chưa lan rộng do Ngân hàng nhà nước vẫn kiểm soát vàng miếng, tiền đồng vẫn ổn định, kênh chứng khoán và bất động sản vẫn thu hút dòng tiền. Nhưng nếu chênh lệch tiếp tục nới rộng, người dân ngày càng đổ xô đi mua tích trữ vàng thì ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và làm suy giảm hiệu quả điều hành tiền tệ”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho rằng, trước diễn biến toàn cầu bất định, người dân lo ngại mất giá tiền đồng hoặc rủi ro hệ thống, dẫn đến giảm gửi tiết kiệm, tăng tích trữ vàng vật chất và tâm lý phòng thủ gia tăng. “Nguyên nhân là do chúng ta thiếu một số công cụ phòng ngừa rủi ro chuyên nghiệp”, ông Huy nói.

Trước đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Diễn biến 'lạ' ở tiệm vàng: Hết sạch vàng để bán, cửa hàng vắng hoe". Cụ thể như sau:

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, giá vàng ngày 21/4 biến động mạnh. Các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng SJC tại 115-117 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 3 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Nhiều thương hiệu lớn khác cũng nâng giá vàng miếng lên tương ứng. Chênh lệch giá mua và bán giữ nguyên ở vùng 3 triệu đồng/lượng.

Cùng lúc, giá vàng nhẫn trơn cũng được nâng lên 112-115 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,5 triệu đồng chiều mua và 2,5 triệu đồng chiều bán ra.

Cửa hàng hết sạch vàng, khách vắng hoe

Tại Hà Nội, tuần vừa rồi, ghi nhận của phóng viên báo Dân trí cho thấy nhiều cửa hàng vàng kín khách chờ giao dịch.

Khi giá vàng lên cao kỷ lục 120 triệu đồng/lượng ở chiều bán, người dân đổ xô đến cửa hàng. Một số cửa hàng lớn ghi nhận hơn 600 lượt khách tới giao dịch chỉ trong một buổi sáng. Cửa tiệm có thời điểm "cháy" vàng miếng hoặc bán giới hạn 1 lượng cho mỗi khách. Còn mặt hàng vàng nhẫn cũng bị giới hạn mỗi khách chỉ được mua 1 chỉ. 

Tuy nhiên, sáng nay, theo ghi nhận, diễn biến đông khách tại các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội đã không còn xảy ra, do cửa hàng đã hết sạch vàng miếng và vàng nhẫn.

Bảng giá vàng trang sức tại một cửa hàng lớn tại Hà Nội (Ảnh: Mỹ Tâm).

Nhân viên một cửa hàng vàng tại đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết, cửa hàng đã hết sạch vàng miếng và vàng nhẫn, chỉ còn vàng trang sức. Cửa hàng chỉ nhận các khách bán, không nhận khách mua trong ngày hôm 21/4. Đến ngày 22/4,  cửa hàng sẽ mở và cập nhật thông tin sớm nhất tới khách hàng. 

Không ít khách đến hỏi mua vàng nhưng phải ra về. Anh Nguyễn Văn Tuấn (quận Cầu Giấy) nói, tuần vừa rồi đã 2 lần tới cửa hàng để mua vàng nhưng đều không được. Hôm nay, anh tranh thủ đến, thấy vắng khách, tưởng sẽ mua được ai dè cửa hàng không bán nên anh và nhiều người lại đi về.

Tuy cửa hàng vẫn nhận thu mua vàng nhưng theo ghi nhận, phần lớn khách đến cửa hàng đều có nhu cầu mua, không có người có nhu cầu bán.

Khách vắng vẻ khác hoàn toàn tình trạng đông đúc trước đó do cửa hàng hết vàng bán (Ảnh: Mỹ Tâm).

Tại một số "nhà vàng" tư nhân khác như DOJI hay PNJ, nhân viên xác nhận không còn vàng miếng SJC để bán tại các cửa hàng trong hệ thống. Vàng nhẫn có thể sẽ được bổ sung và khách hàng được khuyến nghị liên hệ cửa hàng gần nhất để kiểm tra tình trạng hàng hóa. 

Còn tại TPHCM, dù giá vàng tăng mạnh, nhiều người dân vẫn tiếp tục xếp hàng tại các cửa hàng để mua, bán vàng. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến không ít người gặp khó khăn trong việc mua vàng miếng, vàng nhẫn.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) ở quận 3 trưa 21/4, lượng khách mua vàng tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhân viên tại đây nói nhu cầu chủ yếu là mua vào. Mỗi khách hàng được mua tối đa 2 chỉ vàng nhẫn trơn. Với vàng miếng SJC, số lượng bán ra tối thiểu là 1 lượng. Dù vậy, công ty cho biết lượng vàng miếng SJC còn lại không nhiều.

Chị Thanh (ngụ quận 11) cho biết đã đi qua 3 cửa hàng tại quận 5 và quận 11 vào sáng 21/4 nhưng đều nhận được thông báo "hết vàng miếng, vàng nhẫn". "Tôi chỉ muốn mua 1 lượng vàng SJC hoặc vàng nhẫn nhưng nơi nào cũng nói không còn hàng hoặc phải đợi", chị nói.

Anh Lê Minh (ngụ quận 10) cũng chia sẻ, anh đã đứng xếp hàng hơn 30 phút tại một cửa hàng lớn ở quận 3 mới mua được 2 chỉ vàng nhẫn. "Vàng nhẫn vẫn mua được, nhưng số lượng rất giới hạn, nếu muốn mua nhiều hơn, nhân viên báo phải quay lại vào hôm sau", anh cho biết.

Trong khi đó, Công ty SJC phát đi cảnh báo về việc xuất hiện các trang fanpage giả mạo công ty, có dấu tích xanh, đăng thông báo cho phép khách hàng đặt lịch mua vàng miếng. Công ty khẳng định không thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua không gian mạng và mọi giao dịch chỉ được thực hiện trực tiếp tại các điểm giao dịch chính thức.

Khách hàng được khuyến cáo không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng cho các trang không chính thức.

Biểu giá vàng ngày 21/4 (Ảnh: Mỹ Tâm).

Chuyên gia: Khả năng giá vàng sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn 

Về diễn biến giá, các chuyên gia trong nước nhận định thị trường vàng trong nước đang chịu sức ép điều chỉnh. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nêu các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ có động thái cụ thể nhằm ổn định thị trường, đưa giá vàng về mức hợp lý hơn.

Ông nhận định khi các biện pháp thanh tra, kiểm tra được triển khai mạnh mẽ, khả năng sẽ xuất hiện một đợt điều chỉnh giá trong ngắn hạn.

Tính đến ngày 21/4, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vào khoảng 10-11 triệu đồng/lượng. Trong những ngày trước đó, khi giá vàng lập đỉnh 120 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch từng lên đến 13-14 triệu đồng/lượng.

Việc người dân tiếp tục tìm cách mua vàng bất chấp giá cao cho thấy tâm lý đầu cơ và tích trữ vẫn còn lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và sự vào cuộc của cơ quan quản lý, thị trường vàng trong nước có thể sẽ biến động đáng kể trong thời gian tới.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!