Sử dụng BHYT mà vi phạm điều này bị phạt tiền rất cao và có thể phạt tù tới 2 năm, ai cũng có thể mắc phải
Gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) đang được đề xuất tăng mức xử phạt tài chính, thậm chí có thể bị phạt tù, cải tạo không giam giữ.
Ngày 7/5/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Sử dụng BHYT mà vi phạm điều này bị phạt tiền rất cao và có thể phạt tù tới 2 năm, ai cũng có thể mắc phải". Nội dung như sau:
Bộ Tư Pháp mới đây công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi. Trong đó có nhiều điều chỉnh liên quan tới các hành vi gian lận bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.... Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới, những quy định mới này sẽ tăng mạnh mức xử phạt, nhằm răn đe và phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
1. Tăng mạnh mức phạt tiền với hành vi gian lận bảo hiểm
Dự thảo mới tập trung sửa đổi các điều 214, 215 và 216, đề cập đến các tội danh liên quan đến việc gian lận, trốn đóng các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm y tế (BHYT).
Tại Điều 214, quy định về tội gian lận BHXH, BHTN, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng mức tiền vi phạm tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, hành vi chiếm đoạt từ 20 triệu đồng trở lên (hiện tại là 10 triệu đồng) hoặc gây thiệt hại từ 40 triệu đồng (hiện tại là 20 triệu đồng) sẽ bị xử lý hình sự. Những hành vi vi phạm phổ biến bao gồm việc lập hồ sơ giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, cung cấp tài liệu gian dối để hưởng chế độ bảo hiểm không đúng quy định.
Ngoài ra, mức phạt tiền tối thiểu cho các hành vi gian lận BHXH và BHTN cũng được đề xuất nâng từ 20 triệu đồng lên 40 triệu đồng.
Đối với các hành vi có tính chất tổ chức, chuyên nghiệp, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như chiếm đoạt từ 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 400 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị phạt 200 - 400 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Mức phạt này tăng gấp đôi so với quy định hiện hành, nhằm đảm bảo tính răn đe và công bằng trong xử lý hành vi vi phạm.

2. Mức xử phạt cao hơn với gian lận bảo hiểm y tế (BHYT)
Tại Điều 215, tội gian lận bảo hiểm y tế cũng được quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn. Cụ thể, hành vi chiếm đoạt từ 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 40 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (hiện quy định là 10 và 20 triệu đồng). Mức phạt tiền với hành vi này được đề xuất nâng lên tối thiểu 40 triệu đồng, trong khi theo quy định hiện hành chỉ là 20 triệu đồng.
Người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tùy theo mức độ vi phạm. Những hành vi bị xử lý hình sự bao gồm:
Lập hồ sơ bệnh án khống;
Kê đơn thuốc không đúng thực tế;
Tăng số lượng thuốc, vật tư y tế, chi phí giường bệnh... không đúng với dịch vụ thực tế sử dụng;
Giả mạo thẻ bảo hiểm y tế, sử dụng thẻ BHYT không hợp pháp.
Đây là các hình thức gian lận tinh vi, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách bảo hiểm và làm suy giảm lòng tin của người dân vào hệ thống an sinh xã hội.
3. Phạt nặng hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động
Điều 216 của dự thảo đề cập đến tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, trong đó cơ quan soạn thảo giữ nguyên bản chất hành vi nhưng nâng mức vi phạm tối thiểu từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng để bị xử lý hình sự.
Về mức xử phạt tiền, dự thảo đề xuất phạt từ 400 triệu đồng gấp đôi quy định hiện hành.
Đặc biệt, với pháp nhân thương mại, mức phạt đề xuất từ 400 triệu đồng đến 6 tỷ đồng, phản ánh sự nghiêm khắc trong việc xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của người làm công ăn lương.
Trước đó, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Lưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ BHYT để tránh bị phạt tiền". Nội dung cụ thể như sau:
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, thẻ BHYT được cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ.
Luật hiện hành cũng quy định 3 trường hợp bị thu hồi thẻ bảo hiểm y tế gồm: Gian lận trong việc cấp thẻ BHYT; Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia BHYT; Cấp trùng thẻ BHYT.
Thẻ BHYT bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác. Người có thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Hành vi cho mượn thẻ BHYT là trái quy định của pháp luật. Theo quy định hiện nay, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh sẽ bị phạt tiền:
- 1-2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT
- 3-5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT; Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT.
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 1/7/2025, thẻ bảo hiểm y tế có mã số BHYT được cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế. Thẻ BHYT được cấp bằng bản điện tử, bản giấy và có giá trị pháp lý như nhau. Mỗi người chỉ được cấp một mã số bảo hiểm y tế.
Bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết cơ quan này đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (dự kiến thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2025), trong đó bổ sung quy định về thu hồi, tạm khóa giá trị sử dụng thẻ BHYT điện tử.
Theo đó, thẻ BHYT điện tử bị thu hồi đối với thẻ đã cấp không thuộc đối tượng tham gia BHYT; phát hiện hành vi gian lận trong việc cấp thẻ BHYT điện tử.
Thẻ điện tử bị tạm khóa giá trị sử dụng nếu sử dụng thẻ của người khác để đi khám chữa bệnh BHYT; có hành vi gian lận, giả mạo, vi phạm pháp luật trong việc sử dụng thẻ BHYT.
Khi phát hiện các hành vi nêu trên, người tham gia BHYT hoặc cơ sở khám chữa bệnh thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội để đề nghị tạm khóa giá trị sử dụng của thẻ BHYT.
Khi thu hồi, tạm khóa giá trị sử dụng thẻ BHYT, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thông báo cho người tham gia BHYT được biết.
Thẻ BHYT điện tử bị tạm khóa giá trị sử dụng được mở khóa sau khi người có thẻ cho người khác sử dụng bị xử lý theo quy định của pháp luật, hoặc được xác minh không có hành vi gian lận, giả mạo, vi phạm pháp luật.
Ngày 26/3, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 168/BHXH-QLT trong đó yêu cầu BHXH các khu vực và BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng phôi thẻ BHYT cũ đến hết ngày 31/5/2025.
Từ ngày 1/6/2025, đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, yêu cầu cán bộ BHXH trực tiếp hướng dẫn người tham gia cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID), ứng dụng định danh điện tử (VneID) và hướng dẫn sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VneID; căn cước công dân (CCCD) có gắn chip để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT bản giấy.
Chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VneID và không có CCCD có gắn chip.