Người phụ nữ đang nấu ăn bất ngờ ngã gục, chỉ vài chục giây ngắn ngủi khiến nhiều người nhận ra đột quỵ đáng sợ thế nào

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Mới đây, đoạn clip ngắn ghi lại khoảnh khắc một người phụ nữ đang nấu ăn trong bếp thì bất ngờ có những biểu hiện bất thường, sau đó ngã quỵ xuống sàn, đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Ngày 10/4/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Người phụ nữ đang nấu ăn bất ngờ ngã gục, chỉ vài chục giây ngắn ngủi khiến nhiều người nhận ra đột quỵ đáng sợ thế nào". Nội dung như sau:

Theo nội dung đoạn video được chia sẻ, người phụ nữ đang đứng trước bếp, chuẩn bị món ăn như bình thường. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau đó, cô bắt đầu lảo đảo, không thể điều khiển chân tay, miệng nói lắp và ngọng bất thường. Chỉ vừa loạng choạng di chuyển ra xa bàn một lúc, cô đã ngã lăn xuống sàn nhà.

May mắn thời điểm đó vẫn có người khác ở cùng trong căn nhà, chứng kiến sự việc và lập tức hô hoán để gọi người giúp đỡ. Hiện vẫn chưa rõ tình trạng sức khỏe cụ thể của nạn nhân, nhưng nhiều người cho rằng nếu không được cấp cứu kịp thời, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng đây chính là những biểu hiện của đột quỵ.

Sự việc đã nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt bình luận từ cộng đồng mạng. Phần lớn đều thể hiện sự lo lắng và chia sẻ kiến thức phòng ngừa đột quỵ:

“Xem mà lạnh cả sống lưng. Mọi người trong nhà nên học cách sơ cứu và gọi cấp cứu kịp thời.” – Tài khoản T.H viết.

“Mình từng chứng kiến bác hàng xóm bị y chang vậy, may mà gọi 115 kịp. Ai cũng nên học nhận biết dấu hiệu đột quỵ.” – Một cư dân mạng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.

“Hy vọng người phụ nữ trong video được cứu kịp thời và không để lại di chứng nặng nề.” – Một bình luận nhận được nhiều lượt thích.

Qua sự việc trên, nhiều người cho rằng đây là lời nhắc nhở quan trọng về việc theo dõi sức khỏe cá nhân, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc những người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Bên cạnh đó, mỗi người trong gia đình cũng nên trang bị kiến thức cơ bản về nhận diện và sơ cứu đột quỵ, để xử lý kịp thời trong những tình huống khẩn cấp.

Đột quỵ là gì?

Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần não bộ bị gián đoạn hoặc giảm đi đáng kể. Hậu quả là các tế bào não được nuôi dưỡng bởi mạch máu tắc nghẽn bị chết dần, dẫn đến mất chức năng thần kinh, biểu hiện bằng dấu hiệu như nói ngọng, méo miệng, liệt tay chân cùng bên….

Khi tắc nghẽn mạch máu lớn, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn, có thể dẫn đến hiện tượng phù não, gây ảnh hường đến ý thức như chậm chạp, hôn mê. Nặng hơn, gây thoát vị não, chèn ép vùng thân não, gây rối loạn hô hấp, tim mạch và có thể gây tử vong.

Có hai loại đột quỵ chính:

- Đột quỵ thiếu máu não

Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có sự xuất hiện của một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong mạch máu, làm tắc nghẽn dòng chảy của máu đến não.

- Đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, máu chảy vào mô não và gây tổn thương các tế bào não. Nguyên nhân đột quỵ xuất huyết não chủ yếu là do tăng huyết áp và phình động mạch. Có hai loại đột quỵ xuất huyết não chính là: Xuất huyết trong não và xuất huyết dưới màng nhện.

Đột quỵ thường bắt đầu bằng triệu chứng FAST: Yếu nửa người, méo miệng, nói ngọng và thường không gây tử vong ngay trong những giờ đầu tiên. Tuy nhiên, thời gian vàng của não là trong khoảng 4,5 đến 6 giờ đầu tiên tính từ khi bắt đầu có triệu chứng, cần đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để được làm can thiệp như tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối trong đột quỵ thiếu máu não…

Dấu hiệu của đột quỵ (Ảnh: Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai)

Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?

Đột quỵ là hậu quả của các nguyên nhân khiến dòng máu lưu thông đến não bị giảm hoặc tắc nghẽn. Kết quả là tình trạng thiếu máu cục bộ và tổn thương tế bào thần kinh không có khả năng phục hồi.

Yếu tố nguy cơ

- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: tuổi tác, giới tính, chủng tộc, di truyền, loạn sản xơ cơ, tiền sử đau nửa đầu migraine.

- Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi gồm: huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, rối loạn lipid máu, thiếu máu não thoáng qua, hẹp động mạch cảnh, tăng homocysteine máu, lối sống, béo phì, dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh, hồng cầu hình liềm.

Những điều nên và không với người đột quỵ

Nên

- Cho người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê đầu cao 30 độ, nghiêng về một bên

- Nếu người bệnh tỉnh táo, nhanh chóng ghi lại thời gian khởi phát và thuốc men đang dùng nếu có; gọi xe cấp cứu hoặc phối hợp người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viên có trung tâm đột quỵ gần nhất

- Chú ý vận chuyển người bệnh bằng xe có giường nằm hoặc tối thiểu là xe taxi để cho bệnh nhân nằm

- Nếu người bệnh bất tỉnh, không có nhịp tim, không có nhịp thở cần tiến hành ép tim và gọi hỗ trợ ngay lập tức.

Không nên

- Không tự ý cho người bệnh uống thuốc hoặc ăn uống bất cứ loại gì.

- Không xoa dầu nóng, cạo gió hoặc chích máu đầu ngón tay.

- Không di chuyển người bệnh bằng xe máy do việc dựng người bệnh ngồi dậy, rung lắc trong lúc đi xe có thể làm huyết áp tăng vọt và chân bị liệt cọ xuống đường gây chấn thương.

Biện pháp phòng ngừa đột quỵ

Phòng ngừa đột quỵ là một quá trình liên tục và toàn diện của biện pháp được đưa ra dựa trên các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như:

Kiểm soát huyết áp

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm ít muối.

- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo bão hòa.

- Tiêu thụ không quá 1.500 - 2.300 mg muối/ ngày.

- Dành tối thiểu 30 phút/ngày để thực hiện các bài tập vận động vừa sức như chạy bộ, đi bộ, đạp xe, bơi lội,...

- Kiểm tra huyết áp định kỳ để theo dõi sự biến động bất thường. Trong trường hợp cần thiết hãy điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá là một quá trình tương đối khó khăn, đòi hỏi quyết tâm và sự kiên trì. Để đạt được mục tiêu này, bạn có thể áp dụng lộ trình sau:

- Xác định ngày cụ thể để bắt đầu ngừng hút thuốc và chuẩn bị tinh thần.

- Có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như kẹo cao su nicotine, miếng dán nicotine hoặc các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Tham gia vào các chương trình hỗ trợ cai thuốc lá để có thêm động lực và được hướng dẫn cách cai thuốc hiệu quả.

Ngoài ra, nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày để duy trì cân nặng ổn định, giúp giảm áp lực lên tim và mạch máu, nhờ đó giảm nguy cơ đột quỵ. Thực hiện các phương pháp như yoga, thiền hoặc tham gia các hoạt động giải trí yêu thích để thư giãn, giảm stress, giảm nguy cơ đột quỵ.

Trước đó, báo Gia đình & Xã hội cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Đang đun bếp lúc sáng sớm, người phụ nữ 49 tuổi bất ngờ bị đột quỵ". Cụ thể như sau:

Ngày 19/3, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa qua, các bác sĩ đơn vị đã cấp cứu thành công cho một trường hợp bị đột quỵ được đưa đến viện trong "giờ vàng".

Theo đó, khoảng 4h30 sáng, bệnh nhân nữ N.T.Đ (49 tuổi, ở Vĩnh Phúc) được người nhà phát hiện đang ngồi gục ở bếp, lơ mơ, liệt nửa người bên trái. Nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm, gia đình đã gọi điện ngay đến Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để được hỗ trợ, đồng thời nhanh chóng đưa người bệnh đến viện cấp cứu.

Hình ảnh cho thấy người bệnh bị nhồi máu não và huyết khối được lấy ra từ mạch máu não người bệnh. Ảnh: BVCC.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ (G13 điểm), nói khó, quay đầu và mắt sang phải, liệt mặt trái, liệt hoàn toàn nửa người trái (cơ lực 0/5), NIHSS 15 điểm. Ngay lập tức người bệnh đưa lên phòng can thiệp mạch cấp cứu can thiệp lấy huyết khối. 

Chỉ trong vòng 15 phút can thiệp, ekip đã lấy ra "thủ phạm" gây tắc mạch là 2 mảnh huyết khối, giúp tái thông hoàn toàn mạch máu não cho người bệnh.

Trong quá trình can thiệp, phát hiện tổn thương do lóc tách động mạch cảnh trong phải nên các bác sĩ tiếp tục đặt Stent mạch cảnh cho người bệnh. Ca can thiệp khó khăn do phải thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật chuyên sâu: Lấy huyết khối động mạch não giữa và đặt Stent động mạch cảnh.

May mắn, ngay sau khi can thiệp, người bệnh đã tỉnh hoàn toàn, tình trạng liệt 1/2 người trái đã cải thiện rõ. Chỉ sau 12 giờ can thiệp, người bệnh đã có thể tự ăn uống và sinh hoạt cơ bản. Chưa đầy 24 giờ sau, người bệnh đã nói rõ tiếng, có thể đứng dậy và đi lại khi có người đỡ. Chỉ số cơ lực trái phục hồi 5/5, NIHSS giảm xuống 0 điểm. 

Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc can thiệp kịp thời trong điều trị đột quỵ, mang lại hy vọng cho hàng nghìn người bệnh mỗi năm.

Lợi ích của việc cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng

ThS.BS Phan Ngọc Nhu – Trưởng khoa Điều trị bán cấp thần kinh đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trường hợp người bệnh N.T.Đ rất may mắn khi được phát hiện và đưa vào bệnh viện can thiệp kịp thời ở giờ thứ 2 sau đột quỵ (thời gian vàng để can thiệp hiệu quả). Nhờ vậy, người bệnh đã phục hồi tốt, tiên lượng sớm có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Sau 12 giờ can thiệp, người bệnh đã có thể tự xúc ăn. Ảnh: BVCC.

Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ thường được tính trong khoảng từ 3 – 4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng,… Trong một số trường hợp, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ có thể kéo dài đến 24 giờ tính từ khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ. Tuy nhiên, người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt.

"Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng giúp nâng cao cơ hội sống sót cho người bệnh, bởi chỉ cần chậm 1 phút, người bệnh có thể sẽ mất đi gần 2 triệu tế bào não. Các biện pháp can thiệp, điều trị đột quỵ tốt nhất cũng cần được áp dụng phù hợp trong khung giờ này", BS Nhu cho hay. 

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân ngay khi phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh có các dấu hiệu như méo miệng, nói ngọng, yếu tay chân,… cần ngay lập tức gọi cấp cứu và đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên môn về đột quỵ trong thời gian sớm nhất. Mọi sự chậm trễ đều có thể dẫn đến tổn thương não không thể hồi phục.

Ngoài ra, để phòng ngừa đột quỵ, người dân nên kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động và tránh xa thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích…

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!