Jeju Air bị hủy 68.000 vé máy bay một ngày sau tai nạn

Chỉ một ngày sau tai nạn khiến 179 người thiệt mạng, 68.000 lượt đặt chỗ, tương đương lượng khách trên hơn 300 chuyến bay của Jeju Air bị hủy.

Theo báo VnExpress, lượng hủy vé sau tai nạn ngày 29/12 đã khiến hãng hàng không này rơi vào cảnh chật vật.

Yonhap dẫn các nguồn tin trong ngành hàng không Hàn Quốc cho biết, trước lo ngại về an toàn bay sau vụ tai nạn thảm khốc hôm 29/12, lượng hủy tour du lịch và vé máy bay đã tăng đột biến hôm nay.

Đến 13h ngày 30/12 (giờ địa phương) - khoảng một ngày sau sự cố, Jeju Air thông tin có khoảng 68.000 lượt đặt chỗ đã bị hủy, gồm 33.000 chỗ trên chuyến bay nội địa và 34.000 chỗ trên chuyến quốc tế.

Con số này tương đương lượng khách trên hơn 300 chuyến bay của hãng này. Bởi Jeju Air sử dụng đội bay chủ yếu bằng tàu thân hẹp Boeing 737-800 với sức chứa tối đa gần 200 người.

Các công ty lữ hành Hàn Quốc cũng ghi nhận tình trạng tour du lịch bị hủy tăng đột biến. Nhiều đơn vị đã tạm dừng quảng cáo, cũng như các chương trình khuyến mại. "Chúng tôi đã nhận được khoảng 40 yêu cầu hủy tour chỉ trong ngày hôm qua. Tình trạng hủy tăng gấp đôi so với ngày thường và lượng đặt chỗ mới giảm 50%", một công ty du lịch giấu tên cho biết.

Theo Yonhap, ngành du lịch Hàn Quốc đang theo dõi sát sao tình hình. Đồng thời, họ dự đoán thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng thêm khi sự lo lắng của du khách về an toàn hàng không tiếp tục tăng cao. 

Logo Jeju Air trước trụ sở của hãng tại Seoul, Hàn Quốc hôm 29/12. Ảnh: Yonhap

Sáng 29/12, máy bay của hãng hàng không Jeju Air chở 181 hành khách và thành viên phi hành đoàn gặp tai nạn tại sân bay quốc tế Muan, tỉnh Nam Jeolla, cách thủ đô Seoul khoảng 290 km. 179 người trên máy bay đã thiệt mạng.

Trước đó, máy bay này khởi hành từ thủ đô Bangkok (Thái Lan). Theo một số nhân chứng ở khu vực gần sân bay Muan, máy bay có thể va chạm với đàn chim khi sắp hạ cánh. Sau đó, máy bay hủy hạ cánh, tăng ga nhưng không thể lấy lại độ cao, phải bay vòng ở độ cao thấp để tìm cách tiếp đất ở đầu đường băng đối diện.

Ở lần hạ cánh thứ hai, máy bay dường như không thể bung được càng nên phải hạ cánh xuống đường băng bằng bụng. Do không thể kiểm soát được tốc độ, phi cơ này lao khỏi đường băng, đâm vào tường rào rồi bốc cháy.

Đến sáng nay, một tàu bay 737-800 khác của Jeju Air cũng gặp sự cố càng đáp và phải hạ cánh khẩn cấp. Sau đó, hành khách lên chuyến bay khác và tiếp tục hành trình.

Mở cửa phiên giao dịch 30/12, cổ phiếu Jeju Air giảm tới 15,7%, xuống thấp nhất kể từ khi hãng này niêm yết năm 2015. Tuy nhiên, chốt phiên, mức giảm được thu hẹp còn 8,65%. Cổ phiếu AK Holdings - công ty mẹ hãng bay này cũng hạ 12%, thấp nhất 16 năm.

Trước khi sự cố này xảy ra, Jeju Air là hãng bay chi phí thấp (LCC) được khách hàng ưa thích nhất Hàn Quốc nhiều năm liền. Jeju Air hiện cũng đóng vai trò hãng bay giá rẻ được thành lập đầu tiên và lớn nhất Hàn Quốc. Nếu xét toàn thị trường, Jeju lớn thứ nhì chỉ sau hãng hàng không quốc gia Korean Air.

Hãng sở hữu đội bay 42 chiếc, chủ yếu là tàu thân hẹp 737-800 của Boeing. Theo thống kê, bình quân mỗi tàu bay của Jeju Air hoạt động 13,5 giờ một ngày. Mỗi ngày, hãng có trung bình 217 chuyến bay.

Đến quý I/2024, hãng bay giá rẻ này có 3.000 nhân viên. Các sân bay chính của hãng là Gimpo, Incheon (Seoul) và Jeju. Cả năm ngoái, Jeju Air đã vận chuyển 12,3 triệu lượt hành khách và ghi nhận doanh thu khoảng 1,31 tỷ USD. Doanh thu cả năm 2024 ước gần 1,5 tỷ USD.

Xoay quanh sự việc trên, báo Dân Trí cũng đăng tải bài viết: "68.000 vé máy bay bị hủy trong một ngày, Jeju Air rơi vào khủng hoảng", thông tin về tình trạng hiện tại của hãng hàng không này.

Theo đó, Ngay sau vụ tai nạn, rất nhiều hành khách ban đầu có lịch bay với Jeju Air đã vội vã hủy vé.

Theo Jeju Air, số lượng vé bị hủy lên tới khoảng 68.000 trong khoảng thời gian từ 12h sáng ngày 29/12 đến 1h chiều ngày 30/12 (giờ Hàn Quốc). Hầu hết các chuyến bay bị hủy diễn ra sau 9h sáng ngày 29/12 (giờ Hàn Quốc), thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

Trong số 68.000 lượt hủy, có khoảng 33.000 vé cho các chuyến bay nội địa Hàn Quốc và khoảng 35.000 vé các chuyến bay quốc tế. Ngay sau sự cố, Jeju Air đã đóng trang đặt chỗ trên trang web.

Ngay sau vụ tai nạn, rất nhiều hành khách ban đầu có lịch bay với Jeju Air đã vội vã hủy vé (Ảnh: Jeju Air).

Không những vậy, mở cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 30/12, cổ phiếu Jeju Air giảm tới 15,7%, xuống thấp nhất kể từ khi hãng này niêm yết năm 2015. Hiện tại, mức giảm chỉ còn 8,4%. Cổ phiếu AK Holdings - công ty mẹ Jeju Air cũng hạ 12%, thấp nhất 16 năm.

Trước khi sự cố xảy ra, Jeju Air là hãng bay chi phí thấp được khách hàng ưa thích nhất Hàn Quốc nhiều năm liền. Theo Chỉ số hài lòng của khách hàng Quốc gia (NCSI) của Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, 2023 là năm thứ 5 mà Jeju Air đứng vị trí thứ nhất kể từ năm 2018.

Giới chức tài chính Hàn Quốc cho biết tổng mức bồi thường cho các bên liên quan trong tai nạn của hãng hàng không Jeju Air khoảng 1,03 tỷ USD.

Bồi thường bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm sẽ do 5 công ty chi trả, gồm Samsung Fire & Marine Insurance, KB Insurance, DB Insurance, Meritz Fire & Marine Insurance và Hana Insurance. Mức trả cụ thể của từng công ty chưa được xác định.

Trong cuộc họp báo ngày 29/12, ông Song Kyung-hoon, người đứng đầu bộ phận hỗ trợ quản lý tại Jeju Air cho biết hãng bay sẽ cung cấp toàn bộ trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Giới chức Hàn Quốc đã thiết lập một hệ thống rà soát trạng thái bảo hiểm của các hành khách để bảo vệ tối đa nạn nhân trong thảm kịch. Họ cũng đảm bảo 5 công ty bảo hiểm trên bồi thường đầy đủ và kịp thời cho gia đình người đã mất và bị thương.

Các công ty bảo hiểm khẳng định sẽ bồi thường cho gia đình nạn nhân ngay khi xác minh được danh tính. Những người bị thương cũng được nhanh chóng thanh toán chi phí y tế.

Sáng 30/12, máy bay Boeing 737-800 của hãng khởi hành từ sân bay quốc tế Gimpo đến Jeju cũng đã phát hiện ra sự cố với bộ phận càng đáp ngay sau khi cất cánh. Phi hành đoàn đã thông báo cho 161 hành khách trên chuyến bay về lỗi cơ học do sự cố càng đáp, sau đó đã đưa máy bay trở lại sân bay Gimpo.