Đêm nay, Việt Nam đón cực đại mưa sao băng từ 'gã khổng lồ của Oort'

Lyrids là trận mưa sao băng được ghi nhận đầu tiên trên thế giới: Từ năm 687 trước Công Nguyên, bởi các nhà thiên văn Trung Quốc.

Ngày 22/4, báo Người Lao Động đăng tải bài viết "Đêm nay, Việt Nam đón cực đại mưa sao băng từ "gã khổng lồ của Oort"" có nội dung như sau:

Theo trang Time and Date, mưa sao băng Lyrids sẽ đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23-4 theo giờ Việt Nam. Theo góc nhìn từ TP HCM, có thể quan sát khoảng 18 sao băng mỗi giờ trong đêm đỉnh điểm này.

Mưa sao băng Lyrids - Ảnh: YOU CAN SEE THE MILKY WAY

Trước đó, những ngôi sao băng đầu tiên của Lyrids đã rơi rải rác từ ngày 16-4. Sau đêm cực đại, mưa sao băng sẽ yếu dần và bi.ến mấ.t hoàn toàn sau ngày 25-4.

Giai đoạn này không phải là thời điểm lý tưởng để quan sát mưa sao băng, bởi ánh sáng từ "trăng hồng" tháng tư đang tròn dần có thể làm các ngôi sao băng trông mờ nhạt hơn.

Vì vậy, để có thể quan sát rõ ràng nhất, bạn nên để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút, chọn một không gian thoáng đãng và hy vọng thời tiết tốt.

Tên "Lyrids" vốn được đặt theo chòm sao gần điểm phát ra mưa sao băng nhất, vì vậy bạn nên ngước lên bầu trời và tìm kiếm chòm sao Lyra (Thiên Cầm), có hình dáng như một chiếc đàn.

Mưa sao băng sẽ phát ra gần chòm sao Thiên Cầm (Lyra), nơi có ngôi sao Vega rất sáng - Ảnh: NEWS TRIBUNE

Mưa sao băng Lyrids cũng là một trong những trận mưa sao băng có nguồn gốc thú vị nhất.

Theo NASA, dù trông như tuôn ra từ chòm sao Thiên Cầm, Lyrids thực tế có nguồn gốc từ C/1861 G1 Thatcher, một sao chổi khổng lồ được cho là đến từ Đám mây Oort, một cấu trúc vĩ đại đầy những vật thể băng giá ở rìa của hệ Mặt Trời.

Phải mất 415,5 năm để sao chổi C/1861 G1 Thatcher quay quanh mặt trời một vòng. Lần cuối nó đạt tới điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất) là vào năm 1861.

Khi sao chổi quay quanh mặt trời, bụi mà nó phát ra dần lan rộng thành một chiếc đuôi kéo dài xung quanh quỹ đạo. Hàng năm Trái Đất đi qua chiếc đuôi này, khiến mảnh vụn va chạm với bầu khí quyển, tan rã tạo thành những vệt lửa đầy màu sắc trên bầu trời.

Đó chính là cách mưa sao băng Lyrids hình thành.

Lyrids cũng là một trong những trận mưa sao băng lâu đời nhất được biết đến, đã được quan sát suốt 2.700 năm nay. Tư liệu cổ xưa nhất về Lyrids đến từ những ghi chép của người Trung Quốc vào năm 687 trước Công nguyên.

Tiếp đến, báo Tiền Phong đưa tin ngày 22/4 với tựa đề "Vì sao NASA muốn lập múi giờ cho Mặt trăng?". Cụ thể như sau:

Trong bản ghi nhớ công bố ngày 2/4, Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ Mỹ (OSTP) cho biết, các cơ quan liên bang sẽ tiêu chuẩn hóa thời gian trên các thiên thể, với trọng tâm ban đầu là Mặt trăng và các sứ mệnh trong quỹ đạo của Mặt trăng. NASA dự kiến sẽ hoàn thành CLT vào năm 2026.

Theo thuật ngữ thông thường, con người cần một hệ thống đồng bộ hóa thời gian trên Trái đất với thời gian trên Mặt trăng, vì lực hấp dẫn trên Mặt trăng thấp hơn khiến thời gian trên đó di chuyển nhanh hơn một chút so với trên Trái đất – chỉ 58,7 micro giây sau 24 giờ Trái đất.

Nhiều quốc gia đang chạy đua khám phá tiềm năng của Mặt trăng. (Ảnh: Getty)

Đây không phải là khoa học viễn tưởng, dù nó được đưa vào những phim bom tấn Hollywood như Interstellar. Tốc độ thời gian trôi chịu tác động của trọng lực.

Mặc dù nhỏ, nhưng khác biệt về thời gian có thể gây ra vấn đề trong việc đồng bộ hóa các vệ tinh và trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt trăng.

Con người trên Trái đất sử dụng UTC (Giờ phối hợp quốc tế) để đồng bộ hóa các múi giờ trên toàn thế giới. UTC được xác định bởi hơn 400 đồng hồ nguyên tử trong những “phòng thí nghiệm thời gian” ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Đồng hồ nguyên tử sử dụng sự rung động của các nguyên tử để đạt được độ chính xác cực cao trong đo lường thời gian.

Đồng hồ nguyên tử tương tự sẽ được đặt trên Mặt trăng để có thể đo thời gian chính xác.

Dù không đề cập đến múi giờ trên các hành tinh khác, nhưng vào năm 2019, sứ mệnh Đồng hồ nguyên tử không gian sâu (DSAC) của NASA đã thử nghiệm đồng hồ nguyên tử để cải thiện khả năng điều hướng của tàu vũ trụ trong không gian sâu.

Sứ mệnh DSAC được tên lửa Falcon Heavy của SpaceX phóng lên vào ngày 22/6/2019. Tên lửa đã thử nghiệm đồng hồ nguyên tử trên quỹ đạo Trái đất trong 1 năm.

Nhiệm vụ kết thúc thành công vào năm 2021, với đồng hồ nguyên tử trên tàu duy trì thời gian và định vị chính xác.