7 lý do cân nhắc được, mất khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM nêu 7 lý do mà người lao động cần cân nhắc được, mất khi nhận BHXH một lần, tránh 'lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài'.

Báo Thanh Niên đăng tải bài viết "7 lý do cân nhắc được, mất khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần" có nội dung như sau:

Theo BHXH TP.HCM, hiện người lao động nhận BHXH một lần có xu hướng tăng cao nhằm để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ khiến người lao động bị thiệt thòi, nhất là khi họ không còn trong hệ thống BHXH được nhà nước bảo hộ.

Cơ quan BHXH đưa ra 7 lý do mà người lao động cần cân nhắc. Cụ thể:

Thứ nhất, số tiền khi nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, một năm mức đóng bằng 22% x 12 tháng = 2,64 tháng lương.

Trong khi đó, người lao động chỉ nhận được số tiền BHXH một lần tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Thứ hai, thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần không được tính thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ khác.

Thứ ba, người dân mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần.

Thứ tư, người lao động không có lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống khi về già và phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động.

Thứ năm, mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền.

Thứ sáu, mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khoẻ.

Thứ bảy, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời.

Ngoài những lý do trên, người lao động phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng BHXH một lần (12 tháng).

Như Thanh Niên đã thông tin, từ đầu tháng 4.2022 đến nay, nhiều cơ quan BHXH trên địa bàn TP.HCM, nhất là tại các địa phương như TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, H.Hóc Môn, Q.12... xảy ra tình trạng áp lực giải quyết hồ sơ do số lượng người lao động đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần tăng mạnh.

Riêng 3 tháng đầu năm, tỷ lệ người lao động làm hồ sơ nhận Bảo hiểm xã hội một lần tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những lý do chính mà xảy ra tình trạng này chính là vì sau một thời gian dài chịu hệ lụy của dịch Covid-19, người lao động cần khoản tiền trang trải sinh hoạt phí trước mắt.

Tiếp đến, báo Vnexpress thông tin thêm trong bài đăng "Người bắt đầu đóng bảo hiểm từ năm 2025 có thể không được rút một lần". Cụ thể như sau:

Lao động gia nhập hệ thống từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/1/2025) không được rút một lần, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Sau chỉ đạo hôm 24/7 của Thường trực Chính phủ về việc đưa ra nhiều phương án hạn chế rút BHXH một lần, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng hai phương án để trình các cơ quan.

 

Lao động TP HCM chờ làm hồ sơ rút BHXH một lần, tháng 12/2022. Ảnh: Thanh Tùng

 

Phương án một, việc rút BHXH một lần sẽ giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau.

Nhóm đóng BHXH trước khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (trước 1/1/2025) sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia thì được rút một lần. Quy định này kế thừa Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội để lao động được chọn bảo lưu thời gian đóng hoặc rút nếu có nhu cầu. Nếu chọn bảo lưu, lao động sẽ hưởng thêm các quyền lợi.

Nhóm tham gia sau ngày Luật sửa đổi có hiệu lực không được rút BHXH một lần, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá phương án này mang tính bền vững cho lưới an sinh, không ảnh hưởng tới 17,5 triệu người đang tham gia BHXH nên sẽ ít gặp phản ứng. Những năm đầu có thể không giảm được lượng người rút BHXH một lần, nhưng từ năm 2030 trở đi có thể giảm một nửa.

Phương án hai, lao động tham gia BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc, không đóng BHXH tự nguyện nếu có yêu cầu thì được rút một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hệ thống an sinh và hưởng chế độ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tính toán phương án này hài hòa quyền lợi người tham gia với chính sách an sinh lâu dài, tránh gây phản ứng không tốt. Lượt người hưởng có thể không giảm nhiều nhưng vẫn giữ chân được lao động ở lại lưới an sinh. Nếu sau này họ tiếp tục đóng BHXH thì được cộng nối thời gian đóng để hưởng quyền lợi.

Song cơ quan này lo ngại dễ tạo ra tình trạng "hưởng chạy luật", nghĩa là lao động ồ ạt rút một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành.

 

Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.

Gần 91% lao động rút BHXH một lần làm việc trong doanh nghiệp; 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện. Theo cơ quan quản lý, lao động khối tư nhân và FDI chịu áp lực công việc lớn nên thường có tâm lý "nhảy việc". Họ thường chọn nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng BHXH một lần trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ hôm 11/7, dự kiến trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.